1. Biết cách vận hành và bảo dưỡng một loại động cơ đốt trong. 2. Vận hành được một loại động cơ đốt trong hoặc bảo dưỡng được một số bộ phận của động cơ đốt trong. |
I – VẬN HÀNH ĐỘNG CƠ ĐỐT TRONG
1. Chuẩn bị
Vận hành động cơ đốt trong là quá trình chuẩn bị đưa động cơ vào hoạt động và theo dõi hoạt động của nó trong suốt quá trình làm việc.
Chuẩn bị để đưa động cơ vào hoạt động là việc làm rất quan trọng, đảm bảo cho động cơ làm việc liên tục, không trục trặc, phát huy hết công suất, chi phí thấp và an toàn cho máy cũng như người sử dụng.
Trước khi khởi động động cơ và đưa vào sử dụng, cần phải thực hiện một số công việc sau :
1. Kiểm tra sự lắp chặt của động cơ trên thiết bị và của các bộ phận, chi tiết lắp trên động cơ.
2. Quan sát xem động cơ có bị rò rỉ nước làm mát, dầu bôi trơn, nhiên liệu không.
3. Kiểm tra các mức nước làm mát, dầu bôi trơn và nhiên liệu trên động cơ hoặc thông qua các chỉ số trên đồng hồ đo (nếu có). Nếu thiếu phải bổ sung để động cơ làm việc an toàn, liên tục trong thời gian dự định.
4. Chuẩn bị dụng cụ khởi động (nếu cần).
2. Vận hành
Khi đảm bảo chắc chắn các bước chuẩn bị đã hoàn thành tốt mới đưa động cơ vào hoạt động theo các bước sau :
1. Khởi động động cơ.
2. Cho động cơ làm việc ở tốc độ quay thấp (khoảng 30% tốc độ quay định mức) trong thời gian 15 phút.
3. Kiểm tra sự lắp chặt của động cơ lên thiết bị cũng như các bộ phận bên ngoài lên động cơ.
4. Nghe và quan sát tình hình làm việc của động cơ nhằm phát hiện ra tiếng gõ, khí xả không bình thường, rò rỉ nhiên liệu, nước làm mát, dầu bôi trơn. Nếu phát hiện những sự cố trên phải dừng máy, sửa chữa, sau đó khởi động lại.
5. Khi động cơ hoạt động bình thường, bắt đầu tăng tốc từ từ để đạt tới tốc độ quay định mức và ổn định chế độ nhiệt.
6. Cho động cơ kéo máy công tác (trong điều kiện có thể), chú ý tăng tải dần dần cho đến khi đạt tới tải định mức.
7. Khi động cơ làm việc, nhất thiết phải theo dõi, đảm bảo động cơ làm việc bình thường. Nếu có sự cố thì phải dừng máy, tìm nguyên nhân, khắc phục, sau đó khởi động lại và tiếp tục vận hành động cơ.
8. Trước khi tắt động cơ cần :
– Giảm tải và tốc độ của động cơ.
– Quan sát phía bên ngoài động cơ nhằm phát hiện sự cố sau khi vận hành.
9. Thu dọn nơi làm việc.
II – BẢO DƯỠNG KĨ THUẬT ĐỘNG CƠ ĐỐT TRONG
1. Khái quát về bảo dưỡng kĩ thuật động cơ đốt trong
Bảo dưỡng động cơ đốt trong là công tác dự phòng được tiến hành theo một kế hoạch đã định, nhằm tránh những hiện tượng hư hỏng trước thời hạn, đảm bảo cho động cơ làm việc ổn định, an toàn và có tuổi thọ cao.
Có bốn dạng bảo dưỡng kĩ thuật :
– Bảo dưỡng hằng ngày.
– Bảo dưỡng cấp 1.
– Bảo dưỡng cấp 2.
– Bảo dưỡng theo mùa.
a) Bảo dưỡng hằng ngày
Trước khi đưa động cơ vào sử dụng phải thực hiện quá trình bảo dưỡng này, bao gồm các bước sau :
– Làm sạch động cơ.
– Quan sát, khắc phục những bulông bị nới lỏng (đặc biệt là bulông chân máy), các vị trí rò rỉ nước làm mát, dầu bôi trơn và nhiên liệu.
– Kiểm tra mức dầu bôi trơn, nước làm mát, nhiên liệu. Nếu thiếu phải bổ sung.
b) Bảo dưỡng cấp 1
Ngoài việc thực hiện công tác bảo dưỡng hằng ngày, cần phải thực hiện thêm các công việc : Kiểm tra sự lắp chặt của động cơ và các thiết bị lắp trên nó.
c) Bảo dưỡng cấp 2
Ngoài việc thực hiện công tác bảo dưỡng cấp 1, cần phải thực hiện thêm các công việc sau :
– Chẩn đoán tình trạng kĩ thuật tại các băng thử của nhà máy :
+ Xác định công suất động cơ.
+ Tiêu thụ nhiên liệu.
+ Đo áp suất nén.
+ Đo khí xả.
+ Kiểm tra tiếng gõ.
– Bảo dưỡng các cơ cấu, hệ thống nói chung và các chi tiết của hệ thống nói riêng.
Trong quá trình bảo dưỡng cần đặc biệt chú ý :
+ Kiểm tra và xiết chặt thêm nắp xilanh (nếu cần).
+ Điều chỉnh khe hở nhiệt xupap (khe hở giữa đuôi xupap và đầu cò mổ).
+ Xiết lại bulông thanh truyền.
d) Bảo dưỡng theo mùa
Dạng bảo dưỡng này thường tiến hành ở các nước có khí hậu lạnh. Ngoài việc tiến hành bảo dưỡng kĩ thuật cấp 2 cần phải súc rửa toàn bộ hệ thống làm mát, hệ thống bôi trơn, hệ thống nhiên liệu. Thay nước làm mát mới có pha chất chống đông. Thay dầu bôi trơn mới phù hợp với môi trường nhiệt độ thấp.
2. Bảo dưỡng kĩ thuật bộ phận của động cơ
Để tiến hành bảo dưỡng bộ phận của động cơ, cần phải thực hiện các công việc sau :
1. Tháo bộ phận ra khỏi động cơ.
2. Quan sát kĩ bộ phận để đưa ra phương án tháo lắp.
3. Tháo rời bộ phận ra từng chi tiết
– Tháo từ ngoài vào trong.
– Đặt từng chi tiết theo một thứ tự nhất định.
– Tránh làm hư hại các chi tiết.
4. Làm sạch chi tiết
– Ngâm, rửa sạch trong dầu madút.
– Lau sạch.
– Thổi khô bằng khí nén (nếu có).
5. Kiểm tra, phát hiện hư hỏng, tìm phương án khắc phục (nếu có).
6. Bôi mỡ vào vị trí phải bôi trơn (nếu cần).
7. Lắp ráp các chi tiết thành bộ phận theo thứ tự ngược lại khi tháo.
8. Lắp bộ phận lên động cơ.
III – THỰC HÀNH VẬN HÀNH VÀ BẢO DƯỠNG ĐỘNG CƠ ĐỐT TRONG
Dựa vào tình hình cụ thể của địa phương, có thể tiến hành theo một trong hai phương án sau :
PHƯƠNG ÁN 1 : Vận hành động cơ đốt trong
1. Chuẩn bị
a) Thiết bị
– Chuẩn bị một động cơ đốt trong hoặc một thiết bị dùng động cơ đốt trong làm nguồn động lực (như xe máy, ô tô, máy nông nghiệp, xuồng máy,...)
– Các dụng cụ và vật liệu phục vụ cho việc vận hành động cơ đốt trong : nhiên liệu, dầu bôi trơn, giẻ lau, khay đựng, bộ cờlê, kìm, búa,...
b) Nội dung
– Học sinh chuẩn bị mẫu báo cáo về đặc điểm và tình trạng động cơ khi vận hành theo mẫu bảng 38.1.
Bảng 38.1
TT | Kiểu động cơ | Các thông số kĩ thuật | Phương án truyền mômen | Mục đích sử dụng | Tình trạng động cơ khi vận hành |
– Phổ biến nội dung thực hành và an toàn lao động.
2. Các bước tiến hành
Vận hành động cơ được tiến hành theo các bước sau đây :
Bước 1. Kiểm tra
– Mức độ lắp chặt của động cơ.
– Mức nước làm mát, dầu bôi trơn và nhiên liệu.
– Các dụng cụ khởi động bằng tay (tay quay, dây kéo), nguồn điện khởi động bằng điện (acquy).
Bước 2. Vận hành động cơ
– Khởi động động cơ.
– Thời gian đầu cho động cơ hoạt động ở tốc độ quay thấp, khoảng 30% tốc độ quay định mức.
– Nghe và quan sát tình hình làm việc của động cơ theo :
+ Tiếng gõ của động cơ (có tiếng gõ lạ không ?).
+ Khí xả (khí xả có khói đen đậm đặc không ?).
– Nếu thấy có sự cố phải tắt động cơ ngay, chỉnh sửa, sau đó cho khởi động lại.
– Nếu động cơ hoạt động bình thường, tiến hành tăng tốc độ quay từ từ, sau khoảng 5 phút mới cho động cơ đạt tới tốc độ quay định mức.
– Cho động cơ kéo máy công tác ở tốc độ vòng quay định mức (trong điều kiện có thể).
Trong quá trình động cơ làm việc, phải chú ý theo dõi, quan sát để nhận xét về sự hoạt động bình thường của động cơ.
– Tắt máy và thu dọn nơi làm việc.
3. Đánh giá kết quả thực hành
– Học sinh tự đánh giá thông qua thảo luận và viết báo cáo theo nội dung bảng 38.1.
– Giáo viên đánh giá thông qua quan sát học sinh thực hành, phiếu theo dõi và chấm báo cáo.
PHƯƠNG ÁN 2 : Bảo dưỡng bầu lọc nhiên liệu động cơ điêzen (hoặc một chi tiết khác tương đương)
1. Chuẩn bị
a) Thiết bị
– Chuẩn bị một bầu lọc nhiên liệu động cơ điêzen bất kì (ví dụ : động cơ điêzen do nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo sản xuất, động cơ điêzen do nhà máy điêzen Sông Công sản xuất,...).
– Các dụng cụ và vật liệu phục vụ cho việc bảo dưỡng : dầu madút, giẻ lau, khay đựng, bộ cờlê, kìm, búa.
b) Nội dung
– Học sinh chuẩn bị mẫu báo cáo về đặc điểm, tình trạng kĩ thuật của bộ phận theo mẫu bảng 38.2.
Bảng 38.2
TT | Tên bộ phận | Động cơ | Đặc điểm bộ phận | Tình trạng kĩ thuật | Cách khắc phục |
– Phổ biến nội dung thực hành và an toàn lao động.
2. Các bước tiến hành
Bảo dưỡng kĩ thuật bầu lọc nhiên liệu động cơ điêzen tiến hành theo các bước sau đây :
Bước 1
– Tháo bầu lọc từ động cơ ra.
– Quan sát bầu lọc để tìm phương án tháo rời.
– Tháo rời các chi tiết. Lưu ý đặt chi tiết theo trình tự khi tháo.
– Làm sạch chi tiết : rửa bằng dầu madút (nhiên liệu điêzen).
– Lau khô bằng giẻ sạch.
Bước 2
– Kiểm tra tình trạng kĩ thuật.
– Nêu phương án khắc phục hư hỏng đơn giản (ví dụ : hỏng đệm,...).
– Lắp chi tiết thành bầu lọc theo thứ tự ngược lại khi tháo.
– Lắp bầu lọc vào động cơ.
3. Đánh giá kết quả thực hành
– Học sinh tự đánh giá thông qua thảo luận và viết báo cáo theo nội dung bảng 38.2.
– Giáo viên đánh giá thông qua quan sát học sinh thực hành, phiếu theo dõi và chấm báo cáo.