1. Anh (chị) hãy tìm một vài ví dụ từ đời sống và của bản thân để chứng tỏ rằng : Trong thực tế, không phải lúc nào con người cũng chỉ phát biểu những ý kiến mà mình đã chuẩn bị kĩ càng, theo những chủ đề định sẵn.
2. Trên cơ sở những ví dụ đã tìm được, anh (chị) hãy trả lời câu hỏi : Vì sao con người lại có nhu cầu phát biểu tự do ?
Gợi ý : Có thể xem xét thêm tình huống được kể lại sau đây để tìm lời giải đáp đầy đủ và xác đáng.
Đêm nay mưa dầm, trung đội lái xe được dịp trở về gần đông đủ. [...] Không biết ở trên đời còn có cảnh gì vui và náo nhiệt hơn đêm như đêm nay, những chiến sĩ lái xe sau nhiều chuyến rong ruổi trên các ngả đường nay trở về gặp mặt nhau. Sau hàng chục đêm thức chong bên tay lái, tưởng như họ cứ nằm xuống là con mắt sẽ díp lại, vậy mà chẳng ai buồn ngủ cả. – Xong chưa nào, đến lượt tớ kể nhé ? – Người này chưa nói hết, người khác đã dọn trước như thế bằng giọng hết sức háo hức. Hình như trong đầu từng người đang xôn xao vô vàn hình ảnh trên dọc đường, và chính lúc này, những hình ảnh ấy đang chen lấn nhau đòi sống lại...
(Nguyễn Minh Châu, Mảnh trăng,
trong Nguyễn Minh Châu, Toàn tập, tập 3, Sđd)
3. Những ví dụ trên đây cho thấy, người phát biểu tự do thường không đủ thời gian để chuẩn bị kĩ cho lời phát biểu. Vậy phải làm thế nào để có thể đạt được thành công ? Hãy chọn trong các phương án sau đây những câu trả lời đúng.
a) Không phát biểu những gì mình không hiểu biết và thích thú.
b) Phải bám sát chủ đề, không để bị xa đề hoặc lạc đề.
c) Phải tự rèn luyện để có thể nhanh chóng tìm ý và sắp xếp ý.
d) Nên xây dựng lời phát biểu thành một bài hoàn chỉnh.
e) Chỉ nên tập trung vào những nội dung có khả năng làm cho người nghe cảm thấy mới mẻ và thú vị.
g) Luôn luôn quan sát nét mặt, cử chỉ của người nghe để có sự điều chỉnh kịp thời.
4. Hãy tưởng tượng tình huống sau:
Anh (chị) đang có mặt giữa đông đảo bạn bè. Mọi người đang trao đổi, bàn luận với nhau về những vấn đề (hiện tượng, câu chuyện,...) đang được bàn cãi sôi nổi trong giới trẻ... Anh (chị) có những ý kiến riêng về một chủ đề nảy sinh khi nghe thảo luận và muốn phát biểu những ý kiến đó cho các bạn cùng nghe.
Hãy cho biết :
a) Anh (chị) định phát biểu về chủ đề cụ thể nào ?
b) Vì sao anh (chị) lựa chọn chủ đề ấy ?
c) Anh (chị) đã phác nhanh trong óc mình những ý chính nào của lời phát biểu và đã sắp xếp chúng lại theo thứ tự nào ?
d) Anh (chị) định làm thế nào để thu hút sự chú ý của người nghe ?
– Nhấn mạnh những chỗ có ý nghĩa quan trọng trong lời phát biểu.
– Đưa ra những thông tin mới, bất ngờ, gây ấn tượng.
– Lồng nội dung phát biểu vào những câu chuyện kể lí thú, hấp dẫn.
– Tìm cách diễn đạt dễ tiếp nhận và trong hoàn cảnh thích hợp, có thêm sự biểu cảm hay hài hước.
– Thể hiện sự hào hứng của bản thân qua ánh mắt, giọng nói, điệu bộ.
– Tạo cảm giác gần gũi, có sự giao lưu giữa người nói và người nghe.
GHI NHỚ • Trong cuộc sống, người ta có thể gặp những tình huống khiến mình muốn (hoặc cần phải) phát biểu không theo các nội dung đã chuẩn bị kĩ càng từ trước. Phát biểu trong những tình huống như thế được gọi là phát biểu tự do. • Muốn thành công, người phát biểu tự do phải hiểu biết và có hứng thú với chủ đề mà mình đã chọn. Người phát biểu tự do còn cần quan tâm đến nhu cầu của người nghe, để từ đó tìm được nội dung và cách phát biểu thích hợp, có khả năng đem lại cho người nghe những điều đúng đắn, mới mẻ và bổ ích. |
LUYỆN TẬP
1. Sưu tầm những lời phát biểu tự do mà anh (chị) đánh giá là đặc sắc, đáng để cho mình học tập.
2. Giả sử anh (chị) tham gia cuộc thảo luận về một cuốn sách đang được giới trẻ quan tâm, yêu thích và đã phát biểu một cách tự do những ý kiến của riêng mình. Hãy ghi lại lời phát biểu đó và tự đánh giá xem so với những yêu cầu đặt ra thì lời phát biểu của anh (chị) có những ưu điểm và hạn chế gì.
ĐỌC THÊM
Pa-ven kéo cái yên ngựa lại gần ánh lửa, ngồi cưỡi lên yên, mở trên đầu gối cuốn sách khổ nhỏ song khá dày.
– Báo cáo các đồng chí, cuốn truyện này tên là “Ruồi trâu”(1). Đồng chí chính uỷ tiểu đoàn cho tôi mượn đấy. Cuốn truyện rất thấm thía đối với tôi. Các đồng chí ngồi yên đừng đùa, tôi đọc cho mà nghe.
– Thôi đọc đi, nhanh lên. Chẳng ai phá đám đâu.
[...] Đọc xong những trang cuối, Pa-ven đặt sách lên gối và bâng khuâng nhìn chăm chăm vào ngọn lửa, nghĩ ngợi.
Trong mấy phút đồng hồ, không ai nói một lời. Tất cả mọi người đều xúc động vì cái chết của “Ruồi trâu”.
Pu-dư-rép-xki hút một hơi thuốc lá, chờ đợi anh em lên tiếng.
Lời phát biểu của Xê-rê-đa phá tan cái không khí yên lặng.
– Câu chuyện bi thảm thật. Ai mà tưởng có được những con người bản lĩnh như thế trên đời này. Một người thường không thể chịu được cực hình đến độ ấy. Nhưng khi người ấy đã vì lí tưởng mà chiến đấu thì nhất định giữ vững được tinh thần.
Giọng Xê-rê-đa hết sức xúc động. Câu chuyện làm anh cảm xúc sâu xa.
An-đriu-sa, một người thợ học việc đóng giày vùng Bê-lai-a Xe-rơ-cốp, bừng bừng phẫn nộ :
– Thằng ác tăng khốn nạn đó mà vớ phải tay tôi thì tôi đâm chết nó ngay tại chỗ!
(1) Ruồi trâu : một truyện nổi tiếng nói về phong trào cách mạng ở Ý do người thủ lĩnh lấy tên là Ruồi trâu đề xướng ra. (người dịch)
An-đrơ-súc lấy que củi ấn thêm chiếc cà mèn của mình vào bếp, rồi nói bằng một giọng tin tưởng :
– Chết mà biết mình chết vì một sự nghiệp gì thì chết cũng đáng lắm. Trong trường hợp ấy anh thấy mình có đủ sức mạnh để không sợ chết. Ta sẵn sàng đi đến cái chết một cách kiên nhẫn khi ta cảm thấy có chính nghĩa ở phía ta. Chính cái đó làm con người ta trở thành anh hùng đấy. Tôi biết một đồng chí trẻ tuổi tên gọi là Pô-rai-ca. Cái hôm bọn giặc trắng thọc vào Ô-đét-xa, một mình anh ta xung phong đánh cả một trung đội chúng nó. Bọn chúng chưa kịp giở lưỡi lê đâm anh, anh đã rút lựu đạn ra, quăng ngay dưới chân mình. Người anh tan ra từng mảnh, nhưng cả bọn Ba Lan cũng tan xác(1). Ấy thế mà trông anh ta bề ngoài chẳng có vẻ gì đâu. Không ai viết sách nói về anh ta. Song chuyện anh ta thật đáng chép vào sách. Hàng ngũ ta có vô số đồng chí ưu tú như thế.
(N. Ô-xtơ-rốp-xki, Thép đã tôi thế đấy,
bản dịch của Thép Mới và Huy Vân, NXB Văn học, Hà Nội, 2005)
(1) Ở đây chỉ bọn bạch vệ người Ba Lan chống phá nước Nga sau Cách mạng tháng Mười năm 1917.