(trang 128)
Khi đọc văn bản dưới đây, em cần chú ý những vấn đề sau:• Những dấu hiệu cho thấy văn bản này thuộc thể loại du kí. • Vẻ đẹp của tháp Khương Mỹ. • Những thông tin hữu ích về lịch sử và văn hóa trong bài kí. |
(trang 129)
Nghìn năm tháp Khương Mỹ
LAM LINH
Trong suốt cuộc hành trình dài hơn 20 tháp lớn nhỏ, xa gần suốt dọc chiều dài gần nghìn cây số, tôi đặc biệt thích nhóm tháp Khương Mỹ. Thích không phải vì nó có giá trị lịch sử đặc biệt, không phải vì nó nằm ở một vị trí đẹp mắt. Đơn giản thích chỉ bởi vì cụm tháp này vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn “nhan sắc” thuở sơ khai của nó vào hơn nghìn năm về trước, chưa bị bàn tay con người đụng chạm hay sửa sang như hầu hết các cụm tháp khác, một vẻ đẹp thách thức với thời gian.
Trời lất phất mưa khi chúng tôi tìm đường vào cụm tháp Khương Mỹ.
Di tích tháp Chăm(1) Khương Mỹ thuộc thôn 4, xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam được xây dựng vào cuối thế kỷ IX đầu thế kỉ X, bao gồm 3 tháp: tháp Bắc, tháp Giữa, tháp Nam. Cụm tháp Khương Mỹ được công nhận là di tích quốc gia năm 1989.
Mưa đã dứt. Bước qua những thân cỏ rậm rạp và ướt đẫm nước mưa, tôi ghé thăm những ngọn thác đang lấp lánh dưới ánh mặt trời. Nếu như trong mưa, những tháp cổ toát lên một vẻ đẹp trầm mặc, suy tư, u buồn thì trong nắng, vẻ đẹp của tháp được phô diễn bởi màu gạch nung óng ả nổi bật giữa trời xanh. Hơn một nghìn năm, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những ngọn tháp trở nên trầm tư, lặng lẽ, uy nghiêm.
———————————————————
(1) Tháp Chăm: một dạng đền tháp thuộc kiến trúc quen thuộc của dân tộc Chăm (còn gọi là dân tộc Chàm, sinh sống chủ yếu ở vùng Nam Trung Bộ ngày nay).
(trang 129)
Ba tháp được xếp theo trục bắc - nam, kiến trúc theo lối tháp Chăm truyền thống với mặt bằng gần vuông, cửa ra vào hướng đông, mái ba tầng. Cửa giả của các tầng trang trí hình lá đề. Một số tác phẩm điêu khắc gắn vào chân tháp có hình chim thần Ga-ru-đa(1) (Garuda), rắn Na-ga(2) (Naga), người cưỡi voi, người cưỡi ngựa(3),… Bên trong tháp trống trơn, chỉ có rêu xanh phủ đầy những nơi mà ánh sáng có thể lọt vào.
Bức tường của tháp thứ hai là cả một tác phẩm nghệ thuật đồ sộ vẫn còn được giữ khá nguyên vẹn. Từ dưới chân tháp đến đỉnh tháp là hoa văn điêu khắc trực tiếp trên gạch với những nét uyển chuyển khó tin. Trải qua cả nghìn năm, những nét hoa văn vẫn duyên dáng lạ thường. Màu sắc thẫm sau mưa của gạch càng làm hoa văn thêm sắc nét. Mảng gạch lộ ra ngoài giúp ta có thể nhìn thấy được những viên gạch với mối nối đặc biệt. Cách xây dựng các tháp Chăm vẫn khiến các nhà khoa học đau đầu.
Tháp Khương Mỹ, ảnh của Lam Linh
———————————————————
(1) Chim thần Ga-ru-đa, rắn Na-ga: là những con vật trong truyền thuyết Ấn Độ giáo.
(2) Người cưỡi voi, người cưỡi ngựa: các họa tiết trang trí liên quan đến Ấn Độ giáo từng ảnh hưởng đến văn hóa Chăm.
(trang 130)
Người Chăm cổ đã xây dựng nên những tòa tháp bằng cách nào? Những viên gạch được mài phẳng rồi xếp lên nhau vừa khít, được gắn bởi một loại keo dán đặc biệt hay họ đã xếp gạch chưa nung thành tòa tháp rồi nung lên cho chúng gắn kết tự nhiên trong quá trình nung? Chưa ai trả lời được câu hỏi đó.
Xung quanh chân tháp, tôi vô cùng thích thú với những mảnh điêu khắc có hình các chú khỉ đáng yêu đang bận rộn, mỗi chú một việc. Những tượng khỉ này có lẽ liên quan đến trường ca Ra-ma-ya-na (Ramayana), một pho sử thi nổi tiếng của Ấn Độ. Vài chú khỉ đội hành lí lên đầu, có lẽ chúng đang lội nước. Có cảnh khá tinh nghịch diễn tả khỉ bị rùa cắn, có cảnh diễn tả sự mệt mỏi của các chú khỉ với cái lưng còng xuống, hai tay ôm bầu nước, có cảnh ba chú khỉ đang đánh trống nhảy múa.
Tháp Chăm Khương Mỹ để lại cho tôi ấn tượng đặc biệt bởi những hoa văn điêu khắc tinh xảo. Tiếc là những tháp Chăm còn giữ lại những vẻ đẹp như thế này không nhiều, nếu không nói là đến hôm nay chỉ còn duy nhất tháp Khương Mỹ. Rời tháp Chăm Khương Mỹ khi trời đã về chiều, tôi và cô bạn không khỏi nuối tiếc vì vẫn muốn đắm mình lâu hơn nữa với những ngọn tháp cổ, để được cảm nhận sâu hơn nữa những giá trị văn hóa mà tháp Chăm đem lại cho con người hôm nay.
(Theo Lam Linh, Yếm đào du kí, trích Phụ nữ và những chuyến đi,
NXB Phụ nữ và An-pha-búc (Alphabooks), Hà Nội, 2017, tr.286 - 293)
ĐỌC MỞ RỘNG• Tìm đọc một số bài lục bát và du kí về quê hương đất nước. • Trao đổi với các bạn: về số tiếng, số dòng, vần, nhịp và những nét độc đáo trong cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ của các bài thơ lục bát hình thức ghi chép, cách kể sự việc của các bài du kí. • Đọc diễn cảm một bài thơ lục bát hoặc một đoạn văn trong một bài du kí. |