SGKVN

Ngữ Văn 7 - Tập 2 - Viết (trang 16) | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Viết (trang 16) - Ngữ Văn 7 - Tập 2. Xem chi tiết nội dung bài Viết (trang 16) và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Ngữ Văn 7 - Tập 2 | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

(trang 16)

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến tán thành)

Các vấn đề trong đời sống luôn đa dạng, phức tạp và thường được đánh giá khác nhau, tuỳ cách nhìn nhận của mỗi người. Sự trung thực của con người thể hiện ở thái độ biết tán thành những ý kiến đúng, phản đối những ý kiến sai trái. Phần Viết của bài học này yêu cầu em bàn luận về một vấn đề trong đời sống, theo hướng trình bày ý kiến tán thành. Sự tán thành dĩ nhiên phải được đặt trên cơ sở những nguyên tắc ứng xử và nền tảng đạo lí thích hợp, cũng như sức thuyết phục của ý kiến tuỳ thuộc vào những lí lẽ và bằng chứng được sử dụng.

Yêu cầu đối với bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến tán thành):  

• Nêu được vấn đề và ý kiến cần bàn luận.

• Trình bày được sự tán thành đối với ý kiến cần bàn luận.

• Đưa ra được những lí lẽ rõ ràng và bằng chứng đa dạng để chứng tỏ sự tán thành là có căn cứ.

Phân tích bài viết tham khảo

Trường học đầu tiên

Nêu vấn đề nghị luận.

Nêu ý kiến đáng quan tâm về vấn đề.

Tuần trước, cô giáo đã tổ chức cho lớp tôi thảo luận về đề tài này: “Vai trò của gia đình đối với sự trưởng thành của mỗi người”. Các bạn, mỗi người một ý, bàn luận rất sôi nổi. Tôi nhớ, ý kiến của Hồng Minh đã gây ra một cuộc tranh luận nhỏ khá thú vị. Bạn ấy cho rằng: “Gia đình cũng là một trường học”. Sau khi nghe Hồng Minh trình bày, có bạn phản đối: “Nếu vậy thì còn đâu sự phân biệt gia đình và trường nữa, trong khi gia đình - nhà trường - xã hội là ba môi trường khác nhau”. Lại có người chất vấn: “Hồng Minh nghĩ sao về những người có bạn có hoàn cảnh thiệt thòi, cơ nhỡ vì không được lớn lên trong mái ấm gia đình?”.

Người viết tán thành ý kiến đã nêu.

Riêng tôi, sau khi suy nghĩ kĩ, tôi thấy Hồng Minh hoàn toàn có lí.

Sử dụng lí lẽ.

Đúng là trong cuộc sống, có những người kém may mắn, vì lí do nào đó mà ngay từ thuở ấu thơ, họ đã không được nuôi nấng, chăm sóc bởi bàn tay của những người thân. Dù được bù đắp bởi những tấm lòng nhân ái, họ vẫn thực sự thiệt thòi. Nhưng tôi nghĩ, những trường hợp như thế không chiếm đa số trong xã hội, do đó ý kiến của bạn Hồng Minh vẫn có sức thuyết phục.

Nêu bằng chứng.

Phần lớn mọi người đều có gia đình. Gia đình là nơi ta được sinh ra, lớn lên, được sống với những người ruột thịt. Ông bà, cha mẹ, anh chị không chỉ nuôi nấng chăm sóc mà còn bảo ban, dạy dỗ ta bằng tấm lòng yêu thương trìu mến, niềm tin và hi vọng. Trong gia đình, ông bà, bố mẹ, anh chị chính là những “thầy cô” đầu tiên của chúng ta. Bài học đầu đời của ta đến từ những truyện cổ tích hấp dẫn, từ những câu ca dao trong lời mẹ hát, hay những câu tục ngữ bà dẫn ra trong lời nói hằng ngày. Đó là những bài học về đạo làm người, về cách đối nhân xử thế nhẹ nhàng, tự nhiên mà thấm thía. Tôi nhớ, lần tôi mới vào lớp 4, có cô bạn của mẹ đến chơi. Cô hỏi khẽ: “Cháu học lớp mấy rồi?”. Tôi nhìn cô, giơ bốn ngón tay lên. Mẹ tôi gọi lên tiếng: “Con không được trả lời với người lớn như thế. Con lễ phép nói lại với cô đi”. Tất nhiên là tôi nghe lời mẹ và ngượng nghịu trả lời. Mấy năm đã trôi qua, nhưng giờ đây, mỗi lần nhớ lại cái cử chỉ giơ bốn ngón tay lên để trả lời người bằng tuổi mẹ mình mà như trả lời bạn cùng lứa, tôi vẫn thấy xấu hổ.

Kết hợp lí lẽ và bằng chứng.

Trong gia đình, mọi người đối xử với nhau theo những chuẩn mực đạo lí có giá trị lâu bền. Tình mẹ con, tình cha con, tình anh em là những tình cảm đặc biệt cao quý, thiêng liêng. Cha mẹ sẵn sàng dành cho con cái tất cả gia tài vật chất và tinh thần, được gây dựng bằng công sức, mồ hôi nước mắt suốt một đời. Anh em, chị em ruột có thể chia sẻ, tương trợ nhau mà không tính toán thiệt hơn. Một thành viên lầm lạc trở về, người thân trong gia đình sẵn lòng tha thứ và đón nhận. Trong nhà có người ốm đau, bệnh tật, mọi người thực sự lo lắng, săn sóc. Như vậy, nếu coi gia đình là trường học thì trước hết đó là trường học của tình thương và bổn phận, của dâng hiến và hi sinh, của khoan dung và độ lượng.

Khẳng định lại sự tán tành ý kiến.

Khi hiểu ra nhiều điều, tôi cảm thấy ý kiến của bạn Hồng Minh là rất đúng. Quả thật, gia đình không chỉ là tổ ấm, mà còn là “trường học” đầu tiên của mỗi con người. “Trường học gia đình” đồng hành và hỗ trợ cho ngôi trường nơi hằng ngày ta được học hành với thầy cô, bạn bè. Thật hạnh phúc khi mỗi chúng ta như hạt giống được ươm gieo từ giáo dục gia đình và nảy mầm, sinh trưởng tốt tươi trong môi trường giáo dục lành mạnh của xã hội.

(Bài làm của học sinh, có chỉnh sửa)

(trang 18)

Thực hành viết theo các bước

1. TRƯỚC KHI VIẾT

a. Lựa chọn đề tài

Trong cuộc sống hằng ngày, có biết bao vấn đề gợi những cách nhìn nhận, đánh giá đa chiều và được thể hiện bằng những ý kiến khác nhau. Để lựa chọn đề tài cho bài viết, em có thể tham khảo các vấn đề sau, và hình dung từ các vấn đề đó, nảy sinh những ý kiến đúng đắn cần thể hiện sự tán thành:

- Sự hỗ trợ của người khác và nỗ lực của bản thân, yếu tố nào quan trọng hơn đối với sự thành công của mỗi người?

- Thành công và thất bại mặt nào mới là trải nghiệm bổ ích của con người tiến bộ?

- “Không thầy đố mày làm nên.”“Học thầy chẳng tày học bạn.”, Câu nào là chân lí?

- Ham mê trò điện tử, nên hay không nên?

- Đồ dùng bằng nhựa - tiện ích và tác hại,

Ngoài ra, em có thể tìm đề tài từ sách báo, in-tơ-nét hoặc các phương tiện truyền thông khác. Chọn được đề tài em thật sự am hiểu và có những hứng thú thì việc viết bài mới thuận lợi.

Mục đích viết

Khẳng định sự tán thành ý kiến, thuyết phục người đọc đồng tình với quan điểm của mình.

Người đọc

Thầy cô, bạn bè và những người quan tâm đến vấn đề được bàn luận.

b. Tìm ý

Sau khi xác định được vấn đề, cần tiến hành tìm ý bằng cách tự trả lời một số câu hỏi:

- Vấn đề gì được nêu ra để bàn luận?

(trang 19)

Ngay ở phần Mở bài, vấn đề cần bàn luận phải được nêu ra một cách rõ ràng, cụ thể. Ví dụ: “Tuần trước, cô giáo đã tổ chức cho lớp tôi thảo luận về đề tài: “Vai trò của gia đình đối với sự trưởng thành của mỗi người”.” (Bài viết tham khảo)

- Vấn đề gợi ra những cách hiểu nào?

Một vấn đề có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Đưa ra những cách hiểu như vậy là để nhìn nhận nhiều chiều về vấn đề, có cơ sở thay đổi các kiểu nào có lí. Ví dụ: Ở bài viết tham khảo, trước đề tài nêu ra, “mỗi người mỗi ý, bàn luận rất sôi nổi”. Có người cho gia đình cũng là một trường học, có những người không tán thành ý kiến đó.

- Ý kiến nào đáng quan tâm nhất?

Trong những ý kiến đưa ra để đối sánh, có những ý kiến tác động tích cực đến nhiều người. Ví dụ: Trong bài viết tham khảo, khi cô giáo đưa ra đề tài “Vai trò của gia đình đối với sự trưởng thành của mỗi người”, bạn Hồng Minh nêu quan điểm: “Gia đình cũng là một trường học”. Ý kiến này đáng quan tâm nhất vì nó gây ra một cuộc tranh luận nhỏ, thú vị, thu hút sự chú ý của các bạn trong lớp.

- Vì sao bày tỏ thái độ tán thành?

Đây là điều phải được nói rõ, dứt khoát trong bài nghị luận về một vấn đề đời sống (trình bày ý kiến tán thành). Có nêu được ý kiến ngay từ đầu mới có hướng để triển khai các phần tiếp theo của bài viết. Ví dụ: "Riêng tôi, sau khi suy nghĩ kĩ, tôi thấy Hồng Minh hoàn toàn có lí." (Bài viết tham khảo)

- Những lí lẽ và bằng chứng nào cần đưa ra để chứng tỏ sự tán thành là xác đáng?

Câu hỏi này nhắc nhở em: Trong quá trình tìm ý, cần nêu được những lí lẽ và bằng chứng cụ thể để ý kiến tán thành có sức thuyết phục. Ở bài viết tham khảo, người viết đưa ra lí lẽ chặt chẽ và bằng chứng xác thực khiến người đọc tin rằng gia đình đúng là trường học đầu tiên của con người. Ví dụ: "Trong gia đình, mọi người đối xử với nhau theo những chuẩn mực đạo lí có giá trị lâu bền. Tình mẹ con, tình cha con, tình anh em là những tình cảm đặc biệt cao quý, thiêng liêng." (Lí lẽ); "Trong gia đình, ông bà, bố mẹ, anh chị chính là những “thầy cô” đầu tiên của chúng ta. Bài học đầu đời của ta đến từ những truyện cổ tích hấp dẫn, từ những câu ca dao trong lời mẹ hát, hay những câu tục ngữ bà dẫn ra trong lời nói hằng ngày. Đó là những bài học về đạo làm người, về cách đối nhân xử thế nhẹ nhàng, tự nhiên mà thấm thía." (Bằng chứng)

c. Lập dàn ý

Dàn ý là kết quả của việc sắp xếp hợp lí các ý đã tìm được ở trên, phân bố chúng vào từng phần khi viết bài.

(trang 20)

Dàn ý

- Mở bài: Nêu vấn đề đời sống cần bàn và ý kiến đáng quan tâm về vấn đề đó.

- Thân bài:

   + Trình bày thực chất của ý kiến, quan điểm đã nêu để bàn luận.

   + Thể hiện thái độ tán thành các ý kiến vừa nêu bằng các ý:

       • Ý 1: Khía cạnh thứ nhất cần tán thành (lí lẽ, bằng chứng)

       • Ý 2: Khía cạnh thứ hai cần tán thành (lí lẽ, bằng chứng)

       • Ý 3: Khía cạnh thứ ba cần tán thành (lí lẽ, bằng chứng)

       • …

- Kết bài: Khẳng định tính xác đáng của ý kiến được người viết tán thành và sự cần thiết của việc tán thành ý kiến đó.

2. VIẾT BÀI

Việc thực hiện bài viết đòi hỏi triển khai đầy đủ các ý đã có trong dàn ý. Muốn vậy, cần nắm vững cách viết từng phần của bài.

a. Mở bài

Có thể nêu vấn đề cần bàn theo cách trực tiếp hay kể một câu chuyện để dẫn đến vấn đề, giới thiệu ý kiến vấn đề đó. Mở bài cần ngắn gọn, hấp dẫn, thu hút sự chú ý của người đọc.

b. Thân bài

- Làm rõ các khía cạnh cơ bản của vấn đề.

- Khẳng định rõ ràng, dứt khoát thái độ tán thành ý kiến.

- Tuần tự triển khai từng ý, sử dụng lí lẽ và huy động bằng chứng để sự tán thành ý kiến có sức thuyết phục. Mỗi ý cần được viết thành một đoạn văn hoàn chỉnh, giữa các đoạn có sự liên kết chặt chẽ.

c. Kết bài

Khẳng định lại sự tán thành ý kiến, nêu tác dụng của ý kiến đó đối với cuộc sống. Phần kết bài nên viết trọn vẹn trong một đoạn văn.

3. CHỈNH SỬA BÀI VIẾT

Đọc rà soát các phần, các đoạn của bài viết để chỉnh sửa theo yêu cầu của bài nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến tán thành). Cụ thể:

(trang 21)

Nội dung rà soát

Hướng dẫn chỉnh sửa

Đã nêu rõ ý kiến cần được tán thành chưa?

Đã trình bày tường minh sự tán thành đối với ý kiến được nêu lên để bàn luận chưa? 

Nếu ý kiến chưa nêu rõ trong phần Mở bài thì phải bổ sung.

Nếu sự tán thành ý kiến chưa được thể hiện rõ thì phải bổ sung ý hoặc tìm phương án diễn đạt phù hợp hơn. 

Việc tán thành ý kiến đã có sức thuyết phục chưa? Lí lẽ và bằng chứng được nêu làm cơ sở cho sự tán thành đã thật sự thuyết phục chưa?

Bổ sung, thay đổi nếu thấy lí lẽ và bằng chứng chưa làm cho sự tán thành đủ sức thuyết phục.

Đã nói rõ được ý nghĩa của việc tán thành ý kiến chưa?

Bổ sung nếu thấy ý nghĩa của việc tán thành ý kiến còn được thể hiện mờ nhạt.

Việc sử dụng từ ngữ, đặt câu, duy trì mạch lạc và liên kết trong bài viết đã đạt yêu cầu chưa?

Chỉnh sửa những lỗi về từ ngữ, ngữ pháp, bổ sung từ ngữ liên kết nếu thấy giữa các câu, các đoạn còn rời rạc.

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Ngữ Văn 7 - Tập 2

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Toán 7 - Tập 1

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Toán 7 - Tập 2

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Ngữ Văn 7 - Tập 1

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Ngữ Văn 7 - Tập 2

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Tiếng Anh 7 - Tập 1

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Tiếng Anh 7 - Tập 2

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Vật Lí 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Sinh Học 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Lịch Sử 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Địa Lí 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Công Nghệ 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Âm Nhạc và Mĩ thuật 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Gợi ý cho bạn

sinh-hoc-12-nang-cao-686

Sinh Học 12 Nâng Cao

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

toan-8-tap-1-931

Toán 8 - Tập 1

Sách Lớp 8 Kết Nối Tri Thức

vo-bai-tap-toan-2-tap-hai-1011

Vở bài tập TOÁN 2 - Tập Hai

Sách Lớp 2 Chân Trời Sáng Tạo

giai-bai-tap-sinh-hoc-10-1116

Giải bài tập Sinh học 10

Giải bài tập Sinh học lớp 10

cong-nghe-9-dinh-huong-nghe-nghiep-971

Công Nghệ 9 (Định hướng nghề nghiệp)

Sách Lớp 9 Chân Trời Sáng Tạo

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẽ

ok365 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.