KẾT QUẢ CẦN ĐẠT
• Nắm được một số đặc điểm và yêu cầu của phần mở bài.
• Có kĩ năng viết mở bài nhanh và đáp ứng đúng các yêu cầu của phần mở bài.
Ở các lớp dưới, học sinh đã thực hành nhiều về cách viết mở bài, sách giáo khoa Ngữ văn 12 Nâng cao, tập hai tổng kết lại một vài vấn đề lí thuyết về mở bài.
1. Đặc điểm và yêu cầu của phần mở bài
Mở bài (còn gọi là đặt vấn đề) là khâu đầu tiên của bài văn và có tầm quan trọng thực sự đối với người viết. Khi viết bài, nếu có được một mở bài hay, tự nhiên "dòng văn" như được khơi chảy, tuôn trào. Mở bài lúng túng, trúc trắc sẽ khiến bài viết thiếu sinh khí, văn không liền mạch, ý tứ sẽ trở nên rời rạc,...
Muốn mở bài đúng và hay, trước hết cần hiểu rõ mục đích của mở bài là giới thiệu một cách khái quát với người đọc vấn đề sẽ viết, sẽ trao đổi, bàn bạc. Viết mở bài thực chất là trả lời câu hỏi : Ở bài viết này, cần viết về điều gì, cần trao đổi và làm sáng tỏ vấn đề gì ?
Mở bài thường có hai phần :
– Phần đầu nêu những câu dẫn dắt vào đề. Đó có thể là lời văn của người viết bài, có thể là câu thơ, đoạn văn của một tác giả, là câu chuyện nhỏ, câu nói của một nhân vật nổi tiếng, một nhà văn, nhà phê bình hoặc nhà văn hoá nào đó,... Tuy vậy, nội dung dẫn dắt thường phải ngắn gọn (nhất là mở bài trực tiếp), gần gũi và có liên quan đến vấn đề chính mà bài văn sẽ đề cập tới.
− Phần sau nêu vấn đề trọng tâm của bài viết (luận đề). Vấn đề trọng tâm có thể đã nêu rõ trong đề, có thể người viết phải tự rút ra, tự khái quát và nêu lên. Đối với loại đề yêu cầu phân tích, cảm thụ tác phẩm nghệ thuật thì phần này thường nêu ấn tượng chủ đạo, bao trùm lên toàn bộ tác phẩm mà người viết cảm nhận được.
Khi viết mở bài cần tránh :
– Dẫn ra ý không liên quan gì đến vấn đề trọng tâm.
– Dẫn dắt vòng vo, viết rất dài mới dẫn vào được vấn đề trọng tâm cần nêu.
– Sa vào những chi tiết cụ thể, những nội dung lẽ ra chỉ trình bày ở thân bài.
Một mở bài hay cần phải :
– Dẫn dắt, nêu trọng tâm và giới hạn vấn đề ngắn gọn.
– Gây được sự chú ý của người đọc về vấn đề sẽ viết.
– Viết tự nhiên, giản dị nhưng sinh động, độc đáo, không cầu kì, giả tạo.
2. Cách mở bài
Có thể mở bài bằng nhiều cách khác nhau, nhưng nhìn chung thường có hai cách chính : mở bài trực tiếp và mở bài gián tiếp. Trả lời thẳng vào câu hỏi : "Bài viết bàn về vấn đề gì ?", người ta gọi đó là mở bài trực tiếp. Từ một ý kiến khác, dẫn dắt người đọc đến vấn đề sẽ bàn luận trong bài viết gọi là mở bài gián tiếp. Chẳng hạn, với đề văn : "Bình luận và làm sáng tỏ ý kiến của Phạm Văn Đồng : "Nghệ thuật bắt nguồn từ đời sống, thoát li đời sống, nghệ thuật nhất định sẽ khô héo"", người viết có thể mở bài theo hai cách như sau :
Mở bài trực tiếp : Trong một lần trò chuyện với văn nghệ sĩ, Phạm Văn Đồng nói : "Nghệ thuật bắt nguồn từ đời sống, thoát li đời sống, nghệ thuật nhất định sẽ khô héo". Ý kiến ấy đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống như một quy luật tất yếu. Văn học là một loại hình cơ bản của nghệ thuật, vì thế nó không thể nằm ngoài quy luật ấy.
Mở bài gián tiếp : Thần thoại Hi Lạp còn để lại một câu chuyện đầy cảm động về Ăng-tê và Nữ thần Đất Mẹ Gai-a. Thần Ăng-tê sẽ không bao giờ bị quật ngã nếu chàng luôn bám chặt vào Đất Mẹ. Mối quan hệ giữa nghệ thuật với đời sống phải chăng cũng giống như Ăng-tê và Đất Mẹ, đúng như Phạm Văn Đồng có lần đã khẳng định : "Nghệ thuật bắt nguồn từ đời sống, thoát li đời sống, nghệ thuật nhất định sẽ khô héo". Lịch sử văn học – nghệ thuật đã chứng minh rất rõ điều đó.
LUYỆN TẬP
1. Đọc hai đoạn mở bài cho đề văn sau đây(1) và nhận xét theo các yêu cầu về mở bài đã nêu ở phần trên.
Đề : Phân tích vẻ đẹp bài thơ Chiều của Hồ Dzếnh.
– Mở bài 1 : Văn học cổ, kim từng bao lần thấp thoáng hình ảnh một người lữ khách cô đơn đi giữa bóng chiều. Bài thơ Chiều của Hồ Dzếnh lại một lần nữa in dấu ấn của cái tôi sầu muộn ấy.
– Mở bài 2 : "Muôn trùng sở dĩ rạo rực lòng người vì muôn trùng là nỗi thương nhớ mênh mông của những tấm lòng rất bạn". Khi viết về những kỉ niệm tuổi thơ Trong bóng rừng, Hồ Dzếnh đã từng nói như vậy, và dường như nỗi "thương nhớ mênh mông" ấy đã trở thành âm hưởng chủ đạo trong các bài thơ của tác giả. Bài thơ Chiều là một nốt nhạc trầm trong bản nhạc buồn buồn xa vắng ấy.
2. Chọn một trong các đề ở Bài viết số 5 hoặc Bài viết số 6, viết mở bài trực tiếp và mở bài gián tiếp cho đề văn đã chọn.
(1) Theo sách Văn – Bồi dưỡng học sinh giỏi Trung học phổ thông, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.