KẾT QUẢ CẦN ĐẠT
• Nắm được yêu cầu của đề cương diễn thuyết.
• Biết cách làm đề cương diễn thuyết.
1. Hình thức diễn thuyết
Diễn thuyết là hình thức trình bày bằng miệng những quan điểm, ý kiến của cá nhân về một vấn đề nào đó trước đông đảo người nghe (công chúng). Như thế, thực chất của diễn thuyết chính là phát biểu theo chủ đề, thường là những chủ đề quan trọng được nhiều người quan tâm, theo dõi.
Muốn diễn thuyết thành công cần phải chuẩn bị. Một trong những công việc cần chuẩn bị trước tiên là xây dựng đề cương diễn thuyết (đề cương phát biểu theo chủ đề).
2. Yêu cầu của đề cương diễn thuyết
Một đề cương diễn thuyết cần đáp ứng được các yêu cầu sau đây:
– Xác định được vấn đề trọng tâm cần thuyết trình và các ý lớn, ý nhỏ cần triển khai để làm nổi bật vấn đề trọng tâm.
– Sắp xếp hệ thống ý nói trên một cách hợp lí theo ba phần : mở bài, thân bài và kết bài. Mở bài và kết bài cần có ý độc đáo, bất ngờ, gây được ấn tượng cho người nghe. Ý trong phần thân bài cần sinh động, phong phú, nhưng phải bám sát chủ đề.
– Đi kèm với hệ thống ý là các minh chứng về số liệu, sự kiện cụ thể, sinh động,... nhưng không tản mạn.
– Phân bố thời gian cho các phần, mục một cách hợp lí : phần trọng tâm cần nhấn mạnh và phân tích sâu, chỗ thứ yếu cần lướt qua,...
– Ghi rõ những phương tiện trực quan cần thiết như tranh ảnh, bảng biểu, băng hình,... và các phương tiện sử dụng kèm theo.
– Tránh viết đề cương thành văn, những ý chính thể hiện trên giấy cần thoáng rõ, dễ quan sát, dễ theo dõi trình tự các phần, mục và tư liệu minh hoạ,...
LUYỆN TẬP
Lựa chọn một trong các chủ đề sau đây để xây dựng đề cương diễn thuyết (tự xác định đối tượng người nghe và thời lượng cho buổi diễn thuyết):
– Vai trò của Internet trong cuộc sống hôm nay.
– Vị trí và ý nghĩa của văn hoá đọc trong thời đại nghe nhìn.
– Môi trường sống phụ thuộc vào chính con người.
– Tác hại của thuốc lá.