SGKVN

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai - Tiếp Nhận Văn Học | Giáo Dục Việt Nam

Tiếp Nhận Văn Học - Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai. Xem chi tiết nội dung bài Tiếp Nhận Văn Học và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai | Giáo Dục Việt Nam

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

• Nắm được ý nghĩa, nhu cầu, quá trình và quy luật tiếp nhận văn học.

• Có ý thức chủ động, tích cực trong hoạt động tiếp nhận văn học.

1. Ý nghĩa, nhu cầu và quá trình tiếp nhận văn học

Tiếp nhận là hoạt động nắm bắt thông tin trong quá trình giao tiếp. Trong giao tiếp văn học từ trước đến nay, quan hệ giữa người đọc với tác phẩm thường được gọi bằng các từ "đọc", "cảm thụ" "thưởng thức", "phê bình",... Lí thuyết tiếp nhận đề xuất khái niệm "tiếp nhận văn học" nhằm chỉ phương diện chủ động của người đọc trong việc lựa chọn thông tin, sáng tạo ý nghĩa của tác phẩm. Với khái niệm này, vai trò của người đọc được đặt lên hàng đầu.

Trong lí luận văn học, trước đây người ta chỉ đề cao vai trò của tác giả, còn vai trò của người đọc bị coi nhẹ như là một hoạt động thụ động, không tích cực. Tất nhiên không thể xem nhẹ tác giả vì nếu không có tác giả thì không có tác phẩm, tức là đối tượng tiếp nhận. Nhưng nếu xem nhẹ vai trò của người đọc thì không thể giải thích được trên thực tế, ý nghĩa của tác phẩm không ngừng biến động, phong phú thêm trong tiến trình lịch sử.

Người đọc tiếp nhận tác phẩm văn học với những nhu cầu khác nhau. Thông thường là bắt đầu từ nhu cầu giải trí, tìm những điều thú vị, hấp dẫn. Tiếp đến là nhu cầu hiểu biết, nâng cao năng lực cảm thụ. Người đọc có nhu cầu phát hiện, nhận xét, đánh giá và có người còn có nhu cầu đọc để học tập, để sáng tác nữa. Dù nhu cầu tiếp nhận văn học có đa dạng thế nào thì vai trò chủ thể của người đọc vẫn được thể hiện.

Quá trình tiếp nhận văn học trải qua các giai đoạn : đọc văn bản, phát hiện, kiến tạo ý nghĩa của tác phẩm, thưởng thức các giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đọc thuộc những chỗ hay và ghi nhớ những điều tâm đắc. Trong quá trình tiếp nhận, không những giá trị văn học được khám phá mà thế giới tinh thần của người đọc cũng đổi thay theo.

2. Những quy luật cơ bản của tiếp nhận văn học

a) Vai trò chủ động, tích cực của người đọc

Tiếp nhận văn học không giản đơn là một quá trình lặp lại hay tìm về ý tưởng ban đầu của tác phẩm mà là một quá trình đồng sáng tạo. Văn bản văn học thông báo những thông tin nhưng thường để trống phần ý nghĩa, tạo thành một cấu trúc mời gọi, buộc người đọc phải tự mình hoàn thành tác phẩm.

Muốn chiếm lĩnh văn bản ngôn từ, biến nó thành một thế giới nghệ thuật thú vị, giàu ý nghĩa thì người đọc phải chủ động và tích cực. Trước hết là phải hiểu được nghĩa của các từ, các hình ảnh, nhớ những điều đã đọc, phát hiện được mối liên hệ giữa các câu, các phần, hiểu được những chỗ bỏ trống, giải thích được những chỗ có vẻ vô lí, mâu thuẫn của văn bản. Chẳng hạn, trong bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm, người đưa tiễn sau khi nhận thấy người ra đi có "hoàng hôn trong mắt trong", liền nêu suy nghĩ : "Đưa người, ta chỉ đưa người ấy - Một giã gia đình, một dửng dưng" thì "người ấy" là ai trong ý tưởng của nhà thơ ? Đoạn kết bài thơ tại sao lại nói "Mẹ thà coi như chiếc lá bay..." ? Nói vậy có vô lí và tàn nhẫn không ? Trong câu thơ trên ai coi ai là "chiếc lá bay" ? Những câu hỏi như thế luôn luôn nảy sinh trong quá trình đọc, buộc người đọc phải tự giải đáp, giải đáp được mới có thể hiểu tác phẩm. Quá trình tự giải đáp tiếp diễn liên tục cho đến khi người đọc sống với nhân vật trong tác phẩm, hiểu và phát hiện được ý nghĩa toàn bộ của tác phẩm. Đó sẽ là ý nghĩa phù hợp và có khả năng thống nhất mọi chi tiết, nhân vật, sự kiện của tác phẩm thành một chỉnh thể. Lúc đó tác phẩm của nhà văn trở thành "tác phẩm của người đọc", hoà quyện với tư tưởng, tình cảm của người đọc. Đó chính là hoạt động "đồng sáng tạo" của người đọc. Điều này cho thấy, nếu người đọc không chủ động, tích cực tham gia vào quá trình đọc - hiểu tác phẩm thì khó lòng chiếm lĩnh được tác phẩm văn học.

b) Tính chủ quan và khách quan trong việc tiếp nhận tác phẩm

Người đọc khi đến với tác phẩm văn học có nhiều tâm trạng vui buồn khác nhau, có trình độ văn hoá khác nhau, có thái độ định kiến hoặc vô tư, phóng khoáng khác nhau. Kết quả là sản phẩm tiếp nhận văn học khác nhau. Có bao nhiêu người đọc một tác phẩm thì có bấy nhiêu "dị bản" về tác phẩm ấy trong tâm hồn, xét về mặt đậm nhạt, nông sâu, toàn diện hay phiến diện. Người thì hứng thú với các chi tiết này, kẻ lại say sưa với các tình tiết nọ, và hình như ai cũng có cái lí của mình. Trong số những cách tiếp nhận đó có những cách hiểu sâu sắc. Tính chủ quan là tiền đề của hoạt động sáng tạo trong tiếp nhận. Nhưng khẳng định tính chủ quan của tiếp nhận không có nghĩa là người đọc hoàn toàn tự do muốn hiểu văn bản thế nào cũng được. Văn bản là một tổ chức ngôn từ có tính liên kết và mạch lạc. Văn bản có đặc điểm thể loại. Từ ngữ và hình ảnh có những ý nghĩa do truyền thống văn hoá dân tộc và thời đại quy định. Người đọc không thể bất chấp các đặc trưng biểu đạt của văn bản, không thể tuỳ tiện cắt xén câu văn hay áp đặt ý nghĩa. Như thế văn bản vẫn là phương thức tồn tại khách quan của tác phẩm, quy định hoạt động tiếp nhận của người đọc. Sự tiếp nhận phải phù hợp với dữ liệu khách quan của văn bản mới thực sự có giá trị.

Do đó, cần khẳng định tính khách quan của tiếp nhận. Mọi người đọc đều có thể phát huy sự tìm tòi, cảm nhận của mình, song sự cảm nhận đó phải có cơ sở trong toàn bộ văn bản.

c) Tác động qua lại giữa người đọc và tác phẩm

Để đến với tác phẩm, người đọc thường phải có một "tầm đón nhận", tức là những hiểu biết và thị hiếu văn học có sẵn trước khi đọc tác phẩm đó. "Tầm đón nhận" của người đọc giúp họ phân biệt tác phẩm mới hay cũ, quen thuộc hay xa lạ. Nếu tác phẩm thấp hơn "tầm đón nhận" thì người đọc không thích đọc. Nếu tác phẩm mới quá thì người đọc lúng túng. Nhưng "tầm đón nhận" không phải là bất biến. Việc đọc tác phẩm mới và khó có tác dụng nâng cao "tầm đón nhận" của người đọc. Đến lượt mình, "tầm đón nhận" mới đòi hỏi văn học phải không ngừng sáng tạo, đổi mới. Như vậy, tiếp nhận văn học không chỉ giúp khám phá nhiều mặt nội dung và nghệ thuật tiềm tàng trong tác phẩm mà còn góp phần nâng cao trình độ của người đọc, kích thích văn học sáng tạo cái mới. Người ít đọc sẽ có "tầm đón nhận" nghèo nàn, thấp kém, sẽ tự mình tụt hậu so với tiến trình chung của văn học dân tộc và nhân loại.

LUYỆN TẬP

1. Tiếp nhận văn học là gì ? Nêu các nhu cầu và quá trình tiếp nhận văn học.

2. Nêu những biểu hiện về vai trò chủ động, tích cực của người đọc khi tiếp nhận một tác phẩm văn học.

3. Qua bài học, anh (chị) hiểu như thế nào về tính chủ quan và tính khách quan của người đọc trong tiếp nhận văn học ? Phân tích tầm quan trọng của chúng. Làm thế nào để khắc phục hiện tượng "đọc nhầm" trong tiếp nhận văn học ?

4. Quan hệ qua lại giữa người đọc và tác phẩm văn học có lợi gì cho văn học và cho người đọc ? "Tầm đón nhận" là gì ? Người ít đọc sẽ chịu thiệt thòi như thế nào ?

 

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 12 - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Công Nghệ 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12 Nâng Cao

Địa lý 12 - Nâng cao

Giáo Dục Quốc Phòng - An Ninh 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12 (Nâng Cao)

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tin Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12 Nâng Cao

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Gợi ý cho bạn

tieng-viet-1-tap-mot-1

Tiếng Việt 1 - Tập Một

Sách Lớp 1 Cánh Diều

ngu-van-11-tap-mot-453

Ngữ văn 11 (tập một)

Ngữ văn 11 (tập một)

giai-bai-tap-sinh-hoc-11-791

Giải bài tập Sinh học 11

Giải bài tập Sinh học 11

giao-duc-the-chat-3-1059

Giáo Dục Thể Chất 3

Sách Lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo

cong-nghe-9-lap-dat-mang-dien-trong-nha-842

Công Nghệ 9 (Lắp đặt mạng điện trong nhà)

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.