Năm 979, Đinh Tiên Hoàng và con trường Đinh Liễn bị ám hại. Con thứ là Đinh Toàn, mới 6 tuổi, lên ngôi. Lợi dụng cơ hội đó, nhà Tống đem quân xâm lược nước ta. Thế nước lâm nguy ! Vua còn quá nhỏ không gánh vác được việc nước. Triều đình đã họp bàn để chọn người chỉ huy kháng chiến. Mọi người đặt niềm tin vào Thập đạo tướng quân(1) Lê Hoàn. Trong tiếng tung hô "Vạn tuế"(2) của quân sĩ, mẹ của vua Đinh Toàn là Thái hậu họ Dương bèn sai người lấy áo long cổn (áo thêu rồng dành cho nhà vua) trao cho Lê Hoàn và mời ông lên ngôi vua. Lê Hoàn lên ngôi (Lê Đại Hành), lập ra nhà Lê (sử cũ gọi là nhà Tiền Lê(3)).
Hình 1. Lễ lên ngôi vua của Lê Hoàn (tranh vẽ)
_________________________
(1) Thập đạo tướng quân : tổng chi huy quân đội.
(2) Vạn tuế : muôn tuổi, muôn năm.
(3) Nhà Tiền Lê : để phân biệt với Hậu Lê do Lê Lợi lập ra sau khi đánh thắng quân Minh (năm 14258)
- Vi sao Thái hậu họ Dường mời Lê Hoàn lên làm vua ?
Nhà Lê thay nhà Đinh lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.
Đầu năm 981, quân Tống theo hai đường thủy, bộ ồ ạt tiến vào xâm lược nước ta. Quân thủy tiến vào theo cửa sông Bạch Đằng. Quân bộ tiến vào theo đường Lạng Sơn.
Vua Lê trực tiếp chỉ huy binh thuyền ra chống giặc ở Bạch Đằng. Ông cho quân cắm cọc ở sông Bạch Đằng để ngăn chặn chiến thuyền địch. Nhiều trận chiến đấu ác liệt đã diễn ra trên sông Bạch Đằng, cuối cùng quân thủy bị đánh lui.
Trên bộ, quân ta cũng chặn đánh quân Tống quyết liệt ở Chi Lăng (Lạng Sơn), buộc chúng phải rút quân. Thừa thắng, quân ta truy kích tiêu diệt địch. Quân giặc chết đến quá nửa. Tướng giặc bị giết. Cuộc kháng chiến thắng lợi.
Hình 2. Lược đồ khu vực cuộc kháng chiến chống quân Tống (năm 981)
- Dựa vào lược đồ hình 2, em hãy trình bày diễn biến cuộc kháng chiến chống quân Tống của quân dân ta.
Cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược thắng lợi đã giữ vững được nền độc lập của nước nhà và đem lại cho nhân dân ta niềm tự hào, lòng tin ở sức mạnh của dân tộc.