(trang 4)
Học ăn, học nói, học gói, học mở.
(Tục ngữ)
GIỚI THIỆU BÀI HỌC
• Tục ngữ có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Đúng vậy, không chỉ học ở nhà trường, chúng ta còn học hỏi được nhiều điều trong cuộc sống: học qua những chuyến đi; học từ việc tiếp xúc với những người từng trải, hiểu biết; học ở cuốn sách ta đọc, bộ phim ta xem;… Chúng ta học suốt đời nhờ những nguồn “tài liệu” vô tận đó.
• Đến bài học này, em sẽ được làm quen và tìm hiểu hai thể loại sáng tác ngôn từ: truyện ngụ ngôn và tục ngữ. Đi sâu tìm hiểu những câu chuyện ngắn gọn mà sâu sắc, những lời nói thường có vần, nhịp nhàng, cân đối, đúc kết bao nhiêu tri thức về mọi mặt của đời sống, em sẽ thấy có những điều thật mới mẹ bổ ích.
YÊU CẦU CẦN ĐẠT
• Nhận biết được một số yếu tố của truyện ngụ ngôn: đề tài, tình huống, cốt truyện, nhân vật, chủ đề. • Nhận biết được một số yếu tố của tục ngữ: số lượng câu, chữ; vần. • Hiểu được đặc điểm và chức năng của thành ngữ, đặc điểm và tác dụng của biện pháp tu từ nói quá. • Bước đầu biết viết bài văn nghị luận về một số vấn đề trong đời sống, trình bày rõ vấn đề và ý kiến của người viết; đưa ra lí lẽ rõ ràng và bằng chứng đa dạng. • Biết kể lại một truyện ngụ ngôn: kể đúng cốt truyện gốc, có cách kể chuyện linh hoạt, hấp dẫn. • Có ý thức học hỏi kinh nghiệm, trí tuệ của dân gian hay của người xưa để rèn các đức tính: khiêm tốn, cẩn trọng, kiên trì, nhân nghĩa, có trách nhiệm. |