(trang 117)
YÊU CẦU CẦN ĐẠT• Nêu được kiến thức về các loại, thể loại văn bản đọc, kiến thức tiếng Việt và kiến thức về các kiểu bài viết, bài nói đã được học, thực hành theo Ngữ văn 7, tập hai. • Vận dụng kiến thức và kĩ năng đã được học, rèn luyện trong cả năm học vào giải quyết những bài tập tổng hợp. |
A. ÔN TẬP KIẾN THỨC
1. Em đã được học về những loại, thể loại văn bản nào trong học kì II? Hãy trả lời câu hỏi này bằng một bảng tổng hợp hay sơ đồ phù hợp.
2. Với Ngữ văn 7, tập hai, em đã được tìm hiểu sâu về một số thể loại văn bản mới, chưa học trước đó. Nêu tên và đặc điểm nổi bật của các thể loại này kèm danh mục văn bản cụ thể vào bảng sau (bảng được kẻ vào vở):
STT | Tên thể loại văn bản | Đặc điểm nội dung | Đặc điểm hình thức | Tên văn bản hoặc nhóm văn bản đã học |
(trang 118)
3. Trong học kì II, những kiến thức tiếng Việt nào được ôn lại và những kiến thức tiếng Việt nào lần đầu được học? Hãy điền thông tin phù hợp vào bảng được lập theo mẫu gợi ý sau:
STT | Bài học | Kiến thức được ôn tập | Kiến thức mới |
4. Nêu những kiểu bài viết mà em thực hành với Ngữ văn 7, tập hai. Kiểu bài nào được xem là mới và yêu cầu cụ thể của những kiểu bài đó là gì? Hãy lập một sơ đồ phù hợp để thể hiện lời giải đáp của em.
5. Lập bảng nhắc lại những đề tài viết (theo từng kiểu bài) mà em đã chọn thực hiện và nêu dự kiến về những đề tài khác có thể viết thêm. Gợi ý mẫu bảng:
STT | Kiểu bài viết | Đề tài để chọn viết | Đề tài khác có thể viết |
6. Trong học kì II, hoạt động nói và nghe đã được thực hiện với những nội dung gì? Nội dung nào trong đó khiến em cảm thấy hứng thú nhất? Vì sao?
B. LUYỆN TẬP TỔNG HỢP
PHIẾU HỌC TẬP SỐ 1
1. ĐỌC
a. Đọc văn bản
Lời giải thích của nhà khoa học
[...] Ý nghĩ của tôi trước sau vẫn là: con người chưa được hoàn thiện. Trong quá trình tiến hóa, tuy con người có được nhiều cái hơn hẳn tổ tiên, nhưng lại mất đi nhiều cái mà tổ tiên đã có trong những giai đoạn phát triển sơ khai của mình. Sinh hoạt ở dưới nước sẽ cho con người những điều ưu việt lớn lao. Thế thì sao ta không trả lại cho con người khả năng đó? Qua lịch sử phát triển của động vật, chúng ta biết rằng tất cả những muông thú sống trên cạn đều thoát thai từ những loài sống dưới nước: chúng đều từ biển bò lên. Chúng ta lại biết rằng một số động vật trên cạn lại quay về sống dưới nước. Cá heo xưa kia là cá, nhưng đã có thời gian bò lên cạn và trở thành động vật có vú. Nhưng sau đó, nó lại quay về biển và vẫn nuôi con bằng sữa như cá voi. Cả cá voi lẫn cá heo đều thở bằng phổi. Có thể giúp cá heo trở thành cá phổi lưỡng thể. Ích-chi-an (Ichthyander) đã yêu cầu tôi làm việc đó. Nếu được, thì bạn của nó là con cá heo Li-đinh (Liding) sẽ có thể cùng nó lặn rất lâu dưới nước.
(trang 119)
Tôi đang chuẩn bị làm phẫu thuật cho con Li-đinh. Là người cá đầu tiên trên Trái Đất và là người đầu tiên sống trong thế giới của cá, Ích-chi-an không thể không cảm thấy cô đơn. Nhưng nếu những người khác cũng theo chân nó mà thâm nhập vào biển cả thì cuộc sống sẽ khác hẳn. Lúc đó con người sẽ thắng được nước một lực lượng hùng mạnh của thiên nhiên, một cách dễ dàng. Các ngài hẳn biết lực lượng đó thế nào rồi. Các ngài hẳn biết diện tích của các đại dương là 316 triệu 50 nghìn km2. Hơn 7 phần 10 diện tích Trái Đất bị nước bao phủ. Khoảng nước mênh mông đó với những trữ lượng cá vô cùng tận về thực phẩm và nguyên liệu cho công nghiệp có thể chứa được hàng triệu, hàng tỉ người. Hơn 316 triệu km2 chỉ là diện tích, là bề mặt. Mà con người thì lại có thể ở dưới nước thành nhiều tầng. Hàng tỉ con người có thể sống thênh thang thoải mái dưới nước.
[...] Nghe giáo sư Xan-van-tô (Salvator) nói, tất cả những người có mặt tại tòa hôm nay dường như đã trông thấy cái thế giới ngầm dưới nước được con người chinh phục. Nếu chế ngự được biển cả thì sẽ có lợi biết bao!
(A-lếch-xan-đơ-rơ Bê-li-a-ép (Aleksandr Belyasev), Người cá, Lê Phương dịch,
NXB Lao Động, Hà Nội 2013 tr.224 - 225,227)
b. Thực hiện các yêu cầu sau
• Chọn phương án đúng (làm vào vở)
Câu 1. Đoạn trích lấy từ văn bản thuộc loại hay thể loại nào?
A. Văn bản nghị luận
B. Truyện khoa học viễn tưởng
C. Truyện đồng thoại
D. Văn bản thông tin
Câu 2. Lời của nhà khoa học trong đoạn trích thể hiện khát vọng gì?
A. Khám phá đại dương và khai thác những nguồn lợi to lớn từ đại dương
B. Sửa chữa lại cấu trúc cơ thể của con người, giúp con người hoàn thiện hơn
C. Cải tạo thể chất con người, giúp con người chinh phục thế giới ngầm của đại dương
D. Chiến thắng nước – một lực lượng hùng mạnh của thiên nhiên
• Trả lời câu hỏi
Câu 1. Theo đoạn trích, nhận thức khoa học nào đã được dùng làm cơ sở để giáo sư Xan-va-tô theo đuổi những dự án lớn lao của mình?
Câu 2. Tìm trong đoạn trích những dấu hiệu hoặc căn cứ cho phép ta xác định được loại hay thể loại của văn bản chứa đựng chính đoạn trích này
(trang 120)
Câu 3. Trong đoạn trích có câu: "Là người cá đầu tiên trên Trái Đất và là người đầu tiên sống trong thế giới của cá, Ích-chi-an không thể không cảm thấy cô đơn”.
– Hãy viết lại câu văn trên theo một cấu trúc khác, không làm thay đổi nội dung thông báo chính trong câu.
– Chỉ ra điểm khác biệt về nghĩa giữa câu em vừa viết với câu văn gốc.
Câu 4. Nêu nhận xét về tính thuyết phục của lời giải thích được giáo sư Xan-va-tô đưa ra.
2. VIẾT
Từ những gợi ý của nội dung đoạn trích, hãy viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) về chủ đề: Đại dương vẫy gọi.
3. NÓI VÀ NGHE
Phác thảo những ý chính cho bài nói về đề tài: Khai thác và bảo vệ tài nguyên biển.
PHIẾU HỌC TẬP SỐ 2
1. ĐỌC
a. Đọc văn bản:
Tự chịu trách nhiệm
Không ai tránh khỏi lỗi lầm, vấp váp và thất bại trên đường đời, tuy nhiên có sự khác biệt lớn giữa người thành công và kẻ thất bại về cách ứng xử khi gặp những vấn đề trên. Người thành công tìm nguyên nhân thất bại trước tiên từ bản thân mình, còn kẻ thất bại phần tìm cách biện minh(1) bằng những yếu tố bên ngoài như thiếu phương tiện, vốn, thời gian, không nhận được sự giúp đỡ hay hợp tác của người khác. Thế nhưng chính bản thân mới là người quyết định cách hành xử trong mọi tình huống, từ đó tạo dựng cuộc sống hiện tại của mình. Yếu tố quan trọng quyết định sự nghiệp thành bại là ý thức tự chịu trách nhiệm. Chỉ khi nhìn thẳng vào thiếu xót của bản thân mới có cơ hội tự sửa mình và có thái độ khoan dung với lỗi lầm của người khác để thiết lập(2) những mối quan hệ tốt, hướng tới điều tốt đẹp hơn.
Tự chịu trách nhiệm có nghĩa là ý thức được rằng kết quả ngày hôm nay chính là hệ quả của những lựa chọn và hành động của bản thân đã thực hiện trong quá khứ, trung thực nhận thức chính mình là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp của mọi
———————————————————
(1) Biện minh: trình bày lí lẽ để bào chữa hoặc khống chế.
(2) Thiết lập: dựng nên.
(trang 121)
thành công hay thất bại. Người có tinh thần cầu tiến luôn biết tự chịu trách nhiệm với mọi hành động và kết quả mà mình nhận được.
Chỉ khi dám tự chịu trách nhiệm, mới tự tin đặt mình vào vị thế chủ động, tự chủ, đầy quyền lực để hành động, nhằm thay đổi hoàn cảnh hiện tại theo hướng mong muốn của mình. Cổ nhân có câu: “Tiên trách kỉ, hậu trách nhân(1)”. Sự biện minh đổ lỗi đồng nghĩa với việc đặt mình vào tình thế bị động, yếu đuối, tự thấy mình bất lực trước sự việc, đánh mất dần sức mạnh bản thân, nên không khỏi trả giá đắt vì tự hủy hoại quyền làm chủ cuộc đời mình. Khổng Tử(2) dạy: “Người khôn ngoan tự hỏi nguyên nhân do lỗi lầm ở bản thân, kẻ khờ dại hỏi nguyên nhân do ở kẻ khác”. Không nên viện dẫn bất kì lì do nào để biện minh về sự thất bại hay những gì mình không đạt được.
[...] Khi không dám nhìn nhận sự thật về sự yếu kém của bản thân, thì trách nhiệm cá nhân được trút lên bất kì ai hay sự việc nào liên quan. Sự thật có tệ hại thế nào chăng nữa thì nó vẫn tồn tại, không có lời biện minh hùng hồn nào có thể thay đổi nó, do đó, thay vì tìm cách biện minh hay đổ lỗi, cần nghiêm túc tự kiểm điểm bản thân mình trước. Dù có cố gắng tự biện minh và tìm ra bao nhiêu lỗi lầm ở người khác để đổ lỗi thì kết quả cũng không hề thay đổi, mà chỉ gây ra thêm những mối bất đồng dẫn đến phá hủy mối quan hệ. Vì vậy, mỗi khi làm điều gì không được như ý thì cũng đừng phàn nàn sai đối tượng.
Con người không thể thay đổi hoàn cảnh khách quan, không gian hay thời gian, nhưng bất kì ai cũng hoàn toàn có thể tự thay đổi bản thân mình, nếu muốn. Chỉ khi nhìn thẳng vào trách nhiệm của mình mới có thể tìm ra được giải pháp tích cực để không lặp lại điều bất lợi và không ngừng hoàn thiện bản thân.
(Trần Thượng Tuấn - Nguyễn Minh Huy, 8 kĩ năng mềm thiết yếu - chìa khóa đến thành công,
NXB Lao động, Hà Nội, 2015, tr.126 - 128)
b. Thực hiện các yêu cầu sau
• Chọn phương án đúng (làm vào vở)
Câu 1. Văn bản trên thuộc loại văn bản gì?
A. Văn bản thông tin
B. Văn bản nghị luận
C. Văn bản văn học
———————————————————
(1) Tiên trách kỉ, hậu trách nhân: trước hết phải trách mình, sau đó mới trách người.
(2) Khổng Tử (551 - 479 trước Công Nguyên): người gây dựng học thuyết Nho giáo, là nhà tư tưởng, giáo dục lỗi lạc bất bậc nhất của Trung Quốc thời cổ đại.
(trang 122)
Câu 2. Theo tác giả, mỗi người cần “tự chịu trách nhiệm” về những sai lầm của bản thân để đạt được mục đích chính gì?
A. Từng bước hoàn thiện bản thân
B. Biết khoan dung với người khác
C. Đạt được thành công về sau
D. Thiết lập những quan hệ tốt
• Trả lời câu hỏi
Câu 1. Vẽ sơ đồ đơn giản thể hiện mối quan hệ giữa vấn đề đặt ra và các ý kiến, lí lẽ, bằng chứng được tác giả trình bày trong văn bản.
Câu 2. Phân tích cách triển khai, củng cố lí lẽ mà tác giả đã sử dụng trong đoạn 3 của văn bản
Câu 3. Nêu suy nghĩ của em về nhận định sau đây của tác giả: “Chỉ khi nhìn thẳng vào thiếu sót của bản thân mới có cơ hội tự sửa mình và có thái độ khoan dung với lỗi lầm của người khác để thiết lập những mối quan hệ tốt, hướng tới điều tốt đẹp hơn”.
Câu 4. Đọc thành ngữ, tục ngữ sau:
– Cắn răng chịu đựng;
– Dám làm dám chịu;
– Mình làm mình chịu, kêu mà ai thương;
– Chân mình thì lấm bê bê/ Lại vầm bó đuốc đi rê chân người.
Cho biết thành ngữ, tục ngữ nào có nội dung liên quan một phần tới thông điệp được nêu trong văn bản. Vì sao em xác định như vậy?
Câu 5. Cầu tiến, vị thế, viện dẫn là ba trong nhiều từ được dùng trong văn bản có các yếu tố Hán Việt thông dụng. Nêu cách hiểu của em về nghĩa của những yếu tố Hán Việt tạo nên các từ đó và giải thích nghĩa của từng từ.
2. VIẾT
Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) bày tỏ suy nghĩ của em về những con người dám nhận trách nhiệm trước sai lầm, thất bại do chính họ gây ra.
3. NÓI VÀ NGHE
Lập dàn ý cho bài nói về vấn đề: Điều em muốn chuẩn bị cho bước đường tương lai của mình.