(trang 100)
A. TẬP LÀM MỘT BÀI THƠ LỤC BÁT
Qua những bài ca dao và thơ làm theo thể lục bát được học trong bài, em đã nắm được những đặc điểm cơ bản của thể thơ này. Dựa trên những hiểu biết đó, hãy thử làm một bài thơ lục bát về đề tài mà em yêu thích.
1. KHỞI ĐỘNG VIẾT
a. Tập gieo vần
Hãy tập gieo vần bằng cách chọn những tiếng thích hợp để đặt vào chỗ trống trong những đoạn thơ dưới đây:
Tiếng chim vách núi nhỏ dần
Rì rầm tiếng suối khi … khi xa
Ngoài thềm rơi chiếc lá …
Tiếng rơi rất mỏng như là … nghiêng.
(Theo Trần Đăng Khoa)
b. Xác định đề tài
Có thể chọn bất kì đề tài nào gợi cho em nhiều cảm xúc, chẳng hạn: thiên nhiên, quê hương, gia đình, bạn bè, mái trường,...
2. THỰC HÀNH VIẾT
- Hình dung cụ thể về đề tài em định viết (Có hình ảnh gì nổi bật? Hình ảnh ấy gợi cho em liên tưởng tới điều gì?…) Thử tìm một nhan đề thích hợp cho bài thơ theo đề tài mà em định chọn (cũng có thể đặt tên bài thơ sau khi em đã hoàn thành).
(trang 101)
- Bắt đầu bằng cách thử viết dòng lục hoặc cặp lục bát đầu tiên với những hình ảnh gợi ấn tượng rõ rệt nhất trong cảm xúc, suy nghĩ của em. Chú ý sử dụng số tiếng, lựa chọn vần, ngắt nhịp theo đúng quy định của thể thơ lục bát. Cũng có thể thử biến đổi một bài thơ 4 chữ, 5 chữ thành bài thơ lục bát.
Chẳng hạn, với ý tưởng gió đi tìm bạn, em có thể đặt nhan đề bài thơ là Bạn của gió và viết cặp lục bát đầu tiên như sau:
Ai là bạn gió, gió ơi
Gió đi tìm bạn, đất trời mênh mông.
- Viết những cặp lục bát tiếp theo. Đọc lên để cảm nhận rõ hơn về vần, nhịp và từ ngữ, hình ảnh trong các dòng thơ. Điều này sẽ giúp em cảm thấy hứng thú và thể hiện được cảm xúc, ý tưởng một cách dễ dàng hơn.
Chẳng hạn, để tiếp nối hai dòng thơ Ai là bạn gió, gió ơi/ Gió đi tìm bạn, đất trời mênh mông, có thể viết:
Gió đưa con sáo sang sông
Gió lùa tóc mẹ bềnh bồng như mây.
- Hãy thử phát triển ý tưởng, cảm xúc và hình ảnh thơ theo nhiều cách khác nhau. Tập sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ; dùng từ láy tả âm thanh, màu sắc,… Vừa viết vừa đọc, không ngại xóa đi viết lại cho đến khi em cảm nhận được âm thanh nhịp nhàng và vẻ đẹp cuốn hút của từ ngữ, hình ảnh trong bài thơ. Có thể kết thúc bài thơ khi em đã bộc lộ được ý tưởng một cách tương đối trọn vẹn.
Sáng tác một bài thơ không phải là điều dễ dàng. Nhưng em có thể thử sức để hiểu rõ hơn cách làm một bài thơ xuất hiện. Đó quả thật là một điều kì diệu!
3. CHỈNH SỬA
- Sau khi bài thơ lục bát được làm xong, em hãy đọc diễn cảm bài thơ của mình. Khi lời thơ vang lên, hãy chú ý xem bài thơ đã làm theo đúng thể thơ lục bát chưa (số tiếng trong mỗi dòng thơ, cách gieo vần, phối hợp thanh điệu,...).
- Chỉnh sửa lỗi chính tả (nếu có) và xét xem có từ ngữ nào cần thay thế để bài thơ hay hơn.
B. VIẾT ĐOẠN VĂN THỂ HIỆN CẢM XÚC VỀ MỘT BÀI THƠ LỤC BÁT
Những bài thơ lục bát đã học, đã đọc gợi cho em những cảm xúc gì? Hình ảnh, ngôn từ, nhạc điệu của chúng khiến em rung động như thế nào? Hãy ghi lại cảm nhận của em về một bài thơ lục bát em yêu thích.
(trang 102)
Yêu cầu đối với đoạn văn thể hiện cảm xúc về một bài thơ lục bát:• Giới thiệu được bài thơ tác giả (nếu có). • Nêu được cảm xúc về nội dung chính hoặc một số khía cạnh nội dung của bài thơ. • Thể hiện được cảm nhận về một số yếu tố hình thức nghệ thuật của bài thơ (thể thơ, từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ,…). |
Phân tích bài viết tham khảo
Nét đẹp của bài ca dao
Anh đi anh nhớ quê nhà…
Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai dãi nắng dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao(1).
Giới thiệu bài ca dao.
Nêu cảm xúc về nội dung chính của bài ca dao.
Nêu cảm nhận về một số yếu tố hình thức nghệ thuật của bài ca dao.
Những dòng thơ trên được lưu truyền trong dân gian như một bài ca dao. Lời thơ tràn đầy nỗi nhớ da diết của người con xa xứ hướng về quê nhà. Từ "nhớ" được lặp đi lặp lại trong cả bốn dòng thơ bộc lộ nỗi niềm bồi hồi không dứt. Trở đi trở lại là nỗi nhớ cùng những kí ức sâu đậm về hương vị của quê hương trong những món ăn dân dã "canh rau muống", "cà dầm tương". Hình ảnh con người nơi quê nhà cũng hiện lên vô cùng thân thiết trong những côn việc lao động hằng ngày: "dãi nắng dầm sương", "tát nước bên đường",... Nhịp điệu nhẹ nhàng, êm đềm của thể thơ lục bát quen thuộc đã góp phần diễn tả niềm thương mến, nỗi nhớ da diết và tình cảm gắn bó sâu nặng của người ra đi. Bài ca dao khơi dậy trong ta tình yêu, sự gắn bó với những gì gần gũi, thân thuộc của quê hương.
(Nhóm biên soạn)
————————————————
(1) Những dòng thơ này được in trong tập Thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải, Xuân Diệu giới thiệu, Lữ Huy Nguyên sưu tầm, tuyển chọn, NXB Văn học, Hà Nội, 1984, tr. 152.
(trang 103)
Thực hành viết theo các bước
1. TRƯỚC KHI VIẾT
a. Lựa chọn bài thơ
- Nhớ lại những bài thơ lục bát mà em đã học, đã đọc hoặc tìm đọc một bài thơ lục bát mới.
- Bài thơ được chọn có thể là một bài ca dao (khuyết danh) hoặc là sáng tác của một bài thơ.
Mục đích viết Bày tỏ cảm xúc của em về một bài thơ lục bát. |
Người đọc Thầy cô, bạn bè, người thân và những người yêu thích bài thơ em chọn. |
b. Tìm ý
- Đọc bài thơ nhiều lần. Khi bài thơ vang lên, hãy lắng những cảm xúc, suy nghĩ của em và ghi lại điều đó. Nên viết nhanh ra giấy các ý tưởng nảy sinh bằng những cụm từ ngắn gọn.
- Có thể tìm ý bằng cách tự đặt ra và trả lời các câu hỏi: Cảm nhận chung khi đọc bài thơ là gì? Bài thơ biểu hiện những điều gì? Bài thơ có những từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ,… nào nổi bật?
c. Lập dàn ý
Sắp xếp các thông tin, ý tưởng làm được cho bài viết thành một dàn ý như sau:
Dàn ý |
- Mở đoạn: Giới thiệu ngắn gọn về bài thơ, tác giả (nếu có). - Thân đoạn: Trình bày cảm xúc về bài thơ. + Nêu cảm xúc về nội dung chính của bài thơ. + Nêu ý nghĩa, chủ đề của bài thơ. + Nêu cảm nhận về một số yếu tố hình thức nghệ thuật của bài thơ. - Kết đoạn: Khái quát lại những ấn tượng, cảm xúc về bài thơ. |
2. VIẾT BÀI
Khi viết bài, cần lưu ý:
- Bám sát dàn ý, chú trọng những yếu tố đã khơi gợi cảm xúc của em như nhan đề bài thơ, thể thơ (lục bát), nhịp thơ, vần thơ, từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ,...
- Lựa chọn từ ngữ để diễn tả cảm xúc của em về bài thơ. Kết nối các ý thành đoạn văn. Mỗi ý nên diễn đạt thành hai, ba câu.
- Bảo đảm cách trình bày của một đoạn văn: Lùi đầu dòng ở chỗ mở đầu, đoạn, chữ đầu tiên viết hoa và có dấu chấm câu kết thúc đoạn. Bố cục đoạn văn bao gồm ba phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Nội dung các câu trong đoạn cần hướng về một chủ đề chung.
(trang 104)
3. CHỈNH SỬA BÀI VIẾT
Rà soát, chỉnh sửa bài viết theo những gợi ý trong bảng sau:
Yêu cầu | Gợi ý chỉnh sửa |
Giới thiệu được nhan đề và tác giả của bài thơ lục bát. | Nếu bài thơ có nhan đề và tên tác giả mà bài viết chưa nêu được thì cần bổ sung. |
Nêu được cảm xúc về nội dung chính của bài thơ. | Nếu cần thì bổ sung các ý cụ thể để người đọc hiểu rõ nội dung bài thơ. |
Nêu được cảm nhận về một số yếu tố hình thức nghệ thuật. | Rà soát những ý trong bài viết nêu cảm nhận về từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ,... nổi bật của bài thơ. Hãy chỉnh sửa, bổ sung nếu thấy còn thiếu. |
Bảo đảm yêu cầu về chính tả và diễn đạt. | Rà soát lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu,.. và chỉnh sửa nếu phát hiện có lỗi. |