TIỂU DẪN
Anh Đức tên khai sinh là Bùi Đức Ái, sinh năm 1935 tại huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang). Ông bắt đầu làm báo, sáng tác văn học từ năm 1952. Năm 1953, Anh Đức là biên tập viên báo Cứu quốc Nam Bộ. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc, công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ năm 1957, ông về công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam. Tháng 6 - 1962, ông trở về miền Nam, công tác ở Hội Văn nghệ Giải phóng. Anh Đức từng là Uỷ viên Ban thư kí Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Giải phóng, Phó Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam (khoá V và VI). Anh Đức được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật năm 2000.
Tác phẩm chính : Biển động (truyện, 1952), Một truyện chép ở bệnh viện (truyện, 1958), Biển xa (truyện, 1960), Bức thư Cà Mau (truyện ngắn, bút kí, 1965), Hòn Đất (tiểu thuyết, 1966), Giấc mơ ông lão vườn chim (truyện ngắn, bút kí, 1970), Đứa con của đất (tiểu thuyết, 1976), Miền sóng vỗ (tập truyện, 1985).
Sáng tác của Anh Đức tập trung miêu tả cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ với phong cách văn xuôi trữ tình giàu chất thơ.
Truyện ngắn Đất nằm trong tập Bức thư Cà Mau. Tập truyện ngắn, bút kí này tập trung phản ánh tội ác của Mĩ – nguỵ, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao đẹp của đồng bào Nam Bộ trong thời kì kháng chiến quyết liệt. Văn bản dưới đây có lược một số đoạn.
⁎ ⁎ ⁎
Hồi gần Tết Giáp Thìn, đâu tối 23 Tết thì phải, anh Định phụ trách toà soạn báo tỉnh bảo tôi :
– Nè, hay là cậu đi Xẻo Đước một chuyến đi. Ấp chiến lược Xẻo Đước đã bị phá dứt điểm rồi. Cậu viết một bài nói về cái Tết đầu tiên của bà con mới thoát vòng kềm kẹp ở đó thì tươi lắm.
(Lược một đoạn : Tác giả bày tỏ nỗi hồi hộp khi sắp được trở lại Xẻo Đước, kể lại kỉ niệm với nhà ông Tám, một gia đình quyết không rời bỏ Đảng và cách mạng trong những ngày đen tối nhất, nhớ lại chuyện ông cho mượn chiếc xuồng để di chuyển căn cứ trong những năm ác liệt trước đây).
Tôi về Xẻo Đước vào hôm 28 Tết. Xóm làng ở ven sông có vẻ huyện náo hẳn lên. Dưới các bến mấy thím mấy chị đang cọ tách đĩa cười cười nói nói. Trên bờ các em túm tụm múa hát. Một cái lò bún đang ồn ào. Trong buổi chạng vạng, tôi nhận ra những cọng bún trắng nõn thòng xuống miệng ang. Trên các mái nhà, khói ấm bốc lên. Quả nhiên, tôi nhìn thấy cả dây thép gai. Nhưng dây thép gai không vo cuộn lại mà dàn ra, vây kín lấy xóm ấp. Cả những bờ luỹ cũng còn sờ sờ trước mặt. Một tấm biển cắm sát ven sông, tôi chèo sát, và nhìn thấy dòng chữ "Quyết tử giữ làng". Tôi tự nhủ : "Vậy mà ấp chiến lược đã xoay ngược lại rồi ?".
Đêm xuống dần. Ánh lửa bắt đầu nhảy nhót trên mái nhà. Tôi thầm đoán : "Có lẽ những trã(1) bánh tét(2) muộn màng nhứt giờ này cũng bắc lên rồi".
Cho dù trời tối, tôi cũng không quên cái bếp nhà ông Tám, chỗ tôi đã rón rén kéo chiếc xuồng dạo nọ. Bây giờ trên bờ án ngữ một bức thành đất dày, cao, có tới bốn lỗ châu mai hun hút. Bên ngoài ụ xuống, dây thép gai ràng rịt sát mặt nước, chỉ còn để hở một lối nhỏ vừa đủ chen lọt mũi xuồng.
(Lược một đoạn : Tác giả kể chuyện gặp lại anh Hai Cần – con trai ông Tám – cùng một số anh em du kích, rồi tình cờ mới biết ông Tám đã mất từ năm ngoái).
Chị Hai Cần đi rồi, chỉ còn lại có tôi với anh Hai.
Tôi hỏi chuyện về cái chết của bác Tám. Anh Hai Cần lặng thinh. Lát sau anh chậm rãi bảo tôi :
– Chú Bảy à, tối đó ba tôi tính đem bánh, trà vô "cứ"(3) cho mấy chú. Ba tôi ổng lo lắm, sợ tết nhứt mấy chú ở trong "cứ" buồn. Chiều đó vợ tôi luộc bánh chín rồi, ba tôi liền lấy bốn đòn đem ém dưới sạp xuống... Ông sợ tụi nó thấy. Tính khuya là chống xuồng vô mấy chú. Ai ngờ khuya tụi nó cứ đi rỏn(4) hoài...
Tôi nói :
– Hèn chi tôi rờ mấy đòn bánh tét thấy còn nóng. Anh Hai ơi, vậy là tụi tôi có lỗi với bác Tám lắm. Bữa nay chẳng giấu gì anh, tôi đem hoàn lại gia đình một số tiền. Chiếc xuống dạo nọ.
(1) Trã : nồi đất miệng rộng và nông.
(2) Bánh tét : một loại bánh như bánh chưng nhưng gói thành đòn tròn và dài như gói giò.
(3) "Cứ" (nói tắt) : căn cứ địa cách mạng ở vùng núi hoặc nông thôn.
(4) Đi rỏn : đi tuần tra.
Anh Hai Cần im lặng, không nói gì hết. Hồi sau, anh ngước lên, mắt đỏ hoe. Anh không nhắc nhở gì tới chuyện chiếc xuồng nữa. Anh nói:
– Ba tôi mất hồi năm ngoái, chú Bảy à. Lúc đó tụi nó ráo riết dồn bà con vô ấp. Không ai chịu đi. Chú biết, nhà tôi thì ở ngay đầu xóm nên mỗi lần tụi nó kéo vô là ghé trước. Năm lần bảy lượt o ép, ông già tôi đều kiếm cách lướt qua hết. Ba tôi nói : "Nhà mình ở đầu xóm mà núng thế thì không làm gương được cho lối xóm !". Thật, nhà tôi không động đậy, cả xóm cũng không nhúc nhích. Lính tráng gặp ba tôi thảy đều ngán. Ban đầu ba tôi nói : "Nhà tôi cũng như nhà mấy chú, đừng có nghe lời người ta tới đây đòi dọn, đòi dời, tôi không đi đâu !". Lượt sau chúng lại vô, hùng hổ dỡ nhà. Ba tôi đem cây mác mài bén ngọn ra phóng cắm giữa nhà, nói :
– Tôi nói thiệt chớ không phải giỡn đâu. Chú nào leo lên rút một cọng lá tôi chém cho coi !
Ba tôi nói tỉnh khô, vẫn gọi bọn lính bằng "chú". Không thằng nào dám leo lên dỡ nhà hết. Tụi nó nhắm không êm, bỏ nhà tôi kéo qua nhà thím Sáu Ơn, tưởng đâu đàn bà goá thì dễ hiếp đáp. Nào ngờ thím Sáu Ơn cũng không chịu đi. Tụi nó bật lửa đòi đốt nhà. Thím Sáu bồng bế kêu hết mấy đứa con ra ngồi giữa nhà nói :
– Đốt cho mẹ con tôi chết luôn thể !
Thằng lính sắp đốt nhà nghe thím nói thì buông mồi lửa, ngẩn ngơ. Vậy là lần đó, tụi nó cũng bó tay kéo về. Thằng quận trưởng Sông Đốc tức lắm. Nó cách chức thằng đồn trưởng Xẻo Đước, đổi thằng khác tới. Thằng đồn trưởng mới này tên là thằng Đởm, chánh cống ác ôn. Mới về, nó tuyên bố :
– Tôi không lùa được dân Xẻo Đước thì tôi chết sao ?
Rồi mới tới ngày hôm trước, hôm sau nó đã dắt lính vô. Hay tin, ba tôi vẫn điềm tĩnh ngồi tại bộ ván giữa này. Cử chỉ ba tôi lúc đó coi khác lắm chú Bảy à. Phần tôi, tôi biết lần này gay go, vì thằng Đởm là thằng gian ác có tiếng. Cho nên, tôi luôn ở sát bên ba tôi, mắt không rời cây búa bửa củi giấu sau cánh cửa. Tất nhiên nhà tôi là cái nhà đầu tiên tụi nó ghé. Chưa vô tới sân, thằng đồn trưởng Đởm đã nổ súng. Sau phát súng, nó kề miệng thổi phù phù vô nòng cây "côn 12"(1) rồi hét:
– Ai là chủ nhà đây ?
– Tôi.
Ba tôi đáp rất gọn.
Tên đồn trưởng xộc vô. Nó ngó quanh quất, ngó tôi và ba tôi, đoạn vẩy súng nói :
– Ê, ông là chủ nhà hả ? Ông biết tôi tới đây có chuyện gì không?
(1) "Côn 12" : một kiểu súng ngắn của Mĩ, cỡ nòng có đường kính là 12 mi li mét.
Ba tôi từ trên ván bước xuống đất :
– Được, chuyện chi cũng được. Nhưng mấy người đình đãi(1) cho một chút...
Tên đồn trưởng nghe nói, tưởng đâu ba tôi ngán nó rồi, nên nó đắc chí ngó mấy tên lính, nháy mắt. Đoạn nó ngồi lên ván, tréo ngoảy chân, đốt thuốc thơm hút :
– Được, ông già lo cụ bị(2) đồ đạc đi. Có ghe chứ ?
Ba tôi đáp :
– Có, tôi có ghe !
Nhưng ba tôi không đi cụ bị đồ đạc, cũng không đi lấy ghe. Ba tôi mở tủ thờ lấy cái áo dài bằng xuyến(3) đen ra. Đây là chiếc áo ba tôi chỉ bận khi có giỗ kị. Bây giờ ba tôi thong thả bận vô. Ba tôi bận áo rất kĩ lưỡng, vuốt từng nếp nhăn trên áo. Xong rồi ba tôi đưa tay xổ đầu tóc, xoã ra. Tụi nó không biết ba tôi làm cái gì. Mà ba tôi cũng chẳng ngó ngàng để ý gì tới tụi nó. Hình như bây giờ ba tôi chỉ biết có việc ba tôi làm. Sau khi bận áo và xoã tóc, ba tôi rút mấy nén nhang, bảo tôi :
– Hai, con đốt đèn lên !
Tôi rùng mình quẹt lửa đốt đèn. Cái ống quẹt cứ run lên trong tay tôi. Ba tôi đốt nhang, chấp bó nhang quỳ xuống trước bàn thờ, lầm rầm khấn :
– Thưa ông bà, cha mẹ, thưa các hương hồn liệt sĩ, nhà cửa, đất đai đây là của ông bà, cha mẹ và cách mạng đã tạo lập cho con. Bữa nay người ta tới ép buộc con phải bỏ đi. Con không thể phụ bạc công ơn cha mẹ, công ơn cách mạng. Vậy con xin chết cho cha mẹ và các liệt sĩ ngó thấy. Khấu đầu xin cha mẹ và các vị chứng miêng(4) cho...
– Ông già câm miệng !
Thằng đồn trưởng la lên. Nó không chịu nổi những phút rùng rợn ấy nữa. Cũng vừa lúc ba tôi khấn vái xong. Bước tới góc nhà chụp cây mác, ba tôi quay phắt tới trước mặt tên đồn trưởng:
– Việc của tôi đã xong, bây giờ mấy người muốn gì ?
Thằng đồn trưởng xanh mặt. Nó không nói rằng nó muốn gì cả. Nó đưa khẩu súng "côn 12" lên, chĩa vô ngực ba tôi. Tức khắc ba tôi cũng chĩa mũi mác nhọn hoắt về phía nó. Và tôi, không chần chờ, lập tức vớ ngay cây búa bửa củi giấu sau cánh cửa. Bọn lính
(1) Đình đãi (từ địa phương) : chờ, từ từ.
(2) Cụ bị (từ địa phương) : thu xếp, chuẩn bị.
(3) Xuyến : một loại lụa láng đen có sọc ngang, ngày trước những người đàn ông đứng tuổi thường dùng để may áo dài.
(4) Chứng miêng (cách nói chệch của tiếng địa phương) : chứng minh.
lên đạn rốp rốp. Ba tôi nhích mũi mác tới. Thằng đồn trưởng lùi lại. Tay súng nó run lẩy bẩy. Thình lình tôi thấy nòng súng trong tay nó gặc mạnh một cái. Phát súng nổ "đùng". Ba tôi đưa tay lên mặt. Một dòng máu chảy xuống mặt ba tôi. Nhưng ba tôi vẫn đi tới. Thằng đồn trưởng cứ lùi. Bỗng nhiên, nó buông rơi khẩu súng, hoảng hốt rú lên, quay người bỏ chạy. Nhưng tôi đâu để nó chạy. Cây búa trong tay tôi đã bay theo. Lưỡi búa cắm ngập vô gáy thằng đồn trưởng. Nó kêu "trời ôi" rồi té sấp, hai tay vã xuống nền nhà.
Kể tới đây, anh Hai Cần dừng lại. Anh chụp chai rượu rót vô li. Anh rót rượu tràn cả ra ngoài. Nhấc li rượu uống cạn, anh dằn cái li không đánh cấp xuống ván, ngó chằm chằm ra đêm tối. Bóng anh in trên vách, bất động. Tôi khẽ hỏi :
– Còn tụi lính, nó không bắn à?
Anh Hai Cần lắc đầu :
– Không, họ không bắn tôi. Khi đó, tôi cũng không chém họ. Tôi vứt búa, bước tới đỡ lấy ba tôi. Ba tôi đã tắt thở. Chợt một người lính cầm ngọn mác của ba tôi đưa cho tôi và bảo : "Chạy trốn đi, để đây tụi tôi tính".
Tôi sửng sốt nhìn anh ta. Nhưng hai anh lính khác cũng giục tôi :
– Chạy mau đi !
Nói rồi họ khiêng ba tôi đặt dựa vô vách. Một anh đi lượm cây búa tôi chém thằng đồn trưởng ban nãy, đem lại đặt kề bên ba tôi. Tôi hiểu liền cầm cây mác vọt ra vườn. Lúc chạy một đỗi, tôi nghe họ la :
– Tụi bay ơi, thằng già nó chém chết ông trung uý rồi !
(Lược một đoạn : Anh Hai Cần kể lại phong trào bà con Xẻo Được cùng bộ đội địa phương vùng dậy phá ấp chiến lược, đánh đồn bốt địch).
Anh Hai Cần thôi nói.
Anh thôi nói đã lâu. Ấy thế mà trong đêm tối, tôi vẫn còn nghe. Tôi nghe đây là nghe tiếng súng nổ giữa ban ngày, tiếng rú của lũ giặc, và tiếng của ông Tám, tiếng nói của ông già nông dân ngoài sáu mươi tuổi cất lên vang rợn :
– Thưa ông bà, cha mẹ, thưa các hương hồn liệt sĩ, nhà cửa, đất đai đây là của ông bà, cha mẹ và cách mạng tạo lập cho con...
Cứ thế, tôi nghe tiếng nói ấy. Và thưa bạn đọc, tôi xin nói ra cái điều kì lạ là cũng ngay bây giờ tôi cảm thấy như đất nền nhà dưới chân tôi nóng hâm hấp, cơ hồ như đất đang động cựa, tái hiện những vũng máu tươi. Thế rồi, khi tôi quay lại, tôi không thấy anh Hai Cần ngồi cạnh tôi nữa. Anh đang quỳ trước bàn thờ. Cái bàn thờ mà cha anh đã quỳ dạo nọ. Mùi nhang lại toả lên.
Giữa lúc năm cũ đi qua. Và một năm mới đến.
Tháng 3 - 1964
(Bức thư Cà Mau, NXB Văn học, Hà Nội, 1965)
HƯỚNG DẪN ĐỌC THÊM
1. Truyện ngắn Đất có kết cấu khá đặc biệt : câu chuyện của anh Hai Cần về ông Tám được lồng vào câu chuyện của nhân vật tôi. Anh (chị) hãy phân tích hiệu quả nghệ thuật của lối kết cấu này (đối với tính phong phú, bao quát của nội dung phản ánh, đối với sức hấp dẫn của tác phẩm).
2. Tình huống truyện phát triển đến cao độ ở đoạn nào ? Hãy phân tích hành động, lời nói của ông Tám trước bàn thờ. Qua đó và qua các chi tiết khác trong truyện, anh (chị) hiểu như thế nào về tính cách của nhân vật ông Tám ? Nhân vật này có những nét gì điển hình cho người nông dân cách mạng Nam Bộ ?
3. Qua truyện ngắn Đất, anh (chị) hiểu như thế nào về cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam những năm chống lại chính sách dựng "ấp chiến lược" của Mĩ – nguy ?
4. Hãy nêu suy nghĩ của anh (chị) về phần kết thúc tác phẩm (từ "Anh thôi nói đã lâu" đến hết). Phát biểu ý nghĩa tư tưởng của truyện ngắn Đất (chú ý liên hệ nội dung phản ánh với tên tác phẩm).