KẾT QUẢ CẦN ĐẠT
• Hiểu vai trò quan trọng của luận cứ trong bài văn nghị luận.
• Biết sử dụng luận cứ một cách hợp lí và có hiệu quả trong bài văn nghị luận.
1. Vai trò của luận cứ
Bài văn nghị luận không thể có sức thuyết phục nếu chỉ có luận điểm mà thiếu luận cứ. Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh sở dĩ có sức tác động mạnh mẽ là do Người đã sử dụng những lời trích dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mĩ, từ Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 làm cơ sở để lên án thực dân Pháp "lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa". Bản Tuyên ngôn Độc lập còn sử dụng các bằng chứng về chính trị, kinh tế và lịch sử để chứng tỏ thực dân Pháp áp bức, bóc lột đồng bào ta, từ năm 1940 chúng đã hai lần bán nước ta cho Nhật, đồng thời khẳng định nhân dân ta giành chính quyền từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp, chúng ta đứng hẳn về phe Đồng minh để chống phát xít, từ đó khẳng định quyền được hưởng độc lập, tự do của nước ta. Bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc của Phạm Văn Đồng, nếu thiếu đi các trích dẫn từ sáng tác thơ văn của nhà thơ mù đất Đồng Nai, thiếu đi các sự thật lịch sử của thời đại và cuộc đời nhà thơ thì làm sao có sức lay động tâm hồn, trí tuệ người đọc ?
Rõ ràng các loại luận cứ là nền tảng và là chất liệu để làm nên bài văn nghị luận.
2. Cách sử dụng luận cứ
a) Muốn làm một bài văn nghị luận thì phải sử dụng luận cứ. Muốn có luận cứ để sử dụng thì phải tích luỹ. Người làm văn nghị luận phải chuẩn bị cho mình một vốn luận cứ giàu có, đa dạng, chẳng hạn
– Các sự thật lịch sử và đời sống, bao gồm các sự kiện lịch sử, cuộc đời các nhân vật kiệt xuất, các nhà văn hoá của dân tộc và của thế giới, những nhà phát minh vĩ đại như Anh-xtanh, Ê-đi-xơn, các sự kiện đời sống được nhiều người biết.
– Các tư tưởng, lí luận của những nhà tư tưởng lớn như Khổng Tử, Các Mác, Hồ Chí Minh,...
– Các số liệu khoa học được công bố trên các báo, tạp chí về dân số, về số lượng học sinh trong cả nước, về thu nhập quốc dân, về sự phát triển kinh tế, kĩ thuật,...
– Các định lí, định luật khoa học.
– Các câu tục ngữ, thành ngữ, cách ngôn,... kết tinh trí tuệ của dân gian và nhân loại.
Khi phân tích, bình luận tác phẩm văn học thì các câu thơ, câu văn, các hình ảnh, chi tiết, các nhân vật trong tác phẩm là luận cứ không thể thiếu. Việc học thuộc lòng các câu thơ, câu văn sẽ tạo thành một cái vốn quan trọng đối với người viết văn nghị luận.
b) Muốn viết được bài văn nghị luận thì phải biết lựa chọn luận cứ. Luận cứ phải được lựa chọn theo các tiêu chí sau :
– Trước hết, luận cứ phải phù hợp với yêu cầu khẳng định luận điểm. Nội dung của luận cứ phải thống nhất với nội dung của luận điểm. Chẳng hạn, muốn bình thơ hay, cần chọn được bài thơ hay, câu thơ hay. Muốn bàn về vấn đề tự học, cần biết về các tấm gương tự học thành đạt.
– Thứ hai, luận cứ phải xác thực. Khi nêu luận cứ, người viết nghị luận cần biết chính xác về nguồn gốc, các số liệu, các sự kiện, tiểu sử nhân vật,... Biết không chắc chắn thì chưa vội sử dụng. Tuyệt đối không được bịa đặt luận cứ.
– Thứ ba, luận cứ phải tiêu biểu. Nếu nhà thơ có nhiều câu thơ hay thì chọn câu thơ tiêu biểu cho phong cách độc đáo của nhà thơ ấy. Nếu chọn chi tiết về nhân vật thì chọn chi tiết tiêu biểu nhất cho tính cách của nhân vật ấy.
– Thứ tư, luận cứ phải vừa đủ, đáp ứng yêu cầu chứng minh toàn diện cho luận điểm. Nếu muốn chứng minh nhân dân ta có lòng nồng nàn yêu nước thì cần lấy luận cứ từ thực tế cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, trong quá khứ và trong hiện tại, trong thời chiến cũng như trong thời bình.
– Cuối cùng, luận cứ cần phải mới mẻ. Những luận cứ mà người đi trước đã sử dụng thì không nên dùng lại, nếu muốn dùng thì cố gắng khai thác khía cạnh nội dung mới của nó.
c) Cách sử dụng luận cứ trong bài văn nghị luận
– Khi sử dụng luận cứ vào bài văn nghị luận, trước hết phải biết giới thiệu luận cứ, có trường hợp cần chỉ ra nguồn của luận cứ (chẳng hạn số liệu lấy ở đâu, câu thơ của ai, ở tác phẩm nào).
– Cần trích dẫn chính xác. Nhớ nguyên văn thì đặt trong ngoặc kép, nhớ đại ý thì chuyển thành lời gián tiếp. Dẫn nhân vật thì lược thuật cuộc đời và hoạt động của nhân vật.
– Cần sử dụng thao tác lập luận để từ luận cứ mà làm rõ luận điểm. Chẳng hạn, từ các trích dẫn lời văn trong Tuyên ngôn Độc lập của Mĩ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp, Hồ Chí Minh "suy ra" quyền độc lập, tự do và mưu cầu hạnh phúc của các dân tộc. Có trường hợp, người làm văn nghị luận phải phân tích luận cứ để làm bật lên các ý nghĩa phù hợp với luận điểm, làm cho luận cứ và luận điểm gắn bó với nhau thành một chỉnh thể giàu sức thuyết phục. Có như thế việc sử dụng luận cứ mới có hiệu quả.
LUYỆN TẬP
1. Đọc văn bản sau, chỉ ra các luận điểm, luận cứ và cách sử dụng luận cứ phục vụ cho luận điểm trong văn bản.
"Trong cuộc giao lưu văn nghệ, người hâm mộ hỏi một diễn viên : "Nếu có người mời chị tham gia quảng cáo cho một loại mĩ phẩm chị chưa hề dùng, mà thù lao rất hấp dẫn, thì chị có nhận lời không ?". Người diễn viên liền nói ngay : "Tôi sẽ nhận lời". Câu trả lời làm cho tôi giật mình. Diễn viên tham gia quảng cáo hàng hoá không có gì lạ, không có gì đáng trách. Nhưng nếu quảng cáo mà chỉ quan tâm tới thù lao, không quan tâm tới chất lượng của sản phẩm có phải là một vấn đề đạo đức hay không ? Nhận lời làm quảng cáo cho một thứ hàng mà mình chưa hề dùng, rõ ràng người diễn viên đã chỉ nghĩ đến tiền, còn như hàng hoá tốt hay xấu, thật hay giả, có lợi hay có hại cho người dùng, thì chưa nghĩ đến. Ở đây đúng là có vấn đề đạo đức. Người diễn viên có thể vô tình hay cố ý tham gia vào việc lừa dối khách hàng và tự lừa dối mình. Do đó, bốn tiếng "Tôi sẽ nhận lời" được nói ra vội vàng, chưa suy nghĩ kĩ, đã cho thấy : đạo đức và tiền bạc, cái nào đặt cao hơn cái nào là vấn đề thường gặp trong cuộc sống. Câu nói buột miệng thốt ra của người diễn viên kia cho thấy hiện tượng : một số người trong xã hội, vì đồng tiền sẵn sàng làm bất cứ việc gì, bất kể tốt xấu, lợi hại như thế nào, miễn có lợi cho mình là được. Chính loại người đó sẽ đổi trắng thay đen, nói xấu thành tốt, biến sai thành đúng. Hiện tượng trên cho thấy, trong kinh tế thị trường hôm nay cần phải đề cao tinh thần đạo đức, coi đạo đức cao hơn đồng tiền, vì như vậy thì đồng tiền mới có vai trò tích cực trong đời sống xã hội".
(Theo sách Thanh niên diễn thuyết của nước ngoài)
2. Cho đề bài "Bảo vệ môi trường sống". Hãy trao đổi, đề xuất những luận điểm và luận cứ.