KẾT QUẢ CẦN ĐẠT
Biết vận dụng hiểu biết về nhân vật giao tiếp vào việc đọc. hiểu và tạo lập văn bản.
1. Sau đây là lời của một thuộc hạ nói với chủ tướng :
Bọn chúng tôi đầu óc ngu độn, nhưng dám xin thô thiển trình lên minh công. [...]
(Nguyễn Khoa Chiêm – Nam triều công nghiệp diễn chí)
a) Lời lẽ của thuộc hạ khi nói về mình và khi nói về chủ tướng trái ngược nhau như thế nào ?
b) Giải thích lí do của sự trái ngược đó.
2. Phân tích diễn biến trong cách nói của Dít đối với anh rể (Tnú) trong đoạn trích sau đây :
Dít nhìn Tnú bằng đôi mắt ấy rất lâu, trong khi bốn, năm đứa bé, đứa nào cũng tranh chỗ ngồi gần chị Dít. Rồi chị hỏi Tnú, giọng hơi lạnh lùng :
– Đồng chí về có giấy không ?
Tnú không hiểu :
– Giấy gì ?
– Giấy cấp trên cho nghỉ phép đó. Không có giấy, trốn về thì không được. Uỷ ban phải bắt thôi.
Tnú cười ồ. Anh định đùa, bảo nhớ làng quá trốn về thăm làng một bữa, nhưng nhìn đôi mắt nghiêm khắc của Dít và nghe cái im lặng chờ đợi xung quanh, anh mở túi áo, lấy một mảnh giấy nhỏ đưa cho chị.
– Báo cáo đồng chí chính trị viên xã đội...
Dít cầm tờ giấy, soi lên ánh lửa. Hàng chục cái đầu chụm lại, mấy đứa bé lắp bắp đánh vần. Dít đọc rất lâu, đọc đi đọc lại đến ba lần. Cụ Mết hỏi :
– Đúng chớ ? Nó có phép chớ ?
Dít đưa trả lại cho Tnú. Bây giờ chị mới cười :
– Đúng rồi, có chữ kí người chỉ huy. Sao anh về có một đêm thôi ?
Rồi chị trả lời :
– Thôi cũng được. Về một đêm cho làng thấy mặt là được rồi. Bọn em miệng đứa nào cũng nhắc anh mãi.
(Nguyễn Trung Thành – Rừng xà nu)
3. Trong đoạn trích sau, cách nói năng của bá Kiến (cụ) đối với "mấy bà vợ" và đối với "bọn người làng" là có khác nhau. Tại sao như thế ?
Cụ hãy quát mấy bà vợ đang xưng xỉa chực tầng công với chồng:
– Các bà đi vào nhà ; đàn bà chỉ lôi thôi, biết gì ?
Rồi quay lại bọn người làng, cụ dịu giọng hơn một chút :
– Cả các ông, các bà nữa, về đi thôi chứ ! Có gì mà xúm lại như thế này ? Không ai nói gì, người ta lảng dần đi.
(Nam Cao – Chí Phèo)
4. Đọc đoạn trích sau và thực hiện nhiệm vụ nêu ở dưới.
Mọi người ngồi yên, một ông đàn anh ra lệnh :
– Hàng xóm đã đến đông đủ ! Thằng Mới đem làm cỗ đi !
Thì ra cái người đội mâm xôi gà lúc nãy chính là mõ làng. Hắn dạ một tiếng thật dài rồi khép nép đứng tựa bên cột :
– Thưa các cụ làm bao nhiêu cỗ ?
Ông đàn anh ấy lại lên giọng :
– Mày trông xem có bao nhiêu người kiến tại.
Thằng Mới liếc mắt một lượt từ trong nhà ra đến ngoài thềm, rồi thưa :
– Bẩm ba mươi tất cả.
(Ngô Tất Tố – Việc làng)
a) Trong đoạn đối thoại trên, ai là người điều khiển ?
b) Ngôn ngữ (và cử chỉ) của "ông đàn anh" và mõ làng thể hiện quan hệ vị thế trong giao tiếp như thế nào ?
5. Viết một đoạn đối thoại ngắn, có ba nhân vật : thầy (cô) chủ nhiệm, học sinh và bố (mẹ) của học sinh ấy.