(trang 102)
TRI THỨC NGỮ VĂN
Văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học
• Văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học là một loại văn bản nghị luận, trong đó người viết bàn luận về đặc điểm của một tác phẩm trên các phương diện nội dung, hình thức trong mối quan hệ với tác giả, hoàn cảnh sáng tác, thời đại,... và khái quát giá trị chung của tác phẩm.
• Lí lẽ trong văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học chính là những ý kiến của người viết về đặc điểm nội dung, hình thức của tác phẩm. Bằng chứng trong văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học là những phần (câu, đoạn), những chi tiết được dẫn từ văn bản theo hình thức trích dẫn nguyên văn hoặc lược thuật, tóm tắt lại.
Từ con người có thực ngoài đời đến nhân vật văn học
• Những con người có thực ngoài đời luôn gợi niềm cảm hứng bất tận cho hoạt động sáng tác của nhà văn. Những ấn tượng, cảm xúc, suy ngẫm của nhà văn về cuộc đời được đánh thức từ chính thế giới nhân sinh phong phú đó. Con người trong cuộc đời thực chính là những chất liệu sống động để nhà văn sáng tạo hình tượng nghệ thuật.
• Tác phẩm văn học thường đưa đến cho người đọc cảm giác được gặp những con người có thực. Tuy nhiên, nhân vật văn học vẫn là sản phẩm của sự sáng tạo, hư cấu, chứa đựng trong đó nhiều gợi ý của nhà văn về một cách nhìn nhận, đánh giá đầy tính thẩm mĩ đối với cuộc sống.
• Nhân vật văn học, vì thế, không đồng nhất với con người thực ngoài đời. Cùng với việc nắm được đặc điểm của nhân vật (ngoại hình, ngôn ngữ, hành động, nội tâm,...), người đọc cần phải hiểu định hướng giá trị mà nhà văn muốn thể hiện – tức là điều thực sự có ý nghĩa, chi phối cách nhà văn hư cấu, xây dựng hình tượng trong tác phẩm.
Phương tiện phi ngôn ngữ trong văn bản và văn bản hình ảnh
• Con người sử dụng rất nhiều loại văn bản để trao đổi thông tin: các văn bản thông dụng thường chỉ sử dụng phương tiện ngôn ngữ; một số văn bản sử dụng kết hợp cả phương tiện ngôn ngữ và phương tiện phi ngôn ngữ, nhằm tăng lượng thông tin và hiệu quả tiếp nhận thông tin.
• Đặc biệt, cần kể đến loại văn bản hình ảnh mà phần trọng tâm là các kiểu hình ảnh được sắp xếp, kết hợp để truyền đạt thông tin quan trọng (hình vẽ, sơ đồ, các mảng màu sắc, hình khối,..). Ngôn ngữ chỉ là phương tiện hỗ trợ thêm trong việc truyền đạt thông tin: ghi chú, dẫn giải,...
(trang 103)
THÁCH THỨC ĐẦU TIÊN
Chinh phục những cuốn sách mới
TRƯỚC KHI ĐỌC
1. Hãy bổ sung những cuốn sách mới cho góc đọc sách, thư viện mở của lớp học. Tự làm mới góc đọc sách theo cách mà em và các bạn cảm thấy hứng khởi và thú vị nhất.
2. Cùng thảo luận để xây dựng mục tiêu đọc sách của cá nhân và của nhóm. Trình bày mục tiêu đó và trao đổi để tìm hiểu cách đọc sách hiệu quả trong dự án đọc mới của em và các bạn.
Một số cuốn sách phù hợp với các thể loại và chủ đề em đã học ở lớp 7
CÙNG ĐỌC VÀ TRẢI NGHIỆM
Cuốn sách mới – chân trời mới
1. Từ mục tiêu đọc sách đã xác định, hãy chọn một số cuốn sách văn học, sách khoa học hoặc sách bàn luận về những vấn đề của cuộc sống để tìm hiểu, khám phá những điều bổ ích, thú vị. Việc đọc sách sẽ hiệu quả hơn nếu các em tập trung vào một số đề tài, chủ đề của các bài đã học để chọn sách: Bầu trời tuổi thơ, Khúc nhạc tâm hồn, Cội nguồn yêu thương, Giai điệu đất nước, Màu sắc trăm miền, Bài học cuộc sống, Thế giới viễn tưởng, Trải nghiệm để trưởng thành, Hoà điệu với tự nhiên. Có thể đọc trọn vẹn một số cuốn sách có đoạn trích đã học như: Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi); Tốt-tô-chan bên cửa sổ (Cư-rô-ya-na-gi Tê-sư-cô); Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần); Người thầy đầu tiên (Trin-ghi-đơ Ai-tơ-ma-tốp) hoặc Những bức thư gửi cháu Sam (Đa-ni-ên Cốt-li-ep); Nóng, Phẳng, Chật (Thô-mát L, Phrít-man).
(trang 104)
2. Tập trung vào một hoặc hai cuốn sách mà em thấy hữu ích và thú vị nhất, đọc và ghi chép những thông tin cần thiết để có thể trao đổi với các bạn sau khi đọc. Cùng với những thông tin về tên sách, tác giả, nhà xuất bản hoặc tái bản, em cần chú ý xác định những vấn đề sau:
a. Đề tài: Cuốn sách đề cập phạm vi nào của đời sống?
b. Bố cục và nội dung chính: Cuốn sách có mấy chương, phần? Nội dung chính của từng chương, phần là gì?
c. Nhân vật, sự kiện, bối cảnh nổi bật nào được thể hiện trong cuốn sách?
d. Có những chi tiết nào quan trọng? Những đoạn văn, câu văn nào có thể gợi lên ý nghĩa, vấn đề chính trong cuốn sách?
e. Chủ đề, ý nghĩa, bài học mà em có thể rút ra sau khi đọc cuốn sách là gì?
Đọc cùng nhà phê bình
Sau khi đã đọc những cuốn sách thú vị, em hãy thử hình dung mình trong vai một nhà phê bình để tìm hiểu, bàn luận: điểm nội dung và hình thức của tác phẩm trong mối quan hệ với tác giả, với hoàn cảnh sáng tác, thời đại,… Từ đó, khái quát được giá trị chung của tác phẩm và giới thiệu tác phẩm với bạn đọc khác.
Trong bài 1. Bầu trời tuổi thơ, em đã được gặp gỡ tác giả Võ Quảng qua bài thơ Ngàn Sao làm việc. Võ Quảng còn là một nhà văn được yêu mến, để lại ấn tượng sâu sắc qua những tác phẩm truyện hấp dẫn và cảm động về tuổi thơ, quê hương và cách mạng như Quê nội (bao gồm hai phần: phần 1. Quê nội; phần 2. Tảng sáng). Sau khi tìm đọc tác phẩm này, em hãy đọc văn bản sau của tác giả Trần Thanh Địch(1) để có thể hiểu sâu hơn về giá trị nội dung và nghệ thuật của bộ truyện Quê nội.
Đọc văn bản
Vẻ đẹp giản dị và chân thật của Quê nội (Võ Quảng)(2)Trích Võ Quảng, TRẦN THANH ĐỊCH
Mỗi tác giả có một lối, một món nghề riêng trong cách nhìn, cách nghĩ, cách viết. Tảng sáng cũng như Quê nội là những tập truyện dài gần như không có cốt truyện với nhiều tuyến và nhiều khóm nhân vật hoạt động. Thế mà truyện âm thầm như một mùi hương gây mê, có sức hút hấp dẫn và quyến rũ lạ lùng. ——————————————————— (1) Trần Thanh Địch (1912 - 2007) quê ở Thừa Thiên - Huế, là nhà văn, nhà báo và nhà phê bình, ông có nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi được yêu mến và đánh giá cao như: Đôi tai mèo (1973), Một cần câu (1993),… (2) Nhan đề do người biên soạn đặt. (trang 105)
Nội dung câu chuyện xảy ra trong những khung cảnh quê hương. Một nông thôn miền Trung , tại thôn Hòa Phước, bên con sông Thu Bồn vào những ngày rất mới mẻ – như một buổi tảng sáng – sau Cách mạng tháng Tám thành công. Các nhân vật là những người nông dân bình thường, mấy cô bác kèm luôn theo bên chân mấy chú nhóc hiếu động trong thôn, trong làng, trong xóm, vừa tự xây dựng chính quyền cách mạng địa phương vừa chuẩn bị chống giặc giữ làng. Đây là một sự chuyển mình toàn bộ, thay đổi toàn diện của chế độ xã hội mới, ngấm dần vào từng gia đình vào từng con người, từ già tới trẻ. Nó làm thay đổi hẳn những nếp sống thường ngày từ trước. Thay đổi nếp sống là hết sức phức tạp cho nên trong từng con người thường có những đột biến không thường. Họ thường làm việc hơi quá sức mình một chút. Suốt ngày họ lo đến công việc xã hội hơn là công việc nhà mình. Nông thôn sôi động như một gia đình vừa thức giấc. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng gọi nhau í ới đi tập luyện quân sự. Trong Tảng sáng, những Cụm, Cù Lao, bà Kiến, ông Hai Dĩ, thầy Lê Tảo,… là những con người thật đáng yêu. Mỗi người đều mang một cá tính riêng nhưng lại giống nhau ở sự tích cực làm việc xã hội. Trong đó có một nhân vật xuất hiện tuy không nhiều nhưng thật nổi đình nổi đám. Đó là bà Kiến. Cục và Cù Lao được phân công đến dạy chữ cho bà thì… hóa ra đấy là là một kẻ tiếng Tây, tiếng Tàu, ca dao tục ngữ, hò vè thơ ca Việt Nam thảy điều thông thạo, bà ta thuộc nhớ và đọc chơi vanh vách. Một tuyến nhân vật thứ hai nữa có mặt ít hơn, nhưng vẫn xuất sắc và lí thú không kém các nhân vật trên: chị Ba, anh Bốn Linh, chú Năm Mùi, anh Bảy Hoành, ông Tư Đàm, cô Tuyết Hạnh. Rồi một tuyến nhân vật thứ ba nữa, cũng rất quan trọng và bề thế; đó là anh Trâu Bĩnh và những chú chó từng nhà mà những sinh hoạt của chúng luôn luôn khăng khích bên con người. Trâu Bĩnh là một nhân vật thân thuộc, lung linh, trở đi trở lại qua nhiều tập truyện của tác giả từ Cái thăng. Còn những chú chó thì vô cùng đa dạng, mỗi con một tính, mỗi đứa một nết, mỗi Vằn, Vện một thái độ. Chúng càng nổi rõ tính tình hoặc phong cách ra trong những lúc giận dữ, sợ sệt hay an phận thủ thường.
Quê nội và Tảng sáng được viết theo lối tự sự qua vai “tôi”. Vai “tôi” trong tiểu thuyết thường có những thế mạnh, tưởng như bộc tuệch gửi gắm trong cả “tấm lòng” tác giả. Vai “tôi” dễ có điều kiện thủ thỉ dẫn dắt bạn đọc đi vào những suy nghĩ thầm kín của nhân vật – và từ đó, đẩy ống kính vào cận cảnh các “nhân vật vệ tinh” khác của mình. Tuy nhiên vai “tôi” cũng bị khá nhiều (trang 106) nhược điểm, mà nhược điểm lớn nhất là không nhìn được xa, không nói được nội tâm, suy nghĩ của các nhân vật trực diện khác […].
Tâm hồn chúng ta – bạn đọc người lớn cũng như trẻ em – có là cục đá thì mới không xúc động xao xuyến với những trang tả cảnh đồng bào ta gọi nhau đi học ban đêm qua những ngọn đèn bồng bềnh từ nhà này trôi sang nhà khác, những trang đặc tả một đốm lửa xoẹt lên từ mẩu que diêm lúc ban đầu đang còn ốm yếu và do dự, những trang tả về bà Kiến học đánh vần mà cứ đế thêm vào từng câu ca dao ứng khẩu tài tình, những trang viết về bọn chó nổi xung rượt đuổi ông Hai Dĩ, những trang nói đến bọn lính Tàu Tưởng ăn bún xáo không biết nhai mà chỉ nuốt tuột, những trang chấm phá hình dáng những thân sung nhìn qua buổi chiều vàng, những trang tả cảnh sông nước bập bềnh thúc hích xuồng con bên bụng thuyền lớn như đang đòi bú tí, và bao nhiêu chi tiết ngắn dài rải rác hay tập trung qua từng chương sách… (Trần Thanh Địch, Bàn về văn học thiếu nhi, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 1983, tr. 147 - 151) |
Sau khi đọc
Trả lời câu hỏi
1. Người viết tập trung bàn luận về vấn đề gì trong tác phẩm Quê nội của Võ Quảng?
2. Để bàn về vấn đề, người viết đã nêu những ý kiến gì về đặc điểm nội dung, nghệ thuật của tác phẩm? Em căn cứ vào đâu để xác định như vậy?
3. Hãy tìm những lí lẽ, bằng chứng được người viết sử dụng nhằm làm sáng tỏ ý kiến về các đặc điểm của tác phẩm Quê nội. Cách trình bày bằng chứng của người viết có điều gì đáng chú ý?
4. Mối quan hệ giữa mục đích viết và đặc điểm, nội dung chính của văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học được thể hiện như thế nào trong bài viết này?
Viết kết nối với đọc
Tưởng tượng em là một nhà phê bình, hãy viết đoạn văn (khoảng 6 - 8 câu) nêu ý kiến của em về một tác phẩm văn học về đề tài tuổi thơ hoặc quê hương, đất nước mà em đã đọc.
Đọc và trải nghiệm cùng nhân vật
Em có thể tìm thấy trong cuốn sách đã đọc những nhân vật mà em yêu thích. Đó là nhân vật văn học được xây dựng theo sự tưởng tượng của tác giả, nhưng vẫn có mối liên hệ với những mẫu người trong đời thực. Để tìm hiểu về nhân vật, em có thể tưởng tượng cảnh mình đang đối thoại với nhân vật yêu thích trong một cuộc gặp gỡ.
(trang 107)
Bằng cách đặt ra những câu hỏi phỏng vấn nhân vật như trong một cuộc trò chuyện, em có thể tìm được câu trả lời về nhân vật trong và sau khi đọc. Chọn cách xưng hô, gọi nhân vật bằng tên hoặc dùng các đại từ nhân xưng, danh từ thay thế đại từ phù hợp với đặc điểm, tuổi tác của nhân vật: bạn, ông, bà, cô, chú, cậu,...
Tham khảo những câu hỏi sau:
- Bạn đến từ đâu?
- Vì sao và bằng cách nào mà bạn trở thành nhân vật trong tác phẩm này?
- Bạn có sở thích, tính cách hay đặc điểm gì nổi bật?
- Để kể về cuộc đời của mình, bạn muốn nói điều gì nhất?
- Ai hay điều gì khiến bạn quan tâm nhất?
- Nếu sống tiếp cuộc đời không chỉ trong trang sách, điều bạn muốn làm nhất sẽ là gì?
Em có thể đặt thêm một số câu hỏi mà cuộc đời nhân vật gợi ra cho em và tìm kiếm câu trả lời từ cuốn sách hoặc liên hệ với thực tế cuộc sống để cùng nhân vật có một cuộc trò chuyện thật bổ ích, thú vị.
Đọc và trò chuyện cùng tác giả
Qua những cuốn sách đã học trong dự án của năm học này, em không chỉ gặp gỡ các nhân vật đáng nhớ mà còn được làm quen với tác giả – người đã sáng tạo ra nhân vật văn học. Chắc hẳn em cũng muốn biết tác giả đã sáng tạo, xây dựng nhân vật như thế nào. Xây dựng một nhân vật cũng có thể ví như đã tạo nên được một cuộc đời mới. Điều đó quả là tuyệt diệu phải không?
1. Đọc bài thuật lại cuộc "phỏng vấn" rất thú vị của một độc giả nhỏ tuổi với nhà văn Nguyễn Quang Thiều – tác giả của truyện ngắn Bầy chim chìa vôi - để có thể hiểu thêm về sự ra đời và cuộc sống của nhân vật do nhà văn sáng tạo trong tác phẩm.
Mon và Mên đang ở đâu?Một buổi sớm mùa hè, sau cơn mưa, tôi đã gặp một cậu bé trên triền đê sông Đáy. Chúng tôi đã trò chuyện cùng nhau về Bầy chim chìa vôi. Cậu bé đã “phỏng vấn” tôi: – Chú Thiều ơi, chú đã gặp Mon và Mên bao giờ và ở đâu? – Chú đang gặp hai cậu bé này trong chính tuổi thơ của mình. Bởi anh em họ là bạn cùng lứa với chú. Bọn chú là những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng ven bờ sông Đáy. Suốt tuổi thơ, sông Đáy trở thành người bạn thân thiết của bọn chú. Trong những lùm dứa dại, bụi tầm xuân, những đám cỏ đuôi chó,... là một thế giới kì thú của chim chóc và côn trùng. Chính thế mà bọn chú chứng kiến (trang 108) và hiểu được đời sống của bầy chim chìa vôi. Khi viết câu chuyện này chú đặt tên họ là Mon và Mên, chứ tên thật của họ không phải thế. Chú sáng tác mà. Ngoài giờ học, bọn trẻ làng chú lúc nào cũng bên nhau lang thang dọc triền sông. Cháu có những đứa bạn như vậy không? – À, có chứ. Cháu có những đứa bạn như vậy. Thỉnh thoảng tụi cháu cũng cãi lộn hoặc đấm nhau vài cái. Nhưng rồi lại chơi với nhau thôi. Thế vì sao mà chú lại nghe được câu chuyện riêng của Mon và Mên trong chiếc chăn dạ rách giữa đêm mưa? – Cãi lộn hả? Cũng không sao. Nhưng không nên đấm nhau đâu nhé! Chú nghe được câu chuyện của hai anh em Mon và Mên không phải vì chú có đôi tai thần hay chú là một gã phù thủy tinh ranh mà vì trong một buổi chiều mưa, lũ trẻ làng chú đã nói về bầy chim chìa vôi non ở ngoài bãi sông. Lũ chim non là điều bọn trẻ quan tâm nhất lúc đó. Và trong đêm mưa lớn ấy, chú nghĩ, tất cả lũ trẻ làng chú đều thức để lắng nghe tiếng mưa, cùng nghĩ về bãi sông và lo cho bầy chim chìa vôi non. – Vậy sao? Lúc ấy chú ở cùng Mon và Mên à? Nhưng sao cháu chẳng thấy chú nói gì, làm gì cả. Thế là thế nào nhỉ? Sao chú không cùng các cậu ấy đi cứu bầy chim chìa vôi? Lỡ có gì nguy hiểm xảy ra với Mon và Mên thì sao? Trẻ em không nên bơi thuyền ra bãi sông như vậy. Cần có người lớn. Chú hiểu không? – Có lẽ... cháu nói đúng. Chú đã làm gì lúc ấy nhỉ? Để chú nhớ lại xem nào... Chú hơi già rồi và bắt đầu quên vài điều. À, sau đó, Mon và Mên đã kể cho lũ trẻ trong làng việc đi cứu bầy chim non. Tất cả lũ trẻ đều vô cùng khâm phục anh em Mon, Mên. Sau này trở thành nhà văn, chú đã viết lại câu chuyện đó. – Chú nhớ nhé! Cần giúp bạn mình khi gặp nguy hiểm. Thế bây giờ Mon và Mên bao nhiêu tuổi rồi? Và họ đang ở đâu? – À, câu hỏi này của cháu làm làm chú hơi bối rối đấy. Nhưng cháu có thể đoán xem Mon và Mên giờ đang ở đâu. Và bầy chim chìa vôi của các cậu ấy nữa… Cháu có thể kể tiếp câu chuyện mà chú đã kể phải không? Nhưng đều làm chú buồn là ven sông Đáy bây giờ không còn thấy chim chìa vôi nữa. Con người đang tàn phá thiên nhiên và chắc bầy chim chìa vôi đã bỏ đi rất xa. – Vậy khi nào bầy chim chìa vôi sẽ trở về ạ? – Khi nào các cháu yêu thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên thì lúc đó bầy chim chìa vôi sẽ trở về. (Theo Nguyễn Quang Thiều, Mon và Mên đang ở đâu?, tạp chí Văn học và Tuổi Trẻ, số 9 (482 + 483)/2021) |
(trang 109)
2. Trả lời câu hỏi
a. Mon và Mên là ai trong mối quan hệ với nhà văn – tác giả truyện ngắn Bầy chim chìa vôi?
b. Vì sao nhà văn khẳng định rằng “tất cả lũ trẻ làng chú đều thức để lắng nghe tiếng mưa, cùng nghĩ về bãi sông và lo cho bầy chim chìa vôi non”?
c. Cậu bé – người “phỏng vấn” tác giả – ngạc nhiên vì điều gì?
d. Ngoài Mon và Mên, ai là người có trải nghiệm và kỉ niệm sâu sắc về đêm mưa, bãi sông và bầy chim chìa vôi?
e. Theo em, Mon và Mên đang ở đâu? Bầy chim chìa vôi đã bay đi đâu?
3. Chọn đọc một cuốn sách đang gây sự tò mò, chú ý đối với em (có thể đọc một truyện, một bài thơ, một chương, phần,… nếu cuốn sách có nhiều nội dung). Trong quá trình đọc, thử hình dung em có thể đặt ra những câu hỏi nào để làm rõ hơn điều em muốn biết cách tác giả tạo nên nhân vật hoặc những chi tiết tiêu biểu, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm trong cuốn sách.