I – NỘI DUNG ÔN TẬP
Sách giáo khoa Ngữ văn12, tập hai, phần văn học Việt Nam gồm những tác phẩm văn học hiện đại từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX, thuộc các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, văn nhật dụng.
Về truyện ngắn và tiểu thuyết, chương trình gồm các tác phẩm : Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân), Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi), Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) và các tác phẩm đọc thêm : Bắt sấu rừng U Minh Hạ (Sơn Nam), Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng), Một người Hà Nội (Nguyễn Khải). Khi ôn tập, cần nắm được những kiến thức cơ bản về thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết để vận dụng vào việc phân tích tác phẩm. Ngoài việc nắm vững nội dung tư tưởng các tác phẩm, nên so sánh để làm rõ những nét đặc sắc về nghệ thuật của mỗi truyện : tình huống truyện, khắc hoạ nhân vật, nghệ thuật trần thuật, ngôn ngữ nghệ thuật,... Ở đây, ngoài yêu cầu nhận ra những nét đặc sắc của từng tác phẩm thể hiện tư tưởng và phong cách nghệ thuật của mỗi nhà văn, còn phải thấy được phần nào sự đa dạng, phong phú của truyện ngắn thời kì này.
Về kịch hiện đại Việt Nam, sách giáo khoa trích học vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ. Khi ôn tập, ngoài việc nắm vững giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích, cần phải hiểu được một số đặc điểm của thể loại kịch qua đoạn trích và vận dụng được những tri thức đó để đọc văn bản kịch.
Phần văn học nước ngoài có các trích đoạn truyện ngắn và tiểu thuyết: Thuốc (Lỗ Tấn), Số phận con người (M. Sô-lô-khốp), Ông già và biển cả (Ơ. Hê-minh-uê). Khi ôn tập, ngoài việc nắm vững giá trị nội dung, những sáng tạo về hình thức trong mỗi tác phẩm, còn cần nắm được cách đọc một tác phẩm truyện hiện đại nước ngoài.
II – PHƯƠNG PHÁP ÔN TẬP
Học sinh có thể vận dụng những hình thức ôn tập sau :
– Làm bài tập tại lớp.
– Thuyết trình.
– Thảo luận ở lớp (có thể theo nhóm).
– Viết báo.
Có thể lập đề cương ôn tập theo hệ thống các vấn đề và câu hỏi sau :
1. Những phát hiện khác nhau về số phận và cảnh ngộ của người dân lao động trong các tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân). Phân tích nét đặc sắc trong tư tưởng nhân đạo của mỗi tác phẩm.
2. Các tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi đều viết về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Hãy so sánh để làm rõ những khám phá, sáng tạo riêng của từng tác phẩm trong việc thể hiện chủ đề chung đó.
3. Phân tích tình huống truyện trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.
4. Ý nghĩa tư tưởng của đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ.
5. Ý nghĩa tư tưởng và đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn Số phận con người của M. Sô-lô-khốp.
6. Trong truyện ngắn Thuốc, Lỗ Tấn phê phán căn bệnh gì của người Trung Quốc đầu thế kỉ XX ? Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm ?
7. Ý nghĩa biểu tượng trong đoạn trích Ông già và biển cả của Ơ. Hê-minh-uê ?
Lưu ý : Về những tác phẩm khác, học sinh dựa vào câu hỏi ở phần Hướng dẫn học bài để ôn tập.