SGKVN

Ngữ Văn 12 - Tập Hai - Đọc thêm: Bắt Sấu Rừng U Minh Hạ | Giáo Dục Việt Nam

Đọc thêm: Bắt Sấu Rừng U Minh Hạ - Ngữ Văn 12 - Tập Hai. Xem chi tiết nội dung bài Đọc thêm: Bắt Sấu Rừng U Minh Hạ và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Ngữ Văn 12 - Tập Hai | Giáo Dục Việt Nam

TIỂU DẪN

Sơn Nam (1926 – 2008) còn có bút danh khác là Phạm Anh Tài, tên khai sinh là Phạm Minh Tài, sinh tại làng Đông Thới, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang ; học tiểu học ở Rạch Giá, học trung học ở Cần Thơ. Ông tham gia cách mạng từ năm 1945 và hoạt động văn nghệ thời kháng chiến chống Pháp ở Khu IX. Từ năm 1954 đến năm 1975, ông làm báo – viết văn ở Sài Gòn. Sau năm 1975, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

SƠN NAM

Tác phẩm chính của Sơn Nam thời kì kháng chiến chống Pháp : Tây đầu đỏ, Bên rừng cù lao Dung (Giải thưởng Văn nghệ Cửu Long) ; thời kì 1954 – 1975 : Hương rừng Cà Mau, Hai cõi U Minh, Vọc nước giãn trăng (tập truyện), Bà Chúa Hàn, Chim quyên xuống đất (tiểu thuyết), Tìm hiểu đất Hậu Giang, Văn minh miệt vườn (khảo cứu) ; thời kì sau 1975 : Bến Nghé xưa, Người Sài Gòn (khảo cứu),...

Hương rừng Cà Mau gồm 18 truyện ngắn. Tập truyện đưa ta vào một thế giới bao la và kì thú của vùng rừng U Minh với những người dân lao động có sức sống mãnh liệt, đậm sâu ân nghĩa và cũng đầy tài ba, trí dũng, gan góc, can trường. Thấm đượm trong mỗi trang viết là tình yêu thiết tha của nhà văn với đất nước quê hương. Truyện Sơn Nam còn hấp dẫn người đọc bằng cách dựng truyện li kì, những chi tiết gợi cảm, nhân vật giàu chất sống, ngôn ngữ đậm màu sắc Nam Bộ. Có thể thấy rõ những điều đó qua truyện ngắn Bắt sấu rừng U Minh Hạ dưới đây.

VĂN BẢN

(Lược phần đầu : Ở vùng U Minh Hạ, cá sấu thường đi ngược sông vào giữa rừng tràm sinh sống. Một người lên rừng lấy mật ong phát hiện ra ở ngọn rạch Cái Tàu có cái ao sấu “nhiều như trái mù u chín rụng".)

(1) Rừng U Minh có diện tích khoảng 2000 km2, trải dài từ sông Ông Đốc đến Rạch Giá, tựa lưng vào miền Tây Nam Bộ, mặt hướng ra vịnh Thái Lan. Sông Trẹm và sông Cái Tàu chia U Minh thành hai phần : U Minh Thượng phía bắc thuộc Kiên Giang, U Minh Hạ phía nam thuộc Cà Mau.

Cái ao sấu ở ngọn rạch(1) Cái Tàu đã bị phát giác. Tin ấy đồn đại lần lần, thấu đến tai ông Năm Hên, người thợ già chuyên bắt sấu ở Kiên Giang đạo(2), tức là vùng Rạch Giá ngày nay. Ông bơi chiếc xuồng ba lá(3) nhỏ đến địa phận làng Khánh Lâm, ngọn rạch Cái Tàu. Trong xuồng, có vỏn vẹn một lọn nhang trần(4) và một hũ rượu.

Từ sớm tới chiều, ông bơi xuồng tới lui theo rạch mà hát :
                               Hồn ở đâu đây ?
                               Hồn ơi ! Hồn hỡi !
                               Xa cây xa cối,
                               Xa cội xa nhành,
                               Đầu bãi cuối gành,
                               Hùm tha, sấu bắt,
                               Bởi vì thắt ngặt,
                               Manh áo chén cơm,
                               U Minh đỏ ngòm
                               Rừng tràm xanh biếc !
                               Ta thương ta tiếc,
                               Lập đàn giải oan...

Giọng nghe ảo não, rùng rợn. Dân làng thấy chuyện kì lạ, xuống đứng dưới bến để nhìn kĩ. Đoán chừng ông lão nọ là người có kì tài, họ mời ông lên nhà, làm thịt gà, mua rượu thết đãi.

Sau khi tự xưng danh tánh, ông bảo :

– Nghe đồn có ao sấu, tôi chẳng nệ đường xa để tới xứ Khánh Lâm này...

– Té ra ông là thợ câu sấu !

Ông Năm Hên lắc đầu :

– Thợ bắt sấu chớ không phải thợ câu. Hai nghề đó khác nhau. Câu thì dùng lưỡi sắt, móc mồi bằng con vịt sống. Đó là ở dưới nước. Đằng này tôi chuyên bắt sấu trên khô, không cần lưỡi.

(1) Rạch : đường dẫn nước từ sông vào đồng ruộng, thuyền bè có thể đi lại.

(2) Kiên Giang đạo (đạo : đơn vị hành chính thời xưa, tương đương huyện) : đạo Kiên Giang.

(3) Xuồng ba lá : thuyền nhỏ làm bằng ván gỗ ghép lại.

(4) Lọn nhang trần : bó nhang (hương) không có bao, rẻ tiền ; nhà nghèo thường dùng loại nhang này.

– Vậy chớ ông bắt bằng gì ?

– Tôi bắt bằng... hai tay không.

Ai nấy ngạc nhiên. Ông Năm Hên cười giòn :

– Bà con cô bác không tin sao ?

Ai nấy nửa tin nửa nghi. Họ cố nhớ lại cách bắt sấu của mấy người thợ nào đến giờ. Bắt sấu bằng hai tay không quả là phi phàm(1), thế gian hi hữu(2). Không lẽ ông Năm Hên này lại nói láo để lường gạt, ổng nào đã mở miệng xin tiền bạc cơm gạo gì của xóm này ! Ai nấy nôn nao, thiếu điều muốn năn nỉ ông đi bắt sấu tức thì để coi thử cách thức.

– Thưa ông, chừng nào ông ra nghề để cho dân làng chúng tôi được mừng ? Nếu cần tiếp giúp chuyện chi, chúng tôi sẵn sàng. Ở xóm này, thiếu gì trai lực lưỡng đã từng gài bẫy cọp, săn heo rừng.

Ông Năm Hên đáp :

– Sáng mai sớm, đi cũng không muộn. Tôi cần một người dẫn đường đến ao cá sấu đó. Có vậy thôi ! Chừng một giờ đồng hồ sau là xong chuyện ! Sấu ở ao giữa rừng, tôi bắt nhiều lần rồi. Bà con cứ tin tôi. Xưa nay, bị sấu bắt là người đi ghe xuồng hoặc ngồi rửa chén dưới bến, có bao giờ sấu rượt người ta giữa rừng mà ăn thịt ? Tôi đây không tài giỏi gì hết, chẳng qua là biết mưu mẹo chút ít, theo như người khác thì họ nói đó là bùa phép để kiếm tiền. Nghề bắt sấu có thể làm giàu được, ngặt tôi không mang thứ phú quới(3) đó. Nói thiệt với bà con : cha mẹ tôi sanh ra chỉ có hai anh em tụi tôi. Anh tôi xuống miệt Gò Quao phá rừng lập rẫy hồi mười hai năm về trước. Sau được tin cho hay : ảnh bị sấu ở ngã ba Đình bắt mất. Tôi thề quyết trả thù cho anh. Cực lòng biết bao nhiêu khi nghe ở miệt Rạch Giá, Cà Mau này có nhiều con rạch, ngã ba, mang tên Đầu Sấu, Lưng Sấu, Bàu Sấu, sau này hỏi lại tôi mới biết đó là nơi ghê gớm, hồi xưa lúc đất còn hoang. Rạch Cà Bơ He, đó là chỗ sấu lội nhiều, người Miên sợ sấu không dám đi qua nên đặt tên như vậy, cũng như phá Tam Giang, truông Nhà Hồ(4) của mình ngoài Huế.

(1) Phi phàm : khác thường.

(2) Hi hữu : hiếm có.

(3) Phú quới : phú quý.

(4) Phá Tam Giang : vùng biển ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế có ba con sông chảy vào rồi đổ ra cửa Thuận An, nơi đây sông rộng, sóng dữ, thuyền bè hay bị đắm. Truông Nhà Hồ : rừng Nhà Hồ (Hồ Xá Lâm) ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, thời xưa có nhiều giặc cướp (Thương anh, em cũng muốn vô – Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang – Ca dao).

Sáng hôm sau, ông Năm Hên đi lên ao sấu, có Tư Hoạch – một tay ăn ong rất rành địa thế vùng Cái Tàu dẫn đường. Nhiều người nài nỉ xin đi theo. Ông Năm Hên cản lại :

– Đi nhiều chộn rộn(1) lắm. Tôi không giấu nghề với bà con đâu. Có Tư Hoạch đi theo coi mà.

Đã quá giờ ngọ.

Ngóng về phía ao sấu U Minh Hạ, ai nấy đều thấy một làn khói đen bốc lên. Ban đầu ngỡ là cháy rừng, chập sau, khói lụn xuống. Trong lúc đó bà con xóm Cái Tàu lo nấu cơm, mua rượu đợi chiều làm tiệc ăn mừng. Nhưng ngạc nhiên làm sao, trời vừa xế, lúc ai nấy đang nghỉ trên nhà, bỗng nghe tiếng kêu réo từng hồi:

– Bà con ơi ! Ra coi sấu... Bốn mươi lăm con còn sống nhăn.

Rõ ràng là giọng Tư Hoạch.

– Diệu kế ! Diệu kế ! Tôi là Tư Hoạch đi bắt sấu về đây. Bà con coi sấu lội có hàng dưới sông mình nè ! Một đời người mới có một lần.

Dưới sông, Tư Hoạch ngồi trên xuồng, bơi nhè nhẹ như đi dạo mát.

Tiếp theo lái xuồng là một bầy sấu, con này buộc nối đuôi con kia, đen ngòm như khúc cây khô dài. Mỗi con sấu, hai chân sau thúc ké(2) trên lưng, hai chân trước tự do, quạt nước cầm chừng như tiếp sức với Tư Hoạch để đẩy chiếc bè quái dị kia đi nhẹ nhàng. Thực tế hay là chiêm bao ? Người thì đứng há miệng sửng sốt rồi toan chạy vào nhà trốn. Người khác khấn vái lâm râm, e nay mai xóm này bị sự trừng phạt của quỷ thần. Vài người dạn hơn, bơi xuồng ra giữa sông, nhìn bầy sấu nọ cho tỏ rõ rồi rước Tư Hoạch vào bờ hỏi han rối rít.

Đại khái, Tư Hoạch trình bày :

– Tới ao sấu, ông Năm Hên đi vòng quanh dòm địa thế rồi ngồi xuống uống một chung(3) rượu. Kế đó ổng với tôi lấy xuổng(4) đào một đường nhỏ, ngày một cạn, từ bờ ao lên rừng chừng mười thước. Xong xuôi, ổng biểu tôi bứt cho ổng một nắm dây cóc kèn(5). Phần ổng thì lo đốn một đống cây mốp(6) tươi, chặt ra khúc chừng ba tấc.

(1) Chộn rộn : nhốn nháo, lộn xộn.

(2) Thúc ké : trói quặt chân ra sau lưng.

(3) Chung : chén uống rượu, uống trà.

(4) Xuổng: thuổng.

(5) Cóc kèn : loại dây leo ở rừng nước mặn, dùng để trói, buộc ; rất bền, chắc.

(6) Mốp : một loại cây giống như cây vông, gỗ xốp, ruột mềm, rất dẻo, dính ; cá sấu ngậm phải khúc gỗ mốp, hai hàm răng dính chặt không mở miệng ra được nữa.

Lửa châm vô sậy đế(1), cóc kèn xung quanh, bắt cháy xuống đám sậy đế trong ao. Chập sau, bị khói bay cay mắt, ngộp thở, phần thì nước sôi nóng, sấu bò lên rừng theo con đường đào sẵn hồi nãy. Tức thời, ông Năm Hên chạy lại. Sấu há miệng hung hăng đòi táp(2) ổng. Ổng đút vô miệng sấu một khúc mốp. Sấu táp lại, dính chặt hai hàm răng : như mình ngậm một cục mạch nha(3) quá lớn, muốn há miệng cho rộng để nhả ra cũng không được. Sấu bị khúc mốp khoá miệng, còn cái đuôi đập qua đập lại. Ông Năm xách cây mác, nhắm ngay sau lưng sấu mà xắn nhè nhẹ để cắt gần đuôi. Đuôi sấu bị liệt. Thế là mình yên trí, lấy dây cóc kèn trói thúc ké hai chân sau của nó lại ; chừa hai chân trước để nó bơi tiếp với mình.

– Thực là bực thánh của xứ này rồi ! Mưu kế như vậy thực quá cao cường. Ổng đâu rồi ? Sao không thấy ổng về ? Xóm mình nhất định đền ơn ổng một số tiền, nuôi ổng cho tới già, ở xóm này. Bà con tính sao ?

Tư Hoạch nói:

– Mà quên ! Ông biểu tôi về trước cho bà con coi thử. Phần ổng mắc ở lại cúng “đất đai vương trạch”(4) rồi đi bộ về sau.

Chưa dứt lời, bên sông nghe tiếng hát của ông Năm Hên, ngày một rõ :

                               Hồn ở đâu đây ?
                               Hồn ơi ! Hồn hỡi !
                               Xa cây xa cối,
                               Xa cội xa nhành,
                               Đầu bãi cuối gành,
                               Hùm tha, sấu bắt,
                               Bởi vì thắt ngặt,
                               Manh áo chén cơm,
                               U Minh đỏ ngòm,
                               Rừng tràm xanh biếc !
                               Ta thương ta tiếc,
                               Lập đàn giải oan...

(1) Sậy đế : một loại lau sậy.

(2) Táp : ngoạm, đớp nhanh, mạnh bằng miệng há rộng.

(3) Mạch nha : thứ kẹo rất quánh, dẻo, nấu bằng mầm thóc.

(4) Cúng “đất đai vương trạch" : cúng thổ thần cai quản nhà đất ruộng vườn.

Tiếng như khóc lóc, nài nỉ. Tiếng như phẫn nộ, bi ai. Ghê rợn nhứt là khi thấy ông đi ra khỏi mé rừng, áo rách vai, tóc rối nùi(2), mắt đỏ ngầu, bó nhang cháy đỏ quơ qua quơ lại trên tay.

– Coi tướng của ổng ghê như tướng thầy pháp(2) ! – Một người thốt lên như vậy.

Nhưng có tiếng khóc sụt sùi đâu đây. Đó là vài cụ già, bà lão chạnh nhớ đến tổ tiên, đến bạn bè của mình, biết đâu trên bước đường sanh nhai giữa chốn nước đỏ rừng xanh, có thân nhân của họ đã bỏ thân vì đàn sấu này. Bó nhang đang cháy kia có giải oan được cái chết của họ không chứ ?

(Hương rừng Cà Mau, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1986)

HƯỚNG DẪN ĐỌC THÊM

1. Qua tác phẩm, thiên nhiên và con người vùng U Minh Hạ hiện lên với những đặc điểm nổi bật nào ?

2. Phân tích tính cách, tài nghệ của nhân vật Năm Hên. Bài hát của Năm Hên gợi cho anh (chị) cảm nghĩ gì ?

3. Nêu những nét đặc sắc về nghệ thuật kể chuyện, sử dụng ngôn ngữ của Sơn Nam trong tác phẩm.

4. Cảm nhận của anh (chị) về vùng đất và con người miền cực nam Tổ quốc qua truyện ngắn Bắt sấu rừng U Minh Hạ.

(1) Rối nùi : xoắn kết vào nhau như búi chỉ rối.

(2) Thầy pháp : thầy cúng, thầy phù thuỷ, người có pháp thuật trừ được ma quỷ – theo mê tín.

 

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Ngữ Văn 12 - Tập Hai

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 12 - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Công Nghệ 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12 Nâng Cao

Địa lý 12 - Nâng cao

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Giáo Dục Quốc Phòng - An Ninh 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12 (Nâng Cao)

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tin Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12 Nâng Cao

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Gợi ý cho bạn

toan-5-tap-mot-2801

Toán 5 - Tập Một

Sách Cánh Diều Lớp 5

tieng-anh-1-1728

Tiếng Anh 1

Tiếng Anh lớp 1 thuộc nhà xuất bản Global Success

hoat-dong-trai-nghiem-5-1898

Hoạt Động Trải Nghiệm 5

NXB Kết nối tri thức - Hoạt động trải nghiệm 5

ngu-van-9-tap-2-983

Ngữ Văn 9 - Tập 2

Sách Lớp 9 Kết Nối Tri Thức

dao-duc-1-6

Đạo đức 1

Sách Lớp 1 Cánh Diều

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẽ

ok365 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.