SGKVN

Ngữ Văn 7 - Tập 2 - Đọc (trang 77) | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Đọc (trang 77) - Ngữ Văn 7 - Tập 2. Xem chi tiết nội dung bài Đọc (trang 77) và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Ngữ Văn 7 - Tập 2 | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

(trang 77)

TRI THỨC NGỮ VĂN

Cách triển khai ý tưởng và thông tin trong văn bản thông tin 

• Có nhiều cách triển khai ý tưởng và thông tin khác nhau cho một văn bản thông tin. Bên cạnh cách triển khai theo trật tự thời gian và theo quan hệ nhân quả khá quen thuộc, các tác giả cũng thường chọn cách đưa ra liên tiếp nhiều góc nhìn khác nhau về sự vật, hiện tượng để độc giả nhận thấy được tính phức tạp của vấn đề được đề cập. Cũng có khi người viết lần lượt trình bày về từng bộ phận của đối tượng muốn nói đến trước khi đưa ra một thông tin hay quan điểm nhìn nhận thông tin mang tính bao trùm. 

• Việc chọn cách triển khai ý tưởng và thông tin luôn phụ thuộc vào đặc điểm của đối tượng được nói tới, vào mục đích viết và hiệu quả tác động đến người đọc. 

Văn bản giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động

Đây là loại văn bản thuyết minh nói về đặc điểm của một trò chơi hay hoạt động, giúp người đọc có thể tham gia, thưởng thức hay đánh giá về trò chơi, hoạt động ấy một cách thuận lợi. Văn bản thường trình bày chi tiết về cách chơi, cách tổ chức hoạt động (thời gian, địa điểm, số lượng người tham gia, các điều kiện phải đảm bảo,..) bằng những câu ngắn gọn, dễ hiểu, có thể kèm theo các hình vẽ hay bức ảnh mang tính minh hoạ.

Cước chú 

• Cước chú là loại chú thích đặt ở chân trang hoặc cuối văn bản về một từ ngữ khó hiểu hay một nội dung chưa quen với phần lớn độc giả, vốn xuất hiện trong phần chính của trang hoặc của văn bản. Loại chú thích cho biết văn bản hay một số yếu tố của văn bản được lấy từ nguồn nào cũng được gọi là cước chú. 

• Cước chú xuất hiện rất nhiều trong các văn bản thông tin (nhất là văn bản khoa học), văn bản nghị luận và văn bản văn học cổ được đời sau in lại. 

• Nhờ cước chú, người đọc có thêm điều kiện để nắm bắt được một cách chính xác những thông tin, thông điệp, ý nghĩa của văn bản. 

Tài liệu tham khảo 

• Tài liệu tham khảo là những tài liệu mà người tạo lập văn bản tìm đọc và khai thác các thông tin cần thiết, có liên quan tới vấn đề được trình bày trong văn bản. 

• Tài liệu tham khảo thường được ghi sau phần kết thúc của văn bản, có thể có nhiều đơn vị, được đánh số và sắp xếp theo một quy ước thống nhất. 

• Thông qua danh mục tài liệu tham khảo được tác giả ghi lại, người đọc có thể có được những nhận định bước đầu về độ tin cậy của nội dung thông tin trong văn bản hay giá trị chuyên môn, khoa học của văn bản.

(trang 78)

VĂN BẢN ĐỌC

VĂN BẢN 1. Thủy tiên tháng Một, Thô-mát L. Phrít-man (Thomas L. Friedman)

VĂN BẢN 2. Lễ rửa làng của người Lô Lô, Phạm Thùy Dung

VĂN BẢN 3. Bản tin về hoa anh đào, Nguyễn Vĩnh Nguyên

VĂN BẢN 1 (trang 78)

TRƯỚC KHI ĐỌC

1. “Thời tiết bây giờ khó lường thật!” - Đó là lời nhận xét ta vẫn thường nghe. Em có cảm nhận gì về những lo lắng ẩn chứa trong đó?

2. Qua quan sát trực tiếp hoặc qua tìm hiểu các nguồn thông tin, em đã biết được những thay đổi bất thường nào trong nhịp sinh trưởng và tập tính của một số loài sinh vật? Những thay đổi bất thường ấy đã gợi lên trong em cảm nhận, suy nghĩ gì?

ĐỌC VĂN BẢN

Thủy tiên tháng Một

THÔ-MÁT L. PHRÍT-MAN

Theo dõi

Những cách gọi tên khác nhau đối với hiện tượng biến đổi khí hậu trên Trái Đất.

Khi ngày càng có nhiều người phải đối mặt với biến đổi khí hậu thì trong số đó cũng có thêm nhiều người hiểu rằng đó không chỉ là hiện tượng có cái tên nghe khá êm ái là “sự nóng lên của Trái Đất”. “Ô, mọi thứ chỉ hơi nóng lên một chút thôi, có gì không hay đâu – nhất là nếu bạn cũng là người Min-ne-xô-ta(1) (Minnesota) như tôi?”. Không đơn giản thế đâu, nó còn là “sự bất thường của Trái Đất” nữa.

“Sự bất thường của Trái Đất” là cụm từ do Hân-tơ Lo-vin (Hunter Lovins) đặt ra. Ông muốn giải thích với mọi người rằng nhiệt độ trung bình toàn Trái Đất tăng lên (Trái Đất nóng lên) thực sự sẽ dẫn dến các kiểu hiện tượng thời tiết bất thường khác – từ những đợt nóng và hạn hán ở nơi này đến tuyết rơi dày ở nơi kia, và sẽ có bão lớn hơn, lũ lụt nặng nề hơn, mưa to hơn, cháy rừng dữ dội hơn và các loài sinh vật sẽ biến mất. Thời tiết sẽ ngày càng không bình thường. Và đã có hiện tượng đó rồi. Khi những bông hoa thủy tiên vàng trên lối đi từ đường phố vào nhà chúng tôi ở Bơ-the-xđa (Bethesda), bang Me-ri-lân (Maryland), vốn thường nở vào tháng Ba,

 ———————————————————
(1) Min-ne-xô-ta: một tiểu bang của Hoa Kỳ, có biệt danh là Vùng đất của vạn hổ.

(trang 79)

Chú ý

Hiện tượng được nhắc ở đây chứa đựng lời giải thích về nhan đề của văn bản.

nhưng năm nay lại nở từ đầu tháng Một thì đó chính là sự bất thường, giống như một phép thuật xuất hiện từ trong một tập phim Thoai-lai Dôn(1) (Twilight Zone) vậy. Tôi gần như nghĩ rằng khi nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi sẽ thấy Rót Xơ-linh (Rod Serling), người dẫn truyện, đang cắt cỏ trong sân nhà tôi.

Hãy quen với điều đó. Thời tiết có thể sẽ như trong truyện khoa học viễn tưởng, nhưng bản chất khoa học của nó là hoàn toàn có thật. Nhiệt độ trung bình chỉ cần tăng lên một chút là thời tiết đã thay đổi rất nhiều, vì chính chênh lệch nhiệt độ làm hình thành cũng như tạo ra hướng vận động của gió trên bề mặt Trái Đất. Do đó, khi bạn làm thay đổi nhiệt độ trên bề mặt Trái Đất, bạn cũng làm thay đổi hướng gió – và cả tình hình gió mùa trước khi bạn nhận biết được điều đó nữa. Khi Trái Đất nóng hơn, tốc độ bay hơi nước cũng thay đổi – đó là lí do chủ yếu làm xuất hiện những trận mưa bão rất lớn ở nơi này và những đợt nóng khắc nghiệt hơn, hạn hán kéo dài hơn ở nơi khác.

Lũ lớn (tháng 8/2020) ở thượng nguồn sông Trường Giang (Trung Quốc) dâng nước

đến chân tượng Phật khổng lồ 1 200 tuổi. Nguồn: Chai-nơ Niu (China News)

(báo điện tử Thế giới và Việt Nam đăng lại ngày 21/8/2020) 

Theo dõi

Giải thích của tác giả về sự xuất hiện đồng thời hai thái cực của thời tiết.

Tại sao chúng ta lại đồng thời có thời tiết ở cả hai thái cực(2) – ẩm ướt hơn và khô hạn hơn – cùng một lúc?

Nhiệt độ trung bình tăng và cả Trái Đất nóng lên sẽ dẫn tới đất bốc hơi nhiều hơn. Vì thế, những khu vực có khí hậu khô tự nhiên sẽ càng khô hơn. Cùng lúc đó, tốc độ bay hơi của nước tăng – do Trái Đất nóng lên – cũng đưa nhiều hơi nước hơn vào không khí, vì vậy, những khu vực gần diện tích mặt nước rộng, nơi thường có lượng mưa cao sẽ có

———————————————————

(1) Thoai-lai Dôn: chương trình truyền hình viễn tưởng, kinh dị của Mỹ, do Rót Xơ-linh sản xuất (chú thích trong sách Nóng, Phẳng, Chật).

(2) Thái cực: điểm đầu mút của một phía trong sự đối lập với điểm đầu mút của phía kia (nghĩa trong văn bản).

(trang 80)

xu hướng càng ẩm ướt hơn. Chúng ta biết chu kì tuần hoàn của nước có đặc điểm là: hơi ẩm bốc lên sẽ phải rơi xuống, và ở đâu ẩm hơn thì ở đó mưa nhiều hơn. Tổng lượng mưa trên toàn cầu sẽ tăng, và lượng mưa trong môi cơn bão được cho rằng cũng sẽ tăng theo … do đó gây ra mưa lớn hơn, lũ lụt nghiêm trọng hơn. Đó là lí do tại sao cụm từ “sự nóng lên của Trái Đất” vẫn là nhẹ nhàng, chưa mô tả đầy đủ mối đe doạ lớn lao tiềm ẩn.

Suy luận

Tại sao có thể cho rằng người ta đã nhầm lẫn khi dùng thuật ngữ sự nóng lên của Trái Đất?

Như Giôn Hộ-đơ-rơn (John Holdren) nói: “Thuật ngữ quen thuộc “sự nóng lên của Trái Đất” là một sự nhầm lẫn. Nó gợi lên một cái gì đó đồng nhất(1), từ từ xảy ra, chủ yếu muốn nhắc đến nhiệt độ, và hiện tượng đó hoàn toàn có thể không gây ra vấn đề gì. Nhưng thực tế khí hậu Trái Đất đang diễn ra khác hẳn. Nó không giống nhau trên các vùng địa lí. Nó nhanh hơn so với tốc độ biến đổi khí hậu tự nhiên trước kia, đồng thời nhanh hơn khoảng thời gian để hệ sinh thái và xã hội loài người có thể điều chỉnh. Nó đang tác động lên một loạt các hiện tượng khí hậu đặc biệt quan trọng khác, ngoài nhiệt độ còn có lượng mưa, độ ẩm không khí, độ ẩm của đất, sự lưu chuyển không khí, bão, tuyết và diện tích mặt băng, dòng hải lưu(2) và hiện tượng “nước trồi”(3). Và rõ ràng ảnh hưởng của nó lên đời sống con người đang và sẽ mang tính tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Có một cái tên khác chính xác hơn, mặc dù nghe nặng nề hơn “sự nóng lên của Trái Đất”, đó là “sự rối loạn khí hậu toàn cầu””.

Hạn mặn khốc liệt ở Đồng bằng sông Cửu Long đầu năm 2020,

ảnh của Quốc Trung, báo điện tử Đại đoàn kết, ngày 24 /02/2020

Trang CNN.com (ngày 07/8/2007) giới thiệu một báo cáo do Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc công bố, nội dung về các hiện tượng thời tiết dữ dội trong năm mà trước kia chưa từng xảy ra. Có thể đặt tên báo cáo đó là “Sự bất thường của Trái Đất năm 2007”:

———————————————————

(1) Đồng nhất: cùng một loại.

(2) Hải lưu: dòng chảy tạo nên do sự chuyển dịch của các phân tử nước từ nơi này đến nơi khác trên biển và đại dương.

(3) Hiện tượng “nước trồi” (tiếng Anh upwelling): nước ở tầng sâu và đáy, thường lạnh và giàu dinh dưỡng, được đẩy lên bề mặt đại dương (chú thích trong sách Nóng, Phẳng, Chật).

(trang 81)

Theo dõi

Cách trình bày đoạn trích dẫn dài lấy từ một nguồn tài liệu tham khảo có liên quan tới vấn đề đang bàn.

Bốn đợt gió mùa, nhiều gấp đôi mọi năm, đã gây ra lũ lụt nặng nề ở Ấn Độ, Pa-ki-xtan (Pakistan) và Băng-la-đét (Bangladesh),... Anh và xứ U-ên (Wales) cũng trải qua khoảng thời gian từ tháng Năm đến tháng Bảy mưa nhiều chưa từng thấy kể từ mức kỉ lục năm 1766. Đến cuối tháng Bảy, nước sông dâng cao đe doạ tràn lên hai bờ... Cuối tháng trước, ở Xu-đăng (Sudan), lũ và mưa lớn đã làm sập 23 000 ngôi nhà xây bằng gạch đất sét, khiến ít nhất 62 người thiệt mạng. Cơn mưa này to bất thường và diễn ra sớm hơn so với mọi năm... Vào tháng Năm, những đợt sóng lớn, cao đến 4,6 m đã tràn qua 68 hòn đảo của Man-đi-vơ (Maldives), gây ra lũ lụt và thiệt hại nghiêm trọng... Cũng vào tháng Năm, khắp nước Nga phải chịu một đợt nóng kéo dài... Đông nam châu Âu cũng không thoát được thời tiết bất thường, với nhiệt độ nóng kỉ lục vào tháng Sáu và tháng Bảy... Nhiều nơi ở Nam Mỹ lại phải chịu một mùa đông lạnh khác thường đối với vùng phía nam, gây ra gió, bão tuyết và tuyết rơi vốn hiếm xảy ra. Vào tháng Bảy, nhiệt độ xuống tới –22°C ở Ác-hen-ti-na (Argentina), –18°C ở Chi-lê (Chile). Tháng Sáu, Nam Phi trải qua một đợt tuyết lớn nhất kể từ năm 1981, ở một vài vùng tuyết rơi dày đến 25 cm trên mặt đất...

Liên hệ

Hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra thế nào trong thời điểm hiện nay?

Xu hướng các hiện tượng thời tiết vốn cực đoan(1) càng cực đoan hơn vẫn tiếp tục cho đến tận mùa hè năm 2008. Những cơn mưa lớn chưa từng thấy ở bang Ai-o-oa (Iowa) khiến sông Xi-đa (Cedar) tràn bờ và trung tâm thành phố Xi-đa Ra-pít (Cedar Rapids) bị lụt. Mực nước sông cao hơn mặt nước biển đến 9,1 m, cao chưa từng thấy và không ai có thể nghĩ nước lên đến mức ấy. Báo Niu Oóc Thai-mơ (New York Times) (ngày 13/6/2008) có một câu mô tả chính xác tình trạng bất thường của Trái Đất mà người Ai-o-oa hẳn đang cảm thấy: “Giép Doóc (Jeff Zogg), nhà thuỷ văn học đang làm việc cho Trung tâm Thời tiết ở Đa-vin-pót (Davenport), Ai-o-oa nói: “Thường khi bạn chỉ có thể vượt qua mức cũ 2,5 đến 5 cm. Nhưng hơn kỉ lục cũ tận 1,8m thì quá sức ngạc nhiên””.

(Thô-mát L. Phrít-man, Nóng, Phẳng, Chật, Nguyễn Hằng dịch, NXB Trẻ,

Thành phố Hồ Chí Minh, 2016, tr. 179 - 181)

———————————————————

(1) Cực đoan: tình trạng lệch hẳn về một phía gây nhiều lo ngại, đối lập với sự hài hòa thông thường (nghĩa trong văn bản).

(trang 82)

SAU KHI ĐỌC

• Thô-mát L. Phrít-man sinh năm 1953, là nhà báo người Mỹ, phụ trách viên một các vấn đề quốc tế của báo Niu Oóc Thai-mơ. Ông đã ba lần được trao giải Pu-lít-dơ (Pulitzer).  Các tác phẩm nổi tiếng: Chiếc xe Lếch-xớt (Lexus) và cây ôliu (1999); Thế giới phẳng (2005 - 2007); Nóng, Phẳng, Chật (2008);...

• Nóng, Phẳng, Chật nói về những thách thức lớn nhất mà hiện nay nước Mỹ đang đối mặt: khủng hoảng môi trường toàn cầu và việc đánh mất vị thế của quốc gia dẫn đầu. Thủy tiên tháng Một là một bài nằm trong mục 5 (Sự bất thường của trái đất) thuộc phần 2 (Tại sao chúng ta lại ở đây) của cuốn sách.

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Hãy chọn trong văn bản một cụm từ có thể khái quát được nội dung chính của vấn đề mà tác giả muốn trao đổi.

2. Nhan đề của văn bản đã gợi cho em những ấn tượng, suy nghĩ gì? Chi tiết hoa thủy tiên nở đầu tháng Một có thể được xem là một chi tiết "đắt" hay không? Vì sao?

3. Sự bất thường của Trái Đất đã được tác giả làm sáng tỏ qua những bằng chứng nào? Dựa vào trải nghiệm riêng của em, hãy bổ sung bằng chứng cho vấn đề này.

4. Theo em, trong văn bản, đoạn văn nào thể hiện rõ mối quan hệ nhân quả giữa các sự kiện thuộc loại sự biến đổi cực đoan của thời tiết? Cho biết vì sao em xác định như vậy.

5. Em hãy chỉ ra những dấu hiệu chứng tỏ khi viết văn bản này, tác giả đã sử dụng nhiều tài liệu tham khảo cần thiết.

6. Tác giả đã đưa vào văn bản rất nhiều số liệu. Đó là những số liệu nào? Việc dẫn số liệu như vậy có ý nghĩa gì?

7. Nêu lên điều có ý nghĩa nhất mà em thu nhận được sau khi đọc văn bản này.

VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

Hãy viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) trình bày hiểu biết và suy nghĩ của em về tác động của biến đổi khí hậu ở vùng miền em đang sống.

(trang 83)

Thực hành tiếng Việt (trang 83)

Cách ghi cước chú

• Đánh dấu từ ngữ, nội dung cần cước chủ bằng chữ số hoặc dầu hoa thị.

• Ở chân trang hoặc cuối văn bản, lần lượt chủ thích về tùng từ ngữ hay nội dung đã được đánh dấu để tạo thành một cước chủ hoàn chỉnh gồm các thành phần: kí hiệu đánh dấu đối tượng; dấu hai chấm; nội dung giải thích.

CƯỚC CHÚ

1. Kẻ bảng sau vào vở. Ghi những từ ngữ, nội dung có cước chú trong văn bản Thủy tiên tháng Một vào các cột phù hợp.

Từ ngữ được giải thích nghĩa

Đối tượng được cung cấp thông tin về xuất xứ

Sự việc, hiện tượng được miêu tả, giải thích

- Thái cực

...

- Ảnh của Quốc Trung

...

- Min-nét-xô-ta

...

2. Dựa trên quan sát của em về những cước chú trong văn bản Thủy tiên tháng Một, hãy kẻ bảng sau vào vở và điền nội dung cần thiết vào ô trống.

Các thành phần của cước chú

Vị trí đặt cước chú

Nội dung cước chú

Ngôn ngữ của cước chú

- Kí hiệu đánh dấu đối tượng được chú thích

...

- Chân trang

- Giải thích nghĩa của từ ngữ

- Ngắn gọn

3. Theo em, cần có thêm cước chú cho từ ngữ, nội dung nào có trong văn bản đã đọc ở trên? Vì sao?

4. Hãy trình bày về cách ghi cước chú cho một trong những từ ngữ, nội dung được đề nghị ở bài tập 3.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Thao tác trích dẫn tài liệu tham khảo

• Đặt trong dấu ngoặc kép đoạn trích dẫn nguyên văn một ý kiến, nhận định nào đó.

• Nêu thông tin về họ, tên tác giả của ý kiến, nhận định được trích dẫn (có thể đặt trước hoặc sau đoạn trích dẫn).

• Ghi đầy đủ tiền tài liệu được trích dẫn cũng nói xuất bản, thời gian xuất bản vào vị trí thch hợp (ghi như một cước chú; ghi ngay sau đoạn trích dẫn; ghi phần cuối văn bản trong mục Tài liệu tham khảo).

5. Việc cung cấp thông tin về tài liệu tham khảo đã được Thô-mát L. Phrít-man thực hiện như thế nào trong Thủy tiên tháng Một?

6. Ngoài cách ghi như trong văn bản Thủy tiên tháng Một của tác giả Thô-mát L. Phrít-man, nguồn tài liệu tham khảo đó có thể được trình bày theo cách khác: đặt ở một phần riêng cuối văn bản. Cụ thể như sau:

(trang 84)

Tài liệu tham khảo

1. Tổ chức khí tượng thế giới (07/8/2007), “Trên toàn cầu năm 2007 đang trên đà trở thành một năm thời tiết khắc nghiệt”, https://edition.cnn.com/2007/TECH/science/08/07/weather.extremes/index.html

2. Cri-xtốp-phơ Ma-gơ (Christopher Maag) (13/6/2008), “Ở phía Đông Ai-o-oa, thành phố “sẽ không bao giờ ngập lụt” nằm dưới độ sâu 12 phít(1)”, https://www.nytimes.com.2008/06/13/us/13flood.html

Hãy chỉ ra sự khác biệt giữa hai cách ghi nguồn tài liệu tham khảo nêu trên. Theo tìm hiểu của em, trong hai cách ghi đó, cách nào được sử dụng phổ biến hơn trên sách báo hiện nay?

———————————————————

(1) Phít: đơn vị đo chiều dài, được sử dụng phổ biến ở các nước nói tiếng Anh; 1 phít bằng 30,48 cm.

7. Lập bảng theo mẫu sau để đánh giá tác dụng của việc dẫn thông tin và sử dụng tài liệu tham khảo trong Thủy tiên tháng Một:

STT

Thông tin được viện dẫn và tài liệu tham khảo đã sử dụng

Tác dụng của việc dẫn thông tin và sử dụng tài liệu tham khảo

...

...

...

VĂN BẢN 2 (trang 84)

TRƯỚC KHI ĐỌC

1. Hãy Kể ngắn gọn phong tục thể hiện nếp sống gắn bó với thiên nhiên của người Việt Nam (xưa hoặc nay) mà em được biết.

2. Hẳn em đã từng được nghe giới thiệu về quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động nào đó. Hãy nêu một vài ấn tượng của em xung quanh việc giới thiệu này.

ĐỌC VĂN BẢN

Lễ rửa làng của người Lô Lô

PHẠM THÙY DUNG

Liên hệ

Thời điểm thường được chọn để tổ chức lễ hội trên mọi miền đất nước?

Khi xong xuôi mùa vụ, đồi núi thênh thang, người Lô Lô lại nghĩ tới việc tổ chức lễ rửa làng vào một ngày đẹp trời với những ước vọng tốt lành cho cuộc sống ấm no.

(trang 85)

Chú ý

Cách dẫn dắt người đọc vào thông tin chính của văn bản.

Người Lô Lô là một trong những dân tộc thiểu số có dân số ít nhất tại Việt Nam, cư trú chủ yếu ở tỉnh Hà Giang và Cao Bằng. Tuy nhiên, không vì thế mà đồng bào nơi đây thiếu vắng bề dày văn hoá so với những tộc người đông cư dân. Người Lô Lô thường sống tập trung trong các bản làng cố định nên có tính cộng đồng rất rõ nét. Ngoài những lúc làm lụng vất vả, họ lại quây quần bên nhau để cùng thực hiện những nghi thức cổ truyền hướng về nguồn cội và cùng nhau ước vọng về một đời sống ấm no. Bên cạnh những ngày lễ tiêu biểu như lễ nhảy cây, lễ cầu mưa, lễ thờ thần đá, thì người dân Lô Lô còn có lễ rửa làng rất độc đáo, thú vị.

Theo dõi

Thời điểm diễn ra lễ rửa làng và những việc cần chuẩn bị cho ngày lễ?

Lễ rửa làng có tên gọi là lễ mừng ngô mới, bắt nguồn từ nhận thức của người dân rằng không gian sinh sống của họ phải được “làm sạch”, “tẩy rửa” theo định kì để không còn những bụi bặm, đen đủi, tà ma quấy phá. Theo thông lệ, cứ ba năm một, vào thời điểm tháng 5 hoặc tháng 6 âm lịch, người Lô Lô ngồi lại cùng nhau chọn ngày tổ chức lễ rửa làng, thống nhất việc mời thầy cúng và phân công mọi người sắm sanh đồ lễ. Một ngày trước khi tổ chức lễ rửa làng, người dân chuẩn bị lễ vật gồm thẻ hương, chén nước, giấy trúc và con gà trống. Vào tối ngày hôm trước, thầy cúng sẽ thắp hương rồi đặt giấy trúc và chén nước xuống góc nhà để khấn xin tổ tiên đồng ý cho tổ chức lễ rửa làng. Khi thầy cúng bọc tờ giấy trúc lên chén nước mà nước trong chén không hoặc đổ ra ngoài thì lễ xin rửa làng đã linh nghiệm, báo hiệu việc cúng lễ sẽ thành công. Kết thúc lễ xin, ông thầy đốt tờ giấy trúc để hoàn tất thủ tục cúng.

Ảnh của Kim Dung (đăng kèm bài viết trong tạp chí Di sản (Herittage) tháng 12/2019)

Đoàn người thực hiện lễ cúng vào ngày hôm sau gồm có một thầy cúng chính, một thầy cúng phụ và một số nam giới trong làng đi theo hỗ trợ. Đoàn người sẽ cùng

———————————————————

(1) Định kì: khoảng thời gian tương đối cố định đánh dấu sự lặp lại đều đặn của một loại hoạt động hoặc hiện tượng, sự kiện nào đó.

(2) Linh nghiệm: có hiệu quả, có hiệu lực thấy rõ, như nhờ một tác động lạ lùng, bí ẩn nào đó.

(trang 86)

nhau đi khắp các nhà, suốt các hang cùng ngõ hẻm trong làng bản, vừa đi vừa gõ chiêng trống rộn ràng nhằm đánh thức những điều đẹp đẽ ngủ quên và xua đi những rủi ro ám ảnh. Theo tiếng chiêng trông vang động, tà khí sẽ sợ hãi mà bay xa.

Theo dõi

Sự miêu tả chi tiết các món đồ lễ?

Đồ lễ mang theo đoàn người còn có hai con dê (được cho là có mùi đặc trưng để xua đuổi tà ma), một con gà trống trắng, rượu ngô, hạt ngô, cỏ, kiếm gỗ, kiếm sắt, ba cành lau, ba cành đào, ba cành mận, miếng vải đỏ, đôi sừng trâu và cây tre to. Cây tre dài trước đó đã được đục miệng ở đoạn giữa và đổ đầy đất vào, sau đó cắm hình nhân bằng giấy màu (được cắt theo kiểu đang giơ tay lên van xin, thể hiện cho sự sợ hãi của hồn ma với người dân) rồi cắm hương theo từng hàng dọc ở giữa cây tre giả làm con ngựa.

Theo dõi

Các bên tham dự lễ đã phải làm gì khi những đoàn hành lễ đi quanh làng bản?

Trên hành trình đi quanh làng bản, sẽ có hai người dắt hai con dê. Những người còn lại, người thì vác cây tre giả hình ngựa; người quấy hạt ngô; người xách gà trống trắng cùng các cành đào, mận, lau, vải đỏ,... theo sau thầy cúng đi vào từng nhà dân. [...] Tới nhà nào, gia chủ nơi đó phải chuẩn bị sẵn hình nhân cùng hai bó cửi và hai bó cỏ để ngầm bồi dưỡng công xua đuổi tà ma cho thầy cúng với thái độ cung kính, thành khẩn.

Theo dõi

Tác động tinh thần tích cực của lễ rửa làng?

Chú ý

Những quy định nghiêm ngặt về hoạt động sau ngày lễ chính?

Xong phần lễ, mọi người thấy nhẹ nhõm hơn và tin tưởng vào một tương lai tươi sáng phía trước, làng bản từ nay sẽ phong quang, sạch sẽ và mọi việc sẽ thuận lợi, may mắn. Các cô gái trong bản nhân dịp này diện những bộ váy áo đẹp được thêu thùa cầu kì, trên đầu đội những chiếc khăn điệu đà làm dáng, túm tụm bên nhau vui vẻ nói cười. Các chàng trai phấn khởi lớn giọng chúc tụng nhau chén rượu nồng thơm. Các cụ ông, cụ bà anh ánh nét cười nhìn con cháu vui vầy sum họp. Mọi người hoan hỉ ăn tiệc, uống rượu mừng rồi mới ai về nhà nấy, bắt đầu ba năm yên ổn sinh sống và làm ăn. Sau lễ cúng, phải 9 ngày sau người lạ mới được bước vào làng vì người Lô Lô cho rằng nếu để người lạ đến, tà ma lại sẽ theo vào và như vậy là lễ không thiêng nữa. Nếu chẳng may có người lạ vào làng, người đó phải sửa soạn lễ vật để cúng lại, bù vào lễ cúng đã bị họ làm mất thiêng.

Với những nghi thức độc đáo như trên, lễ rửa làng của đồng bào Lô Lô được coi là tín ngưỡng dân gian và nét đẹp truyền thống góp phần làm giàu có thêm cho bản sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam.

(Theo Phạm Thùy Dung, tạp chí Di sản, tháng 12/2019, tr. 22 - 24)

———————————————————

(1) Hình nhân: hình người bằng giấy, dùng để cúng rồi đốt đi, theo tục lệ mê tín.

(2) Phong quang: quang đãng và sáng sủa.

(trang 87)

SAU KHI ĐỌC

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Nêu những thông tin chính về lễ rửa làng mà em tiếp nhận được từ văn bản (có thể trình bày dưới hình thức một sơ đồ với các phần: thời điểm diễn ra hoạt động; sự chuẩn bị và diễn biến của hoạt động; ý nghĩa của hoạt động;...)

2. Theo em, mục đích của tác giả khi viết văn bản Lễ rửa làng... này là gì? Tác giả đã thực hiện mục đích đó như thế nào?

3. Văn bản nhắc đến nhiều hoạt động diễn ra trong lễ rửa làng của người Lô Lô. Hoạt động nào trong đó phải được thực hiện theo luật lệ, hoạt động nào nằm ngoài luật lệ?

4. Tính cộng đồng của các hoạt động trong ngày lễ đã được tô đậm qua những thông tin cụ thể nào?

5. Qua đọc văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô, em rút ra được kinh nghiệm gì về cách tạo lập loại văn bản giới thiệu về quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động?

VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

Viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) nêu cảm nhận của em về những giá trị sống được bộc lộ qua lễ rửa làng của người Lô Lô.

VĂN BẢN 3 (trang 87)

ĐỌC VĂN BẢN

Bản tin về hoa anh đào

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN(1)

Anh bạn tôi là kí giả(2) ở Đà Lạt.

Nhiều năm viết báo với trách nhiệm và sự dấn thân, anh đã đóng góp nhiều điều cho những việc lớn của thành phố. Nhưng với riêng tôi, điều đáng nể phục ở anh lại không chỉ nằm ở những loạt phong sự điều tra gay cấn, những kí sự đường xa đầy phiêu lưu, những tiếng nói phản biện xã hội từ hiện trường đời sống, mà nơi những bản tin nhỏ về hoa anh đào đều đặn xuất hiện hằng năm khi Đà Lạt giao mùa đông – xuân.

———————————————————

(1) Nguyễn Vĩnh Nguyên năm 1979, quê ở Ninh Thuận, đã xuất bản nhiều cuốn sách viết về Đà Lạt.

(2) Kí giả: người viết báo, nhà báo.

(trang 88)

Bản tin về hoa anh đào thường xuất hiện trên tờ báo T vào đúng cái mùa mà những người yêu Đà Lạt đang phát điên lên vì nhớ núi đồi và cái lạnh tháng Chạp. Có năm, bản tin được viết như một bài thơ, với niềm hứng khởi, hân hoan, loan báo rằng hoa sẽ nở rộ vào tháng tới, trên những con dốc, ngọn đồi A, B, C; có năm, bản tin dự báo hoa sẽ đến muộn và chóng tàn vì thời tiết bất lợi nhưng cũng có năm, bản tin kể lể về một vài gốc anh đào cổ thụ đứng ở góc đường nào đó trong thành phố vừa bị đốn hạ.

Với nhiều người, đó là thứ xa xỉ viễn mơ(1). Bản thân cái bản tin đó cũng có thể tạo cảm giác lạc lõng ngay trên trang báo, giữa cái thời ai cũng mong chờ báo chí đem lại cái thiết thân(2), cái giật gân, cái chạm vào toan tính mưu sinh thường nhật.

Hoa anh đào Đà Lạt

Những độc giả bị “sốc hoa(3)” này sẽ hỏi ngay, một bản tin hoa nở, hoa tàn thì liệu có giải quyết được điều gì [...]?

[...] Tôi đã hình dung cái khó khăn của thuở ban đầu, khi ý tưởng viết một bản tin về hoa vừa đến trong đầu người viết. Rõ ràng ngay lập tức anh sẽ tự hỏi, đó có phải hoặc có nên là một bản tin? Hẳn anh bạn thiết(4) của tôi đã ngồi hàng giờ ở cái quán cà phê quen thuộc dưới bóng một cây anh đào nào đó và ưu tư nhiều lắm, như thể hoàng tử bé với nỗi băn khoăn vô hạn trước một nàng hoa kiều diễm đơn độc trổ gai giữa tinh cầu bé nhỏ, vì chàng không biết làm sao để ngỏ lời với nàng theo

———————————————————

(1) Viễn mơ: mơ mộng, xa thực tế.

(2) Thiết thân: có quan hệ mật thiết về mặt lợi ích đối với bản thân đối tượng được nói đến.

(3) Sốc hoa: ý nói bị bất ngờ lớn trước bản tin về hoa trong bối cảnh cuộc sống có nhiều điều dường như đáng quan tâm hơn (sốc: từ shock trong tiếng Anh được Việt hóa.)

(4) Anh bạn thiết: anh bạn thân thiết.

(trang 88)

cách thế(1) tự nhiên nhất. Trong đầu anh bạn hẳn sẽ rộn ràng như những trang văn của Ăng-toan đơ Xanh-tơ Ê-xu-pe-ri nhưng rồi lại phải trở về thực tại với một quyết định vô cùng táo bạo: phải làm cho hiện thực về hoa đào được chấp nhận bình đẳng với mọi thông tin khác trên đời.

Cuối cùng, anh đã vượt qua những chướng ngại đầu tiên trong tinh thần để mạnh dạn ngồi vào bàn viết, chuyển tải cái cảm nhận đầy tinh tế về thực tại cỏ hoa nơi thành phố mình yêu trở thành một thông điệp giá trị cần chia sẻ với nhiều người.

Bản tin về tình trạng hoa đào mỗi năm một lần, xuất hiện trên tờ báo T, với riêng tôi, là điều vô cùng ý nghĩa. Ý nghĩa trên bình diện tư duy trong nghề báo thì đã rồi, nhưng lớn lao hơn, đó là nó đã truyền đi một lối nghĩ khác, để hiểu rằng hoa cỏ — những nhân vật chính lặng lẽ làm nên nhan sắc Đà Lạt, cái hiện thực về xã hội thiên nhiên đó – cũng cần được truyền thông, nâng niu theo cách thế tự nhiên nhất, nghệ thuật nhất, chứ không nhất thiết thông qua những cuộc vận động rộn ràng nhất thời [...].

Tôi đã nghĩ đến một ngày nào đó, những bản tin về sự rối rắm hỗn loạn của xã hội loài người được giảm thiểu trên các tờ nhật báo chuyên về chính trị xã hội, thay vào đó là thông tin về tình trạng của những loài hoa, những mùa hoa nơi thành phố tôi yêu. Khi đó, tâm hồn con người sẽ được thanh lọc, tốt lành biết mấy.

(Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên, Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách,

NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2015, tr.29 - 31)

SAU KHI ĐỌC

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Theo em, nhan đề Bản tin về hoa anh đào có thể gợi lên ở người đọc những suy đoán gì về nội dung của bài tản văn?

2. Liệt kê những từ ngữ thể hiện trực tiếp ý kiến đánh giá của tác giả đối với các bản tin nhỏ mà người bạn nhà báo đã viết về hoa anh đào. Em nhận xét như thế nào về ý kiến đánh giá đó?

3. Vì sao tác giả lại cho rằng để viết một bản tin về hoa anh đào, người bạn của mình đã phải vượt qua nhiều “khó khăn”, “chướng ngại”? Những “khó khăn”, “chướng ngại” được nêu lên đó cho biết gì về cách sống và thái độ ứng xử với thiên nhiên của con người trong cuộc sống hiện đại?

4. Hãy làm rõ sự đồng điệu về tâm hồn giữa tác giả và nhân vật được nói tới trong bài tản văn.

5. Nêu khái quát thông điệp chính mà Tác giả muốn gửi tới người đọc qua Bản tin về hoa anh đào

6. Nêu suy nghĩ của em về điều Mong muốn mà tác giả thể hiện ở đoạn cuối Bản tin về hoa anh đào.

———————————————————

(1) Cách thế: cách.

(trang 90)

Thực hành tiếng Việt (trang 90)

Cách xác định nhanh nghĩa của những từ có yếu tố Hán Việt

• Khi gặp một từ có các yếu tố Hán Việt thông dụng, trước hết, có thể tách từ đó ra thành các yếu tố riêng biệt để xem xét. Ví dụ: thuyết minh thuyết minh.

• Tiếp đó, tập hợp những từ đã biết có một trong các yếu tố của tử được tách ở trên và xếp chúng vào các nhóm khác nhau. Ví dụ: nhóm có yếu tố thuyết: thuyết phục, thuyết giảng, lý thuyết, diễn thuyết,…; nhóm có yếu tố minh: minh bạch, minh mẫn, tường minh, thanh minh,…

• Dựa vào nghĩa chung của một vài tử đã biết trong mỗi nhóm đã suy ra nghĩa của từng yếu tố, từ đó, bước đầu xác định nghĩa của từ có yếu tố Hán Việt muốn tìm hiểu. Ví dụ: thuyết → có liên quan tới hành động nói; minh → có liên quan tới sự rõ ràng, sáng sủa; thuyết minh → nói rõ ràng ra (về một vấn đề nào đó).

NGHĨA CỦA MỘT SỐ YẾU TỐ HÁN VIỆT THÔNG DỤNG VÀ NGHĨA CỦA NHỮNG TỪ CÓ YẾU TỐ HÁN VIỆT ĐÓ

1. Em hiểu như thế nào về nghĩa của các yếu tố Hán Việt tạo nên từ tín ngưỡng được dùng trong văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô? Theo em, khi chưa có sẵn từ điển trong tay, ta có thể suy đoán nghĩa của các yếu tố đó và nghĩa của từ chứa đựng.

2. Bản sắc, ưu tú, truyền thông là các từ có yếu tố Hán Việt. Lập bảng theo mẫu được gợi ý sau đây để xác định nghĩa của chúng:

Từ cần xác định nghĩa

Những từ khác có yếu tố Hán Việt tương tự

Nghĩa của từng yếu tố

Nghĩa chung của từ

bản sắc

bản

bản chất, bản lĩnh, bản quán, nguyên bản,...

bản:...

bản sắc:...

 

sắc

sắc thái, sắc độ, sắc tố,...

sắc:…

ưu tư

ưu

...

...

...

...

...

...

...

...

...

...

...

...

...

...

...

 

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Ngữ Văn 7 - Tập 2

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Toán 7 - Tập 1

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Toán 7 - Tập 2

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Ngữ Văn 7 - Tập 1

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Ngữ Văn 7 - Tập 2

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Tiếng Anh 7 - Tập 1

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Tiếng Anh 7 - Tập 2

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Vật Lí 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Sinh Học 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Lịch Sử 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Địa Lí 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Công Nghệ 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Âm Nhạc và Mĩ thuật 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Gợi ý cho bạn

mi-thuat-7-887

Mĩ Thuật 7

Sách Lớp 7 Chân Trời Sáng Tạo

giao-duc-cong-dan-6-105

Giáo Dục Công Dân 6

Sách Chân Trời Sáng Tạo Lớp 6

tieng-anh-5-tap-1-1622

Tiếng Anh 5 - Tập 1

Tiếng Anh 5 (Global Success)

vo-bai-tap-toan-1-tap-mot-737

VỞ BÀI TẬP Toán 1 - Tập Một

Môn học lớp 1 - NXB Cánh Diều

giao-duc-kinh-te-va-phap-luat-1165

Giáo dục Kinh Tế và Pháp Luật

Giáo dục Kinh Tế và Pháp Luật lớp 11

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẽ

ok365 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.