KẾT QUẢ CẦN ĐẠT
• Nắm được những yêu cầu về diễn đạt và một số cách diễn đạt hay trong văn nghị luận.
• Nhận biết được những đặc sắc trong cách diễn đạt của một đoạn văn, bài văn nghị luận và có kĩ năng diễn đạt tốt.
1. Yêu cầu về diễn đạt trong văn nghị luận
Để hoàn thành bài văn, sau khi đã xác định và sắp xếp được ý, cần phải biết diễn đạt ý thành lời văn cụ thể. Một bài văn hay phải có những ý sâu sắc, mới mẻ, phù hợp với yêu cầu của đề, đồng thời phải được diễn đạt bằng những từ ngữ, câu văn, đoạn văn chính xác, sinh động, truyền cảm và giàu sức thuyết phục. Dù là loại văn bản nào, người viết cũng cần dùng từ đúng nghĩa, đặt câu đúng ngữ pháp, hành văn trong sáng, phù hợp với nội dung biểu đạt, thể hiện chính xác ý nghĩ và tình cảm của bản thân.
(1) Từ điển mĩ học và mĩ dục, NXB Hoa Uyển, Bắc Kinh, 1999, trang 400.
Văn nghị luận là loại văn của tư duy lô gích, mang tính thuyết phục cao. Để diễn đạt tốt, ngoài yêu cầu nêu trên, người viết cần chú ý thêm các điểm sau :
– Lời văn nghị luận cần đảm bảo tính chặt chẽ, chuẩn xác. Với yêu cầu này, người viết cần sử dụng đúng và nhất quán các thuật ngữ chuyên môn, các từ ngữ lập luận ; sử dụng các kiểu câu và mở rộng thành phần câu hợp lí khi trình bày lí lẽ.
– Lời văn nghị luận cũng cần có tính biểu cảm, bởi hiệu quả tác động của bài văn nghị luận không chỉ ở lí trí mà còn ở tình cảm, cảm xúc. Điều đó đòi hỏi người làm văn nghị luận phải có quan điểm, lòng nhiệt thành, niềm tin trước những điều mình nói (viết) và biết diễn tả bằng những từ ngữ, câu văn có hình ảnh, có sức truyền cảm cao, tạo được giọng điệu riêng cho bài viết.
– Cần tránh lối dùng từ khuôn sáo, lối viết khoa trương, khoe chữ, nhận định đánh giá cực đoan, dùng hình ảnh hoặc từ cảm thán một cách tràn lan, không đúng chỗ,...
2. Một số cách diễn đạt hay
a) Dùng từ chính xác, độc đáo
Dùng từ chính xác, độc đáo là một trong những yếu tố quyết định để có cách diễn đạt hay. Bài văn nghị luận sẽ hấp dẫn và thuyết phục khi người viết có một vốn từ phong phú, được sử dụng chính xác, linh hoạt. Từ ngữ được dùng đúng lúc, đúng chỗ sẽ lột tả được "trúng" thần thái, bản chất của sự vật, sự việc được nói tới, tạo được ấn tượng mạnh mẽ đối với người đọc.
Trong đoạn văn sau, chỉ qua một số từ ngữ (in nghiêng) được sử dụng chính xác, các tác giả đã khái quát hết sức chính xác và có ấn tượng về gương mặt các nhà thơ mới tiêu biểu :
"Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên,... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu".
(Hoài Thanh – Hoài Chân – Thi nhân Việt Nam)
b) Viết câu linh hoạt
Để tạo giọng điệu cho bài văn nghị luận, người viết cần biết vận dụng tất cả các loại câu một cách linh hoạt. Tuỳ vào nội dung vấn đề được đề cập, tuỳ cách trình bày lí lẽ và mạch cảm xúc mà người viết lựa chọn loại câu dài ngắn khác nhau, sử dụng kiểu câu khẳng định hoặc phủ định, cảm thán hoặc nghi vấn, câu có hai mệnh đề hô – ứng hoặc câu đánh giá khái quát,...
Những câu văn ngắn với cách nói phủ định, hô ứng của đoạn văn sau có hiệu quả tác động trực tiếp đối với người đọc :
"Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa !
Không ! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".
(Hồ Chí Minh – Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến)
c) Viết văn có hình ảnh
Ngôn ngữ văn nghị luận cũng cần sự hấp dẫn, lôi cuốn bằng từ ngữ có hình ảnh và có sức gợi cảm cao. Hình ảnh làm tăng sức thuyết phục, làm cho chân lí vừa sáng tỏ vừa thấm thía. Với các phép so sánh, liên hệ, đối chiếu vừa chính xác, đích đáng vừa bất ngờ, thú vị, những tư tưởng trừu tượng, khái quát khô khan sẽ được minh hoạ bằng hình ảnh cụ thể, sinh động, tạo nên khoái cảm cho người đọc.
Nguyễn Tuân đã bình bài thơ Sông lấp của Tú Xương bằng một hình ảnh so sánh khá ấn tượng :
"Nếu chúng ta liệt Tú Xương vào loại đỉnh thơ Nôm, thì Sông lấp chính là bóng cây hiên ngang trên sườn non đó vậy. Dẫn thơ Tú Xương mà vô tình hoặc cố ý đánh rớt bài Sông lấp, tức là bước lên lầu tháp mở cửa tầng này, tầng kia mà quên đi mất cái chuông trên vọng lâu vậy".
(Nguyễn Tuân – Thời và thơ Tú Xương)
d) Lập luận chặt chẽ, sắc sảo
Trong văn nghị luận, để trình bày lí lẽ và dẫn chứng được sáng tỏ, người viết cần vận dụng tốt các cách triển khai lập luận như : diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, tương phản, loại suy,... Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, người viết nên đặt mình vào vị thế người đọc để lập luận cho kín kẽ. Vì thế, lập luận trong văn nghị luận có khi được trình bày như một nội dung đối thoại ngầm để soi sáng vấn đề từ nhiều góc nhìn, nhiều cách tiếp cận, chẳng hạn như đoạn văn sau :
"Trong Truyện Kiều, cái gì quy định sự thể hiện các nhân vật ? Cái gì làm cho sự miêu tả các nhân vật Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, Đạm Tiên khác với các nhân vật như Sở Khanh, Tú Bà, Mã Giám Sinh ? Phải chăng một đằng đã bước sang chủ nghĩa hiện thực còn đằng kia thì chưa thoát khỏi trói buộc của mĩ học phong kiến ? Nhưng nếu như vậy, thì tại sao chỗ này thoát khỏi còn chỗ kia thì bó tay ? Ở đây có một quan niệm nghệ thuật gắn liền với hình thức mô tả đó. Kiều, Kim Trọng,... là loại người được mô tả như các "đấng", "bậc" trong xã hội ("đấng anh hùng", "đấng tài hoa", "bậc tài danh", "bậc bố kinh",...). Mà đã là đấng, bậc thì không thể mô tả như những người phàm tục và phải tuân thủ theo các mẫu mực có sẵn. Còn bọn Tú, Mã, Sở,... thực tế là quân vô loài, mà đã là quân vô loài thì còn có quy tắc chuẩn mực nào ràng buộc được ? Mẫu mực duy nhất để miêu tả chúng là hiện thực, do tác giả quan sát khái quát trực tiếp !".
(Trần Đình Sử – Thi pháp thơ Tố Hữu)
đ) Giọng văn biểu cảm
Trong bài văn nghị luận, người viết bao giờ cũng thể hiện thái độ, tình cảm của mình trước vấn đề đang bàn luận, đó là sự tán thành hay phản đối, ngợi ca hay châm biếm, kính cẩn hay thân mật,... từ đó mà có giọng văn khi sôi nổi, hăm hở, khi đĩnh đạc, trang nghiêm, khi ngập tràn thương cảm,... Để tạo nên giọng văn cho bài nghị luận, người viết cần sử dụng hệ thống các từ xưng hô, từ tình thái một cách linh hoạt, có ý thức phát huy vai trò của ngữ âm, nhịp điệu, giúp cho bài viết sinh động.
Hãy đọc và cảm nhận những lời khẳng định mạnh mẽ, sâu sắc, chất chứa niềm ngợi ca, ngưỡng vọng và tự hào của tác giả trong đoạn văn sau :
"Nguyễn Trãi không phải là một ông tiên. Nguyễn Trãi là người chân đạp đất Việt Nam, đầu đội trời Việt Nam, tâm hồn lộng gió của thời đại lúc bấy giờ, thông cảm sâu xa với nỗi lòng dân lúc bấy giờ, suốt đời tận tuỵ cho một lí tưởng cao quý. Nguyễn Trãi là khí phách của dân tộc, là tinh hoa của dân tộc. Sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Trãi là một bài ca yêu nước và tự hào dân tộc. Nguyễn Trãi rất xứng đáng với lòng khâm phục và quý trọng của chúng ta".
(Phạm Văn Đồng – Nguyễn Trãi,
người anh hùng của dân tộc)
LUYỆN TẬP
Hãy chỉ ra và nhận xét về những nét đặc sắc trong cách diễn đạt của các đoạn văn nghị luận sau :
Đoạn 1
"Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận".
(Hoài Thanh - Hoài Chân – Thi nhân Việt Nam)
Đoạn 2
"... Không, không, sự sống mới đang chói lọi. Đầu óc chúng ta đã nóng rực, xôn xao, ầm ầm trăm ngàn tiếng nói, hình ảnh muốn bay ra ngoài. Chúng ta cứ mạnh bạo sáng tác. Những phút ngượng ngập sẽ qua đi rất nhanh chóng.
Chúng ta nhất định làm được. Những bãi ngô trại mía Khoái Châu, những vườn vải nõn nà bờ sông Đáy, những đồi chè Phú Thọ lấp loáng lá cọ xanh, những dòng suối len lỏi trong rừng núi Việt Bắc, những con đường đất đỏ, những cánh đồng cỏ may dãi nắng mỏi mắt ở Thái Nguyên, và những ruộng lúa chưa bao giờ đẹp như bây giờ, bát nước chè tươi bốc khói trên một chiếc chõng tre, cái quán nước nhỏ bên đường, chỏm tóc lất phất của mấy em bé chăn trâu, những nấm mộ, những luỹ tre, những mái chùa cong, tất cả đất nước bảo rằng chúng ta làm được".
(Nguyễn Đình Thi – Nhận đường)
Đoạn 3
"Nguyên Hồng là con người rất dễ xúc động, rất dễ khóc. Ai từng tiếp xúc với Nguyên Hồng đều thấy như thế. Khóc khi nhắc đến nỗi khổ của con người trong xã hội cũ. Khóc khi nghĩ đến công ơn cách mạng. Khóc khi ôn lại những kỉ niệm thắm thiết của mình với bạn bè, đồng chí. Khóc cả khi kể lại nỗi bất hạnh của những nhân vật do chính mình sáng tạo ra. Tôi đã được thấy Nguyên Hồng khóc khi nói đến cái chết của Gái Đen trong Cơn bão đã đến. Người con gái tốt bụng, thẳng thắn ấy, vì nhẹ dạ, cả tin mà bị lầm lỡ đến nỗi uất lên mà chết trong một cơn trở dạ đau đớn. Kể đến đấy, Nguyên Hồng nghẹn ngào không nói được nữa, nước mắt ròng ròng. Ông khóc như người mẹ đứng trước cái chết của đứa con mình rứt ruột đẻ ra, nhất là phải chết oan chết uổng, chết khốn chết khổ như Gái Đen. Nguyên Hồng đã sống hơn sáu mươi năm, đã viết hơn bốn mươi năm, ai biết được ông đã đổ ra bao nhiêu nước mắt cho đời và cho nghệ thuật ? Bây giờ nằm dưới ba thước đất, nguồn nước mắt ấy, liệu có bao giờ khô cạn được chăng ?".
(Nguyễn Đăng Mạnh – Thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng)