(trang 93)
VĂN BẢN 2
Trước khi đọc
1. Em biết những câu chuyện cổ nào của nước ta?
2. Em thích những nhân vật nào trong câu chuyện đó? Vì sao?
Đọc văn bản
Chuyện cổ(1) nước mình
LÂM THỊ MỸ DẠ(2)
Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
————————————————
(1) Chuyện cổ: câu chuyện được lưu truyền từ xa xưa.
(2) Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949, quê ở Quảng Bình. Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ nhẹ nhàng, đằm thắm, trong trẻo, thể hiện một tâm hồn tinh tế, giàu yêu thương.
(trang 94)
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm
Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì gặp người tiên độ trì(1)
Mang theo truyện cổ tôi đi
Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa
HÌNH DUNG Những màu sắc, đường nét miêu tả quê hương.
Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa
Con sông chảy có rặng dừa nghiêng soi
Đời cha ông với đời tôi
Như con sông với chân trời đã xa
Chỉ còn truyện cổ thiết tha
Cho tôi nhận mặt ông cha của mình
Rất công bằng, rất thông minh
Vừa độ lượng(2), lại đa tình(3), đa mang(4).
Thị thơm thì giấu người thơm
Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà
Đẽo cày theo ý người ta
Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì
Tôi nghe truyện cổ thầm thì
Lời cha ông dạy cũng vì đời sau.
Đậm đà cái tích trầu cau
Miếng trầu đỏ thắm nặng sâu tình người.
Sẽ đi qua cuộc đời tôi
Bấy nhiêu thời nữa chuyển dời xa xôi.
Nhưng bao truyện cổ trên đời
Vẫn luôn mới mẻ rạng ngời lương tâm.
(Lâm Thị Mỹ Dạ, Tuyển tập, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2011, tr.203).
————————————————
(1) Độ trì: cứu giúp.
(2) Độ lượng: đức tính của người có tấm lòng khoan dung, rộng lượng, dễ tha thứ.
(3) Đa tình: giàu tình cảm.
(4) Đa mang: ràng buộc vào mình nhiều điều để phải lo lắng, bận tâm.
(trang 95)
Sau khi đọc
TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào? Cho biết dấu hiệu giúp em nhận ra thể thơ đó.
2. Qua bài thơ, em nhận ra bóng dáng của những câu chuyện cổ nào? Tìm từ ngữ, hình ảnh gợi liên tưởng đến những câu chuyện đó.
3. Chuyện cổ đã kể với nhà thơ những điều gì về vẻ đẹp của tình người?
4. Chỉ còn chuyện cổ thiết tha
Cho tôi nhận mặt ông cha của mình.
Tình cảm của nhà thơ với những câu chuyện cổ được thể hiện như thế nào qua hai dòng thơ trên?
5. Tôi nghe chuyện cổ thầm thì
Lời cha ông dậy cũng vì đời sau.
Hai dòng thơ trên gợi cho em những suy nghĩ gì?
6. Vì sao với nhà thơ, những câu chuyện cổ "Vẫn luôn mới mẻ rạng ngờ i lương tâm"?
VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC
Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) nêu cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
Đời cha ông với đời tôi
Như con sông với chân trời đã xa
Chỉ còn chuyện cổ thiết tha
Cho tôi nhận mặt ông cha của mình.