Trang 120
Học xong bài học này, em có thể:
• Nhận biết được các nhóm động vật không xương sống. Gọi được tên một số động vật không xương sống điển hình.
• Nêu được một số ích lợi và tác hại của động vật không xương sống trong đời sống.
• Quan sát (hoặc chụp ảnh) được một số động vật không xương sống ngoài thiên nhiên và gọi tên được một số con vật điển hình.
Những đặc điểm nào sau đây của động vật giúp em phân biệt được động vật với thực vật?
Sinh vật đa bào | Thức ăn của chúng là các sinh vật khác | Có khả năng di chuyển |
I. ĐẶC ĐIỂM NHẬN BIẾT ĐỘNG VẬT KHÔNG XƯƠNG SỐNG
Giới Động vật được chia thành hai nhóm dựa vào đặc điểm không có xương sống hoặc có xương sống.
Động vật
Động vật không xương sống
Động vật có xương sống
Động vật không xương sống có ở khắp nơi trên Trái Đất và chiếm khoảng 95% các loài động vật. Động vật không xương sống rất đa dạng về hình dạng, kích thước, lối sống và có đặc điểm chung là cơ thể không có xương sống.
Động vật không xương sống bao gồm nhiều ngành: Ruột khoang, các ngành Giun, Thân mềm, Chân khớp,...
? Lấy ví dụ động vật không xương sống và nêu môi trường sống của chúng. |
Trang 121
II. SỰ ĐA DẠNG ĐỘNG VẬT KHÔNG XƯƠNG SỐNG
1. Ngành Ruột khoang
Động vật ngành Ruột khoang có cơ thể đối xứng toả tròn. Ví dụ: thuỷ tức có hình dạng giống như một cái bình (hình 22.1a); sứa có hình dạng như một cái bát lộn ngược (hình 22.1b).
? Nêu đặc điểm giúp em nhận biết động vật ngành Ruột khoang. |
a)
b)
Hình 22.1. Sơ đồ mô tả hình dạng đối xứng toả tròn của thuỷ tức (hình a), sứa (hình b)
Ngành Ruột khoang gồm có các đại diện như: thuỷ tức, sứa, hải quỳ, san hô. Đa số động vật ruột khoang sống ở biển, số ít sống ở nước ngọt như thuỷ tức.
Động vật ruột khoang có thể được sử dụng làm thức ăn cho con người; cung cấp nơi ẩn nấp cho các động vật khác; nhiều loài tạo cảnh quan thiên nhiên độc đáo ở biển. Tuy nhiên, một số loài gây hại cho động vật và con người.
? Quan sát hình 22.2 và mô tả hình dạng của hải quỳ, sứa. |
Hải quỳ: Một số loài có độc tính cao có thể gây tổn thương cho động vật và con người khi tiếp xúc.
Sứa: Con người có thể sử dụng sứa làm thức ăn nhưng một số loài gây ngứa cho con người khi tiếp xúc.
Hình 22.2. Một số đại diện ngành Ruột khoang
1. Quan sát mẫu vật thật (sứa, thuỷ tức) hoặc mẫu ngâm, video, tranh ảnh và vẽ hình động vật quan sát được. 2. Sưu tầm tranh ảnh, bài viết về san hô và viết một bài khoảng 300 từ giới thiệu về động vật này. |
Trang 122
2. Các ngành Giun
? Quan sát hình 22.3 và nêu đặc điểm nhận biết sán dây, giun đũa, giun đất. |
Giun là động vật không xương sống; cơ thể dài, đối xứng hai bên; phân biệt đầu, thân.
Một số ngành giun như: Giun dẹp (ví dụ: sán dây) có cơ thể dẹp và mềm; Giun tròn (ví dụ: giun đũa) có cơ thể hình ống, thuôn hai đầu, không phân đốt; Giun đốt (ví dụ: giun đất) cơ thể dài, phân đốt, có các đôi chỉ bên.
Sán dây
Giun đũa
Giun đất
Hình 22.3. Một số đại diện của các ngành Giun
Tìm hiểu thêm Em hãy tìm hiểu các biện pháp phòng tránh các bệnh sau: • Bệnh do sán dây, sán lá gan gây nên. • Bệnh do giun đũa, giun kim gây nên. |
Giun có thể sống kí sinh ở cơ thể động vật, thực vật, con người hoặc sống tự do.
Một số loài giun có vai trò trong nông nghiệp, lâm nghiệp như làm tơi xốp đất, làm thức ăn cho gia súc, gia cầm (ví dụ: giun đất, giun quế); làm thức ăn cho con người (ví dụ rươi). Một số loài giun khác có hại cho người và động vật (ví dụ: giun đũa, giun kim, sán dây, đỉa).
3. Ngành Thân mềm
? Nêu những đặc điểm hình thái của ba loài động vật có trong hình 22.4. |
Con ốc sên
Con mực
Con sò
Hình 22.4. Một số đại diện của ngành Thân mềm
Các động vật thuộc ngành Thân mềm có cơ thể mềm và không phân đốt. Đa số các loài có lớp vỏ cứng bên ngoài bảo vệ cơ thể.
Ngành Thân mềm có số loài lớn, đa dạng về hình dạng, kích thước và môi trường sống. Nhiều loài động vật thân mềm có lợi cho con người như làm thức ăn, lọc sạch nước bẩn,... nhưng cũng có một số loài gây hại cho cây trồng như ốc sên.
? Nêu những đặc điểm giúp em nhận biết động vật ngành Thân mềm. |
Trang 123
Gọi tên các động vật trong hình 22.5 và nêu vai trò của các động vật đó. |
a)
b)
c)
d)
e)
Hình 22.5. Một số động vật thuộc ngành Thân mềm
Kể tên một số động vật thân mềm có ở địa phương em. Nêu vai trò và tác hại của các loài đó trong thực tiễn. |
Quan sát mẫu vật thật (mực, trai, ốc,...) hoặc mẫu vật ngâm, video, tranh ảnh và lập bảng về những đặc điểm hình thái của đại diện quan sát theo gợi ý trong bảng 22.1. Bảng 22.1
|
4. Ngành Chân khớp
Hình 22.6. Một số động vật thuộc ngành Chân khớp
? Gọi tên các động vật trong hình 22.6, mô tả đặc điểm hình thái, nêu ích lợi và tác hại của chúng. |
Động vật ngành Chân khớp có bộ xương ngoài bằng chất kitin; các chân phân đốt, có khớp động.
Trang 124
? Nêu những đặc điểm giúp em nhận biết được các động vật thuộc ngành Chân khớp. |
Chân khớp là ngành đa dạng nhất về số lượng loài. Nhiều loài chân khớp làm thức ăn cho con người (ví dụ: tôm, cua), thụ phấn cho cây trồng (ví dụ ong).... nhưng cũng có loài gây hại cho cây trồng (ví dụ châu chấu), lây truyền các bệnh nguy hiểm cho con người (ví dụ: ruồi, muỗi).
Quan sát mẫu vật thật (tôm, cua, nhện, châu chấu) hoặc lọ ngâm mẫu vật; mẫu khô; mô hình; video, tranh ảnh và mô tả hình thái ngoài của đại diện thuộc ngành Chân khớp mà em quan sát được. |
Em có biết Chuồn chuồn là những sinh vật bay kì lạ Chuồn chuồn có khả năng bay rất nhanh và có thể đạt tốc độ khoảng 30 km/h. Đặc biệt, chúng có thể bay theo bất kì hướng nào (bay ngang, bay lùi, bay lơ lửng một chỗ) nhờ có hai đôi cánh với phần cơ ở ngực. |
Nhận biết tên các động vật thuộc ngành Chân khớp trong hình 22.7 (gợi ý tên của các động vật: ve bò, ong, mọt ẩm, ve sầu, bọ ngựa, ruồi).
Hình 22.7. Một số động vật thuộc ngành Chân khớp
Lấy ví dụ động vật chân khớp có ở địa phương em và nêu ích lợi hoặc tác hại của chúng đối với con người.
Lập bảng phân biệt các ngành Động vật không xương sống theo các tiêu chí sau: đặc điểm nhận biết, các đại diện.
• Động vật không xương sống có đặc điểm chung là cơ thể không có xương sống. • Động vật ngành Ruột khoang có cơ thể đối xứng toả tròn. • Động vật thuộc các ngành Giun có cơ thể dài, có đối xứng hai bên; phân biệt đầu và thân. • Động vật ngành Thân mềm có cơ thể mềm, không phân đốt. Đa số chúng có lớp vỏ cứng bên ngoài bảo vệ cơ thể. • Động vật ngành Chân khớp có bộ xương ngoài bằng chất kitin; các chân phân đốt, có khớp động. |