(trang 55)
TRI THỨC NGỮ VĂN
Các vấn đề được bàn trong văn bản nghị luận
Mọi vấn đề của đời sống xã hội, văn học, nghệ thuật, khoa học,... đều có thể được nêu ra để bàn trong văn bản nghị luận. Văn bản nghị luận có giá trị phải chọn được vấn đề đáng quan tâm, có ý nghĩa với nhiều người. Trước một vấn đề, có thể có nhiều ý kiến khác nhau.
Mối liên hệ giữa các ý kiến, lí lẽ, bằng chứng trong văn bản nghị luận
Văn bản nghị luận bao giờ cũng thể hiện ý kiến của người viết. Sức thuyết phục của ý kiến phụ thuộc vào việc dùng lí lẽ và bằng chứng. Mỗi ý kiến thường được làm rõ bằng một số lí lẽ, mỗi lí lẽ được củng cố bởi một số bằng chứng. Ý kiến cần mới mẻ, lí lẽ cần sắc bén, bằng chứng cần xác thực, tiêu biểu, và tất cả những yếu tố đó phải có mối liên hệ với nhau, tạo thành một hệ thống chặt chẽ.
Biện pháp liên kết
Sự gắn kết giữa các câu trong đoạn văn hoặc giữa các đoạn trong văn bản được thể hiện bằng nhiều biện pháp (phép) liên kết, gắn với những phương tiện (từ ngữ) liên kết cụ thể, chẳng hạn: phép nối (từ ngữ nối), phép thế (đại từ, từ ngữ đồng nghĩa), phép lặp (lặp lại từ ngữ đã có trong câu trước, đoạn trước),...
Thuật ngữ
Thuật ngữ là từ ngữ dùng để nêu các khái niệm của một số lĩnh vực chuyên môn hoặc ngành khoa học.
Nghĩa của thuật ngữ là nghĩa quy ước trong phạm vi hẹp của lĩnh vực chuyên môn hoặc khoa học chuyên ngành.
Nhờ sử dụng chính xác và hợp lí các thuật ngữ, văn bản có được tính chuyên môn cao và cách biểu đạt hàm súc, tạo thuận lợi cho những cuộc trao đổi, thảo luận bổ ích xung quanh nội dung của văn bản.
VĂN BẢN ĐỌCVĂN BẢN 1. Bản đồ dẫn đường, Đa-ni-en Gốt-li-ép (Daniel Gottlieb) VĂN BẢN 2. Hãy cầm lấy và đọc, Huỳnh Như Phương VĂN BẢN 3. Nói với con, Y Phương |
(trang 56)
VĂN BẢN ĐỌC 1 (trang 56)
TRƯỚC KHI ĐỌC
1. Vì sao khách du lịch thường chuẩn bị một tấm bản đồ trước khi đến một miền đất lạ?
2. Đến với tương lai, mỗi người phải tự tìm cho mình một "con đường" hay đã có "con đường" do ai đó vạch sẵn?
ĐỌC VĂN BẢN
Bản đồ dẫn đường
ĐA-NI-EN GỐT-LI-ÉP(1)
Sam thương yêu,
Theo dõi
Văn bản được mở đầu bằng cách kể lại một câu chuyện có tính chất ngụ ngôn.
Có một người đàn ông nọ, một hôm vì có việc nên trở về nhà khi trời đã khuya. Oái oăm thay, sau khi về tới nhà, ông mới phát hiện đã để quên chìa khóa nhà tại công ti, nên đành lom khom tìm kiếm chiếc chìa khóa dự phòng. Nhìn thấy ông loay hoay cạnh ngọn đèn đường, người hàng xóm nhà bên cũng ra tìm giúp. Chẳng mấy chốc, lại thêm vài người hàng xóm nữa gia nhập “đội tìm kiếm”, nhưng chiếc chìa khóa vẫn không thấy đâu.
Một lúc lâu sau, một người hỏi ông đã nhìn thấy chiếc chìa khóa lần cuối cùng là ở đâu.
– Tôi thấy cạnh cửa ra vào ấy! – Ông trả lời
Người hàng xóm ngạc nhiên:
– Vậy tại sao ông lại tìm dưới ngọn đèn đường?
– Bởi vì ở nơi này tôi nhìn thấy rõ hơn!
Sam, ông chợt nhớ lại câu chuyện ngụ ngôn này khi nghĩ tới những tấm bản đồ dẫn đường cho chúng ta. Rất nhiều khi chúng ta tìm kiếm câu trả lời nơi sáng sủa, trong khi cái chúng ta cần là phải bước vào bóng tối.
Theo dõi
Cách giải thích hình ảnh "tấm bản đồ dẫn đường".
Tấm bản đồ dẫn đường là cách nhìn về cuộc đời này, bao gồm cả cách nhìn về con người. Thường thì cách nhìn này được truyền từ bố mẹ cho chúng ta, rồi qua năm tháng, được điều chỉnh theo từng hoàn cảnh sống, theo tôn giáo hay từ những kinh nghiệm của chính bản thân chúng ta. Một tấm bản đồ có thể cảnh báo: “Cuộc đời này hết sức hiểm nguy, phải chiến đấu hết sức mới mong sống sót”, trong khi tấm bản đồ khác thì hướng dẫn: “Bản chất của con người đều tốt cả. Càng thân thiết với nhiều người bao nhiêu càng tốt cho bản thân ta bấy nhiêu!”.
———————————————————
(1) Đa-ni-en Gốt-li-ép sinh năm 1946, người Mỹ, là nhà tâm lí học thực hành, bác sĩ điều trị tâm lí gia đình, đồng thời là chuyên gia sức khỏe tâm thần. Ông đã viết nhiều cuốn sách đúc kết kinh nghiệm hơn 30 năm nghiên cứu và tư vấn tâm lí: Tiếng nói của xung đột (2001); Những bức thư gửi cháu Sam (2006); Tiếng nói trong gia đình (2007); Học từ trái tim (2008 );... Bản đồ đường được trích từ cuốn sách Những bức thư gửi cháu Sam.
(2) Dự phòng: chuẩn bị sẵn, đề phòng tình huống không hay xảy ra sẽ dùng đến.
(trang 57)
Cháu thấy đấy, những tấm bản đồ này chỉ dẫn người ta đi theo những con đường khác nhau như thế nào. Hãy thử so sánh tấm bản đồ định hướng: “Cuộc sống chỉ toàn những chuỗi lo âu, đau khổ, còn niềm vui thì hiếm hoi và dễ dàng vụt mất như cánh chim trời!" với tấm bản đồ chỉ dẫn: “Cuộc sống là một món quà quý mà chúng ta phải trân trọng”. Với hai quan điểm khác nhau này, thì dù điều kiện sống của hai người ấy có giống nhau như thế nào đi nữa, cảm nhận của họ về cuộc sống lại rất khác biệt.
Sam à, tấm bản đồ này còn bao gồm cả cách nhìn nhận về bản thân chúng ta. Tôi có phải là người đáng yêu? Tôi có giàu có, có thông minh? Tôi có quá yếu đuối và dễ dàng bị người khác làm cho tổn thương? Khi gặp khó khăn, tôi sẽ gục ngã, hay chiến đấu một cách ngoan cường?
Theo dõi
Vai trò của "tấm bản đồ" đối với đường đời của con người.
Từng câu trả lời cho những câu hỏi trên sẽ là từng nét vẽ tạo nên hình dáng tấm bản đồ mà chúng ta trong tâm trí mình. Chính tấm bản đồ này quyết định cách nhìn của chúng ta đối với cuộc sống, với mọi người và với chính bản thân mình. Nó cũng mang ý nghĩa quyết định đối với những thành bại của chúng ta trong cuộc sống.
Sam, bản đồ dẫn đường của cháu như thế nào? Ông sẽ kể cho cháu nghe tấm bản đồ của ông. Khi ông còn nhỏ, mẹ ông luôn nhìn cuộc đời này như một nơi đầy hiểm nguy. Bà vẫn hay nói với ông rằng để tồn tại, ông phải luôn đề phòng, phải luôn cảnh giác. Bố của ông cũng phần nào đồng ý với quan điểm đó.
Theo dõi
Những khó khăn của "ông" khi tìm kiếm "tấm bản đồ" cho mình.
Nhưng quan điểm ấy dường như không phù hợp với ông. Những gì ông thấy không giống như lời bố mẹ ông nói. Ông cảm thấy yêu mến và tin tưởng tất cả mọi người xung quanh. Ông thấy cuộc sống là chốn bình yên và an toàn. Kết quả là ông nhận ra mình khác biệt với chính gia đình mình. Chưa bao giờ ông cảm thấy tự tin với quan điểm của mình, bởi gia đình ông luôn cho rằng quan điểm đó là hoàn toàn sai lầm. Mỗi thể nào mẹ ông cũng ngán ngầm: “Cứ chờ mà xem!”.
(trang 58)
Cháu biết không, tấm bản đồ của ông lúc ấy thật sự bế tắc. Ông không biết có phải mình là người quá ngây thơ, khờ khạo hay không. […] Ông cảm thấy mặt đất dưới chân mình sao mà bấp bênh và không bền vững. Không giống như người đàn ông trong câu chuyện ngụ ngôn ở trên, thậm chí ông còn không có một ngọn đèn đường nào để đứng cạnh mà tìm kiếm.
Có lẽ cháu nghĩ rằng tấm bản đồ dẫn đường của ông sau đó đã trở nên rõ ràng hơn, khi ông đã trưởng thành. Nhưng không phải vậy đâu Sam à. Nó không có thay đổi gì đáng kể cho đến sau vụ tai nạn. Nằm trên giường tĩnh tâm(1) một thời gian dài, ông đã được rất nhiều người đến thăm. Ông bắt đầu đi vào bóng tối để tìm xem mình là ai và ý nghĩa của cuộc sống là gì.
Theo dõi
Cách kết thúc văn bản.
Sam, cách duy nhất để tìm một bản đồ khác, đó là sẵn sàng tìm kiếm trong bóng tối. Cháu cũng cần phải tìm kiếm bản đồ cho chính mình. Không nhất thiết phải làm tấm bản đồ cháu đã được trao sẵn, hay tấm bản đồ giống hệt bố mẹ mình, mà là tấm bản đồ cháu tự vẽ nên bằng chính kinh nghiệm của mình.
Ông hi vọng rằng, một ngày nào đó, cháu có thể đối mặt với cuộc đời mình một cách hiên ngang, mạnh mẽ, bởi cháu đã có tất cả những điều cháu cần trong tấm bản đồ dẫn đường của mình.
Yêu cháu,
Ông ngoại của cháu
(Đa-ni-en Gốt-li-ép, Những bức thư gửi cháu Sam, Thông điệp cuộc sống,
Minh Trâm – Hoa Phượng – Ngọc Hân dịch,
NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2012, tr. 229 - 233)
———————————————————
(1) Tĩnh tâm: giữ cho lòng mình thanh thản, không xao xuyến, xúc động.
(trang 59)
SAU KHI ĐỌC
TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Nêu tác dụng của cách mở đầu văn bản bằng việc kể lại câu chuyện có tính chất ngụ ngôn.
2. Từ cách tìm chìa khóa rất kì khôi của người đàn ông trong câu chuyện, tác giả liên hệ đến vấn đề gì?
3. Trong văn bản, tác giả lí giải về hai khía cạnh của hình ảnh ẩn dụ "tấm bản đồ". Khi bàn về hai khía cạnh đó, tác giả dùng những lí lẽ và bằng chứng nào để thuyết phục người đọc?
4. Cháu biết không, tấm bản đồ của ông lúc ấy thật sự bế tắc − "ông" đã tâm sự với "cháu" như vậy. Theo em, vì sao "ông" bế tắc trong việc tìm kiếm tấm bản đồ của riêng mình? Kinh nghiệm ấy của "ông" có thể giúp "cháu" rút ra được bài học gì?
5. Trong hai ý kiến khác nhau sau đây, em đồng ý với ý kiến nào? Vì sao?
a. Cuộc sống chỉ toàn những chuỗi lo âu, đau khổ, còn niềm vui thì hiếm hoi và dễ dàng vụt mất như cánh chim trời!
b. Cuộc sống là một món quà quý mà chúng ta phải trân trọng.
6. Đọc lời khuyên của "ông" dành cho "cháu" ở phần cuối văn bản, em rút ra điều gì cho bản thân?
VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC
Trên "con đường" đi tới tương lai của bản thân, "tấm bản đồ" có vai trò như thế nào? Hãy trả lời câu hỏi trên đây bằng một đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu).
Thực hành tiếng Việt (trang 59)
Nhận biết một số biện pháp liên kết và từ ngữ liên kếtMỗi biện pháp (phép) liên kết thường sử dụng những từ ngữ liên kết tương ứng. Sau đây là một số biện pháp (phép) liên kết và phương tiện (từ ngữ) liên kết thông dụng: • Phép nốiCâu sau có từ ngữ nối biểu thị quan hệ với câu trước. Ví dụ: Có lẽ cháu nghĩ rằng tấm bản đồ dẫn đường của ông sau đó đã trở nên rõ ràng hơn, khi ông đã trưởng thành. Nhưng không phải vậy đâu Sam à. (Đa-ni-en Gốt-li-ép, Bản đồ dẫn đường) Nhờ sử dụng từ nối nhưng, người viết đã tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa hai câu liền nhau. • Phép thếCâu sau có từ ngữ dùng để thay thế cho từ ngữ đã xuất hiện ở câu trước. Ví dụ: Hai mươi tuổi, chàng thanh niên Lỗ Tấn du học ở Nhật. Ông theo học ngành Y. (Đoàn Công Lê Huy, Câu chuyện về con đường) Từ ông ở câu sau thay cho cụm từ chàng thanh niên Lỗ Tấn ở cầu trước đó, có tác dụng liên kết hai câu với nhau. • Phép lặpCâu sau lặp lại từ ngữ của câu trước, có tác dụng liên kết. Ví dụ: Cháu biết không, tấm bản đồ của ông lúc ấy thật sự bế tắc. Ông không biết có phải mình là người quá ngây thơ, khờ khạo hay không. [..] Ông cảm thấy mặt đất dưới chân mình sao mà bấp bênh và không bền vững. (Đa-ni-en Gốt-li-ép, Bản đồ dẫn đường) Các câu liên kết với nhau nhờ lặp lại từ ông. |
MẠCH LẠC VÀ LIÊN KẾT (BIỆN PHÁP LIÊN KẾT VÀ TỪ NGỮ LIÊN KẾT)
Đọc hai đoạn văn sau và thực hiện các nhiệm vụ ở dưới:
Đoạn thứ nhất: (1) Sam, bản đồ dẫn đường của cháu như thế nào? (2) Ông sẽ kể cho cháu nghe tấm bản đồ của ông. (3) Khi ông còn nhỏ, mẹ ông luôn nhìn cuộc đời này như một nơi đây hiếm nguy. (4) Bà vẫn hay nói với ông rằng để tồn tại, ông phải luôn đề phòng, phải luôn cảnh giác. (5) Bố của ông cũng phần nào đồng ý với quan điểm đó.
(trang 60)
Đoạn thứ hai: (1) Nhưng quan điểm ấy dường như không phù hợp với ông. (2) Những gì ông thấy không giống như lời mẹ ông nói. (3) Ông cảm thấy yêu mến và tin tưởng tất cả mọi người xung quanh, (4) Ông thấy cuộc đời là chốn bình yên và an toàn. (5) Kết quả là ông nhận thấy mình khác biệt với chính gia đình mình. (6) Chưa bao giờ ông cảm thấy tự tin với quan điểm của mình, bởi gia đình ông luôn cho rằng quan điểm đó là hoàn toàn sai lầm. (7) Mỗi khi ông và mẹ trò chuyện về một người nào đó và ông khen ngợi họ dễ thương, tốt bụng, thế nào mẹ ông cũng ngán ngẩm: “Cứ chờ mà xem!”.
1. Em hãy tóm lược ý của từng đoạn văn trong một câu và cho biết nhờ tính chất gì của hai đoạn văn mà em tóm tắt được như vậy.
2. Chỉ ra phương tiện liên kết các câu trong đoạn thứ nhất và các câu trong đoạn thứ hai.
3. Câu nào có tác dụng liên kết đoạn thứ hai với đoạn thứ nhất? Những phương tiện liên kết nào được sử dụng trong câu đó?
4. Em thử đổi vị trí các câu trong đoạn thứ nhất và đoạn thứ hai theo một trật tự bất kì, chẳng hạn 2, 4, 1, 5, 3 (đoạn thứ nhất) và 7, 3, 4, 6, 1, 5, 2 (đoạn thứ hai). Hãy đọc lại các câu theo trật tự đã thay đổi và rút ra nhận xét.
5. Hai đoạn văn trên sắp xếp đúng trật tự trong văn bản. Em thử hoán đổi vị trí hai đoạn cho nhau và rút ra nhận xét.
(trang 61)
VĂN BẢN 2 (trang 61)
TRƯỚC KHI ĐỌC
1. Nêu một câu danh ngôn nói về sách hoặc về việc đọc sách mà em cho là có ý nghĩa.
2. Em thích đọc sách loại nào? Em đã từng thu nhận được điều gì bổ ích sau khi đọc một cuốn sách?
ĐỌC VĂN BẢN
Hãy cầm lấy và đọc
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG(1)
Tương truyền(2) rằng hồi còn trẻ, một lần Thánh Au-gu-xtinh(3) (Augustine) ngồi cô đơn và tĩnh lặng trong vườn, vắng nghe bên tai giọng nói thầm thì của một em bé: “Hãy cầm lấy và đọc!”(4). Câu nói ấy lặp đi lặp lại như một điệp khúc. Từ hôm đó, được thúc đẩy bởi một sứ mệnh(5) có tính chất mặc khải(6), ông đi sâu nghiên cứu triết học, và trở thành nhà tư tưởng hàng đầu của thời trung đại(7).
Theo dõi
Câu chuyện kết nối như thế nào với vấn đề nghị luận?
Vượt qua tính chất huyền bí của câu chuyện ấy, “Hãy cầm lấy và đọc” trở thành lời mời gọi trân trọng người ta đọc một cuốn sách. “Hãy cầm lấy và đọc” có thể xem là một thông điệp(8): hãy tiếp xúc trực tiếp với một cuốn sách, hãy tự trải nghiệm mà không bước qua một trung gian nào. Cùng với thức ăn để duy trì sự sống của cơ thể, con người cũng cần thức ăn nuôi dưỡng tinh thần. Đọc là một cách nạp năng lượng cho sự sống tinh thần. Người tuyệt thực(9), không ăn uống, có thể chết. Người không đọc, không xem, không nghe cũng có thể “chết”, cái chết dần dần, êm ái, không dễ nhận ra.
Theo dõi
Lí lẽ và bằng chứng nào được dùng để khẳng định vai trò của sách trong thế giới hiện đại?
“Em hãy cầm lấy và đọc”, đó là lời nói tin cậy của thầy giáo khi trao cho học trò một cuốn sách quý. “Con hãy cầm lấy và đọc”, đó là câu nói thân thương của người cha, người mẹ khi đưa cho con món quà có ý nghĩa nhất.
———————————————————
(1) Huỳnh Như Phương sinh năm 1955, quê ở Quảng Ngãi, là giảng viên đại học, nhà nghiên cứu phê bình văn học. Tác phẩm chính: Dẫn vào tác phẩm văn chương (1986); Trường phái Hình thức Nga (2007); Những nguồn cảm hứng trong văn học (2008); Hãy cầm lấy và đọc (2016); Giấc mơ, cảnh tượng và cái nhìn (2019);…
(2) Tương truyền: truyền miệng cho nhau trong dân gian từ đời này đến đời kia.
(3) Thánh Au-gu-xtinh (354 - 430): nhà thần học và triết học lớn ở châu Âu thời Trung đại.
(4) Nguyên văn tiếng Latinh: Tolle et lege!
(5) Sứ mệnh: nhiệm vụ quan trọng, được coi là thiêng liêng.
(6) Mặc khải: một khả năng đặc biệt được Chúa ban cho, nhờ đó, có thể nhận biết trong khoảnh khắc những điều mà người bình thường không thể biết (quan niệm của Thiên Chúa giáo).
(7) Trung đại: thời Trung cổ ở các nước châu Âu và thời phong kiến ở một số nước phương Đông.
(8) Thông điệp: điều công khai gửi đến mọi người.
(9) Tuyệt thực: nhịn ăn để thể hiện thái độ phản kháng.
(trang 62)
“Bạn hãy cầm lấy và đọc”, đó là lời sẻ chia của một người bạn muốn giới thiệu cho ta một cuốn sách hay.
Không phủ nhận vai trò ngày càng tăng của các phương tiện nghe nhìn trong thế giới hiện đại, chúng ta vẫn thấy rằng đọc là một nhu cầu không thể thể thiếu của con người. Con chữ trên trang sách hàm chứa văn hoá của một dân tộc, mang hồn thiêng của đất nước. Chữ kích thích trí tưởng tượng của người đọc, không bị cố định hoá(1) trong một khuôn khổ, hình thể nào. Chữ gợi lên những tư duy hồi đáp, hô ứng hay phản biện(2). Chữ là cầu nối những thế hệ cách xa nhau trong lịch sử, những không gian văn hoá khác nhau, những tấm lòng chưa thông hiểu nhau, thậm chí còn nghi kị nhau.
Trang giấy và chữ in có sức hấp dẫn và sự kì diệu của nó. Chỉ là giấy và mực mà nó chứa đựng cả thế giới, phơi bày những bí ẩn của thiên nhiên, vũ trụ, xã hội và con người. Đọc sách là đọc thế giới và đọc cả tâm hồn con người. Đọc sách là đọc tha nhân(3) và đọc chính bản thân ta. Nhờ đọc sách mà ta hiểu đời, hiểu người và hiểu chính mình.
Có những cuốn sách khiến ta thất vọng, hụt hẫng. Nhưng không ít cuốn sách làm ta hạnh phúc, hồi hộp và mê đắm. Đọc một cuốn sách hay như bị cuốn vào một nỗi say mê, một niềm khoái cảm. Hành động đọc là cả một cuộc khám phá và chinh phục. Một nền giáo dục mà không khuyến khích và kích thích công chúng đọc sách là một nền giáo dục phiến diện, có thể sản sinh ra những người nông cạn về tinh thần, “những con người một chiều kích” như Hơ-bớt Mác-kiu-dơ(4) (Herbert Marcuse) đã nói.
Thời nay, với sự xuất hiện của in-tơ-nét và sách điện tử, cách đọc cũng đa dạng: đọc không chỉ là nhìn vào trang giấy và chữ in mà còn là nhìn vào màn hình chiếu sáng. Đó là thành tựu của văn minh nhân loại. Câu nói “Hãy cầm lấy và đọc” có thể chỉ còn ý nghĩa tượng trưng, thay vào đó cách nào, điều quan trọng là trí tuệ và tâm tư ta gắn liền với ngôn ngữ, nhờ tiếng nói và chữ viết (cả sách nói và sách chữ nổi dành cho người khiếm thị) mà đánh thức những giá trị tinh thần.
———————————————————
(1) Cố định hóa: làm cho giữ nguyên trạng thái, không thay đổi.
(2) Phản biện: đánh giá theo một góc nhìn khác (nghĩa trong văn bản).
(3) Tha nhân: người khác.
(4) Hơ-bớt Mác-kiu-dơ (1898 - 1979): nhà triết học, xã hội học người Đức.
(trang 63)
Phân tích
Làm cách nào để khắc phục sự sa sút của văn hóa đọc?
Lâu nay, chúng ta thường được nghe báo động về sự sa sút của văn hóa đọc. Giải quyết tình trạng này, cần phải tính đến cả hai phương diện: chủ thể đọc và đối tượng đọc, nghĩa là phải có người ham đọc và có sách hay để đọc, hai điều này tác động qua lại với nhau. Nếu chỉ có những cuốn sách dở thì hiển nhiên người đọc sẽ hờ hững. Ngược lại, nếu người đọc không được chuẩn bị nền tảng văn hóa cần thiết thì dù sách hay bao nhiêu vẫn là vô ích.
Suy luận
Cách kết văn bản có gì độc đáo?
[…] Sách sinh ra không phải để được trưng bày, khoe của hay làm dáng. Sách cũng không nên trở thành một cổ vật rêu phong. Sách là để: “lần giở trước đèn”.
Tolle et lege. Xin hãy cầm lấy và đọc.
(Theo Huỳnh Như Phương, Hãy cầm lấy và đọc,
NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016, tr. 13 - 16)
SAU KHI ĐỌC
TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Văn bản tập trung bàn về vấn đề gì? Dựa vào đâu em nhận biết được điều đó?
2. Tóm lược một số ý kiến được tác giả lần lượt trình bày trong văn bản.
3. Chỉ ra câu văn thể hiện cách lí giải của tác giả về thông điệp "Hãy cầm lấy và đọc". Em có đồng ý với cách lí giải đó không? Vì sao?
4. Tác giả đã dùng những lí lẽ và bằng chứng nào để khẳng định trong thế giới hiện đại, khi các phương tiện nghe nhìn phát triển không ngừng, con người vẫn cần phải đọc sách?
5. Theo tác giả, cần có những điều kiện gì để giải quyết tình trạng sa sút của văn hóa đọc hiện nay? Em có tán thành với ý kiến của tác giả về vấn đề này không? Vì sao?
6. Từ nội dung văn bản Hãy cầm lấy và đọc, theo em, có thể xem đọc sách là một kiểu trải nghiệm được không? Vì sao?
VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC
Viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) với chủ đề: Sách là để đọc, không phải để trưng bày.
(trang 64)
Thực hành tiếng Việt (trang 64)
Nhận biết đặc biệt và chức năng của thuật ngữ• Thuật ngữ là từ hoặc cụm từ cố định, được sử dụng theo quy ước của một lĩnh vực chuyên môn hoặc ngành khoa học nhất định. Có nhiều trường hợp, ngay sau thuật ngữ đã được dịch ra tiếng Việt, người ta còn ghi thêm thuật ngữ gốc trong tiếng Anh, tiếng Pháp, (để trong ngoặc đơn). • Muốn hiểu nghĩa của thuật ngữ, cần tìm đến Bảng tra cứu thuật ngữ đặt ở phía sau cuốn sách (nếu có) hoặc đọc các từ điển chuyên ngành. Việc suy đoán nghĩa của thuật ngữ dựa vào ngữ cảnh hay ghép nối nghĩa của từng yếu tố cấu tạo rất dễ dẫn tới tình trạng hiểu sai thuật ngữ. • Có những từ ngữ khi thì được dùng với tư cách là một thuật ngữ, khi lại được dùng như một từ ngữ thông thường. Ví dụ: - Muối là hợp chất mà phần tử gồm có một hay nhiều nguyên tử kim loại liên kết với một hay nhiều gốc acid. Trong trường hợp này, muối là thuật ngữ, chỉ một loại hợp chất hoá học. - Canh còn hơi nhạt, con thêm tí muối nữa đi. Muối ở đây là một từ thông dụng, chỉ một loại gia vị trong thực phẩm. • Có những thuật ngữ đôi khi được dùng như từ ngữ thông thường. Ví dụ: - Ẩn số của phương trình này là một số thập phân. Ẩn số ở đây là một thuật ngữ toán học, có nghĩa: “số chưa biết". - Liệu con vi-rút này có biến thể nào khác hay không vẫn còn là một ẩn số. Trong câu này, ẩn số là từ thông dụng, có nghĩa: “điều chưa ai biết rõ". Muốn xác định được một từ ngữ có phải là thuật ngữ hay không, cần phải dựa vào ngữ cảnh mà nó xuất hiện. |
THUẬT NGỮ
1. Chỉ ra thuật ngữ trong những câu sau và cho biết dựa vào đâu em xác định như vậy.
a. Sam, ông chợt nhớ lại câu chuyện ngụ ngôn này khi nghĩ tới những tấm bản đồ dẫn đường cho chúng ta.
b. Từ hôm đó, được thúc đẩy bởi một sứ mệnh có tính chất mặc khải, ông đi sâu nghiên cứu triết học, và trở thành nhà tư tưởng hàng đầu của thời trung đạI.
c. Con chữ trên trang sách hàm chứa văn hóa của một dân tộc, mang hồn thiêng của đất nước.
d. Thời nay, với sự xuất hiện của in-tơ-nét và sách điện tử, cách đọc cũng đa dạng: đọc không chỉ là nhìn vào trang giấy và chữ in mà còn nhìn vào màn hình chiếu sáng.
2. Hãy tra từ điển hoặc các loại tài liệu thích hợp để tìm hiểu nghĩa của các thuật ngữ đã tìm được ở bài tập 1.
3. Trong các từ ngữ in đậm ở những cặp câu dưới đây, trường hợp nào là thuật ngữ, trường hợp nào là từ ngữ thông thường? Cho biết căn cứ để xác định như vậy.
(trang 65)
a. Cặp câu thứ nhất:
- Câu nói ấy lặp đi lặp lại như một điệp khúc.
- Trong một bài hát hay bản nhạc, phần được lặp lại nhiều lần khi trình diễn gọi là điệp khúc.
b. Cặp câu thứ hai:
- Trong thời đại ngày nay, con người đã biết tận dụng các nguồn năng lượng.
- Đọc sách là một cách nạp năng lượng cho sự sống tinh thần.
c. Cặp câu thứ ba:
- Cháu biết không, tấm bản đồ của ông lúc ấy thật sự bế tắc.
- Bản đồ là hình vẽ thu nhỏ một phần hay toàn bộ bề mặt Trái Đất lên mặt phẳng trên cơ sở toán học, trên đó các đối tượng địa lí được thể hiện bằng các kí hiệu bản đồ.
VĂN BẢN 3 (trang 65)
ĐỌC VĂN BẢN
Nói với con
Y PHƯƠNG(1)
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình(2) yêu lắm con ơi
Đan lờ(3) cài nan hoa
Vách nhà ken(4) câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.
———————————————————
(1) Y Phương (1948 - 2022) quê ở Cao Bằng. Thơ Y Phương thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ, phóng khoáng, in đậm màu sắc vùng đất quê ông. Một số tập thơ tiêu biểu của Y Phương: Nói với con (1980); Người núi Hoa (1982); Tiếng hát tháng Giêng (1986); Đàn Then (1996); Vũ khúc Tày (2015);…
(2) Người đồng mình: người vùng mình, người quê mình.
(3) Lờ: một loại dụng cụ được đan bằng những nan tre vót tròn, dùng để bắt cá.
(4) Ken: làm cho kín hết, không cho chỗ hở, chỗ trống. Ken ở đây được dùng với nghĩa bóng bẩy.
(trang 66)
Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gặp ghềnh
Sống trong thung(1) không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.
(Nguyễn Đức Nam (Chủ biên), Thơ Việt Nam 1945 - 1985,
NXB Giáo dục, 1987, tr. 326 - 327)
SAU KHI ĐỌC
TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Nói với con thể hiện tình cảm của người cha đối với con, nhưng qua đó, nhà thơ còn hướng tới những đối tượng nào khác?
2. Qua những lời tâm tình, căn dặn, người cha muốn nói với con về những điều gì?
3. Người cha đã nhìn nhận như thế nào về mối quan hệ giữa "con" với gia đình, quê hương, xứ sở? Những mối quan hệ ấy có ý nghĩa gì đối với sự trưởng thành của "con"?
4. Vẻ đẹp tâ hồn và sức sống mãnh liệt, bền bỉ của "người đồng mình" được thể hiện như thế nào trong bài thơ? Nói về "người đồng mình", người cha muốn nhắn gửi con điều gì?
5. Nêu cảm nhận của em về nghệ thuật của bài thơ.
———————————————————
(1) Thung (thung lũng): dải đất trũng và kéo dài nằm giữa hai sườn đồi, núi.