Sau khi Nguyễn Ánh lật đổ triều đại Tây Sơn, Phú Xuân (Huế) được chọn làm kinh đô.
Nhà Nguyễn huy động hàng chục vạn dân và lính phục vụ việc xây dựng kinh thành Huế. Các loại vật liệu như đá gỗ, vôi, gạch, ngói từ mọi miền đất nước được đưa về đây. Sau mấy chục năm xây dựng và tu bổ nhiều lần, một tòa thành rộng lớn, dài hơn 2km đã mọc lên bên bờ sông Hương. Đây là toàn nhà đồ sộ và đẹp nhất nước ta thời đó.
Thành có 10 cửa chính ra vào. Bên trên cửa thành xây dựng các vọng gác có mái uốn cong hình chim phượng. Cửa Nam tòa thành có cột cờ cao 37m. Từ đỉnh cột cờ có thể nhìn thấy cửa biển Thuận An.
Năm giữa kinh thành Huế là Hoàng thành. Cửa chính vào Hoàng thành gọi là Ngọ Môn. Tiếp đến là hồ sen, ven hồ là hàng cây đại. Một chiếc cầu bắc qua hồ dẫn đến điện Thái Hòa nguy nga tráng lệ. Điện Thái Hòa nơi tổ chức các cuộc lễ lớn. Quanh điện Thái Hòa là hệ thống cung điện dành riêng cho vua và hoàng tộc.
Hình 1. Ngọ Môn (Huế)
Ở Huế, các vua nhà Nguyễn còn xây dựng rất nhiều lăng tẩm(1). Đó là những khuôn viên rộng, cây cối tươi xanh bao quanh các công trình kiến trúc.
Hình 2. Một góc lăng Tự Đức (Huế)
Ngày nay, kinh thành Huế không được nguyên vẹn như xưa nhưng vẫn còn những dấu tích của một công trình lao động sáng tạo và tài hoa của nhân dân ta. Ngày 11-12-1993, quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhân là Di sản Văn hóa thế giới và đang được tu sửa, hoàn thiện.
Kinh thành Huế là một quần thể các công trình kiến trúc và nghệ thuật tuyệt đẹp.
Đây là một di sản văn hóa chứng tỏ sự tài hoa và sáng tạo của nhân dân ta.
Câu hỏi
1. Dựa vào nội dung của bài, em hãy mô tả kiến trúc độc đáo của quần thể kinh thành Huế.
2. Ngoài nội dung của bài, em biết thêm gì về Huế (về thiên nhiên, con người) ?
______________________
(1) Lăng tẩm : nơi chôn và thờ các vua đã mất.