SGKVN

Ngữ Văn 7 - Tập 2 - Đọc (trang 26) | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Đọc (trang 26) - Ngữ Văn 7 - Tập 2. Xem chi tiết nội dung bài Đọc (trang 26) và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Ngữ Văn 7 - Tập 2 | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

(trang 26)

TRI THỨC NGỮ VĂN

Truyện khoa học viễn tưởng là loại tác phẩm viết về thế giới tương lai dựa trên sự phát triển của khoa học dự đoán, thường có tính chất li kì. Truyện khoa học viễn tưởng sử dụng cách viết lô-gíc nhằm triển khai những ý tưởng về viễn cảnh hay công nghệ tương lai. Vì có nền tảng là các nguyên lí khoa học mới của thời hiện tại nên có những giả tưởng trong truyện khoa học viễn tưởng có thể trở thành sự thật. Truyện khoa học viễn tưởng xuất hiện đầu tiên ở Pháp vào khoảng nửa sau thế kỉ XIX, sau đó nhanh chóng lan rộng ra các nước như Mỹ, Anh, Ca-na-đa (Canada), Nga và phổ biến trên toàn thế giới. 

Một số yếu tố của truyện khoa học viễn tưởng

• Đề tài của truyện khoa học viễn tưởng thường là những cuộc thám hiểm vũ trụ, du hành xuyên thời gian, những cuộc kết nối với sự sống ngoài Trái Đất,... Tất cả những hoạt động ấy được thực hiện trên cơ sở những phát kiến khoa học đặc biệt trong tương lai, liên quan tới bước tiến nhảy vọt của công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học hay khoa học vũ trụ. 

• Không gian của truyện khoa học viễn tưởng có thể là không gian Trái Đất (trên mặt đất, ở tâm địa cầu hay dưới đáy đại dương) hoặc ngoài Trái Đất (trên các hành tinh của hệ Mặt Trời hay trong những thiên hà xa xôi khác)... Thời gian diễn ra các câu chuyện viễn tưởng thường là thời gian trong tương lai xa, xét từ mốc ra đời của tác phẩm. 

• Cốt truyện trong truyện khoa học viễn tưởng gồm một chuỗi tình huống, sự kiện hoàn toàn tưởng tượng, dựa trên những giả thuyết, dự báo và quan niệm khoa học. 

• Nhân vật chính của truyện khoa học viễn tưởng thường có sức mạnh thể chất phi thường do những tác động của các nhân tố khoa học nào đó, có cấu tạo hoặc khả năng kì lạ, có trí thông minh kiệt xuất để tạo ra những phát minh.

Mạch lạc và liên kết của văn bản

• Mạch lạc là sự liền mạch về nội dung của một đoạn văn hoặc văn bản; chủ yếu dựa trên sự thống nhất về đề tài và sự tiếp nối theo một trình tự hợp lí giữa các cầu trong đoạn văn hoặc giữa các đoạn văn trong văn bản. 

• Liên kết là quan hệ về mặt hình thức giữa các câu trong đoạn văn hoặc giữa các đoạn trong văn bản, thể hiện qua các phương tiện ngôn ngữ như từ ngữ nối, từ ngữ lập lại, từ ngữ thay thế (từ đồng nghĩa, đại từ), ….

Dấu chấm lửng

Dấu chấm lửng thường được dùng để tỏ ý nhiều sự vật, hiện tượng chưa được liệt kê hết; thể hiện lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng; làm giãn nhịp điệu của câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ thường có sắc thái hài hước, châm biếm.

(trang 27)

VĂN BẢN ĐỌC

VĂN BẢN 1. Cuộc chạm trán trên đại dương (trích Hai vạn dặm dưới biển), Giuyn Véc-nơ (Jules Verne)

VĂN BẢN 2. Đường vào trung tâm vũ trụ (trích Thiên Mã), Hà Thủy Nguyên

VĂN BẢN 3. Dấu ấn Hồ Khanh, Nhật Văn

VĂN BẢN 1 (trang 27)

TRƯỚC KHI ĐỌC

1. Nếu là một nhà phát mình, em muốn chế tạo sản phẩm khoa học gì cho tương lai?

2. Các nhà khoa học nhận định rằng sự sống đầu tiên trên Trái Đất nảy sinh từ đại dương. Nhận định đó gợi cho em những suy nghĩ gì?

ĐỌC VĂN BẢN

Cuộc chạm trán trên đại dương(1)

(Trích Hai vạn dặm dưới biển(2), GIUYN VÉC-NƠ)

(1)

Trước rạng đông, chúng tôi đã sẵn sàng nghênh chiến. Lưới đánh cá voi đã xếp ở hai thành tàu. Thuyền phó ra lệnh chuẩn bị loại súng bắn xa một hải lí(3) và cả loại súng bắn đạn phá có thể hạ được những con thú lớn nhất. Nét Len (Ned Land) mài sắc mũi lao, một thứ vũ khí diệt cá voi lợi hại trong tay anh ta.

Suy đoán

Con cá thiết kình này có gì khác thường?

Sáu giờ, trời hửng sáng. Cùng với những tia sáng đầu tiên của bình minh, ánh điện của con cá thiết kình(4) cũng phụt tắt. Tới bảy giờ, trời gần sáng rõ. Nhưng sương mù dày đặc đang trải ra ở chân trời, và dùng ống nhòm loại tốt nhất cũng chẳng thấy rõ vật gì. Có thể hình dung được chúng tôi thất vọng và giận dữ đến mức nào!

———————————————————

(1) Nhan đề do nhóm biên soạn đặt.

(2) Hai vạn dặm dưới biển là tiểu thuyết khoa học viễn tưởng gồm 47 chương. Nội dung tác phẩm kể về chuyến phiêu lưu dưới đáy đại dương của giáo sư Pi-e A-rôn-nác (Pierre Aronnax), chuyên gia nghiên cứu về tự nhiên, và hai cộng sự của ông trên con tàu ngầm Nau-ti-luýt (Nautilus) trên của thuyền trưởng Nê-mô (Nemo). Giuyn Véc-nơ đã có một dự đoán thiên tài về kĩ thuật khi cho con tàu ngầm được thắp sáng và điều khiển bằng điện. Con tàu ngầm Nau-ti-luýt trong tưởng tượng của ông có những tính năng hiện đại, ưu việt mà khoa học kĩ thuật thời đó chưa đạt được. Văn bản Cuộc chạm trán trên đại dương được trích từ chương 6 và chương 7, có nhan đề Mở hết tốc lựcCon cá voi không biết thua cuộc loại nào.

(3) Hải lí: đơn vị đo độ dài trên mặt biển, 1 hải lí bằng 1,852 km.

(4) Cá thiết kình: còn gọi là cá một sừng, dài tới 18 m, có một sừng lớn.

(trang 28)

Đến tám giờ sáng, những dải sương mù dày đặc bắt đầu trôi trên sóng và từ từ bốc lên cao. Chân trời được mở rộng và sáng rõ.

Bỗng lại có tiếng Nét Len nói:

– Nhìn xem kìa! Nó ở phía bên trái đuôi tàu!

Mọi người phóng mắt nhìn về phía đó.

Theo dõi

Chú ý chi tiết miêu tả sự xuất hiện của con cá.

Cách chiếc tàu chiến một hải lí rưỡi, có một vật dài màu đen nổi lên khỏi mặt nước độ một mét. Đuôi nó quẫy mạnh làm nước biển sủi bọt. Chưa ai thấy đuôi cá quẫy sóng mạnh như vậy bao giờ! Con cá lượn hình vòng cung, để lại phía sau một vệt sáng lấp lánh. Chiếc tàu tiến lại gần. Tôi bắt đầu ngắm kĩ con cá. Báo cáo của tàu Hen-vơ-chi-a (Helvetia) và San-nông (Shannon) hơi cường điệu kích thước của nó. Theo tôi, con cá không dài quá tám mươi mét. Chiều ngang hơi khó xác định, nhưng tôi có cảm tưởng rằng nó cân đối một cách lạ lùng về cả ba chiều.

Trong khi tôi quan sát con vật lạ, thì từ hai lỗ mũi nó vọt lên hai cột nước cao tới bốn mươi mét. Giờ đây tôi mới hình dung được đôi chút về cách thở của cá thiết kình.

Các thuỷ thủ nóng lòng chờ lệnh thuyền trưởng. Phác-ra-guýt (Farragut) quan sát con vật một lúc, rồi lệnh gọi trưởng máy.

– Hơi nước đủ rồi chứ – Thuyền trưởng hỏi.

– Báo cáo, đủ!

– Tăng áp lực! Cho tàu chạy hết tốc độ!

Theo dõi

Cuộc đuổi bắt con cá của chiếc tàu chiến.

Nghe lệnh thuyền trưởng, toàn thể thuỷ thủ hoan hô ba lần. Giờ chiến đấu đã điểm. Mấy phút sau, hai ống khói tàu nhả ra những cuộn khói đen, boong tàu rung lên vì áp lực cao trong nồi hơi.

(trang 29)

Chân vịt(1) bắt đầu quay. Tàu Lin-côn (Lincoln) lao thẳng về phía con cá. Nó để chiếc tàu tới cách nó chừng một trăm mét, rồi mới đủng đỉnh tránh ra một quãng khá xa.

Cuộc đuổi bắt kéo dài ít nhất bốn mươi lăm phút, nhưng tốc độ chiếc tàu không cho phép nó theo kịp con cá.

[...] Nét Len lên vị trí chiến đấu. Lò hơi hoạt động mạnh, chân vịt bắt đầu quay bốn mươi ba vòng một phút. Đồng hồ chỉ tốc độ mười tám phẩy năm hải lí một giờ.

Nhưng con cá cũng bơi với tốc độ y như vậy! Trong suốt một giờ, chiếc tàu chiến không tiến gần thêm được một sải(2)! Thật là nhục nhã cho một trong những chiếc tàu chạy nhanh nhất của hạm đội Mỹ! Anh em thuỷ thủ tức giận điên người. Họ nguyền rủa quái vật, nhưng nó vẫn phớt lờ.

(2)

[….] Có thể hi vọng rằng con cá sẽ thấm mệt và không chịu được cuộc đọ sức với chiếc tàu chạy hơi nước. Nhưng không đúng! Mấy tiếng đồng hồ đã qua mà nó chẳng tỏ vẻ gì mệt mỏi.

Nói cho công bằng thì tàu Lin-côn đã săn đuổi con cá một cách kiên trì đặc biệt. Tôi cho rằng nó đã vượt ít nhất năm trăm ki-lô-mét trong ngày mùng Sáu tháng Mười một rủi ro ấy! Nhưng đêm đã tới và trùm tấm màn đen lên đại dương đang nổi sóng.

Trong giây phút đó, tôi cảm thấy cuộc tìm kiếm của chúng tôi đã kết thúc, và từ nay sẽ không bao giờ gặp quái vật nữa. Nhưng tôi đã lầm.

Mười giờ năm mươi phút đêm hôm ấy, cách tàu ba hải lí lại bừng lên ánh điện sáng chói như đêm trước.

Con cá nằm yên. Có lẽ vì thấm mệt nên giờ đây nó ngủ. Thuyền trưởng Phác-ra-guýt quyết định lợi dụng thời cơ thuận lợi này.

Ông ta ra lệnh cho tàu chạy từ từ để đối thủ khỏi thức giấc. Bắt gặp cá voi ngủ giữa biển khơi không phải là chuyện hiếm, chính Nét Len đã bắn trúng nhiều con đang ngủ như vậy.

Nét lại lên vị trí chiến đấu. Tàu Lin-côn lặng lẽ tới cách con cá bốn trăm mét. Đến đây, máy ngừng chạy, tàu chỉ còn chuyển động theo quán tính. Trên boong im lặng hoàn toàn. Mọi người đều nín thở. Chúng tôi chỉ còn cách điểm sáng khoảng ba mươi mét. Độ sáng mỗi lúc một tăng lên làm chúng tôi loá mắt.

Tôi đứng tựa thành tàu và thấy Nét đứng phía dưới,

Tàu chỉ còn cách con cá hơn sáu mét.

———————————————————

(1) Chân vịt: bộ phận máy của tàu, thuyền, có cánh quạt quay dưới nước để tạo nên sức đẩy.

(2) Sải: độ dài bằng khoảng cách từ đầu bàn tay này đến đầu bàn tay kia khi dang thẳng cánh tay.

(trang 30)

Dự đoán

Mũi lao đã đâm trúng vật gì?

Cánh tay Nét bỗng giơ cao, phóng mũi lao sắt lên không trung. Một tiếng kêu lanh lãnh phát ra như tiếng kim loại chạm nhau.

Ánh điện tắt phụt. Hai cột nước khổng lồ ập xuống boong tàu, quật ngã mọi người.

Tàu kêu răng rắc một cách ghê sợ. Tôi chưa kịp níu lấy thành tàu thì đã bị văng xuống biển!

Bất thần bị ngã xuống biển, tôi choáng váng nhưng không bị ngất.

Tôi chìm ngay xuống sâu khoảng sáu mét. Tôi bơi giỏi và không đến nỗi mất tinh thần khi rơi xuống nước.

(3)

[….] Công-xây (Conseil) dùng chút sức còn lại đẩy tôi đi. Thỉnh thoảng anh ta lại ngóc đầu lên nhìn về phía xa và kêu. Đáp lại anh ta là một tiếng người nghe càng ngày càng rõ, hình như đang tiến lại gần. Nhưng tai tôi bắt đầu điếc đặc. Sức tôi đã kiệt, các ngón tay cứng đờ, miệng không thể mím lại được vì cơ miệng bị co rút mạnh. Tôi bị sặc nước mặn và lạnh buốt tới xương. Tôi ngóc đầu lên lần cuối cùng, rồi chìm nghỉm.

Nhưng tôi chạm ngay vào một vật rắn. Tôi níu lấy nó. Tôi cảm thấy mình được đưa lên mặt nước và dễ thở hơn... Tôi ngất đi...

Chắc là nhờ được xoa bóp mạnh toàn thân, nên tôi tỉnh lại ngay. Tôi mở mắt...

– Công-xây! – Tôi thều thào.

– Giáo sư gọi tôi ạ? – Công-xây đáp lại.

Dưới ánh trăng đang lặn, thấp thoáng một khuôn mặt mà tôi nhận ra ngay.

– Nét! – Tôi kêu lên.

– Chính tôi đây, thưa ngài! Ngài thấy đấy, tôi vẫn chạy theo món tiền thưởng!

– Anh bị văng xuống nước khi tàu gặp nạn, phải không?

– Đúng vậy! Nhưng tôi may mắn hơn ngài. Tôi gặp ngay một hòn đảo nhỏ?

– Nói đúng hơn là đã cưỡi trên lưng một con cá thiết kình khổng lồ.

– Tôi không hiểu anh nói gì, anh Nét ạ.

– Ngài thấy đó, tôi nghi ngờ ngay khi phát tên của tôi không đâm thủng được da quái vật, mà chỉ trượt trên mặt ngoài của nó.

– Vì sao vậy, anh Nét? Vì sao?

(trang 31)

– Thưa giáo sư, vì nó được bọc thép!

Hình dung

Hình dáng bên ngoài của chiếc tàu ngầm.

Khả năng suy nghĩ của tôi bỗng trở lại ngay, trí nhớ được phục hồi, tôi tỉnh hẳn là nhờ những lời nói của Nét. Tôi hơi lại sức sau cơn chấn động và trèo lên lưng vật đó. Tôi thử lấy chân gõ. Thân nó rắn như đá, không mềm như cá voi!

Nhưng nếu đó là cái mai bằng xương của loài động vật thời cổ đại thì sao? Nếu vậy thì tôi phải xếp quái vật này vào loại bò sát như rùa hay cá sấu.

Nhưng không! Cái lưng đen bóng, nơi tôi đang đứng nhẵn thín, phẳng lì chứ không có vảy. Gõ xuống, nó kêu boong boong, và lạ thay, nó lại được ghép lại bằng thép lá.

Đối chiếu

Điều em đã dự đoán khi đọc phần (2) của văn bản có phù hợp với điều được các nhân vật khám phá ở đây không?

Không còn nghi ngờ gì nữa! Cái mà người ta vẫn tưởng là động vật, là quái vật, là hiện tượng kì lạ của thiên nhiên, cái đã làm cho cả giới bác học bế tắc, đã kích động óc tưởng tượng của các thuỷ thủ ở cả hai bán cầu, lại là một hiện tượng kì diệu hơn, do bàn tay con người tạo ra.

Nếu như tôi có may mắn xác định được sự tồn tại của một động vật kì quái nhất, tôi cũng chẳng ngạc nhiên tới mức ấy. Việc thiên nhiên tạo ra những điều kì diệu chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng khi chính mắt mình trông thấy một cái gì đó kì diệu, siêu nhiên, lại do thiên tài con người tạo ra, thì đó là điều đáng suy nghĩ!

Tuy vậy, chúng tôi đâu có thì giờ để suy nghĩ nhiều. Chúng tôi đang nằm trên một chiếc tàu ngầm kì lạ trông tựa một con cá bằng thép khổng lồ. Ý kiến của Nét Len về điểm này đã rõ. Tôi và Công-xây chỉ còn việc đồng ý với anh ta.

Tôi nói:

– Nếu đây đúng là một chiếc tàu thì nhất định phải có máy móc làm nó chuyển động và người điều khiển chứ!

– Chắc là như vậy! Nét trả lời. – Nhưng tôi đứng trên hòn đảo di động này tiếng đồng hồ mà chẳng thấy một dấu hiệu nào của sự sống cả.

– Nhưng chiếc tàu chuyển động chứ?

– Thưa ngài, không! Nó bập bềnh trên sóng, chứ chẳng chuyển động chút nào.

– Chính chúng ta đã biết rõ hơn ai hết tốc độ con tàu này! Muốn đạt tốc độ đó cần có máy móc; muốn điều khiển máy móc, phải có thợ. Từ đó tôi kết luận rằng... chúng ta đã thoát chết!

– Hừm! – Nét nghi ngờ.

Đúng lúc đó, tựa như để khẳng định lời nói của tôi, phía sau chiếc tàu kì lạ đó tiếng rít. Đúng là chân vịt bắt đầu quay, đẩy tàu chạy. Chúng tôi vội bám lấy một chỗ ở mũi tàu nổi lên trên mặt nước chừng tám mươi xen-ti-mét. Cũng may là tàu chạy với tốc độ vừa phải.

(trang 32)

Nét Len làu bàu:

– Chừng nào cái “phao” này còn nổi thì tôi chẳng có gì phản đối. Nhưng nếu nó giờ trò lặn xuống thì cái mạng tôi chẳng đáng hai đô-la!

Anh chàng Ca-na-đa này có thể đánh giá mạng mình rẻ hơn nữa. Cần cấp tốc đàm phán với nhữn người trong chiếc tàu này. Tôi rờ rờ mặt ngoài để tìm một cái nắp, một lỗ hổng nào đó. Những từng hàng đinh bắt chặt các nếp không để một kế hở nào.

Trăng đã khuất dưới chân trời. Chúng tôi chìm trong đêm tối. Phải đợi tới rạng đông để tìm cách lọt vào phía trong con tàu.

Thế là tính mạng chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn của những người điều khiển con tàu này! Họ cho tàu lặn xuống là chúng tôi toi mạng ngay! Còn nếu họ không làm như vậy thì tôi chẳng nghi ngờ gì khả năng đặt quan hệ với họ. Nếu họ không chế tạo dưỡng khí bằng phương pháp hoá học thì thỉnh thoảng họ cũng phải cho tàu nổi lên mặt biển để dự trữ không khí mới. Như vậy, phải có một lỗ thủng nào đó để lấy không khí vào trong tàu.

[...] Tôi không thể nhớ hết được tất cả những gì đã trải qua đêm đó! Tôi nhớ là đôi khi sóng yên gió lặng, từ xa vọng lại những nhịp đàn dồn dập, những âm điệu bị đứt quãng. Chiếc tàu ngầm bí hiểm này là thế nào? Nó đang chạy đi đâu?

Trời đã sáng. Sương sớm vây quanh chúng tôi một màn trắng đục. Nhưng rồi sương cũng tan. Tôi đã định xem xét kĩ phần trên của thân tàu nổi lên mặt nước thì bỗng cảm thấy tàu từ từ lặn xuống.

– Ê, đồ quỷ! – Nét Len vừa quát vừa nện chân xuống vỏ tàu, – Mở ra nhanh lên!

Nhưng khó có thể nghe được cái gì, vì tiếng chân vịt quay ầm ầm. Cũng may là tàu tạm ngừng không lặn xuống nữa.

Từ phía trong tàu có tiếng then cửa lạch cạch. Nắp tàu mở ra. Một người thò đầu lên nhìn. Hắn kêu lên một tiếng gì không rõ, rồi biến mất.

Mấy phút sau, từ trong tàu bước ra tám người lực lưỡng, mặt bịt kín. Họ lẳng lặng kéo chúng tôi vào trong chiếc tàu ngầm khủng khiếp của họ.

(Giuyn Véc-nơ, Hai vạn dặm dưới biển, Đỗ Ca Sơn dịch,

NXB Văn học, Hà Nội, 2020, tr. 57 - 72)

(trang 33)

SAU KHI ĐỌC

Giuyn Véc-nơ (1828 - 1905) là nhà văn người Pháp, được xem là “cha đẻ” của thể loại truyện khoa học viễn tưởng. Ông còn được coi như “nhà tiên tri khoa học” kì tài vì đã đề cập đến những cuộc phiêu lưu kì thú bằng tàu ngầm, máy bay, tàu du hành vũ trụ trước khi con người chế tạo ra những phương tiện này. Những truyện khoa học viễn tưởng nổi tiếng của ông: Hành trình vào Tâm Trái Đất (1864), Từ Trái Đất tới Mặt Trăng (1865), Hai vạn dặm dưới biển(1870), Vòng quanh thế giới trong 80 ngày (1873), Năm 2889 (1889),…

Hai vạn dặm dưới biển được Giuyn Véc-nơ hoàn thành năm 1868. Ông tin rằng ước mơ chinh phục đại dương của con người sớm muộn sẽ được thực hiện, và chiếc tàu ngầm lí tưởng của ông hoàn toàn không phải là ý tưởng viển vông.

Em có biết?

• Nhiều chiếc tàu ngầm trên thế giới đã được đặt tên là Nau-ti-luýt.

• Chiếc tàu ngầm Nau-ti-luýt của Giuyn Véc-nơ được điều khiển hoàn toàn bằng điện năng trong khi điện chưa phải là năng lượng chủ yếu của công nghiệp thời bấy giờ.

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Đọc phần (1) của văn bản và nêu những chi tiết miêu tả hình dáng lạ lùng của con cá thiết kình.

2. Cuộc chạm trán trên đại dương dẫn ba nhân vật Pi-e A-rôn-nác, Công-xây và Nét Len vào cuộc phiêu lưu trong không gian nào? Lúc ấy, không gian này quen thuộc hay xa lạ với họ?

3. Nhan đề Hai vạn dặm dưới biển đã thể hiện ước mơ gì của Giuyn Véc-nơ và những người cùng thời với ông? Ước mơ ấy ngày nay đã được hiện thực hóa như thế nào?

4. Theo em, nhà văn đã sáng tạo ra hình ảnh chiếc tàu ngầm dựa trên cơ sở hiện thực nào?

5. Nêu tác dụng của việc nhà văn đã để cho một nhà khoa học vào vai người kể chuyện ngôi thứ nhất.

6. Liệt kê những câu văn thể hiện tư duy lô-gic đặc trưng của truyện khoa học viễn tưởng trong đoạn kể lại những phán đoán của nhân vật giáo sư Pi-e A-rôn-nác - người kể chuyện - về chiếc tàu ngầm.

7. Đề tài của tác phẩm Hai vạn dặm dưới biển là gì? Hiện nay, đề tài đó có còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của chúng ta nữa hay không? Vì sao?

8. Theo em, con người cần làm gì để vừa chinh phục đại dương vừa không làm ảnh hưởng đến môi trường biển?

VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

Viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) kể tiếp (theo tưởng tượng của em) về sự kiện diễn ra sau tình huống nhân vật tôi, Công-xây, Nét Len bị kéo vào bên trong con tàu ngầm.

Thực hành tiếng Việt (trang 34)

Nhận biết mạch lạc và liên kết của văn bản

Trong gian phòng lớn tràn ngập ánh sáng, những bức tranh của thí sinh treo kín bốn bức tường. Bố, mẹ tôi kéo tôi chen qua đám đông để xem bức tranh của Kiều Phương đã được đóng khung, lồng kính. Trong tranh, một chú bé đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Mặt chú bé như tỏa ra một ánh sáng rất lạ. Toát lên từ cặp mắt, tư thế ngồi của chú không chỉ sự suy tư mà còn rất mơ mộng nữa. 

(Tạ Duy Anh, Bức tranh của em gái tôi)

Có thể thấy nội dung chính của đoạn văn nói về bức tranh của Kiều Phương. Các câu được sắp xếp theo một trình tự hợp lí: miêu tả sự vật dựa trên nguyên tắc từ xa (những bức tranh trong phòng triển lãm) đến gần (bức tranh của Kiều Phương). Sự thống nhất về đề tài được nói đến (bức tranh) và trình tự sắp xếp hợp lí của các câu nói về bức tranh làm cho đoạn văn được mạch lạc. Đoạn văn cũng bảo đảm tính liên kết về mặt hình thức giữa các câu thể hiện qua việc dùng từ ngữ đồng nghĩa và từ ngữ lặp lại (bức tranh, tranh, chú bé, chú).

Như vậy, nhờ mạch lạc mà người đọc có thể tiếp nhận và hiểu được ý nghĩa của đoạn văn một cách dễ dàng, còn liên kết về mặt hình thức giữa các câu là phương tiện tạo nên tính mạch lạc của đoạn văn.

MẠCH LẠC VÀ LIÊN KẾT

1. Hãy phân tích tính mạch lạc của đoạn văn sau:

Sáu giờ, trời hửng sáng. Cùng với những tia sáng đầu tiên của bình minh, ánh điện của con cá thiết kình cũng phụt tắt. Tới bảy giờ, trời gần sáng rõ. Nhưng sương mù dày đặc đang trải ra ở chân trời, và dùng ống nhòm loại tốt nhất cũng chẳng thấy rõ vật gì. Có thể hình dung được chúng tôi thất vọng và giận dữ đến mức nào!

2. Hãy chỉ ra các phương tiện liên kết được sử dụng trong đoạn trích sau và nêu chức năng của chúng:

Cách chiếc tàu chiến một hải lí rưỡi, có một vật dài màu đen nổi lên khỏi mặt nước độ một mét. Đuôi nó quẫy mạnh làm nước biển sủi bọt. Chưa ai thấy đuôi cá quẫy sóng mạnh như vậy bao giờ! Con cá lượn hình vòng cung, để lại phía sau một vệt sáng lấp lánh. Chiếc tàu tiến lại gần. Tôi bắt đầu ngắm kĩ con cá. Báo cáo của tàu Hen-vơ-chi-a và San-nông hơi cường điệu kích thước của nó. Theo tôi, con cá không dài quá tám mươi mét. Chiều ngang hơi khó xác định, nhưng tôi có cảm tưởng rằng nó cân đối một cách lạ lùng về cả ba chiều.

3. Theo em, có thể sắp xếp các câu trong đoạn văn dưới đây theo một trật tự khác được không? Vì sao?

(1) Nhưng con cá cũng bơi với tốc độ y như vậy! (2) Trong suốt một giờ, chiếc tàu chiến không tiến gần thêm được một sải! (3) Thật là nhục nhã cho một trong những chiếc tàu chạy nhanh nhất của hạm đội Mỹ! (4) Anh em thủy thủ tức giận điên người. (5) Họ nguyền rủa quái vật, nhưng nó vẫn phớt lờ.

4. Viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) kể lại một tình huống trong Cuộc chạm trán trên đại dương. Thuyết minh ngắn gọn về mạch lạc và liên kết của đoạn văn.

VĂN BẢN 2 (trang 35)

TRƯỚC KHI ĐỌC

1. Nêu hiểu biết của em về hệ Mặt Trời.

2. Tìm đọc và trình bày trước lớp một vài thông tin cơ bản về người đầu tiên trên thế giới thực hiện chuyến bay vào vũ trụ

ĐỌC VĂN BẢN

Đường vào trung tâm vũ trụ

Trích Thiên Mã(1), HÀ THỦY NGUYÊN(2)

Hình dung

Hình ảnh con ngựa có cánh.

[…] Chúng tôi dừng chân ở một bãi cỏ vắng người phía bên kia đền và trốn trong rừng. Sẽ rất bất tiện nếu để khách du lịch phát hiện ra một con ngựa có cánh đang lai vãng gần khu thánh địa của Hy Lạp! Chúng tôi thả Thần Thoại(3) trong rừng và nó cũng đủ thông minh để biết cách tự bảo vệ mình. Thần Đồng rủ tôi đi xuống bảo tàng dưới chân núi, nơi trưng bày bức tượng Nhân Sư(4) quý giá.

———————————————————

(1) Thiên mã là cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng gồm 10 chương, kể về những cuộc phiêu lưu của nhân vật người kể chuyện theo “tôi”, một cô bé mới lớn, với cậu bé Thần Đồng và con ngựa có cánh Thần Thoại. Các nhân vật này đã tới các nền văn minh lớn của thế giới khám phá các công trình cổ, bay vào Tâm Vũ Trụ và ghé thăm thành phố Át-lan-tíc (Atlantic) chìm dưới đáy biển sâu,… Đoạn trích Đường vào trung tâm vũ trụ nằm ở chương 2, nói về việc các nhân vật chính quyết định đi tới Hy Lạp để giải câu đố viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ (Hebrew) trên phiến đá, nhằm tìm được lối vào trung tâm vũ trụ.

(2) Hà Thủy Nguyên sinh năm 1986 tại Hà Nội. Một số tác phẩm đã xuất bản: Điệu nhạc trần gian (2004), Bên kia cánh cửa (2005), Thiên Mã (2010),…

(3) Thần Thoại: tên con ngựa do nhân vật Thần Đồng tạo ra bằng cách lấy các thông số gen của thiên nga cấy ghép vào phôi ngựa

(4) Nhân sư: nhân vật đầu người mình sư tử trong thần thoại Hy Lạp.

(trang 36)

Pho tượng đã bị bào mòn, không còn sắc nét nhưng vẫn nguyên vẹn vẻ cao ngạo và thần thánh. Trong khi tôi xem xét pho tượng để tìm kiếm manh mối thì hắn lại lang thang ở quầy tạp phẩm. Tính mua quà lưu niệm chắc! Hừ! Hắn thật rảnh rỗi, chẳng biết lo công việc gì cả! Tôi đành cặm cụi làm một mình vậy. Mất một lúc lâu, tôi vẫn không tìm thấy dấu vết gì.

Bộp! Tôi bị giáng một cú vào đầu đau điếng trong khi đang cúi xem từng vết tích. Hắn! Và một cuốn sách!

– Làm cái quái gì vậy? Sao lại đánh người ta!

Hắn nhún vai như không có gì, chìa cho tôi xem quyển sách.

– Xem đi… Đây là nơi đặt hòn đá trung tâm của vũ trụ!

Theo dõi

Đặc điểm của hòn đá Ôm-phe-lốt.

“Trung tâm của vũ trụ”? Tôi lặp lại lời hắn. Câu đố cũng nhắc tới “trung tâm của vũ trụ”. Tôi không thể hình dung trung tâm của vũ trụ sẽ như thế nào! Nhưng tôi nóng lòng khám phá nơi ấy quá… Ai ngờ hòn đá lại hiện diện ngay trong bảo tàng này. Hòn đá Ôm-phe-lốt(1) (Omphalos) đó được điêu khắc, chạm trổ tinh vi. Nhưng cũng chỉ là một tác phẩm nghệ thuật bình thường, chẳng ra dáng của tầm vũ trụ gì cả. Có thể đây chỉ là bản cóp-pi mà người xưa tạc nên để đánh lạc hướng thiên hạ chăng!

– Tớ nghĩ rằng phiến đá đó vẫn nằm đâu đó trong đền thờ! Để tôi vào đó xem… – Thần Đồng băm môi suy tính.

Chúng tôi phải đợi đến lúc tối mù tối mịt mới dắt Thần Thoại đột nhập đền. Dưới trăng, những cột đá hoa cương ánh lên sắc sáng bạc như những ngọn nến trắng khổng lồ. Theo sơ đồ, chúng tôi lần đến vị trí đặt hòn đá trung tâm của vụ trụ. Chẳng hiểu thật giá thế nào nhưng câu đố đã đề cập đến thì hẳn phải có một manh mối nào đó.

Theo truyền thuyết, thần Dớt(2) (Zeus) cho hai con đại bàng bay theo chiều vuông vóc với nhau, một con bay dọc và một con bay ngang; điểm giao nhau giữa chúng chính là “cái rốn” của vũ trụ. Cả Thần Đồng và tôi đều tin “cái rốn” ấy hẳn vẫn còn ở trong đền chứ không thể là hòn đá Ôm-phe-lốt kia. Chúng tôi lần mò từng ngóc ngách, từ điện thờ thần A-pô-lô(3) (Apollo) đến thánh đường A-then-na Pờ-rô-nai-a (Athena Pronaia), thậm chí không bỏ sót những vết tích còn lại của đấu trường, rạp hát,… bên bờ suối Cát-xta-líc (Castalic).

———————————————————

(1) Hòn đá Ôm-phe-lốt: trong câu chuyện, đây là hòn đá thiêng, “chìa khóa” để mở lối dẫn vào trung tâm vũ trụ.

(2) Thần Dớt: vị thần tối cao, chúa tể của các vị thần trên đỉnh Ô-lim-pơ (Olympus) trong thần thoại Hy Lạp.

(3) Thần A-pô-lô: thần ánh sáng, chân lí và nghệ thuật, con trai của Thần Dớt.

(trang 37)

– Tớ nghĩ ta nên quay lại điện thờ thần A-pô-lô, vì trong câu đố có nhắc đến vị thần đội vòng nguyệt quế và nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải bày tỏ lòng thành kính... − Tôi kết luận sau khi đã kiểm tra một vòng.

– Có lí! Nhưng mà cái khoản bày tỏ lòng thành kính ấy, cậu bày tỏ đi nhé...

Tôi nguýt một cái xa lơ xa lắc. Đàn ông con trai, đa phần đều là những kẻ vô thần, vậy mà tại sao trong thế giới thần linh, lại chủ yếu là các nam thần nhỉ? Chúng quay lại điện thờ thần A-pô-lô. Nửa đêm, mặt trăng cao vút và trong vắt. Theo thần thoại, nữ thần Mặt Trăng Ác-tê-mít(1) (Artemis) chính là em gái song sinh của thần A-pô-lô. Đêm nay, nữ thần trị vì bầu trời và biết đâu chẳng mang cho chúng tôi ít nhiều may mắn!

Bỗng nhiên, Thần Đồng bị hụt chân, ngã dúi dụi. Một cái hố vô duyên nằm ngay giữa lối đi. Tôi đỡ Thần Đồng dậy.

– Cái hố vô duyên! – Hắn làu bàu.

– Chẳng qua chỉ là cái... Ổ voi thôi mà! Ai bảo có người “mắt toét”! – Tôi khích.

Chẳng thèm để ý cái trò trẻ con của tôi, hắn đi một vòng quanh hố. Hố không rộng nhưng khá sâu so với một cái ổ gà thông thường. Hắn bắt tôi cầm đèn pin còn hắn cúi xuống, sờ soạng dưới đáy. Cái hố đã vô tình trở thành một hố rác với đủ các loại sỏi cát, lá khô, giấy vụn,... Hắn chẳng nề hà, bới hết rác rưởi lên. Hắn bới mãi, bới mãi, cho đến khi chạm vào bề mặt đá. Dưới ánh đèn hiển hiện một cái rãnh tròn nhỏ, giống như vòng xoay của một động cơ cổ.

– Cần một cái gì đó để lắp vào đây! – Thần Đồng xoa cằm ngẫm nghĩ.

Tôi áng chừng kích cỡ của hố; nó tương đương với cái gì nhỉ? Phải rồi! Hòn đá Ôm-phe-lốt! Thần Đồng chắc cũng đã đoán ra, hắn nói rất nhanh như ra lệnh:

– Cậu đợi ở đây một lát! Tớ đi đằng này với Thần Thoại!

Rồi chẳng để tôi kịp phản ứng, hắn nhảy lên mình ngựa. Con ngựa cất cánh, bay đi trong nháy mắt. Giờ chỉ còn mình tôi giữa bốn bề quạnh quẽ, y như cái buổi bị lạc trên sa mạc. Ở đây tuy không hoang vắng nhưng chẳng hiểu sao tôi lại thấy đáng sợ hơn. Tôi sợ một hồn ma bóng quế nào đó đột ngột hiện lên doạ tôi. Hắn thừa biết con gái, nhất là một tiểu thư cành vàng lá ngọc như tôi, rất nhát gan, vậy mà hắn nỡ lòng vứt tôi chơ vơ ở đây! Hắn đi đâu không biết? Việc gì mà bí mật tới mức không thể cho tôi đi cùng được.

Tôi chợt nhớ ra chiếc đồng hồ hắn cho tôi. Bật chức năng định vị, tôi thấy rõ sự di chuyển của hắn trên bản đồ. Cái gì thế này? Hắn đang ở Bảo tàng khu di tích Đen-phi (Delphi). Hắn làm gì ở đấy? Chẳng lẽ hắn đến tìm hòn đá Ôm-phe-lốt? Nhưng tìm thì cũng có mang tới đây được đâu; chẳng phải người ta đã đặt chình ình tấm biển đề “Không sờ vào hiện vật” ở đó hay sao. Có khi nào hắn định... ăn trộm? Nghĩ đến đây tôi càng thêm lo lắng. Đời nào hệ thống an ninh trong bảo tàng lại để hắn lượn ra lượn vào tự do rồi chôm đồ như chốn không người chứ.

 ———————————————————

(1) Ác-tê-mít: thần săn bắn con gái của thần Dớt.

(trang 38)

Chưa đầy nửa tiếng sau tôi đã thấy hắn cưỡi Thần Thoại trở về. Sau lưng hẳn gùi hòn đá Ốm-phe-lốt mà mới hồi chiều chúng tôi còn cho rằng vô giá. Tôi cau có:

– Cậu làm trò gì thế? Sao lại ăn trộm hòn đá này?

Chúng ta không ăn trộm! – Hắn nhún vai. – Chúng ta chỉ mượn tạm thôi! Dùng xong sẽ mang trả lại! Tớ cũng tò mò muốn biết nơi nào được gọi là trung tâm của vũ trụ.

Nói đoạn, hắn đặt hòn đá xuống hố. Vừa như in! Mặt Trăng chiếu một chùm sáng vào chính giữa hòn đá. Hòn đá toả hào quang rực rỡ khiến chúng tôi chói mắt, lùi vài bước. Chợt, mặt đất rung chuyển. Tôi thấy hắn ôm chầm lấy tôi, nấp trong đôi cánh của Thần Thoại. Chúng tôi cảm thấy mình đang di chuyển, lúc lên cao, lúc xuống thấp, với tốc độ nhanh chóng mặt như đi trên một chiếc thang máy siêu tốc.

Hình dung

Không gian trung tâm vũ trụ.

“Uỳnh”! Chúng tôi mở mắt ra và thấy mình đang đứng giữa một không gian kì lạ. Đó là một thung lũng lọt thỏm dưới những núi đá cao vời vợi, không biết đến tận cùng. Tít tít trên cao xanh không có mây, không có mặt trời, cũng chẳng trăng sao; không gì cả, ngoài một tầng cao hoăm hoắm. Xung quanh được thắp sáng bằng bột lân tinh, giống như thứ bột mà Thần Đồng đã dùng để thắp sáng căn phòng của Nhân Sư.

– Có phải... có phải chúng ta ... – Tôi lắp bắp, không nói nên lời

– Chúng ta đang ở trung tâm của vũ trụ! – Hắn khẳng định.

Thần Thoại cũng ngoái ngang ngoái dọc, cảnh sắc này quá kì lạ với nó! Chính tôi cũng há hốc mồm, không tin vào cảnh tượng trước mắt. Một thế giới trong lòng thế giới! Hòn đá Ôm-phe-lốt đã tạo ra một bước nhảy không gian, đưa chúng tôi tới nơi được gọi là “cái rốn của vũ trụ”. Tôi cứ lắp ba lắp bắp hai tiếng “trung tâm” khiến Thần Đồng sốt ruột.

(trang 39)

– Cậu lắp bắp gì thế? Chúng ta còn cả một không gian mênh mông để khám phá đấy, chẳng phải chuyện chơi đâu!

Tôi vẫn chôn chân tại chỗ, chưa hết ngạc nhiên. Chẳng nói chẳng rằng, tôi mở ba lô của Thần Đồng, tìm cái máy tính đa-di-năng(1) của hắn. Tôi truy cập in-tơ-nét mãi mà chẳng được! Sực nhớ ra chúng tôi đã xa Trái Đất lâu rồi, đã nằm ngoài vùng phủ sóng rồi. Tôi bừng tỉnh, thở dài. Hắn quan tâm vỗ về tôi:

– Sao rồi? Có gì nghiêm trọng à? Cậu biết điều gi à?

– Cậu đã đọc Giuyn Véc-nơ chưa?

– Thời giờ đâu mà quan tâm tới văn học! – Hắn lắc đầu. – Đam mê của tớ không phải là chữ nghĩa! Nhưng tớ biết, đó là tác giả của Hai vạn dặm dưới biển. Mà liên quan gì đến ông ta...

Tôi chạy lại gần những cây nấm khổng lồ cao hơn hai mét xen giữa những gốc dương xỉ cao ngất, rậm rạp. Đặt nhẹ tay lên đó, rồi vỗ thật mạnh một cái để kiểm chứng, tôi nói một lèo như thuyết trình:

Theo dõi

Tâm Trái Đất theo như miêu tả của Giuyn Véc-nơ.

– Giuyn Véc-nơ là tác giả tiểu thuyết khoa học viễn tưởng vĩ đại nhất thế giới. Từ thế kỉ XIX ông ta đã có thể tiên tri về viễn cảnh những tàu điện ngầm, những toà cao ốc, thậm chí cả việc con người đặt chân lên Mặt Trăng. Ông ta từng viết một quyển sách nhan đề Hành trình vào Tâm Trái Đất. Trong đó kể về những cây nấm cổ đại khổng lồ, những con khủng long từ thời tiền sử, những con chim điện quý hiếm,... Nói chung, cái gọi là Tâm Trái Đất ấy cũng giống như một bảo tàng sống động, lưu giữ tất cả những gì đã biến mất khỏi mặt đất!

Thần Đồng mê mải nghe những lời giảng giải của tôi. Hắn là nhà khoa học. Câu hỏi đầu tiên chạy qua đầu hắn chắc chắn là: Sao có thể lưu giữ được những “hiện vật” này? Hắn cũng sờ lên thân cây để chắc chắn đó không phải là hư ảnh được thời gian lưu giữ tại một chiều không gian thứ tư.

Chúng tôi nghe đâu đó tiếng vo ve của côn trùng đang đến gần. Ngẩng lên, chúng tôi thấy một con chuồn chuồn khổng lồ đang bay qua với sải cánh rộng như của loài đại bàng. Thân hình nó óng ánh lân tinh! Bốn cái cánh khoẻ khoắn, đập nhanh như cánh quạt. Đứng giữa khu rừng cổ sinh này, chúng tôi chẳng khác gì loài vật kí sinh nhỏ bé, thậm chí, còn chẳng to hơn một con côn trùng.

– Theo Giuyn Véc-nơ thì đây là Tâm Trái Đất. Chẳng lẽ Tâm Trái Đất chính là Tâm Vũ Trụ? – Tôi thắc mắc.

 ———————————————————

(1) Đa-di-năng: có nhiều chức năng khác nhau (nghĩa trong văn bản).

(trang 40)

– Tớ cho rằng Giuyn Véc-nơ đã sai! Đây đúng ra là Tâm Vũ Trụ! Tâm Trái Đất chỉ có khoáng chất. Bằng cách nào đó, Giuyn được biết về nơi này, có thể là nhờ bước dịch chuyển không gian bất ngờ như vừa rồi... Và người phương Tây thế kỉ XIX chẳng thể nghĩ xa hơn tầng ô-dôn!

Lập luận của Thần Đồng rất hợp lí. Nhưng bất kể đây là tâm của cái gì thì việc quan trọng với chúng tôi lúc này là phải tìm ra mảnh ghép thứ hai và nghĩ cách thoát khỏi đây. Không thể chậm trễ, bởi nếu những điều ông nhà văn mà người đời vẫn cho là huyễn tưởng ấy nói đúng thì nhiệt độ ngày đêm nơi đây chênh lệch khá lớn. Càng về đêm, nhiệt độ càng tăng và đỉnh điểm sẽ lên tới 70°C, thế thì chúng tôi sẽ trở thành món bít tết nướng tái.

Hình dung

Không gian khu rừng cổ sinh với sinh vật kì lạ.

Chở chúng tôi trên lưng, Thần Thoại bay qua những ngọn cây cao nhất của khu rừng cổ sinh. Tôi ngó xuống dưới và thấy một con khủng long Spi-nô-sô-rớt Ê-gip-ti-cớt (Spinosaurus Aegipticus), loài bạo chúa mà tôi nhớ mãi khi xem phần ba bộ phim Công viên kỉ Giu-ra (Jurassic Park), đang ăn thịt một con voi ma mút. Nếu không có Thần Thoại, có lẽ chúng tôi cũng trở thành món lót dạ của những con vật tồn tại cách đây một trăm sáu mươi triệu năm rồi.

Bay qua khu rừng cổ sinh, chúng tôi lại tiếp tục kinh ngạc trước vẻ đẹp yên bình như chốn thần tiên. Chúng tôi đứng trước một dòng suối hiền hoà với cây cầu vồng đủ bảy sắc màu rực rỡ. Dường như cây cầu vồng ấy vĩnh viễn không bao giờ biến mất. Nhưng nó vẫn chưa kì lạ bằng hình ảnh đoàn người cá ngồi trên mỏm đá. Người chải đầu, người đọc sách, người chơi nhạc,... Họ có khuôn mặt của loài người, mỗi người một vẻ, và đặc biệt là những cái đuôi cá giống hệt như miêu tả của An-đéc-xen trong các câu chuyện cổ. Riêng chi tiết này thì không thấy Giuyn Véc-nơ nhắc tới. Có lẽ ông ta chưa từng biết tới nơi đây cũng nên! Như vậy là chúng tôi may mắn hơn vị tiểu thuyết gia đại tài đó rồi…

Theo miêu tả của Giuyn Véc-nơ, chốn này như một phòng trưng bày lưu giữ tất cả những sinh vật đã tuyệt diệt. Tôi nhớ lại lời của Nhân Sư rằng xưa kia, giống sư tử đầu người cùng với các sinh vật huyền bí(1) khác đã từng làm chủ Địa Cầu trước loài người. Vừa rồi, chúng tôi đã gặp người cá. Liệu chúng tôi còn gặp sinh vật nào nữa? Ngược lên thượng nguồn là một cánh đồng cỏ rộng mênh mông. Hương thơm của loài dã thảo khiến tôi dễ chịu vô cùng. Thần Thoại sà cánh, chạm xuống mặt đất. Nó có vẻ thích thú khi được giẫm lên cỏ non. Thần Đồng và tôi xuống ngựa, để Thần Thoại có một lúc tận hưởng không gian bát ngát của thảo nguyên mà nó vẫn gặp trong những giấc mơ.

(Hà Thủy Nguyên, Thiên Mã, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2011, tr. 53 - 60)

———————————————————

(1) Huyền bí: Bí ẩn và có vẻ mầu nhiệm, khó hiểu, khó khám phá.

(trang 41)

SAU KHI ĐỌC

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Câu chuyện xảy ra trong những không gian nào? Em hãy kể tóm tắt những diễn biến chính của câu chuyện.

2. Kể tên các nhân vật xuất hiện trong văn bản và nêu ấn tượng của em về một nhân vật dị thường trong số đó.

3. Theo lời nhân vật người kể chuyện, nhà văn Giuyn Véc-nơ đã miêu tả không gian Tâm Trái Đất như thế nào?

4. "Bước nhảy không gian" kì diệu đã đưa các nhân vật chính trở lại với khoảng thời gian nào?

5. Em hãy hình dung không gian thảo nguyên ở cuối văn bản, tiếp tục tưởng tượng thêm những loài sinh vật kì lạ sống ở đó và miêu tả bằng lời của mình.

6. Em có thích ý tưởng về công nghệ gen được đề cập tới trong văn bản không? Em suy nghĩ gì nếu công nghệ gen đó trở thành hiện thực?

VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

Hãy tưởng tượng em sở hữu phát minh "bước nhảy không gian". Viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) kể về không gian em định tới (không gian vũ trụ, Tâm Trái Đất hoặc các hành tinh khác).

Thực hành tiếng Việt (trang 41)

Nhận biết công dụng của dấu chấm lửng

• Dấu chấm lửng phối hợp với dấu phẩy ngầm cho biết nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết:

Sau khi có vẻ đã hài lòng, nó lỗi trong túi ra ba bốn lọ nhỏ, cái màu đỏ, cái màu vàng, cái màu xanh lục,... đều do nó tự chế.

(Tạ Duy Anh, Bức tranh của em gái tôi)

• Dấu chấm lửng thể hiện lời nói bỏ dở, ngập ngừng, ngắt quãng:

Hay là bây giờ em nghĩ thế này... Song anh có cho phép nói em mới cảm nói...

(Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí)


• Dấu chấm lửng làm giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ thưường có sắc thái hài hước, châm biếm:

Tôi đã đọc đâu đó một câu rất hay: “Chó giống nhau nhất của mọi người trên thế gian này là... không ai giống ai cả".

(Lạc Thanh, Xem người ta kia!)

DẤU CÂU

1. Chỉ ra công dụng của dấu chấm lửng trong các trường hợp sau:

a. Nhưng tôi chạm ngay vào một vật rắn. Tôi níu lấy nó. Tôi cảm thấy mình được đưa lên mặt nước và dễ thở hơn… Tôi ngất đi…

b. Chính chúng ta đã biết rõ hơn ai hết tốc độ con tàu này! Muốn đạt tốc độ đó cần có máy móc; muốn điều khiển máy móc, phải có thợ. Từ đó tôi kết luận rằng… chúng ta đã thoát chết!

c. Chúng tôi lần mò từng ngóc ngách, từ điện thờ thần A-pô-lô đến thánh đường A-then-na Pờ-rô-nai-a, thậm chí không bỏ sót những vết tích còn lại của đấu trường, rạp hát,… bên bờ suối Cát-xta-lích.

- Tớ nghĩ ta nên quay lại điện thờ thần A-pô-lô, vì trong câu đố có nhắc dến vị thần đội vòng nguyệt quế và nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải bày tỏ lòng thành kính… - Tôi kết luận sau khi đã kiểm tra một vòng.

- Có lí! Nhưng mà cái khoản bày tỏ lòng thành kính ấy, cậu bày tỏ đi nhé…

2. Tìm trong văn bản Đường vào trung tâm vũ trụ một câu có dấu chấm lửng với công dụng làm giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung hài hước

3. Nêu công dụng của dấu ngoặc kép trong các câu sau:

a. Cả Thần Đồng và tôi đều tin “cái rốn” ấy hẳn vẫn còn ở trong đền chứ không thể là hòn đá Ôm-phe-lốt kia

b. Câu hỏi đầu tiên chạy qua đầu hắn chắc chắn là: Sao có thể lưu giữ được những “hiện vật” này?

4. Viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) về một nội dung được gợi ra từ văn bản Đường vào trung tâm vũ trụ, trong đó có sử dụng dấu chấm lửng.

VĂN BẢN 3 (trang 42)

ĐỌC VĂN BẢN

Dấu ấn Hồ Khanh

NHẬT VĂN

Nói đến du lịch Quảng Bình là người ta nghĩ ngay đến di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, xứ sở được ví như vương quốc của hệ thống hang động. Trong hành trình tìm kiếm, khám phá và quảng bá các hang động ở Quảng Bình của các nhà thám hiểm có sự góp sức không nhỏ của một người dân vùng di sản. Đó là Hồ Khanh, người phát hiện ra hang Sơn Đoòng và rất nhiều hang động ấn tượng khác.

Quê hương của Hồ Khanh (thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch) được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho nhiều cảnh quan thiên nhiên cùng hệ thống hang động tuyệt mĩ. Trước đây, khi du lịch chưa được khai thác mạnh, những người dân trong làng của Hồ Khanh đều sống bằng nghề đi rừng, tìm trầm và Hồ Khanh cũng là thợ sơn tràng(1) chuyên nghiệp.

———————————————————

(1) Thợ sơn tràng: người làm nghề khai thác sản vật rừng theo lối thủ công.

(trang 43)

Chỉ khác là trong mỗi chuyến đi, người ta chỉ lo việc kiếm tiền còn Hồ Khanh lại dành nhiều thời gian hơn để chiêm ngưỡng các hang động đá vôi bởi vẻ đẹp hiếm có muôn hình đủ dạng được tạo ra từ các khối thạch nhũ. Cũng từ cái công việc nay đây mai đó ấy và tính tò mò thích khám phá mà Hồ Khanh tình cờ phát hiện ra những hang động đẹp.

Song ấn tượng nhất là có một lần đi rừng gặp mưa, Hồ Khanh ghé vào một hang đá để tạm trú và điều hết sức đặc biệt là từ hang đá này, anh cảm nhận được bầu không khí mát mẻ lạ thường, có thể nghe rõ tiếng gió rít qua vách đá. Đó là vào khoảng năm 1989. Và sự phát hiện này đã làm thay đổi cuộc đời của Hồ Khanh.

Từ giã cuộc sống sơn tràng với những chuyến đi rừng, Hồ Khanh lại tất bật với chuyện “cơm, áo, gạo, tiền”. Chuyện cái hang có luồng gió mát lạ ấy và nhiều hang đá khác coi như tạm quên. Song vì là người đi nhiều, biết nhiều, thông thuộc địa hình nên Hồ Khanh luôn được người dân trong làng giới thiệu với những nhà khoa học đến đây hiểu, nghiên cứu hang động. Và rồi Hồ Khanh trở thành cái tên quen thuộc gắn liền với những “chiến tích” khám phá hang động của các nhà nghiên cứu khoa học.

Sơn Đoòng lần đầu được giới thiệu vào năm 2009 từ sự phát hiện của Hồ Khanh, ảnh tư liệu

Từ năm 1999 đến 2004, Hồ Khanh đã dẫn nhiều đoàn như đoàn cán bộ khoa học Việt Nam – Đan Mạch, đoàn cán bộ khoa học Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, đoàn khám phá hang động Hoàng gia Anh,... đến các khu vực Lèn Hai, Lò Đò, So Đũa, Đoòng, Rú Chẻ,... để nghiên cứu dơi, linh trưởng, khám phá hệ thống hang Vòm tại khu vực Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Qua các đợt tiếp xúc làm việc với Hồ Khanh, ông Hô-oát Lim-bơ, Trưởng đoàn khám phá hang động Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đã có cảm tình đặc biệt với sự nhiệt tình, chu đáo và cả sự đam mê với khám phá hang động của anh.

Ông đã mời Hồ Khanh hợp tác trong vai trò người dẫn đường cho đoàn khám phá hang động tại khu vực Hạ Đoòng, Hung Thùng thuộc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Dấu chân của Hồ Khanh có mặt khắp nơi, anh tiếp xúc với nhiều đoàn nghiên cứu trong và ngoài nước như đoàn của dự án linh trưởng (Đức) nghiên cứu sự phân bố số loài linh trưởng ở khu vực Đoòng, dẫn đoàn cán bộ khoa học của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng vào khảo sát rừng bách xanh tại khu vực Thượng Đoòng…

(trang 44)

Gắn bó với những chuyến đi, Hồ Khanh luôn nghĩ về cái hang tạo ân tượng đặc biệt bởi luồng gió mát lạnh mà mình vô tình phát hiện trong lần trú mưa năm ấy. Thế là Hồ Khanh lại một mình vào rừng, cố nhớ lại từng vị trí. Sau bao ngày vất và cực nhọc, anh đã tìm được lối vào hang nhưng vì không có đồ bảo hộ cần thiết, và chỉ một mình nên Hồ Khanh không dám vào sẫu mà chỉ cảm nhận được rằng đây là một hang rất lớn, lớn hơn rất nhiều những cái hang mà anh đã tìm thấy.

Năm 2009, anh dẫn đoàn thám hiểm hang động của Hoàng gia Anh đến khám phá cái hang rất lớn và lạ ấy. Với Hồ Khanh, đây là chuyến đi đáng nhớ nhất. Chuyến thám hiểm mở ra nhiều điều bất ngờ thú vị, càng đi sâu vào hang, vẻ đẹp kì vĩ càng cuốn hút. Phía trên là ánh sáng mặt trời, phía dưới hang là con sông ngầm sâu hun hút, không khí mát lạnh, nước chảy cuồn cuộn, trong vắt giữa những rặng thạch nhũ điệp trùng. Hang này sau đó được đặt tên là Sơn Đoòng, được công nhận là hang động cao và rộng nhất thế giới.

Hồ Khanh lại tiếp tục đồng hành cùng đoàn cán bộ, cùng đoàn cán bộ khoa học của Trường Đại học Khoa học tự nhiên và các chuyên gia đến Sơn Đoòng để nghiên cứu địa chất, địa mạo(1), thuỷ văn(2) để rồi Sơn Đoòng có vị trí trên bản đồ hang động thế giới. Anh còn dẫn các đoàn làm phim lớn từ nước ngoài và các nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới đến làm phim, chụp ảnh và là thành viên tích cực phục vụ các chuyến thử nghiệm hang Sơn Đoòng...

Không chỉ giúp đỡ những nhà thám hiểm trong việc tìm kiếm các hang động, Hồ Khanh còn là một tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động người dân cùng chung tay bảo vệ di sản. Điều thú vị là sau những tháng ngày đi tìm kiếm hang động với vợ chồng Hô-oát Lim-bơ, Hồ Khanh càng thấy yêu thích công việc này nên ngoài hang Sơn Đoòng, anh còn phát hiện ra hàng chục hang động lớn, nhỏ khác thuộc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Anh thường một mình vào rừng tìm kiếm, rồi ghi nhớ thật chi tiết những nơi mình đã qua để dẫn đường cho các đoàn thám hiểm đi tìm hang động.

Làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và bằng cả niềm say mê nên Hồ Khanh được ông Hô-oát Lim-bơ hết mực yêu mến, tin cậy. Anh trở thành người bạn đồng hành của các nhà khoa học trên hành trình khám phá, tìm kiếm và làm phong phú thêm những giá trị độc đáo của di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

(Theo Nhật Văn, báo điện tử Quảng Bình, ngày 21/7/2014)

———————————————————

(1) Địa mạo: hình thái địa hình bề mặt Trái Đất.

(2) Thủy văn: các hiện tượng biến hóa và vận động của nước trong tự nhiên nói chung.

SAU KHI ĐỌC

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Hãy nhận xét về nhan đề của văn bản. Theo em, việc đặt nhan đề cho một văn bản thông tin phải đảm bảo yêu cầu cơ bản gì?

2. Văn bản trên đã đưa tới Những thông tin cơ bản nào về nhân vật Hồ Khanh?

3. Tìm ở đoạn đầu của văn bản chi tiết thể hiện "dấu ấn Hồ Khanh" trong công cuộc khám phá hang động ở Quảng Bình.

4. Thời điểm và Sự kiện quan trọng nào đã làm thay đổi cuộc đời của Hồ Khanh?

5. Theo em, Phẩm chất quan trọng nhất để trở thành một nhà thám hiểm là gì?

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Ngữ Văn 7 - Tập 2

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Toán 7 - Tập 1

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Toán 7 - Tập 2

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Ngữ Văn 7 - Tập 1

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Ngữ Văn 7 - Tập 2

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Tiếng Anh 7 - Tập 1

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Tiếng Anh 7 - Tập 2

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Vật Lí 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Sinh Học 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Lịch Sử 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Địa Lí 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Công Nghệ 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Âm Nhạc và Mĩ thuật 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Gợi ý cho bạn

cong-nghe-9-sua-chua-xe-dap-844

Công Nghệ 9 (Sửa chữa xe đạp)

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

mi-thuat-2-1027

Mĩ Thuật 2

Sách Lớp 2 Kết Nối Tri Thức

bai-tap-cong-nghe-6-64

Bài Tập Công Nghệ 6

Sách Lớp 6 Kết Nối Tri Thức

tieng-anh-8-tap-1-492

Tiếng Anh 8 - Tập 1

Sách Lớp 8 NXB Giáo Dục Việt Nam

cong-nghe-12-613

Công Nghệ 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.