Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, một trật tự thế giới mới đã được xã lập : "Trật tự hai cực I-an-ta", do hai siêu cường Mĩ, Liên Xô đứng đầu mỗi cực. Sự phân chia thành hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa đã trở thành đặc trung lớn nhất, chi phối tình hình chính trị thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
I - SỰ HÌNH THÀNH TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI
Vào giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới thứ hai, ba nguyên thủ các cường quốc Liên Xô, Mĩ và Anh là Xta-lin, Ru-dơ-ven và Sóc-sin đã có cuộc gặp gỡ tại I-an-ta (Liên xô) từ ngày 4 đến 12 - 2 -1945.
Hội nghị đã thông qua các quyết định quan trọng về việc phân chia khu vực ảnh hưởng giữa hai cường quốc Liên Xô và Mĩ.
Ở châu Âu : Liên Xô chiếm đóng và kiểm soát vùng Đông nước Đức và phía đông châu Âu (Đông Âu) ; vùng Tay nước Đức và Tây Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Mĩ và Anh.
Ở châu Á : Do việc Liên Xô tham chiến đánh Nhật, nên Mĩ và Anh đã chấp nhận những điều kiện của Liên Xô là duy trì nguyên trạng Mông Cổ (tức là tôn trọng nền độc lập của Mông Cổ), trả lại cho Liên Xô phía nam đỏa Xa-kha-lin ; trao trả cho Trung Quốc những đất đai đã bị Nhật chiếm đóng trước đây (như Đài Loan, Mãn Châu....) ; thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc gồm Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Triều Tiên được công nhận là một quốc gia độc lập, nhưng tạm thời quân đội Liên Xô và Mĩ chia nhau kiểm soát và đóng quân ở Bắc và Nam vĩ thuyến 38.
Các vùng còn lại ở châu Á (như Đông Nam Á, Nam Á...) vẫn thuộc phạm vi ảnh hưởng của các nước phương Tây.
Toàn bộ những thỏa thuận quy định trên đã trở thành khuôn khổ của một trật tự thế giới mới, lịch sử gọi là Trật tự hai cực I-an-ta do Liên Xô và Mĩ đứng đầu mỗi cực.
- Hội nghị I-an-ta đã có những quyết định nào và quan hệ của các quyết định đó ?
II - SỰ THÀNH LẬP LIÊN HỢP QUỐC
Hội nghị I-an-ta còn có một quyết định quan trọng khác là thaanhf lập một tổ chức quốc tế mới là Liên hợp quốc. Nhiệm vụ chính của Liên hợp quốc là duy trì hòa bình và an ninh thế giới, phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của các dân tộc, thực hiện sự hợp tác quốc tế về kinh tế, văn hóa, xã hội và nhân đạo...
Trong hơn nửa thế kỉ qua, Liên hợp quốc đã có vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình an ninh thế giới, đấu tranh xóa bỏ chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, giúp đỡ các nước phát triển kinh tế, văn hóa, nhất là đối với các nước Á, Phi và Mĩ La-tinh.
Nước ta tham gia Liên hợp quốc từ tháng 9 - 1977.
- Những nhiệm vụ chính của Liên hợp quốc là gì ?
- Em hãy nêu lên những việc làm của Liên hợp quốc giúp nhân dân Việt Nam mà em biết.
III - CHIẾN TRANH LẠNH
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai không lâu, hai cường quốc Mĩ và Liên Xô đã nhanh chóng chuyển từ liên minh chống phát xít sang tình trạng ngày càng mâu thuẫn, đối đầu nhau gay gắt. Đó là tình trạng "chiến tranh lạnh" giữa hai phe : tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, kéo dài phần lớn thời gian trong nửa sau thế kỉ XX.
Chiến tranh lạnh là chính sách thù địch về mọi mặt của Mĩ và các nước đế quốc trong quan hệ với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.
Mĩ và các nước đế quốc đã ráo riết chạy đua vũ trang, tăng cường ngân sách quân sự, thành lập các khối quân sự cùng các căn cứ quân sự bao quanh Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, tiến hành nhiều cuộc chiến tranh đàn áp cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc.
Trước tình hình bị đe dọa đó, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa buộc phải tăng ngân sách quốc phòng, củng cố kha năng phòng thủ của mình.
Chiến tranh lạnh đã mang lại những hậu quả hết sức nặng nề. Đó là thế giới luôn ở trong tình trạng căng thẳng, thâm chí có lúc đứng trước nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh thế giới mới. Tuy đang trong thời kì hòa bình, nhưng các cường quốc đã chỉ một khối lượng khổng lộ về tiền của và sức người sản xuất các loại vuc khí hủy diệt, xây dựng hàng nghìn căn cứ quân sự. Trong khi đó, loài người vẫn phải chịu đựng bao khó khăn do nghèo đói, dịch bệnh, thiên tai... gây ra, nhất là các nước ở châu Á, châu Phi.
- Hãy nêu những biểu hiện của tình trạng "chiến tranh lạnh" và hậu quả của nó.
IV - THẾ GIỚI SAU CHIẾN TRANH LẠNH
Sau bốn thập niên chạy đua vũ trang quá tốn kém, cuối cùng tháng 12 - 1989 Tổng thống Mĩ Bu-sơ (cha) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Goóc-ba-chốp đã cùng nhau tuyên bố chấm dứt chiến tranh lạnh. Từ đó, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển và diễn ra theo các xu hướng như sau :
Một là, xu thế hòa hoãn và hòa dịu trong quan hệ quốc tế.
Từ đầu những năm 90 của thế kỉ Xx, các nước lớn tránh xung đột trực tiếp, đối đầu với nhau. Các xung đột quân sự ở nhiều khu vực đi dần vào thương lượng, hòa bình giải quyết các tranh chấp.
Hai là, sự tan rã của Trật tự hai cực I-an-ta và thế giới đang tiến tới xác lập một trật tự thế giới mới, đa cực, nhiều trung tâm.
Những Mĩ lại chủ trương "thế giới đơn cực" để dễ bề chi phối, thống trị thế giới.
Ba là, từ sau Chiến tranh lạnh và dưới tác động to lớn của cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật, hầu hết các nước đều ra sức điều chỉnh chiến lược phát triển lấy kinh tế làm trọng điểm.
Các nước đều đẩy mạnh sản xuất và tích cực tham gia các liên minh kinh tế khu vực để cùng nhau hợp tác và phát triển như Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Việt Nam là một thành viên từ tháng 7 - 1995.
Bốn là, tuy hòa bình thế giới được củng cố, nhưng từ đầu những năm 90 của thế kỉ XX, ở nhiều khu vực lại xảy ra những vụ xung đột quân sự hoặc nội chiến giữa các phe phái (như ở Liên bang Nam Tư cũ, châu Phi và một số nước ở Trung Á...)
Nguyên nhân là do những mâu thuẫn về dân tộc, tôn giáo và tranh chấp biên giới, lãnh thổ. Ở nhiều nơi, các cuộc xung đột diễn ra nghiêm trọng, kéo dài làm cho đất nước không ổn và gây bao đau khổ cho người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em.
Tuy nhiên, xu thế chung của thế giới ngày nay là hòa bình ổn định và hợp tác phát triển kinh tế. Đây vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các dân tộc khi bước vào thế kỉ XXI. Việt Nam cũng ở trong tình hình đó.