KẾT QUẢ CẦN ĐẠT
• Nắm được đặc điểm và yêu cầu của đề văn trong bài Kiểm tra văn học.
• Biết cách tránh được những sai sót khi viết bài.
Với bài Kiểm tra văn học, cần chú ý một số điểm sau.
1. Phân tích đề
Bên cạnh các bài làm văn nghị luận thường kì, bài Kiểm tra văn học nhằm bổ sung thêm việc đánh giá những hiểu biết của học sinh về các vấn đề văn học trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 Nâng cao, tập hai. Bài kiểm tra này chỉ tập trung vào các vấn đề văn học bao gồm những hiểu biết về lịch sử văn học, lí luận văn học, tác giả và tác phẩm văn học,...
Để tiết trả bài có chất lượng, học sinh cần suy nghĩ và phân tích kĩ đề kiểm tra văn học : Đề gồm mấy phần ? Mỗi phần kiểm tra những nội dung nào ? Hình thức kiểm tra có gì đặc biệt so với các bài kiểm tra khác ? (Có các câu hỏi trắc nghiệm không? Các câu trắc nghiệm kiểm tra những lĩnh vực kiến thức nào ? Có mấy câu phải viết thành đoạn, bài văn ? Viết về vấn đề gì ? Những kiến thức văn học và kĩ năng cần chú ý ở đây là gì ?).
2. Những kiến thức và kĩ năng cần chú ý
− Về kiến thức : Với hình thức trắc nghiệm, đề văn có thể kiểm tra được rất nhiều đơn vị kiến thức từ văn học Việt Nam đến văn học nước ngoài, từ tác giả đến tác phẩm, từ nhận định về lịch sử văn học đến việc nắm vững các chi tiết nghệ thuật và ý nghĩa của chúng,... Muốn trả lời đúng, cần chú ý các bài khái quát về giai đoạn văn học, tác giả và các phần Tiểu dẫn, đọc kĩ tác phẩm (kể cả tác phẩm đọc thêm).
– Về kĩ năng, cần rèn luyện cách làm đề trắc nghiệm (đọc kĩ câu hỏi, huy động trí nhớ và dùng suy luận để xác định câu trả lời đúng,...). Để viết phần tự luận tốt, ngoài kĩ năng viết, cần chú ý kĩ năng phân tích và cảm thụ tác phẩm văn học,... vận dụng kết hợp các thao tác giải thích, chứng minh, phân tích, so sánh, đối chiếu, phản bác, bình luận,...
3. Xem xét và đối chiếu kết quả
– Xem xét và đối chiếu bài viết của anh (chị) với các yêu cầu của đề kiểm tra văn học (về kiến thức và kĩ năng) đã nêu.
– Tự phân tích và nhận xét bài làm của anh (chị), chỉ ra những ưu điểm và nhược điểm trong bài viết ; suy nghĩ hướng sửa chữa, khắc phục nhược điểm.