(trang 50)
Khi đọc văn bản dưới đây, em cần chú ý nhũng vấn đề sau:• Đề tài du hành vũ trụ. • Không gian ngoài Trái Đất. • Nhân vật chính là một nhà khoa học. • Thông điệp về khát vọng làm chủ vũ trụ của các nhà khoa học. |
(trang 51)
Chiếc đũa thần(1)
Trích Tinh vân Tiên Nữ(2), I-VAN AN-TÔ-NÔ-VÍCH E-PHƠ-RÊ-MỐP(3)
(IVAN ANTONOVICH EFREMOV)
Kia là một thiên hà đã được biết từ thời cổ xưa, hồi ấy nó mang tên là NGK 5194 hay M-51 trong chòm Đại Cẩu, cách ta hàng triệu pác-xếc(4). Đấy là một trong số những thiên hà hiếm hoi mà chúng ta trông thấy ở vị trí nằm theo phương vuông góc với mặt phẳng của “bánh xe”. Nhân thiên hà dày đặc, rực sáng, gồm hàng triệu ngôi sao, với hai nhánh hình xoáy ốc. Đầu cuối dài ngoằng của những nhánh đó vươn về hai phía ngược nhau, ra xa đến hàng chục ngàn pác-xếc, dần dần trở nên mờ nhòa cho đến khi biến mất trong không gian tối đen. Giữa những nhánh chính, có những vực thẳm đen ngòm, tức là những khối vật chất tối thẳm xen kẽ với những vệt ngắn cong cong hệt như cánh tua-bin(5) do những đám sao và những đám mây khí sáng tạo nên.
———————————————————
(1) Nhan đề cho nhóm biên soạn đặt.
(2) Tinh Vân Tiên Nữ là tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, gồm 15 chương, nói về tương lai của Trái Đất ở vào kỉ nguyên Vành khuyên, kỉ nguyên mà con người trên hành tinh chúng ta liên hệ với các thế giới có lí trí trên những hành tinh gần Trái Đất nhất. Nhân vật chính của tác phẩm là những nhà khoa học và nhà du hành vũ trụ. Họ thực hiện thám hiểm những hành tinh ngoài Trái Đất và thí nghiệm nhằm rút ngắn khoảng cách về thời gian và không gian giữa các hành tinh. Đoạn trích Chiếc đũa thần nằm ở chương 8, có nhan đề Những làn sóng đỏ.
(3) I-van An-tô-nô-vích E-phơ-rê-mốp (1908 - 1972) là giáo sư cổ sinh vật học đồng thời là tiểu thuyết gia khoa học viễn tưởng nổi tiếng người Nga. Các tác phẩm văn học tiêu biểu của ông: Đất nổi sóng (1946), Những con tàu vũ trụ (1947), Tinh Vân Tiên Nữ (1957),…
(4) Pác-xếc: đơn vị độ dài thiên văn, bằng 3,26 năm ánh sáng, tức 30 800 tỉ km.
(5) Tua-bin: động cơ gồm một bánh xe quay do sức đẩy của dòng nước hoặc khí, sinh ra công, tạo lực chuyển động.
(trang 52)
Thiên hà khổng lồ NGK 4565 trong chòm Tóc Vê-rô-nhi-ca (Veronica) nom rất đẹp. Ở xa bảy triệu pác-xếc, có thể nhìn thấy rìa của nó. Thiên hà nghiêng về một phía như con chim đang lượn. Nó trải rộng về mọi hướng, nom như cái đĩa mảnh và rõ ràng là cấu tạo bởi những nhánh hình xoáy ốc. Còn ở trung tâm, cái nhân hình cầu rất bẹt cháy rực, nom như một khối sáng dày đặc. Ta thấy rõ rệt là những đảo sao dẹt như thế nào: có thể so sánh thiên hà với cái bánh xe mỏng của bộ máy đồng hồ. Rìa bánh xe nom không rõ, dường như hòa tan vào bóng tối không đáy của không gian. Mặt Trời và hạt bụi nhỏ xíu là Trái Đất tồn tại chính ở một đường rìa cũng như thế của thiên hà chúng ta, và nhờ sức mạnh của kiến thức mà hạt bụi ấy liên kết với vô số thế giới có người ở, xòe rộng đôi cánh của tư tưởng loài người vượt lên trên sự vĩnh cửu của vũ trụ.
Mơ-ven Ma-xơ (Mwen Mass) chuyển cần máy, chiếu lên màn ảnh hình thiên hà NGK 4594 thuộc chòm Thất Nữ. Thiên hà này bao giờ cũng khiến anh quan tâm hơn cả. Nó cũng là thiên hà được nhìn thấy trong mặt phẳng xích đạo. Nó cách ta mười triệu pác-xếc, nom giống một thấu kính dày chói rực bị bao phủ dưới một lớp khi sáng. Một dải dày màu đen cắt ngang thấu kính dọc theo quỹ đạo: đó là một đám vật chất tối. Ta có cảm giác Thiên Hà này là ngọn đèn lồng bí ẩn dưới đáy vực thẳm.
Có những thế giới nào ẩn náu ở đó, trong luồng bức xạ(1) tổng hợp của thiên hà, loại bức xạ chói lọi hơn các thiên hà khác, tính trung bình đạt tới lớp quang phổ F(2). Trong thiên hà có những hành tinh hùng mạnh có người ở hay không, và phải chăng tư tưởng của những sinh vật có lí trí ở đấy cũng đang ráo riết tìm hiểu những bí mật của thiên nhiên như ở Trái đất chúng ta?
Nghĩ tới tình trạng hoàn toàn im hơi lặng tiếng của các đảo sao khổng lồ, Mơ-ven Ma-xơ siết chặt hai nắm tay. Anh hiểu tất cả sự ghê gớm của khoảng cách: ánh sáng đi tới thiên hà ấy mất ba mươi hai triệu năm. Thời gian cần có để trao đổi thông tin là sáu mươi tư triệu năm.
Mơ-ven Ma-xơ lục lọi các cuộn dây, và trên màn ảnh bừng lên một vệt sáng rất to, tròn ở giữa những ngôi sao thưa thớt, mờ nhạt. Một dải đen không đều đặn cắt ngang vệt sáng, càng làm nổi bật thêm những khối lửa sáng rực ở hai phía. Dải đen phình rộng ở hai đầu và che lấp vành khí cháy rộng lớn đánh đai lấy vệt sáng. Đấy là hình ảnh những thiên hà va chạm nhau trong chòm Thiên Nga mà người ta đã chụp được nhờ những mánh lới kĩ thuật khôn khéo lạ thường. Đã từ lâu, người ta biết rằng sự va chạm như thế của những thiên hà khổng lồ có kích thước bằng tinh vân Tiên Nữ của chúng ta, chính là nguồn bức xạ ra-đi-ô có lẽ là mạnh nhất trong phần vũ trụ mà chúng ta biết được. Những luồng khí khổng lồ chuyển động nhanh, làm
———————————————————
(1) Bức xạ: sóng điện từ phát ra từ một vật. Ở đây là sóng điện từ của thiên hà.
(2) Quang phổ F: dải sáng nhiều màu thu được khi phân tích chùm sáng phức tạp bằng một dụng cụ thích hợp. Lớp quang phổ F ở đây có bước sóng là 486 134 nm.
(trang 53)
sinh ra những trường điện từ(1) có công suất mạnh ghê gớm, đến nỗi mọi xó xỉnh của vũ trụ đều nhận được tin về thảm họa kinh khủng. Bản thân vật chất gửi các tín hiệu ghê rợn ấy đi bằng một trạm ra-đi-ô có công suất một tỉ kí-lô-oát. Nhưng khoảng cách đến các thiên hà lớn đến nỗi bức hình ngời sáng trên màn ảnh cho biết tình trạng của chúng cách đây nhiều triệu năm. Còn về việc hiện giờ các thiên hà đi qua nhau như thế nào thì chúng ta chỉ có thể thấy được sau một số năm lâu đến nỗi không rõ là đến lúc ấy thì loài người có còn tồn tại được nữa không.
Mơ-ven Ma-xơ chồm dậy và chống mạnh hai tay vào cái bàn đồ sộ, khiến các khớp xương kêu răng rắc.
Thời hạn truyền tin lâu hàng triệu năm, hàng chục ngàn thế hệ nối tiếp nhau cũng chưa chờ đợi nổi, điều đó có nghĩa là “không bao giờ”, dù là đối với hậu thế xa xôi nhất. Thật là tai hại đối với ý thức. Nhưng, có thể trừ khử điều tai hại ấy bằng chiếc đũa thần. Chiếc đũa thần ấy là phát minh của Ren Bô-dơ (Ren Boze) và thí nghiệm chung của họ. Những điểm xa vô tận của vũ trụ sẽ nằm trong tầm tay với.
(I. A. E-phơ-rê-mốp, Tinh vân Tiên Nữ, Phạm Mạnh Hùng dịch,
NXB Lao động, Hà Nội, 1974, tr. 357 - 360)
———————————————————
(1) Trường điện từ: một loại trường trong vật lí.