(trang 45)
Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến một nhân vật lịch sử mà em biết
Xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của các nhân vật lịch sử có biết bao câu chuyện thú vị. Những câu chuyện đó giúp chúng ta hiểu thêm về cuộc sống và con đường để họ trở thành những người có nhiều đóng góp làm thay đổi cuộc sống của chúng ta và thậm chí thay đổi cả thế giới. Em hãy kể lại một sự việc có thật liên quan đến một nhân vật lịch sử đã để lại cho em những ấn tượng sâu sắc.
Yêu cầu đối với bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến một nhân vật lịch sử:• Giới thiệu được nhân vật và sự việc có thật liên quan đến nhân vật đó. • Kể được sự việc theo một trình tự hợp lí; có sử dụng các yếu tố miêu tả trong khi kể. • Nêu được ý nghĩa của sự việc. • Nêu được suy nghĩ, ấn tượng của người viết về sự việc được kể. |
Phân tích bài tóm tắt tham khảo
Thô-mát Ê-đi-xơn (Thomas Edison)và màn “trình diễn” ánh sáng
Thô-mát Ê-đi-xơn (1847 - 1931) người Mỹ, được đánh giá là một trong những nhà khoa học vĩ đại, có nhiều ý tưởng nhất trong lịch sử. Trong số hơn một nghìn phát minh mang tên ông, nổi tiếng nhất phải kể đến bóng đèn dây tóc. Xung quanh phát minh này có khá nhiều câu chuyện thú vị. Một trong số đó là sự kiện “trình diễn” bóng đèn điện ngoài trời diễn ra vào ngày 31 tháng 12 năm 1879. (trang 46) Trước thời điểm sự kiện này diễn ra, nhân loại còn đang sử dụng đèn thắp bằng khí đốt với ánh sáng yếu ớt và gây mùi rất khó chịu. Đèn điện hồ quang ra đời năm 1860 cũng không đạt được kết quả tối ưu như Ê-đi-xơn mong muốn. Ê-đi-xơn tin tưởng rằng những nghiên cứu về việc học của mình sẽ tạo ra một loại bóng đèn có ánh sáng dịu hơn, an toàn và có tuổi thọ cao hơn bóng đèn hồ quang.
Khi tờ Niu Óoc Hê-ron (New York Herald) viết bài thuật về chiếc bóng đèn điện dây đốt đầu tiên của Ê-đi-xơn vào ngày 21 tháng 12 năm 1879, công chúng đã hồ nghi và thậm chí có người còn khôi hài bảo rằng những chiếc bóng đèn điện đó thực ra chỉ là những chiếc bóng bay được thả lên trời mà thôi. Trước sự nghi ngại đó, Ê-đi-xơn đã quyết định tạo một sân khấu ngoài trời để trình bày phát minh của mình. Ông cho treo hàng trăm bóng đèn điện quanh phòng thí nghiệm, quanh nhà ở và dọc các con đường ở Men-pô Pác (Menlo Park), nơi ông sống. Những chiếc bóng đèn có vỏ ngoài được làm bằng thủy tinh cách nhiệt, bên trong có chứa dây đốt bằng sợi carbon(1), tỏa ra thứ ánh sáng liên tục và dìu dịu đã trở thành một “hiện tượng” đối với công chúng thời bấy giờ. Ngày 31 tháng 12 năm 1879, một chuyến xe lửa đặc biệt chạy xuôi ngược theo tuyến Niu Óoc – Men-pô Pác, chở theo hơn ba nghìn người, trong số đó bao gồm các nhà khoa học, các quan chức địa phương, các nhà kinh tế và cả những người hiếu kì muốn “chiêm ngưỡng” thứ ánh sáng kì lạ đó. Mọi mối nghi ngại của công chúng được xua tan khi họ tận mắt chứng kiến “những quả bóng bay phát sáng” của Ê-đi-xơn. “Màn trình diễn” này ghi dấu mốc quan trọng của công việc phát minh ra đèn điện và phân phối điện của Ê-đi-xơn. Sau sự kiện đó một năm, ông thành lập công ti chiếu sáng mang tên mình và đến năm 1882, trạm phát điện đầu tiên ở Niu Óoc đi vào hoạt động.
Từ phát minh ra chiếc bóng đèn điện đầu tiên của Ê-đi-xơn năm 1879 đến ngày hôm nay, công nghệ chế tạo đèn chiếu sáng đã có những cải tiến vượt bậc từ sợi đốt vonfam(2) đến điốt phát quang(3) trong bóng đèn lét. Nhưng màn “trình diễn” ánh sáng của Ê-đi-xơn đã ghi dấu ấn vô cùng đặc biệt. Con đường được thắp sáng vào những ngày cuối cùng của năm 1879 đó đã mở ra một kỉ nguyên ánh sáng mới, làm thay đổi thế giới. Ánh sáng mà Ê-đi-xơn mang đến cho nhân loại được ví như Mặt Trời thứ hai. (Nhóm biên soạn) |
———————————————————
(1) Sợi carbon: sợi có đường kính 5 - 10 µm với thành phần chủ yếu là các nguyên tử carbon, có khả năng chịu nhiệt cao.
(2) Sợi đốt vonfam: một loại hợp kim được dùng làm dây tóc của bóng đèn, có khả năng chịu nhiệt cao, nhưng tuổi thọ ngắn.
(3) Điôt phát quang: loại linh kiện bán dẫn cho phép dòng điện một chiều đi qua. Điốt phát quang có khả năng phát sáng khi dòng điện đi qua. Đèn điôt phát quang có độ bền cao, bức xạ nhiệt thấp, phát sáng rộng.
(trang 47)
Thực hành viết theo các bước
1. TRƯỚC KHI VIẾT
a. Lựa chọn đề tài:
- Chọn một nhân vật lịch sử là nhà quân sự, nhà chính trị, nhà khoa học, nhà phát minh và nhà văn hóa,… có những câu chuyện đáng nhớ mà em biết. Nhân vật được nói tới có thể là người Việt Nam hoặc người nước ngoài, có những đóng góp to lớn giúp ích cho đất nước hoặc nhân loại. Em cũng có thể chọn một người có tài xuất chúng, sáng tạo ra những sản phẩm có ích cho cộng đồng mà em biết và từng tiếp xúc.
- Chọn một sự việc liên quan đến cuộc sống hay thành tựu, chiến công, của nhân vật mà em thấy thú vị.
Mục đích viết Kể lại sự việc có thật liên quan đến một nhân vật lịch sử để nhiều người cùng biết và truyền cảm hứng cho người đọc. |
Người đọc Thầy cô, bạn bè, những người quan tâm đến cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật. |
b. Tìm ý:
- Sau khi đã chọn được sự việc liên quan đến nhân vật, hãy trả lời các câu hỏi sau để tìm ý:
- Sự việc diễn ra ở đâu, khi nào? Sự việc đó diễn ra như thế nào?
- Sự việc đó có ý nghĩa như thế nào?
- Em có suy nghĩ gì về về sự việc được kể?
c. Lập dàn ý:
Sắp xếp các ý tìm được thành dàn ý như sau:
Dàn ý - Mở bài: + Giới thiệu đôi nét về nhân vật. + Giới thiệu sự việc liên quan đến nhân vật. - Thân bài: + Kể diễn biến của sự việc. Lưu ý sử dụng yếu tố miêu tả. + Nêu ý nghĩa của sự việc. - Kết bài: Nêu suy nghĩ và ấn tượng của người viết về sự việc. |
(trang 48)
2. VIẾT BÀI
Khi viết bài, em cần lưu ý:
- Bám sát dàn ý.
- Lựa chọn từ ngữ phù hợp.
- Lưu ý tính xác thực của các chi tiết có liên quan đến sự việc được kể.
- Các câu, các ý phải đảm bảo tính liên kết về hình thức và mạch lạc về nội dung.
3. CHỈNH SỬA BÀI VIẾT
Rà soát bài viết và chỉnh sửa theo gợi ý sau:
Yêu cầu | Gợi ý chỉnh sửa |
Giới thiệu được nhân vật và sự việc liên quan đến nhân vật. | Đọc lại phần Mở bài để đảm bảo đúng yêu cầu đề ra. |
Cung cấp được thông tin về sự việc mà bài viết nói tới. | Kiểm tra độ xác thực của thông tin và chỉnh sửa nếu có sai sót. |
Trình bày được diễn biến của sự việc. Có sử dụng yếu tố miêu tả trong khi kể. Nêu được ý nghĩa của sự việc được nói tới. | Lưu ý về trình tự của sự việc được kể. Sắp xếp sự việc theo trật tự trước sau. Bổ sung nếu thấy thiếu yếu tố miêu tả và phần nêu ý nghĩa của sự việc. |
Nêu được suy nghĩ, ấn tượng của người viết về sự việc được nói tới. | Đánh dấu những từ ngữ thể hiện suy nghĩ, ấn tượng trước sự việc. Nếu chưa có hoặc chưa đủ thì cần bổ sung. |
Đảm bảo yêu cầu về chính tả, diễn đạt (dùng từ, đặt câu, sử dụng từ ngữ liên kết câu và liên kết đoạn văn,...). | Rà soát lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, liên kết giữa các câu trong đoạn văn, giữa các đoạn văn trong bài viết; chỉnh sửa nếu phát hiện lỗi. |