Hình 1. Nhà Thái học trong Văn Miếu (Hà Nội)
Ở thời Lý, nhà nước lập Văn Miếu, mở Quốc Tử Giám làm trường đạo tạo nhân tài. Qua thời Trần, việc tổ chức dạy học và thi cử bắt đầu có quy củ. Đến thời Hậu Lê, giáo dục được phát triển và chế độ đào tạo mới thực sự được quy định chặt chẽ.
Nhà Hậu Lê cho dựng nhà Thái học, dựng lại Quốc Tử Giám. Tại đây có lớp học, có chỗ ở cho học sinh và cả kho sách. Trường không chỉ thu nhận con cháu vua và các quan mà đón nhận cả con em gia đình thường dân nếu học giỏi. Ở các địa phương, nhà nước cũng mở trường công bên cạnh các lớp học tư của các thầy đồ.
Nội dung học tập để thi cử là Nho giáo(1), Học sinh phải học thuộc lòng những điều Nho giáo dạy để trở thành người biết suy nghĩ và hành động theo đúng quy định của Nho giáo.
Cứ ba năm có một kì thi Hương(2) ở các địa phương và thi Hội(3) ở kinh thành. Những người đỗ kì thi Hội được dự kì thi Đình để chọn tiến sĩ. Ngoài ra, theo định kì có kiểm tra trình độ của quan lại. Nhà Hậu Lê đặt ra lễ xướng danh (lễ đọc tên người đỗ), lễ vinh quy (lễ đón rước người đỗ cao về làng) và khắc tên tuổi người đỗ cao (tiến sĩ) vào bia đá dựng ở Văn Miếu để tôn vinh những người có tài.
Hình 2. Bia tiến sĩ ở Văn Miếu (Hà Nội)
Giáo dục thời Hậu Lê đã có nền nếp và quy củ.
Trường học thời Hậu Lê nhằm đào tạo những người chung thành với chế độ phong kiến và nhân tài cho đất nước.
Câu hỏi
1. Em hãy mô tả tổ chức giáo dục dưới trường thời Hậu Lê (về tổ chức trường học ; người được đi học ; nội dung học ; nền nếp thi cử).
2. Nhà Hậu Lê đã làm gì để khuyến khích việc học tập ?
__________________________________________
(1) Nho giáo (còn gọi là Khổng giáo) do Khổng Tử sáng lập, là hệ thống các quy định về chính trị, về đạo đức, về cách ứng xử trong đời sống,... nhằm duy trì, bảo vệ trật tự của xã hội phong kiến.
(2) Thi Hương : kì thi được tổ chức trong phạm vi một tỉnh hoặc một số tỉnh.
(3) Thi Hội : kì thi do triều đình tổ chức ở kinh đô cho những người đỗ cao nhất ở kì thi Hương.