Lê Lợi là một hào trưởng có uy tín lớn ở vùng Lam Sơn (Thanh Hóa). Không chịu cảnh đất nước bị giặc Minh đô hộ, Lê Lợi đã chiêu tập binh sĩ, xây dựng lực lượng và chọn Lam Sơn làm căn cứ cho cuộc khởi nghĩa. Khi lực lượng nghĩa quân đã lớn mạnh, Lê Lợi quyết định tiến quân ra Bắc. Trận đánh ở Chi Lăng (thuộc Lạng Sơn ngày nay) là một trong những trận đánh quyết định sự thắng lợi của quân khởi nghĩa Lam Sơn.
Hình 1. Lược đồ trận Chi Lăng
Ải Chi Lăng là vùng núi đá hiểm trở, đường nhỏ hẹp, khe sâu, rừng cây um tùm.
Sử cũ chép rằng : Thời nhà Minh cai trị nước ta, nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi đứng đầu, từ Thanh Hóa kéo ra bao vây Đông Quan (nay là Hà Nội). Nhà Minh lo sợ cử hai đạo quân kéo sang phá vây.
Liễu thăng cầm đầu một đạo quân đánh vào Lạng Sơn. Mờ sáng, chúng đến cửa ải Chi Lăng. Kị binh ta ra nghênh chiến rồi quay đầu giả vờ thua để nhử Liễu Thăng cùng đám kị binh vào ải. Kị binh của Liễu thăng ham đuổi nên bỏ xa hàng vạn quân bộ ở phía sau đang lũ lượt chạy. Khi ngựa của chúng đang bì bõm vượt qua đồng lầy, thì bỗng nhiên một loạt pháo hiệu nổ vang như sấm dậy. Lập tức từ hai bên sườn núi, những chùm tên và những mũi lao vun vút phóng xuống.
Lọt vào giữa trận địa "mưa tên", Liễu Thăng và đám kị binh tối tăm mặt mũi. Liễu Thăng bị giết. Quân bộ theo sau cũng bị phục binh của ta từ hai bên sườn núi và lòng khe, nhất tề xông ra tấn công. Quân địch hoảng loạn, lại nghe tin Liễu Thăng tử trận, càng khiếp sợ. Hàng vạn quân Minh bị giết, số còn lại rút chạy.
- Quân Lê Lợi đã dùng mưu kế gì để giết giặc ?
Hình 2. Đền thờ vua Lê Thái Tổ (Hà Nội)
Thế là mưu đồ cứu viện cho Đông Quan của nhà Minh bị tan vỡ. Quân Minh phải xin hàng và rút về nước. Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế (Lê Thái Tổ). Nhà Hậu Lê bắt đầu từ đây.
Dựa vào địa hình hiểm trở của ải Chi Lăng, nghĩa quân Lam Sơn đã đánh tan quân Minh ở Chi Lăng.
Thua trận ở Chi Lăng và một số trận khác, quân Minh xâm lược phải đầu hàng, rút về nước. Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế (1428), mở đầu thời Hậu Lê.