SGKVN

Ngữ Văn 7 - Tập 2 - Viết (trang 67) | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Viết (trang 67) - Ngữ Văn 7 - Tập 2. Xem chi tiết nội dung bài Viết (trang 67) và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Ngữ Văn 7 - Tập 2 | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

(trang 67)

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến phản đối)

Trong đời sống, trước một vấn đề, thường có những ý kiến khác nhau, trong đó có thể có ý kiến khiến ta không thể đồng tình. Biết tán thành với ý kiến đúng thì cũng cần biết phản đối ý kiến sai. Nhiều trường hợp, sự phản đối được thể hiện bằng bài văn nghị luận. Để việc phản đối có sức thuyết phục, người viết văn nghị luận cần đưa ra ý kiến rõ ràng, lí lẽ sắc bén, bằng chứng tiêu biểu, xác thực, dựa trên những tiêu chuẩn chân lí được thừa nhận rộng rãi.

Yêu cầu đối với bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến phản đối)

• Nêu được vấn đề, làm rõ thực chất của vấn đề.

• Trình bày rõ ràng ý kiến phản đối của người viết về một quan niệm, cách hiểu khác.

• Đưa ra được lí lẽ và bằng chứng để chứng tỏ ý kiến phản đối là hoàn toàn có cơ sở.

Phân tích bài viết tham khảo

Việc lớn, việc nhỏ

Nêu vấn đề nghị luận.

Thể hiện ý kiến không đồng tình với quan niệm.

“Tôi chỉ làm việc lớn, việc nhỏ là việc vô nghĩa, tôi không thích làm” – đây là đề tài chúng tôi sẽ thảo luận trong mục Mỗi tuần một câu chuyện vào chiều thứ Bảy tuần này. Cô giáo cho biết, một anh học sinh khóa trước đã “tuyên bố” như vậy trong buổi cả lớp lao động quét dọn, vệ sinh sân trường, lớp học. Tôi thực sự bị thu hút bởi đề tài cô giáo vừa nêu. Tôi biết trong lớp, không ít bạn có suy nghĩ giống như “tác giả” của câu nói trên. Theo tôi, câu nói đó đã bộc lộ một quan điểm thật khó chấp nhận.

Trước hết, muốn chỉ ra chỗ bất ổn của quan điểm trên đây, cần hiểu thế nào là việc lớn, việc nhỏ, việc vô nghĩa và thái độ của chúng ta trước những công việc như vậy.

Sử dụng lí lẽ và bằng chứng để thể hiện sự phản đối khía cạnh thứ nhất của quan niệm.

Việc lớn có thể hiểu là những việc hệ trọng, đòi hỏi người ta phải dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ,… để giải quyết. Đối với học sinh, việc lớn nhất là học tập nhằm chiếm lĩnh tri thức, hình thành và phát triển năng lực; rèn luyện thể chất để có cơ thể khỏe mạnh; trau dồi phẩm chất, trở thành con người chân chính. Trên từng bước trưởng thành, những việc lớn luôn chờ đợi chúng ta. Tốt nghiệp phổ thông, học một ngành đại học hay một nghề, ra trường có việc làm ổn định, xây đắp sự nghiệp, lo toan cuộc sống gia đình, đảm trách một nhiệm vụ trong xã hội,… tất cả đều là những việc trọng đại của đời người. Vậy, có riêng gì anh học sinh ấy, trong đời, ai mà chẳng phải làm việc lớn? Anh ấy không thể lấy cớ “bận làm việc lớn” để né tránh những “việc nhỏ” mà anh có bổn phận phải làm, giống như mọi người.

Sử dụng lí lẽ và bằng chứng để thể hiện sự phản đối khía cạnh thứ hai của quan niệm.

Bên cạnh việc lớn, hằng ngày còn có bao nhiêu việc nhỏ chúng ta phải làm. Trong gia đình có những công việc ngỡ rất tầm thường, nhưng không thể không làm như quét dọn nhà cửa, cọ rửa ấm chén, lau chùi bàn ghế, tưới cây, chăm sóc vật nuôi,… Đến trường, không chỉ học tập, chúng ta còn phải tham gia những việc nhỏ như dọn vệ sinh lớp học, trồng cây trong vườn trường, thu gom rác thải nhựa,… Nếu người nào cũng cho rằng mình được sinh ra chỉ để làm việc lớn thì những việc nhỏ kia sẽ đùn đẩy cho ai? Con cái không tranh thủ đỡ đần, hẳn bố mẹ phải nai lưng ra làm hết các việc sau khi đã bận rộn cả ngày ở cơ quan, trong công xưởng hay ngoài đồng ruộng. Trong lớp, mình chừa việc ra thì các bạn khác phải gánh vác. Tuyên bố rằng chỉ làm việc lớn, không làm việc nhỏ như anh bạn kia thực sự là biểu hiện của một thái độ thiếu trách nhiệm với gia đình hoặc với tập thể. Nói như thế còn là một cách biện minh cho sự biếng nhác đã thành thói quen.

Có một câu hỏi cần được trả lời: Việc nhỏ có phải là việc vô nghĩa không? Qủa thật, đôi khi có người đã làm những việc không đưa lại bất cứ lợi ích gì. Không thể đánh đồng những trò tầm thường đó với những việc tuy nhỏ mà ý nghĩa lớn lao. Tôi đã đọc bài báo về chueyejn ông Ni-nô-mi-gia (Ninomiya) – một doanh nhân người Nhật. Trong những ngày tháng làm việc ở Việt Nam, cứ mỗi sáng Chủ nhật, ông đến nhặt rác để làm sạch Hồ Gươm. Việc làm của ông Ni-nô-mi-gia có sức lan tỏa rất lứn. Từ chỗ một mình ông Ni-nô-mi-gia, thời gian sau đã có thêm hơn chục người nước ngoài cùng tham gia nhặt rác. Việc làm ấy đúng là rất nhỏ, nhưng ý nghĩa và sức tác động của nó thì không hề nhỏ chút nào.

Ý nghĩa của việc thể hiện ý kiến phản đối.

Càng suy nghĩ, tôi càng thấy câu nói “Tôi chỉ làm việc lớn, việc nhỏ là việc vô nghĩa, tôi không thích làm” hoàn toàn không đúng. Sự lệch lạc trong nhận thức như vậy không chỉ cản trở chúng ta thể hiện trách nhiệm trước tập thể, cộng đồng, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của bản thân. Đối thoại thẳng thắn với quan điểm này là một điều hết sức cần thiết, vì có như vậy chúng ta mới phân biệt được đúng sai trong suy nghĩ, từ đó, biết cách điều chỉnh, lựa chọn hành vi phù hợp. Mọi người ai cũng có quyền nghĩ đến những việc lớn và cố gắng cao nhất để thực hiện ước mơ của mình, nhưng hãy nhớ rằng, nhiều khi chính việc lớn được bắt đầu từ những việc nhỏ. Không ít tấm gương thành đạt trong cuộc sống đã cho ta bài học ấy.

(Bài làm của học sinh, có chỉnh sửa)

(trang 69)

Thực hiện viết theo các bước

1. TRƯỚC KHI VIẾT

a. Lựa chọn đề tài

Mục đích viết

Phản đối quan niệm, cách hiểu không đúng về một vấn đề, nhằm góp phần tạo nên một sự thay đổi tích cực trong đời sống.

Người đọc

Thầy cô, bạn bè, những người quan tâm đến vấn đề.

Cần quan sát thực tế diễn ra hằng ngày (trực tiếp hoặc qua các phương tiện như ti vi, báo, đài,…) để nhận thấy, trong cuộc sống hiện nay, có những quan niệm chưa đúng đắn, tác động không tốt đến đời sống cộng đồng, cần bày tỏ thái độ phản đối. Em có thể tham khảo một số ý kiến sau đây để chọn đề tài cho bài viết của mình:

- Vệ sinh trường học là trách nhiệm của những người lao công đã được nhà trường trả lương. 

- Có thể bỏ qua một số môn, chỉ nên học những môn mình yêu thích. 

- Tắt thiết bị điện trong Giờ Trái Đất chỉ việc làm hình thức, không có tác dụng vì chẳng tiết kiệm điện được bao nhiêu. 

- Sách giáo khoa bố mẹ đã bỏ tiền mua, trở thành sở hữu của mình, nếu muốn, mình có thể viết, vẽ vào đó.

b. Tìm ý

Sau khi chọn được đề tài, cần tiến hành tìm ý bằng cách trả lời một số câu hỏi:

- Vấn đề gì cần bàn luận ở bài viết?

Vấn đề cần bàn luận phải được nêu ra. Có thể giải thích thêm để người đọc nắm được thực chất của vấn đề. Ví dụ, cách nêu vấn đề ở bài viết tham khảo: "“Tôi chỉ làm việc lớn, việc nhỏ là việc vô nghĩa, tôi không thích làm” – đây là đề tài chúng tôi sẽ thảo luận trong mục "Mỗi tuần một câu chuyện" vào chiều thứ Bảy tuần này."

- Trước ý kiến trái ngược với quan điểm của bản thân, cần thể hiện ý kiến của mình như thế nào?

(trang 70)

Nhận thức của người viết về tính đúng/ sai của một quan niệm, một ý kiến phải rõ ràng, dứt khoát. Nếu đúng, cần khẳng định; nếu sai, cần phản đối. Thái độ này phải được thể hiện rõ trong một ý. Ví dụ: Ở bài viết tham khảo, người viết nêu ý kiến: “Tôi biết trong lớp, không ít bạn có suy nghĩ giống như “tác giả” của câu nói trên. Theo tôi, câu nói đó đã bộc lộ một quan điểm thật khó chấp nhận.”

- Làm cách nào để ý kiến của mình thuyết phục được người đọc?

  + Trên đời ai cũng có việc lớn không thể lấy cớ phải làm việc lớn để trốn tránh những việc nhỏ (lí lẽ, bằng chứng).

 + Không làm việc nhỏ hằng ngày trong gia đình và ở lớp học là biểu hiện của thái độ thiếu trách nhiệm và biếng nhác (lí lẽ, bằng chứng).

 + Đánh đồng việc nhỏ với việc vô nghĩa để từ chối nó là điều không thể chấp nhận (lí lẽ, bằng chứng).

c. Lập dàn ý

Sắp xếp các ý đã tìm được ở trên vào các phần của bài viết theo một trật tự hợp lí để có một dàn ý. Nhiệm vụ của từng phần được thể hiện rõ trong dàn ý.

Dàn ý

- Mở bài: Nêu được vấn đề nghị luận và bày tỏ ý kiến phản đối cách nhìn nhận về vấn đề.

- Thân bài:

+ Ý 1. Trình bày thực chất của ý kiến, quan niệm đã nêu để bàn luận.

+ Ý 2. Phản đối các khía cạnh của ý kiến, quan niệm (lí lẽ, bằng chứng).

+ Ý 3. Nhận xét những tác động tiêu cực của ý kiến, quan niệm đối với đời sống, (lí lẽ, bằng chứng).

Kết bài: Nêu ý nghĩa của việc thể hiện ý kiến phản đối.

2. VIẾT BÀI

Khi viết bài, em cần đặt dàn ý trước mặt để thường xuyên tự kiểm soát việc viết từng phần và triển khai từng ý.

- Mở bài: Nêu được vấn đề cần nghị luận. Có thể bắt đầu bằng một tình huống, một câu chuyện có liên quan hay giới thiệu trực tiếp vấn đề.

(trang 71)

- Thân bài: Các ý chính cần được trình bày rành mạch, mỗi ý được triển khai trong một đoạn văn riêng, rõ ràng, mạch lạc; bằng chứng cụ thể, thuyết phục. Khi viết, cần chú ý mạch văn trôi chảy, kết nối các câu trong đoạn và các đoạn trong bài chặt chẽ, hợp lí. Tránh cách viết kể lể, rườm rà.

- Kết bài: Khẳng định lại ý nghĩa của việc bàn luận, giúp người đọc suy nghĩ đúng vấn đề để có sự thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động.

3. CHỈNH SỬA BÀI VIẾT

Đối chiếu bài viết với Yêu cầu đối với bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến phản đối) và dàn ý để tự đánh giá mức độ đáp ứng của bài viết, từ đó chỉnh sửa theo các gợi ý sau:

Yêu cầu

Gợi ý chỉnh sửa

Nêu cụ thể vấn đề nghị luận và ý kiến cần phản đối.

Chỉnh sửa nếu thấy vấn đề nghị luận và ý kiến cần phản đối còn mơ hồ.

Trình bày rõ sự phản đối của người viết về ý kiến vừa nêu.

Diễn đạt cho rõ nếu thấy sự phản đối chưa được thể hiện rõ ràng.

Đưa ra được lí lẽ và bằng chứng để việc phản đối ý kiến có sức thuyết phục.

Củng cố lí lẽ nếu thấy chưa vững chắc, bổ sung bằng chứng nếu còn thiếu.

Nêu được ý nghĩa của việc phản đối ý kiến trái ngược về vấn đề.

Bổ sung nếu thấy chưa nêu được ý nghĩa hoặc nêu chưa rõ.

Rà soát lỗi về từ ngữ, câu, đoạn văn, liên kết các câu và các đoạn, cách trình bày bài viết.

Sửa những lỗi phát hiện được.

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Ngữ Văn 7 - Tập 2

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Toán 7 - Tập 1

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Toán 7 - Tập 2

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Ngữ Văn 7 - Tập 1

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Ngữ Văn 7 - Tập 2

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Tiếng Anh 7 - Tập 1

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Tiếng Anh 7 - Tập 2

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Vật Lí 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Sinh Học 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Lịch Sử 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Địa Lí 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Công Nghệ 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Âm Nhạc và Mĩ thuật 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Gợi ý cho bạn

vat-li-9-835

Vật Lí 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

tap-viet-2-tap-mot-1008

Tập Viết 2 - Tập Một

Sách Lớp 2 Chân Trời Sáng Tạo

ngu-van-12-nang-cao-tap-mot-612

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

giao-duc-the-chat-3-1059

Giáo Dục Thể Chất 3

Sách Lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.