KẾT QUẢ CẦN ĐẠT
• Nắm vững những kiến thức đã học về Làm văn trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 Nâng cao, tập hai.
• Có kĩ năng phân tích đề, lập dàn ý cho bài văn nghị luận.
Ôn lại các nội dung phần Làm văn trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 Nâng cao, tập hai theo các yêu cầu sau đây :
1. Khi đứng trước một sự kiện, hiện tượng của đời sống hay của văn học (tác phẩm, đoạn trích, tác giả), anh (chị) sẽ vận dụng các thao tác lập luận tổng hợp như thế nào để làm bài văn nghị luận ? Trước tiên cần làm gì ? Tiếp theo cần xác định quan điểm, thái độ của mình như thế nào ?
2. Khi đối tượng bình luận là một ý kiến, nhận định hay một tư tưởng thì việc đầu tiên cần làm là gì ? Tiếp theo cần xác định tư tưởng, quan điểm của mình như thế nào ?
3. Dựa vào đâu để nêu ra luận điểm (nhận định, đánh giá, thái độ, chủ trương) trong bài nghị luận ? Lẽ phải, kiến thức, kinh nghiệm sống có vai trò như thế nào ? Tính chủ quan, sự sáng tạo của người làm bài nghị luận có vai trò như thế nào ?
Lưu ý : Ngoài các lẽ phải, chân lí đã được đúc kết thành công thức, khái niệm, khẩu hiệu,... tuy đúng nhưng dễ trở thành sáo mòn, cần phải chú ý tới các lẽ phải cụ thể, sinh động trong đời sống. Phải nhìn sự việc, hiện tượng từ phía nhu cầu phát triển của đất nước, dân tộc, quyền lợi của mỗi con người trong xã hội mà xác lập các lẽ phải cụ thể, sinh động. Điều này mới làm thành nền tảng của một bài nghị luận hay.
4. Không phải mọi luận điểm của bài nghị luận đều có giá trị như nhau. Vậy luận điểm như thế nào thì mới có giá trị ? (Liên hệ với một số bài văn nghị luận đã học để trả lời).
5. Những yêu cầu cơ bản của các phần mở bài, thân bài và kết bài là gì ?
6. Vai trò của kĩ năng diễn đạt trong bài văn nghị luận.
7. Các yêu cầu cần chú ý khi trình bày bài văn nghị luận.
8. Đặc điểm và cách viết văn bản tổng kết.
9. Thống kê và phân loại các đề văn từ Bài viết số 5 đến Bài viết số 7 trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 Nâng cao, tập hai.