KẾT QUẢ CẦN ĐẠT
• Nắm được đặc điểm và yêu cầu của đề văn trong Bài viết số 7.
• Biết cách phân tích đề văn nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học; nhận ra được ưu điểm và nhược điểm của bài viết.
Với Bài viết số 7, học sinh cần chú ý một số điểm sau.
1. Phân tích đề
Đề văn trong Bài viết số 7 yêu cầu học sinh viết dạng nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học. Dạng đề này bao giờ cũng có hai phần.
Phần 1 : Phân tích và làm sáng tỏ vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học. Vấn đề xã hội này, có thể đề đã chỉ ra, nhưng cũng có thể người viết phải tự tìm, tự rút ra sau khi đọc tác phẩm. Trong trường hợp sau, từ một tác phẩm, có thể rút ra nhiều bài học, nhiều vấn đề khác nhau hoặc cùng một ý nghĩa xã hội của tác phẩm nhưng có thể có nhiều cách trình bày rất khác nhau.
Phần 2 : Từ vấn đề (bài học, ý nghĩa) của tác phẩm đó mới phát biểu những suy nghĩ, tình cảm của người viết (phần trọng tâm). Trước khi phân tích đề văn đã viết, cần đọc và tìm hiểu tất cả các đề nêu trong Bài viết số 7 theo gợi ý trên. Sau đó mới phân tích, nhận xét đặc điểm và yêu cầu của đề văn đã làm.
2. Những kiến thức và kĩ năng cần chú ý
− Về kiến thức, các đề văn trong Bài viết số 7 liên quan đến một số tác phẩm văn học, chủ yếu là phần văn xuôi sau Cách mạng tháng Tám 1945. Vì thế, người viết cần nắm vững các tác phẩm đã học (kể cả tác phẩm đọc thêm). Ngoài kiến thức văn học, cần có những hiểu biết về đời sống xã hội, những kinh nghiệm sống của cá nhân, những kiến thức văn hoá tổng hợp,...
− Về kĩ năng, ngoài các kĩ năng viết bài nghị luận nói chung, cần chú ý kĩ năng phân tích, đọc - hiểu văn bản văn học và phân tích, bình luận, lí giải một vấn đề xã hội, nhân văn,...
3. Xem xét và đối chiếu kết quả
– Xem xét và đối chiếu Bài viết số 7 của anh (chị) với yêu cầu của đề văn về kiến thức và kĩ năng đã nêu để tự đánh giá được chất lượng của bài viết.
– Đối chiếu với các bài viết trước để thấy được những tiến bộ của anh (chị) trong việc viết bài văn nghị luận, nhất là các kĩ năng hoàn chỉnh bài văn : mở bài, thân bài, kết bài, diễn đạt, trình bày ; chỉ ra hướng sửa chữa, khắc phục những hạn chế còn mắc phải.