(Trang 5)
Yêu cầu cần đạt - Nhận biết đặc điểm cơ bản của thể loại Hội hoạ, Đồ hoạ tranh in, Điêu khắc. Thiết kế đồ hoạ, Thiết kế thời trang, Thiết kế công nghiệp qua tìm hiểu một số tác phẩm, sản phẩm mĩ thuật: - Nhận biết được vẻ đẹp của tác phẩm, sản phẩm mĩ thuật thông qua một số phân tích; - Biết cách sử dụng một số chất liệu trong thực hành, sáng tạo sản phẩm mĩ thuật. |
Một số thể loại mĩ thuật tạo hình
Mĩ thuật tạo hình bao gồm các thể loại: Hội hoạ, Đồ hoạ tranh in, Điêu khắc.... Các thể loại này đều sử dụng những yếu tố tạo hình như: đường nét, màu sắc, hình khối, không gian, bố cục.... để thể hiện ý tưởng, quan điểm của người nghệ sĩ trước thiên nhiên, cuộc sống.
- Hội họa
Trần Văn Cần, Tát nước đồng chiêm, 1958, tranh sơn mài, 60,5 x 92 cm
Hoạ sĩ đã khai thác chất liệu, kĩ thuật sơn mài đã làm nổi bật các yếu tố hình, nét, sắc màu nhân vật trên nền đen, thể hiện được vẻ đẹp của cảnh lao động sản xuất ở nông thôn.
- Đồ họa tranh in
Nguyễn Tiến Chung, Phong cảnh Sài Sơn, 1970, tranh khắc gỗ, 32 x 43 cm
Hoạ sĩ đã sử dụng lối tạo hình có tính ước lệ, thể hiện những đặc trưng như: ao làng, núi đá, nhà mái ngói, những cây rơm vàng. Cách thể hiện đơn giản, biểu đạt tới tạo hình mạnh mẽ, giúp người xem có cảm giác bình dị và nhẹ nhàng như chính không gian yên bình ở miền quê.
(Trang 6)
- Diêu khắc
Trần Thị Hồng, Những người khởi nghĩa, 1984, phù điêu gò đồng, 54 x 210 cm
Trong tác phẩm của mình, nhà điêu khắc sắp xếp các nhân vật theo nhiều lớp khác nhau để tạo không gian xa gần. Sự chuyển động của nhóm người về phía trước đã diễn tả được sự quyết tâm, đồng lòng của những người tham gia khởi nghĩa theo đúng ý tưởng mà tác giả muốn gửi đến người xem.
Nguyễn Thị Hoà, Bà cháu, 1980, đá, 62,2 x 30,5 x 37 cm
Điều nổi bật của tác phẩm là cách tạo hình bằng những nét đục thô nhám, đường nét thẳng, góc cạnh thể hiện dấu ấn thời gian trên hình tượng người bà. Những nét cong, mềm kết hợp với khối tròn căng bộc lộ nét ngây thơ của con trẻ. Qua việc khắc hoạ hình tượng đơn giản nhưng chân thực, sâu sắc, tác phẩm đã diễn tả thành công tình cảm yêu thương, ấm áp của hai bà cháu.
Một số thể loại mĩ thuật ứng dụng
Mĩ thuật ứng dụng gần với sản xuất công nghiệp và cuộc sống. Đó là nghệ thuật sử dụng các yếu tố mĩ thuật trong thiết kế, tạo dáng sản phẩm như: trang phục, bìa sách, đồ lưu niệm, bao bì, đồ dùng.... Một số thể loại của mĩ thuật ứng dụng là:
- Thiết kế đồ họa
Nguyễn Bích, Chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại đã toàn thắng, 1953-1954, tranh cổ động, bút sắt
- Thiết kế công nghiệp
Ghế ngồi, đa chất liệu Nguồn: Lê Anh
- Thiết kế thời trang
Áo dài, đa chất liệu Nguồn: Thu Liễu
? Đặc điểm của các thể loại mĩ thuật tạo hình, mĩ thuật ứng dụng là gì?
(Trang 7)
Dùng hình thức vẽ hoặc nặn để tạo một sản phẩm mĩ thuật
Sản phẩm mĩ thuật của học sinh
Ngô Duy Hằng (Hoà Bình), Nhà bên dòng suối, sản phẩm mĩ thuật từ màu sáp
Minh Đức (Hà Nội), Phong cảnh quê em, sản phẩm mĩ thuật từ đất nặn
Mai Bá Trình (Nam Định), sản phẩm mĩ thuật trang trí cái quạt
EM CÓ BIẾT: Tranh khắc gỗ là một hình thức của Đồ hoạ tranh in. Đây là dạng tranh được thực hiện bằng cách khắc trên gỗ và in nhiều màu với những bản khắc khác nhau như tranh dân gian Đông Hồ, hoặc chỉ in một bản nét để tô màu như tranh dân gian Hàng Trống....
Bịt mắt bắt dê, tranh dân gian Đông Hồ |
(Trang 8)
Trưng bày sản phẩm mĩ thuật đã thực hiện và trả lời những câu hỏi sau:
- Bạn đã sử dụng bố cục, hình khối, màu sắc, đường nét như thế nào trong sản phẩm mĩ thuật của mình?
- Bạn đặt tên cho sản phẩm mĩ thuật của mình là gì?
- Sản phẩm mĩ thuật của bạn thuộc thể loại mĩ thuật tạo hình nào?
Hãy trả lời các câu hỏi sau:
- Tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ thuộc thể loại mĩ thuật tạo hình nào?
- Tranh Rặng phi lao thuộc thể loại mĩ thuật tạo hình nào?
- Bìa sách thuộc thể loại mĩ thuật ứng dụng nào?
Khởi nghĩa Ba Tơ, tượng đài, đá, tỉnh Quảng Ngãi, 2012 Nguồn: Nguyễn Tuân Anh
Tạ Thúc Bình, Rặng phi lao, 1996, tranh lụa, 30 x 42,5 cm
Bìa sách Hoa kết trái Nguồn: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam