Sau khi vua Quang Trung qua đời, triều đại Tây Sơn suy yếu dần. Lợi dụng thời cơ đó, Nguyễn Ánh(1) đã huy động lực lượng tấn công nhà Tây Sơn. Năm 1802, triều Tây Sơn bị lật đổ. Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long, định đô ở Phú Xuân (Huế). Kể từ năm 1802 đến năm 1858, nhà Nguyễn trải qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.
Các vua nhà Nguyễn không đặt ngôi hoàng hậu, bỏ chức tể tướng, tự mình trực tiếp điều hành mọi việc hệ trọng trong nước từ trung ương đến địa phương, từ việc đặt luật pháp đến việc tổ chức các kì thi Hội, từ việc thay đổi các quan trong triều, điều động quân đi đánh xa đến việc trực tiếp điều hành các quan đứng đầu tỉnh v.v... đều do vua quyết định.
- Em hãy dẫn ra một số sự kiện để chứng minh rằng, các vua triều Nguyễn không muốn chia sẻ quyền hành cho ai.
Hình 1. Lính cận vệ thời Nguyễn (tranh cổ)
Quân đội nhà Nguyễn gồm nhiều thứ quân (bộ binh, thủy binh, tượng binh,...). Ở kinh đô cũng như ở các nơi đều xây dựng thành trì vững chắc. Để kịp thời chuyển tin tức, nhà Nguyễn đã cho xây dựng các trạm ngựa nối liền từ cực Bắc đến cực Nam của đất nước.
_______________________
(1) Nguyễn Ánh là người thuộc dòng họ chúa Nuyễn ở Đàng Trong.
Hình 2. Hình phạt đánh rơi (tranh cổ)
- Quân đội của nhà Nguyễn được tổ chức như thế nào ?
Nhà Nguyễn còn ban hành một bộ luật mới, mà lịch sử gọi là Bộ luật Gia Long.
Trong bộ luật này có điều quy định : Những kẻ mưu phản và cùng mưu, không phân biệt thủ phạm hay tòng phạm đều bị xử lăng trì. Ông, cha, con, cháu, anh, em của những kẻ đó từ 16 tuổi trở lên đều bị chém đầu. Con trai từ 15 tuổi trở xuống, mẹ, con gái,... của những kẻ đó phải làm nô tì cho nhà quan. Tài sản của các kẻ đó bị tịch thu.
Bộ luật Gia Long bảo vệ quyền hành tuyệt đối của nhà Vua, đề cao địa vị của quan lại, trừng trị tàn bạo kẻ chống đối.
Năm 1802, Nguyễn Ánh lật đổ triều Tây Sơn, lập nên triều Nguyễn.
Các vua nhà Nguyễn dùng mọi biện pháp thâu tóm quyền hành vào tay mình.