KẾT QUẢ CẦN ĐẠT
• Nắm được các giá trị cơ bản của văn học.
• Có phương hướng đúng khi đọc và khám phá các giá trị của văn học.
Văn học đem đến cho người đọc niềm thích thú, say mê và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với con người. Điều đó làm cho văn học có giá trị đặc biệt. Có thể tìm hiểu giá trị của văn học ở nhiều phương diện.
1. Giá trị thẩm mĩ
Giá trị thẩm mĩ của văn học là vẻ đẹp do văn học tạo nên : những bức tranh, những hình tượng sống động, độc đáo, giàu ý nghĩa, có sức lôi cuốn và lay động tâm hồn con người. Mỗi khi nhắc đến văn học là người ta nghĩ đến những hình ảnh, những nhân vật đã được đọc và lưu lại trong trí nhớ. Những hình tượng ấy phần nhiều được sáng tạo bằng hư cấu, liên tưởng, nhưng chúng mang những tính chất thẩm mĩ mà con người đã và đang thể nghiệm trong đời sống. Đó là cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hùng, cái hài, cái xấu với vô vàn biểu hiện cụ thể, cá biệt, ngẫu nhiên của cuộc đời. Trong thực tế, các tính chất ấy nhiều khi xuất hiện phân tán, mờ nhạt, còn trong văn học thì chúng được biểu hiện tập trung đến mức gây ấn tượng khó phai.
Đặc điểm nổi bật của giá trị thẩm mĩ là nó hấp dẫn con người một cách vô tư, bằng chính sự hứng thú của hoạt động thưởng thức. Nó lôi cuốn con người vào một thế giới hư cấu, để con người thả hồn theo những hình ảnh tưởng tượng, nâng mình lên khỏi cuộc sống trực tiếp, hữu hạn hằng ngày, để có thể sống bằng tình cảm và mơ ước với nhiều cuộc đời, số phận và hoàn cảnh đa dạng, bất ngờ. Văn học đáp ứng nhu cầu thể nghiệm, thay đổi cảm giác và phát huy trí tưởng tượng của người đọc, làm cho tinh thần họ được phong phú. Sự thể nghiệm thẩm mĩ trong nghệ thuật là một hoạt động giải trí cao quý của tâm hồn. Đó là những giá trị không gì thay thế được.
2. Giá trị nghệ thuật
Giá trị thẩm mĩ của văn học không có gì thần bí. Nó có cội nguồn trong đời sống và do tài nghệ sáng tạo của nhà văn làm nên. Toàn bộ những phương thức, phương tiện, kĩ xảo được nhà văn dùng để xây dựng hình tượng nghệ thuật mang giá trị thẩm mĩ sẽ tạo thành giá trị nghệ thuật của văn học. Trước hết là cách nhà văn sử dụng ngôn ngữ (cách dùng từ, đặt câu, gieo vần, cách ví von, ẩn dụ, cách trần thuật, gọi tên nhân vật, sự vật,...). Thứ hai là cách nhà văn chọn lọc các chi tiết, cách miêu tả nhân vật, tình huống, cách phân tích tâm lí. Cuối cùng là cách kết cấu tác phẩm : mở đầu ở đâu, triển khai như thế nào và kết thúc ra sao thì gây được ấn tượng thú vị cho người đọc. Nếu nhà văn thiếu tài năng nghệ thuật thì giá trị thẩm mĩ của tác phẩm cũng giảm sút.
Trước đây người ta có xu hướng nhập giá trị thẩm mĩ với giá trị nghệ thuật làm một. Từ khi có lí thuyết tiếp nhận, người ta lại có xu hướng phân biệt chúng. Sự phân biệt hai giá trị này sẽ giúp người đọc hiểu văn học được cụ thể hơn.
3. Giá trị nhận thức
Văn học không giản đơn chỉ đem lại niềm thích thú và sảng khoái cho người đọc. Trong niềm hứng thú, say mê của người đọc đối với các hình tượng nghệ thuật, văn học nâng cao năng lực nhận thức của con người. Khác với khoa học là nhận thức các quy luật của thế giới khách quan, văn học nhận thức sự thật và ý nghĩa của đời sống. Thông qua các hình tượng nghệ thuật, văn học giúp người đọc nhìn thấy những sự thật của nhân sinh, nhận biết được cái đẹp, cái xấu, cái thật, cái giả, cái cao cả và cái thấp hèn,... Văn học đặc biệt coi trọng sự nhận thức về giá trị con người. Qua lăng kính văn học, người ta nhìn rõ những giá trị về nhân cách, những biến đổi tinh vi của tâm hồn, những biểu hiện khác nhau của tội ác, sức mạnh của cái thiện và lẽ công bằng. Từ các nhận thức đó, văn học soi rọi cho người đọc ánh sáng lí tưởng, nâng đỡ niềm tin vào cuộc đời, khơi gợi ở họ tình yêu đối với cuộc sống. Vì thế, giá trị nhận thức của văn học thấm nhuần tính chất nhân văn.
4. Giá trị giáo dục
"Văn học là nhân học", tức là sự hiểu biết về con người. Với phẩm chất đó, văn học nuôi dưỡng lòng đồng cảm với đồng loại, kích thích khát vọng vượt lên trên cái tầm thường, hữu hạn để sống cuộc đời cao đẹp và có ý nghĩa hơn. Văn học giáo dục tư tưởng nhân đạo, lòng vị tha, tinh thần yêu công lí, chuộng lẽ phải, yêu quê hương đất nước.
Tuy cũng đem lại cho người đọc những tri thức về thế giới, về phong tục, tập quán,... nhưng giá trị giáo dục tiêu biểu của văn học là giáo dục tình cảm. Những cảm hứng thẩm mĩ như cảm hứng anh hùng, cảm hứng cao cả, cảm hứng cảm thương, cảm hứng châm biếm,... làm cho người đọc rung động với những cảm xúc thẩm mĩ phong phú, đa dạng, luôn đứng về phía những tình cảm cao đẹp. Tác động của những rung động ấy sẽ còn lại lâu dài.
Văn học có giá trị giáo dục năng lực thẩm mĩ, nó đào tạo người đọc thành những người biết thưởng thức văn học, có thị hiếu thẩm mĩ lành mạnh, tinh tế. Những ai thường xuyên đọc văn học chắc chắn sẽ trở thành người đọc có kinh nghiệm, hiểu biết ngôn ngữ nghệ thuật và biết tiếp nhận văn học.
LUYỆN TẬP
1. Vì sao con người cần đến văn học ? Văn học có những giá trị gì ?
2. Hãy cho biết giá trị thẩm mĩ và giá trị nghệ thuật của một tác phẩm đã học.
3. Giá trị nhận thức của văn học có gì khác so với giá trị nhận thức khoa học ?
4. Giá trị giáo dục của văn học được thể hiện trên những phương diện nào ?