(trang 73)
Khi đọc văn bản dưới đây, em cần chú ý nhũng vấn đề sau:• Những ý nghĩa phong phú của “hình ảnh” con đường và vai trò của cá nhân trong việc lựa chọn đường đi cho cuộc đời mình. • Mối quan hệ giữa các ý kiến, lí lẽ, bằng chứng trong văn nghị luận. |
(trang 74)
Câu chuyện về con đường
ĐOÀN CÔNG LÊ HUY(1)
Không phải đợi đến lúc ngồi trước bộ hồ sơ thi đại học em mới nghĩ về con đường em đi. Con đường có ý nghĩa sớm hơn em tưởng. Ngay từ khi em còn nằm cuộn tròn trong bụng mẹ, em đã quẫy đạp để khao khát ra đường. Con đường là chứng nhân đợi chờ em lớn lên. Con đường trước ngõ cũng âm thầm mà tha thiết đứng chờ em thả những bước chân chập chững rời “góc sân và khoảng trời”(2) nhà em. Rồi đường ngõ làng tiếp tục chờ em. Đường cái quan(3) chờ em. Giao lộ chờ em, những hải trình dài dằng dặc chờ em, những đường băng quốc tế mênh mông xứ người chờ em. Con đường là vạch xuất phát em rời tay mẹ bước đi và con đường là thước đo chân em dài đi vào tương lai.
Con đường mở ra văn minh nhân loại, là biểu tượng cho sự trưởng thành một của quốc gia. Đường bộ, đường thủy, đường ngầm trong lòng đất, đường trên cao, đường cao tốc, đường siêu tốc,… Từ đi bằng bốn chân, đến đi bằng hai chân, từ đi bằng hai chân, tay (chèo thuyền) đến đi bằng đầu óc, bằng trí tuệ (ô tô, máy bay, tàu vũ trụ…), con người sẽ còn khám phá ra biết bao con đường mới, không một trở lực nào có thể ngăn cản được. Con đường trí tuệ bắt nguồn từ những ngôi trường nơi em đang ngồi học. Những kinh tuyến, vĩ tuyến mới, những nẻo đường ngang dọc mới đang chờ em đó.
———————————————————
(1) Đoàn Công Lê Huy sinh năm 1963, quê ở Thừa Thiên - Huế, tác giả của một số cuốn sách viết cho tuổi học trò như: Một chú bé và một người cha(2016), Những bàn tay vẫy những ngọn đèn ngoan(2016), Yêu xứ sở thương đồng bào (2016), Gửi em mây trắng(2016), Tôi muốn hỏi em: Về sao thế nào? (2018).
(2) Tên một tập thơ của Trần Đăng Khoa.
(3) Đường cái quan: từ dùng thời trước, chỉ đường tương đối rộng, làm trục giao thông chính giữa các địa phương trong nước.
(trang 75)
"Đường và chân là đôi bạn thân". Đó là lời bài hát em hát từ thời mẫu giáo. Đường không có chân sẽ không còn là con đường, là sự hoang vu cỏ dại lấp đầy sau tháng năm. Người không có đường sẽ chẳng đi về đâu cả. Con người và con đường. Đôi bạn này có chung một từ “con”. Sao không là “cái đường” mà là “con đường”? Bởi chúng đều sống động và có linh hồn, chúng đều là những chuyển động có hướng. Đàn thú hoang không cần đường, bầy nhặng xanh không cần đường, chúng chuyển động vô định, vô hướng. Ai cũng có kỷ niệm về “người bạn thân”, có nỗi nhớ về những con đường, về những “lối cũ ta về dường như nhỏ lại”(1) khi ta đã rời xa…
Em biết không, còn có một con đường gắn chặt với số phận mỗi người. Ấy là “đường đời”. Dẫu là anh em, chị em sinh đôi, khuôn mặt giống nhau như hai giọt nước, thì đường đời của từng người vẫn khác nhau. Con đường này vô hình, không thể vẽ ra giấy, không tính được bằng những đơn vị đo thông thường, không tạo nên bằng các vật liệu xây dựng mà người ta thường dùng cho những con đường chúng ta đi lại hằng ngày. Mỗi người phải tự “thi công” đường đời của chính mình, “vật liệu” là sức lực, trí tuệ và ý chí của bản thân. Trên con đường ấy, mỗi trải nghiệm là một bước trưởng thành. Sự nâng đỡ, dìu dắt không bao giờ là yếu tố quyết định thành công. Có bao giờ em tự hỏi: Sau này mình sẽ là ai? Những gì đang chờ đợi mình phía trước? Em không trả lời được cũng như không ai có thể trả lời câu hỏi đó giúp em. Nhưng có một điều chắc chắn, để đi đến đích, em sẽ phải trải qua không ít những thử thách, gian nan. Những lúc như vậy, hãy luôn nhớ rằng: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”(2).
Hai mươi tuổi, chàng thanh niên Lỗ Tấn(3) du học ở Nhật. Ông theo học ngành Y. Tình cờ ông được xem một đoạn phim thời sự, trong đó có cảnh một người Trung Quốc bị người Nhật hành hình, trong lúc những người Trung Quốc khỏe mạnh khác đứng xem, vẻ mặc đần độn, không phản ứng gì. Ông lập tức bỏ học nghề Y năm thứ 2 và chuyển sang viết văn. Bởi ông nhận thấy học chữa bệnh không quan trọng, bởi dân mà còn ngu muội, hèn nhát thì dù thân thể có khỏe mạnh cũng chỉ là nô lệ mà thôi. Từ đó, ông muốn dùng ngòi bút để chữa bệnh tật trong tính cách dân tộc. Chính chàng trai kiệt xuất này là tác giả của câu nói nổi tiếng để khích lệ những người mở đường: “Kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi rồi thành đường thôi”.
(Đoàn Công Lê Huy, Gửi em mây trắng, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2016, tr. 7 - 12,
Đoàn Công Lê Huy chỉnh lí năm 2021)
———————————————————
(1) Lời bài hát Lối cũ ta về của nhạc sĩ Thanh Tùng.
(2) Câu nói nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Bá Học (1857 - 1921).
(3) Lỗ Tấn (1881 - 1936): nhà văn Trung Quốc.