Sau bài học này, em sẽ:
• Xác định được các di sản thế giới ở vùng Duyên hải miền Trung trên bản đồ lược đồ.
• Trình bày được một số điểm nổi bật về văn hoá vùng Duyên hải miền Trung, có sử dụng tư liệu (tranh ảnh, câu chuyện,...).
KHỞI ĐỘNG
Hình dưới đây là một di sản văn hoá tiêu biểu ở vùng Duyên hải miền Trung. Hãy kể tên một số di sản văn hoá ở vùng đất này mà em biết.
Hình 1. Thánh địa Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam)
KHÁM PHÁ
1. Vùng đất hội tụ nhiều di sản thế giới
Đọc thông tin và quan sát các hình từ 2 đến 4, em hãy:
– Kể tên và xác định vị trí các di sản thế giới ở vùng Duyên hải miền Trung.
– Nêu những nét nổi bật của di sản văn hoá thế giới ở vùng Duyên hải miền Trung: số lượng, địa bàn phân bố, loại hình di sản,...
Vùng Duyên hải miền Trung có nhiều di sản thế giới được UNESCO ghi danh như: Phố cổ Hội An, Nhã nhạc cung đình Huế, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng,...
Hình 2. Hang Sơn Đoòng (tỉnh Quảng Bình)
Hình 3. Biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế
Hình 4. Lược đồ phân bố các di sản thế giới ở vùng Duyên hải miền Trung (tính đến năm 2020)
2. Vùng đất của lễ hội
Đọc thông tin và quan sát các hình từ 5 đến 7, em hãy:
- Kể tên một số lễ hội tiêu biểu ở vùng Duyên hải miền Trung và nêu những nét nổi bật về lễ hội của vùng đất này.
- Nêu cảm nghĩ của em về lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.
Vùng Duyên hải miền Trung nổi tiếng với nhiều lễ hội đặc sắc, nhằm tôn vinh truyền thống và những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc.
• Lễ Rước cá Ông
Lễ Rước cá Ông bắt nguồn từ tục thờ cá voi, tương truyền, đây là loài cá thường cứu giúp ngư dân mỗi khi họ gặp nạn trên biển.
Hình 5. Lễ Rước cá Ông ở Quy Nhơn (tỉnh Bình Định)
• Lễ hội Ka-tê
Lễ hội Ka-tê (Kate) của đồng bào Chăm được tổ chức vào khoảng tháng 9-10 hằng năm (tháng 7 lịch Chăm) để tưởng nhớ các vị thần và cầu cho cuộc sống hạnh phúc, ấm no.
Lễ hội diễn ra tại khu đền tháp Chăm. Sau phần lễ trang trọng là phần hội với nhiều trò chơi dân gian như: đội nước vượt chướng ngại vật, đi cà kheo,...
Em có biết?
Năm 2022, lễ hội Ka-tê của người Chăm ở Bình Thuận được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Hình 6. Lễ hội Ka-tê tại tháp Pô Klông Ga-rai (Po Klong Garai) (tỉnh Ninh Thuận)
• Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
Cùng với quá trình khai phá vùng đất phía Nam, các chúa Nguyễn đã đặt ra Hải đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ đi thuyền đến các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa để thu lượm sản vật, từng bước thực thi chủ quyền biển đảo,... Những người đi thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện rất khó khăn, khắc nghiệt và chỉ bằng những phương tiện, vật dụng rất thô sơ.
Lễ Khao lề thế lính là một tập tục cổ truyền có từ thời Hải đội Hoàng Sa nhằm tri ân những người đi làm nhiệm vụ và cầu cho họ được bình an trở về,...
Ngày nay, lễ Khao lề thế lính vẫn được duy trì, gồm nhiều hoạt động như: tế lễ cổ truyền, lễ đua thuyền tứ linh,... nhằm tri ân Hải đội Hoàng Sa năm xưa, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ về trách nhiệm giữ gìn biển đảo quê hương.
Em có biết?
Năm 2013, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Hình 7. Một nghi thức trong lễ Khao lễ thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi)
LUYỆN TẬP
Vẽ sơ đồ tư duy về một số nét nổi bật của văn hoá vùng Duyên hải miền Trung. ề một số nét nổi bật của văn hoá vùi
Nét nổi bật văn hoá
Vùng đất của nhiều di sản thế giới
Vùng đất của nhiều lễ hội
VẬN DỤNG
Làm bộ sưu tập bằng tranh ảnh về một di sản thế giới hoặc một lễ hội ở vùng Duyên hải miền Trung. Chia sẻ với bạn hoặc người thân bộ sưu tập của em.