YÊU CẦU CẦN ĐẠT
• Nhận biết được một số cách diễn đạt có nhiều khả năng hiểu khác nhau.
• Biết vận dụng kiến thức trên vào việc đọc - hiểu văn bản, tránh lối viết câu có nhiều cách hiểu không mong muốn.
1. Đọc những câu sau đây và thực hiện nhiệm vụ nêu ở dưới.
– Xe không được rẽ trái. (1)
– Chiếc xe đạp nặng quá. (2)
– Máy nổ tắt liên tục. (3)
– Người thợ lặn lội trên dòng sông đầy rác thải. (4)
– Đôi chân không nhúng xuống nước. (5)
– Anh chàng mặc áo sơ mi trắng trợn tròn mắt nhìn cô. (6)
– Có một chiếc xe lăn trên con đường sỏi. (7)
– Cả nhà hát say sưa theo tiếng đàn vĩ cầm. (8)
a) Nêu những cách hiểu khác nhau đối với mỗi câu trên đây.
b) Các câu trên đây có chung một đặc điểm ngữ pháp liên quan đến chủ ngữ và vị ngữ. Hãy xác định đặc điểm đó.
c) Hãy cách sửa để các câu ấy có thể chỉ hiểu được theo một nghĩa xác định.
2. Đọc những câu sau đây và thực hiện nhiệm vụ nêu ở dưới.
– Tôi không đi đâu. (1)
– Thằng bé có thể bơi qua sông. (2)
– Bây giờ thì nó phải lên đường rồi. (3)
– Anh ấy nói nghe có được không ? (4)
– Gã định đoạt tài sản thừa kế của cả hai chị em. (5)
– Chị lấy sách cho tôi. (6)
– Đằng ấy có chuyện gì không ? (7)
a) Nêu những cách hiểu khác nhau đối với mỗi câu trên đây.
b) Các trường hợp trên đây có chung một (vài) đặc điểm về từ vựng. Hãy xác định đặc điểm đó.
c) Nêu phương án sửa để mỗi câu chỉ được hiểu theo một cách.
3. Đọc những câu thơ sau đây :
– Tựa gối buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
(Nguyễn Khuyến – Thu điếu)
– Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
(Huy Cận – Tràng giang)
Có ba ý kiến về từ đâu trong những câu thơ trên :
– Đây là từ phủ định (nghĩa là "Cá không đớp động dưới chân bèo", "Không có tiếng làng xa vãn chợ chiều")
– Đây là từ phiếm chỉ ("Cá ở đâu đó đớp động dưới chân bèo", "Tiếng làng xa vãn chợ chiều vắng lên ở đâu đó")
– Cả hai cách hiểu đều chấp nhận được.
Ý kiến của anh (chị) như thế nào ?