(Trang 143)
YÊU CẦU CẦN ĐẠT
- Hệ thống hoá được kiến thức về loại, thể loại văn bản đọc; tiếng Việt; kiểu bài viết; kiểu bài nói và nghe đã học trong học kì I.
- Vận dụng được các kiến thức đã học và kĩ năng được rèn luyện để giải quyết một số bài tập mang tính chất tổng hợp.
A. ÔN TẬP KIẾN THỨC
1. Xem lại văn bản đọc chính trong 5 bài học ở học kì I, lập bảng vào vở theo mẫu sau và ghi các thông tin cơ bản:
Văn bản | Tác giả | Loại, thể loại | Nội dung | Đặc điểm hình thức |
2. Nêu sự khác biệt giữa thể loại truyện truyền kì và truyện thơ Nôm trên một số tiêu chí: chữ viết được sử dụng, các loại nhân vật được miêu tả, đặc điểm ngôn ngữ.
3. Không khí lịch sử, bối cảnh xã hội xuất hiện trong một số truyện truyền kì hoặc truyện thơ Nôm có giúp ích gì cho việc đọc hiểu tác phẩm không? Vì sao?
4. Trong học kì I, em đã được học những kiến thức tiếng Việt mới nào? Nêu những khái niệm cần nắm vững để giải quyết bài tập ở các bài học.
5. Qua việc thực hiện các bài viết trong học kì I, em hãy nêu những điểm khác nhau trong việc sử dụng lí lẽ và bằng chứng ở kiểu bài nghị luận xã hội và kiểu bài nghị luận văn học.
6. Nêu những nét giống nhau và khác nhau giữa kiểu bài trình bày ý kiến về một vấn đề và kiểu bài thảo luận về một vấn đề (lấy ví dụ từ các bài nói và nghe đã thực hiện ở học kì I để minh hoạ).
B. LUYỆN TẬP TỔNG HỢP
Với các phiếu học tập sau đây, em sẽ có điều kiện vận dụng các kiến thức đã ôn tập ở trên để luyện tập tổng hợp các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe.
(Trang 144)
PHIẾU HỌC TẬP SỐ 1 |
1. ĐỌC
a. Đọc văn bản
Khóc Dương Khuê
----------------------------
Trích, NGUYỄN KHUYẾN
--------------------------------
[...] Bác già, tôi cũng già rồi,
Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!
Muốn đi lại tuổi già thêm nhác,
Trước ba năm gặp bác một lần;
Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can
Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày;
Làm sao bác vội về ngay,
Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời.
Ai chẳng biết chán đời là phải,
Vội vàng sao đã mải lên tiên;
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa
Giường kia treo cũng hững hờ,
Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn
Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,
Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương;
Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!
(Thơ văn Nguyễn Khuyến, NXB Văn học, Hà Nội, 1979, tr. 146 –147)
--------------------------------
Dương Khuê (1839 – 1902) là nhà thơ, bạn của Nguyễn Khuyến, từng làm quan dưới triều Nguyễn.
Chưa can: chưa có chuyện gì đáng lo.
Giường kia treo cũng hững hờ: dùng điển tích Trần Phồn thời Hậu Hán (Trung Quốc) sắm chiếc giường dành riêng cho người bạn thân là Từ Trĩ, mỗi lần bạn đến chơi thì đem giường xuống cho bạn nằm, khi bạn về thị treo giường lên.
Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn: lấy điển tích tình bạn tri âm giữa Bá Nha và Chung Tử Kỳ (Bá Nha là người giỏi chơi đàn, Chung Tử Kỳ là người thấu hiểu tâm tư mà Bá Nha gửi vào tiếng đàn; khi Chung Tử Kỳ mất, Bá Nha đập đàn không chơi nữa vì cho rằng trên đời không còn ai hiểu được nỗi niềm của mình qua tiếng đàn).
(Trang 145)
b. Thực hiện các yêu cầu
• Chọn phương án đúng (làm vào vở)
Câu 1. Những dấu hiệu nào cho thấy đoạn trích mang đặc điểm của thể thơ song thất lục bát?
A. Ngôn ngữ được tác giả sử dụng trong đoạn trích
B. Số tiếng trong các câu thơ và cách hiệp vần giữa các câu thơ liền nhau
C. Các biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn trích
D. Những cung bậc cảm xúc được nhà thơ thể hiện trong đoạn trích
Câu 2. Cách hiệp vần nào được sử dụng trong đoạn trích trên?
A. Tất cả các câu liền nhau đều hiệp vần với nhau
B. Chỉ có một số câu liền nhau hiệp vần với nhau
C. Chỉ có các cặp lục bát hiệp vần với nhau
D. Chỉ có các cặp câu bảy tiếng hiệp vần với nhau
Câu 3. Trạng thái cảm xúc gì của nhà thơ được thể hiện trong hai câu thơ: Làm sao bác vội về ngay. Chợt nghe tôi bỗng chân tay rụng rời?
A. Bình tĩnh, thản nhiên B. Thảng thốt, hụt hẫng
C. Tuyệt vọng, sợ hãi D. Cô đơn, thương mình
Câu 4. Trong hai câu thơ: Ai chẳng biết chán đời là phải/ Vội vàng sao đã mải lên tiên, biện pháp tu từ nào đã được sử dụng?
A. So sánh B. Nói quá
C. Nhân hoá D. Nói giảm nói tránh
Câu 5. Nhận định nào nêu đúng nội dung chính của đoạn trích?
A. Đoạn trích nói về những kỉ niệm thời trẻ của tác giả với bạn.
B. Đoạn trích thể hiện sự bi quan của tác giả trước một sự việc đau thương.
C. Đoạn trích là tiếng lòng bi thiết của tác giả khi nghe tin bạn quý vừa mất.
D. Đoạn trích cho thấy nhận thức của tác giả về quy luật tất yếu của đời người.
• Trả lời câu hỏi
Câu 1. Tâm trạng của tác giả được thể hiện như thế nào trong đoạn trích?
Câu 2. Những biểu hiện nào cho thấy tình cảm sâu nặng giữa tác giả và người bạn của mình?
Câu 3. Chỉ ra các từ láy được sử dụng trong đoạn trích và phân tích hiệu quả nghệ thuật ở từng trường hợp.
Câu 4. Em cần làm gì để biết ý nghĩa của các điển tích được tác giả sử dụng trong đoạn trích? Phân tích tác dụng của các điển tích đó.
(Trang 145)
Câu 5. Ở những câu thơ sau, biện pháp tu từ điệp ngữ có tác dụng như thế nào trong việc diễn tả các cung bậc cảm xúc của nhà thơ?
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa:
Giường kia treo cũng hững hờ.
Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.
2. VIẾT
Viết bài văn phân tích trích đoạn bài thơ Khóc Dương Khuê ở phần Đọc.
3. NÓI VÀ NGHE
Thảo luận về vai trò của tình bạn trong cuộc sống.
PHIẾU HỌC TẬP SỐ 2 |
1. ĐỌC
a. Đọc văn bản
Một nét nổi bật Đọc những tác phẩm của Nam Cao viết cách đây đã trên dưới nửa thế kỉ, nhất là những truyện như Chí Phèo, Lão Hạc, Sống mòn, thấy Nam Cao không chỉ mới mẻ trong thời đại của mình, mà vẫn rất gần gũi với chúng ta hôm nay. Nam Cao và Vũ Trọng Phụng, mỗi người một vẻ, chắc chắn là hai nhà văn xuất sắc nhất trong nền văn học hiện đại của ta ở nửa đầu thế kỉ XX. Nam Cao có sở trường trong xây dựng nhân vật, thể hiện ở nghệ thuật miêu tả ngoại hình, khắc hoạ tính cách, phân tích nội tâm. Một số nhà nghiên cứu nhấn mạnh hai loại nhân vật chủ yếu trong tác phẩm của Nam Cao: nông dân và trí thức tiểu tư sản. Trên thực tế, Nam Cao miêu tả nhiều loại người, nhưng ông tập trung sự chú ý vào tầng lớp lao động nghèo, những người có số phận hẩm hiu, không tìm được chỗ đứng của mình trong xã hội, bị vứt ra bên lề cuộc sống. Họ thuộc thế giới những người cùng khổ, ở “dưới đáy” của |
(Trang 147)
xã hội, những con người bị tha hoá, bị què quặt, cả về thể xác và tinh thần vì bị áp bức, hành hạ, vì tăm tối mặt mũi lo chạy ăn từng bữa, vì sự bế tắc mục rỗng của xã hội, vì sự hèn nhát, sợ hãi của chính mỗi người. Nam Cao thật ra không miêu tả các thành phần xã hội, mà đi sâu vào các số phận, các kiếp người như chính nhà văn thường nói. Thông thường, ở một tài năng tiểu thuyết thì sức mạnh tư duy tập trung ở hình tượng nhân vật. Đọc Nam Cao, người ta có ấn tượng rõ rệt về các nhân vật có tính cách nổi bật, đồng thời lại cảm nhận sâu sắc cách nhìn của tác giả đối với cuộc sống, tấm lòng của tác giả đối với con người. Ở Nam Cao, có sự kết hợp giữa năng lực quan sát, miêu tả, nắm bắt rất tài tình những chi tiết của cuộc sống, xây dựng những hình tượng, những bức tranh xã hội sinh động với một giọng trữ tình kín đáo, thiết tha, vừa xót thương cho những người bất hạnh, vừa chua chát trước những điều nhố nhăng, vô nghĩa, luôn luôn khát khao sự thay đổi hướng về cái nhân bản, tốt đẹp. (Theo Nguyễn Văn Hạnh, Nam Cao và khát vọng về một cuộc sống lương thiện, xứng đáng, in trong Nam Cao – Về tác gia và tác phẩm, Bích Thu biên soạn và tuyển chọn, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr. 179 – 180) |
b. Thực hiện các yêu cầu
• Chọn phương án đúng (làm vào vở)
Câu 1. Người viết đánh giá cao sở trường nào của Nam Cao trong sáng tạo văn học?
A. Xây dựng cốt truyện hấp dẫn B. Kể chuyện sinh động, lôi cuốn
C. Khắc hoạ tính cách nhân vật sắc nét D. Tả cảnh thiên nhiên tinh tế, gợi cảm
(Trang 148)
Câu 2. “Nhiều nhân vật của Nam Cao là những con người hiền lành, chất phác, nhưng đời sống quá vất vả, cơ cực.” – sau câu văn này, tác giả triển khai đoạn văn theo hướng nào?
A. Phản bác ý của câu vừa nêu, sau đó đưa ra ý được cho là đúng
B. Chứng minh cho ý của câu vừa nêu, sau đó khái quát lại
C. Nhận xét câu vừa nêu, bổ sung cho ý đầy đủ hơn
D. Giải thích câu vừa nêu, bổ sung cho ý đầy đủ hơn
Câu 3. Tên một số tác phẩm của Nam Cao được nhắc đến ở bài viết nhằm mục đích gi?
A. Minh hoạ cho ý kiến được tác giả nêu trước đó
B. Cho thấy sự phong phú trong sáng tác của Nam Cao
C. Cho thấy tác giả am hiểu về các sáng tác của Nam Cao
D. Nêu bật những đóng góp của Nam Cao đối với nền văn học
Câu 4. Dòng nào sau đây nêu đúng những nét chung giữa các nhân vật trong truyện của Nam Cao?
A. Đó là những người cùng chung nghề nghiệp
B. Đó là những người cùng thành phần xã hội
C. Đó là những người cùng hoàn cảnh sống
D. Đó là những kiếp người đau khổ, bất hạnh
Câu 5. Theo nội dung đoạn trích, điều gì không có tác dụng tạo nên sức hấp dẫn của truyện Nam Cao?
A. Ngoại hình khác thường, thậm chí dị dạng của một số nhân vật
B. Sự đồ sộ về số lượng tác phẩm và sự kết tinh cao độ các giá trị nghệ thuật
C. Cách nhìn của tác giả về cuộc sống, tấm lòng của tác giả đối với con người
D. Giọng trữ tình ấm áp, thể hiện niềm trân trọng mọi biểu hiện của sự sống
• Trả lời câu hỏi
Câu 1. Có thể xem văn bản Một nét nổi bật trong sáng tác của Nam Cao thuộc loại văn bản nghị luận văn học được không? Vì sao?
Câu 2. Chỉ ra và phân tích một số lí lẽ và bằng chứng được tác giả sử dụng trong văn bản.
Câu 3. Tác giả đã lí giải như thế nào về sự thành công của Nam Cao trong sáng tác văn học?
Câu 4. Những nội dung nào đã triển khai trong bài viết cho phép tác giả đi đến kết luận: “Đọc Nam Cao, con người muốn sống chu đáo hơn, nhân ái hơn”?
Câu 5. Văn bản trên giúp em hiểu được những gì về nhà văn Nam Cao?
2. VIẾT
Viết bài văn nghị luận phân tích một truyện ngắn được sáng tác trong những năm gần đây.
3. NÓI VÀ NGHE
Chọn một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống của lứa tuổi học sinh, lập dàn ý cho bài nói và tập trình bày.
(Trang 149)
PHỤ LỤC 1
BẢNG GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ | |||
STT | Thuật ngữ | Giải thích | Trang |
1 | bi kịch | một thể loại của kịch thể hiện xung đột giữa một bên là những khát vọng, lí tưởng cao đẹp và một bên là thực tế lịch sử, xã hội không cho phép thực hiện khát vọng, lí tưởng đó | 117, 118, 121, 127, 128,... |
2 | bối cảnh tiếp nhận | những yếu tố khách quan (bối cảnh thời đại, xã hội) và yếu tố chủ quan (hoàn cảnh riêng của mỗi cá nhân) có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới việc tiếp nhận tác phẩm văn học của người đọc | 88,89 |
3 | cách dẫn gián tiếp | dẫn lời hoặc ý tưởng của người khác không phải bằng cách dùng nguyên văn mà diễn đạt lại bằng ngôn ngữ của mình, không sử dụng dấu ngoặc kép (nếu dẫn trong văn bản viết) | 88, 89, 95, 96,102,... |
4 | cách dẫn trực tiếp | dẫn nguyên văn từ ngữ, câu, đoạn của văn bản gốc, phần dẫn đặt trong dấu ngoặc kép (nếu dẫn trong văn bản viết) | 88, 89, 95, 96,... |
5 | câu đặc biệt | câu được cấu tạo bởi một từ hoặc cụm từ, không xác định được chủ ngữ hay vị ngữ, chỉ được chấp nhận trong một ngữ cảnh xác định | 117, 118, 131, 132 |
6 | câu rút gọn | câu có thành phần câu (thường là thành phần chính) bị tỉnh lược nhưng vẫn đảm bảo nội dung thông tin nhờ ngữ cảnh | 117, 118, 122, 123, 124,... |
7 | chơi chữ | biện pháp tu từ vận dụng các đặc điểm âm thanh, ý nghĩa và quy tắc kết hợp từ ngữ một cách sáng tạo trong ngữ cảnh nhằm mang lại những cách hiểu khác lạ hay liên tưởng bất ngờ, thú vị cho người tiếp nhận | 39, 40, 46, 47 |
8 | chữ Hán | chữ viết có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại, phổ biến và tương đối ổn định từ thời nhà Hán (khoảng thế kỉ Ill trước Công nguyên), được vay mượn, sử dụng và biến đổi khi du nhập vào các nước lân cận như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam | 9, 16, 35, 41, 51,... |
9 | chữ Nôm | chữ viết cổ (hình thành và phát triển từ khoảng thế kỉ X, phổ biến từ thế kỉ XIII đến đầu thế kỉ XX), mượn cách viết của chữ Hán nhưng đã được cải biến thành chữ ghi âm tiếng Việt (nên còn được gọi là “quốc âm”, “quốc ngữ”) | 45, 51, 61, 64, 65,... |
10 | chữ quốc ngữ | chữ viết mượn hệ thống chữ cái Latinh để ghi âm tiếng Việt, hình thành vào khoảng đầu thế kỉ XVII, được chỉnh lí nhiều lần, từng bước thay thế chữ Hán và chữ Nôm, đến đầu thế kỉ XX trở thành chữ viết chính thức của quốc gia | 23, 64, 66, 71, 75,... |
11 | điển cố | sự việc hay câu chữ trong sách xưa, được dẫn lại trong văn bản của các tác giả đời sau | 8, 9, 10, 17, 18,... |
12 | điển tích | câu chuyện trong sách xưa, được dẫn lại một cách cô đúc trong văn bản của các tác giả đời sau | 8, 9, 10, 13, 14,... |
(Trang 150)
13 | điệp thanh | biện pháp tu từ sử dụng cách lặp lại thanh điệu cùng loại (thanh bằng hoặc thanh trắc) để làm tăng tính nhạc, nâng cao hiệu quả biểu đạt cho câu thơ | 39, 40, 48, 49, 58 |
14 | điệp vần | biện pháp tu từ sử dụng những tiếng có vần giống nhau, đặt gần nhau nhằm tăng tính nhạc, tăng hiệu quả biểu đạt cho câu thơ | 39, 40, 48, 49, 50,... |
15 | hành động (kịch) | chuỗi sự việc, biến cố gắn với tính cách nhân vật và tình huống, bối cảnh trong vở kịch, được tổ chức, sắp xếp để thể hiện cốt truyện kịch và sự phát triển của xung đột kịch | 117, 118, 122, 128, 134,... |
16 | không gian (nghệ thuật) | những yếu tố biểu đạt không gian dùng để tạo nên bối cảnh trong tác phẩm văn học, gắn với dụng ý nghệ thuật của tác giả trong việc thể hiện hình tượng, biểu đạt ý nghĩa tác phẩm | 8, 9, 16, 18, 22, 35,... |
17 | ngâm khúc | một thể loại văn học thời trung đại có nội dung trữ tình đặc thù, dù sáng tác bằng chữ Nôm hay chuyển ngữ từ nguyên tác chữ Hán cũng chủ yếu sử dụng thể thơ song thất lục bát để diễn tả tâm trạng sầu muộn, xót thương, nuối tiếc cho thân phận người phụ nữ | 17, 41, 44, 51, 52 |
18 | nhân vật (bi kịch) | hình tượng nhân vật trung tâm trong một vở bi kịch, có tính cách và hành động thể hiện rõ đặc điểm, bản chất của xung đột bi kịch; nổi bật ở khát vọng lớn lao, hành động hết mình vì lí tưởng cao cả và sự thất bại trong thực tế | 117, 118, 119, 122, 128,... |
19 | song thất lục bát | thể thơ ra đời vào thời trung đại của văn học Việt Nam, kết hợp đan xen từng cặp câu 7 tiếng với từng cặp câu lục bát, được sử dụng nhiều trong ngâm khúc và trong một số tác phẩm thơ hiện đại | 39, 40, 41, 45, 48,... |
20 | thời gian (nghệ thuật) | những yếu tố biểu đạt thời gian dùng để tạo nên bối cảnh trong tác phẩm văn học, gắn với dụng ý nghệ thuật của tác giả trong việc thể hiện hình tượng, biểu đạt ý nghĩa tác phẩm | 8, 9, 16, 18, 22,... |
21 | truyện thơ Nôm | thể loại tự sự có hình thức thơ (thường là lục bát, song thất lục bát hoặc Đường luật), viết bằng chữ Nôm, phát triển mạnh trong các thế kỉ XVIII, XIX; cốt truyện được khai thác từ văn học dân gian và văn học Trung Quốc; hình thành và phát triển thành hai dòng: truyện thơ Nôm bình dân và truyện thơ Nôm bác học | 64, 65, 66, 74, 87,... |
22 | truyện truyền kì | thể loại văn xuôi tự sự thời trung đại, sử dụng kết hợp yếu truyện truyền kết hợp yếu tố kì ảo với yếu tố hiện thực để thể hiện những vấn đề của đời sống | 8, 9, 16, 22, 35,... |
23 | xung đột (bi kịch) | xung đột nảy sinh từ mâu thuẫn không thể dung hoà giữa các giá trị (cải thiện với cái ác, cái cao cả với cái thấp hèn, cái mới với cái cũ,...), giữa lí tưởng, khát vọng và khả năng, cách thức thực hiện; có kết thúc là sự tổn thất không thể tránh khỏi của lực lượng đại diện cho cái thiện, cái mới | 118, 133, 134, 136 |
(Trang 151)
PHỤ LỤC 2
BẢNG TRA CỨU TÊN RIÊNG NƯỚC NGOÀI | |||
STT | Tên riêng nước ngoài | Phiên âm | Trang |
1 | Achilleus | A-sin | 17 |
2 | Alexandre de Rhodes | A-lếch-xăng đờ Rốt | 66 |
3 | Aristotle | A-rít-xtốt | 134 |
4 | Capulet | Ca-piu-lét | 119, 120, 122,... |
5 | Chimène | Si-men | 124, 125, 127,... |
6 | Cinna | Xin-na | 128 |
7 | Corneille | Coóc-nây | 118, 124, 127,... |
8 | Don Diègue | Đông Đi-e-gơ | 124 |
9 | Don Gormas | Đông Goóc-ma-xờ | 124 |
10 | Don Rodrigue | Đông Rô-đri-gơ | 124, 125, 131,... |
11 | Don Sanche | Đông Xăng-sơ | 124 |
12 | Ferdinand | Phéc-đi-năng | 139, 140, 141 |
13 | Francesco de Pina | Phran-xít-xcô đờ Pi-na | 66 |
14 | Hamlet | Hăm-lét | 121 |
15 | Hans Christian Andersen | Han Cri-xti-an An-déc-xen | 8 |
16 | Horace | O-ra-xơ | 128 |
17 | Johann Christoph Friedrich Schiller | Giô-han Cơ-rít-xtốp-phơ Phri-đơ-rích Si-lơ | 139, 141 |
18 | Juliet | Giu-li-ét | 118, 119, 120,... |
19 | Karen Salmansohn | Ca-ren Xan-man-xon | 117 |
20 | Laurence | Lâu-rân | 119 |
21 | Le Cid | Lơ Xít | 118, 124, 127,... |
22 | Lear | Lia | 121 |
23 | Luise | Luy-dơ | 139, 140, 141,... |
24 | Macbeth | Mắc-bét | 121 |
25 | Médée | Mê-đê | 128 |
26 | Mercutio | Mo-kiu-xi-ô | 119 |
27 | Mikhail Prishvin | Mi-khai-in Pri-sơ-vin | 29 |
28 | Milford | Min-pho | 139 |
29 | Miller | Mi-lơ | 139, 140 |
30 | Montague | Môn-ta-ghiu | 119, 120,122 |
31 | Othello | Ô-ten-lô | 121 |
32 | Paris | Pa-rít | 119 |
33 | Rodrigue Diaz | Rô-dri-gơ Đi-a-dờ | 128 |
34 | Romeo | Rô-mê-ô | 118, 119, 120,... |
35 | Seattle | Xi-át-tơn | 28 |
36 | Tibalt | Ti-bân | 119 |
37 | Troy | Tơ-roa | 17 |
38 | Verona | Vê-rô-na | 119 |
39 | Von Calb | Phôn Ca-bơ | 139 |
40 | Von Walter | Phôn Van-te | 139 |
41 | William Shakespeare | Uy-li-am Sếch-xpia | 118, 119, 121,... |
42 | Wolfgang Iser | Uốp-pho-gang I-dơ | 88 |
43 | Wurm | Vuôm | 139 |