1. Biết được nhiệm vụ của hệ thống bôi trơn ; cấu tạo chung và nguyên lí làm việc của hệ thống bôi trơn cưỡng bức. 2. Đọc được sơ đồ nguyên lí của hệ thống bôi trơn cưỡng bức. |
I – NHIỆM VỤ VÀ PHÂN LOẠI
1. Nhiệm vụ
Hệ thống bôi trơn có nhiệm vụ đưa dầu bôi trơn đến các bề mặt ma sát của các chi tiết để đảm bảo điều kiện làm việc bình thường của động cơ và tăng tuổi thọ các chi tiết.
2. Phân loại
Hệ thống bôi trơn được phân loại theo phương pháp bôi trơn, có các loại sau :
– Bôi trơn bằng vung té.
– Bôi trơn cưỡng bức.
– Bôi trơn bằng pha dầu bôi trơn vào nhiên liệu.
Bài này chỉ giới thiệu hệ thống bôi trơn cưỡng bức.
II – HỆ THỐNG BÔI TRƠN CƯỠNG BỨC
1. Cấu tạo
Hệ thống bôi trơn cưỡng bức (hình 25.1) gồm các bộ phận chính là : cacte chứa dầu, bơm dầu, bầu lọc dầu và các đường dẫn dầu. Ngoài ra, trong hệ thống còn có : các van an toàn, van khống chế, két làm mát dầu, đồng hồ báo áp suất dầu,...
Hình 25.1. Sơ đồ hệ thống bôi trơn cưỡng bức
1. Cacte dầu ; 2. Lưới lọc dầu ;
3. Bơm dầu ; 4. Van an toàn bơm dầu ;
5. Bầu lọc dầu ; 6. Van khống chế lượng dầu qua két
7. Két làm mát dầu ; 8. Đồng hồ báo áp suất dầu ;
9. Đường dầu chính ; 10. Đường dầu bôi trơn trục khuỷu ;
11. Đường dầu bôi trơn trục cam ; 12. Đường dầu bôi trơn các bộ phận khác.
2. Nguyên lí làm việc
– Trường hợp làm việc bình thường : Khi động cơ làm việc, dầu bôi trơn được bơm 3 hút từ cacte 1 và được lọc sạch ở bầu lọc 5, qua van 6 tới đường dầu chính 9, theo các đường 10, 11 và 12 để đến bôi trơn các bề mặt ma sát của động cơ, sau đó trở về cacte.
Bầu lọc dầu 5 là loại bầu lọc li tâm, một phần dầu trong bầu lọc được dùng để tạo momen quay cho bầu lọc, sau đó dầu tự chảy về cacte.
– Các trường hợp khác :
+ Nếu áp suất dầu trên các đường vượt quá giá trị cho phép, van 4 sẽ mở để một phần dầu chảy ngược về trước bơm.
+ Nếu nhiệt độ dầu cao quá giới hạn định trước, van 6 đóng lại, dầu đi qua két làm mát 7, được làm mát trước khi chảy vào đường dầu chính 9.
Câu hỏi
1. Hãy nêu nhiệm vụ của hệ thống bôi trơn và kể tên các loại hệ thống bôi trơn.
2. Trình bày đường đi của dầu trong hệ thống bôi trơn cưỡng bức ở trường hợp làm việc bình thường.
3. Nêu một số nguyên nhân khiến dầu bôi trơn bị nóng lên khi động cơ làm việc.
Thông tin bổ sung
1. Tác dụng của dầu bôi trơn
Dầu bôi trơn không chỉ có tác dụng bôi trơn các bề mặt ma sát mà còn có các tác dụng phụ khác như : làm mát, tẩy rửa, bao kín và chống gỉ.
2. Bề mặt ma sát
Có thể hiểu bề mặt ma sát là bề mặt tiếp xúc giữa hai chi tiết có chuyển động tương đối với nhau. Ví dụ : bề mặt tiếp xúc của pit-tông với xilanh, của chốt khuỷu với bạc lót, của chốt pit-tông với lỗ chốt pit-tông,...
3. Phương pháp bôi trơn bằng pha dầu bôi trơn vào nhiên liệu
Ở động cơ xăng 2 kì, do cacte phải dùng để nén hoà khí nên không thể chứa dầu bôi trơn. Do vậy người ta pha một lượng dầu bôi trơn vào xăng theo tỉ lệ nhất định (1/20 √ 1/30). Khi vào trong cacte, các hạt dầu bôi trơn có trong hoà khí sẽ đọng bám vào bề mặt các chi tiết cần bôi trơn hoặc lỗ hứng dầu rồi chảy vào các bề mặt ma sát.
4. Phương pháp bôi trơn bằng vung té
Phương pháp bôi trơn vung té là lợi dụng chuyển động quay của các chi tiết như má khuỷu, đầu to thanh truyền, bánh răng,... để múc dầu trong cacte té lên các chi tiết. Dầu đọng bám vào bề mặt các chi tiết hoặc lỗ hứng dầu rồi chảy vào các bề mặt ma sát.