(Trang 138)
Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học)
Trong các tác phẩm văn học, đời sống hiện lên một cách phong phú, nhiều chiều, nhiều khía cạnh. Những vấn đề mà người cầm bút đặt ra trong tác phẩm có thể cũng là những điều được công chúng quan tâm. Do vậy, khi tiếp nhận tác phẩm văn học cũng là lúc người đọc tiếp cận quan điểm của nhà văn, đối thoại với nhà văn về các vấn đề đời sống được đề cập. Trong phần Nói và nghe của bài học này, em sẽ thực hành thảo luận về những vấn đề đời sống mà tác phẩm gợi ra với những độc giả khác có cùng mối quan tâm.
1. TRƯỚC KHI THẢO LUẬN
Mục đích thảo luận Thông qua thảo luận, hiểu được suy nghĩ về một vấn đề đời sống của những người tham gia, từ đó có sự hiểu biết sâu sắc hơn về vấn đề, có nhận thức và hành động đúng đắn. Người nghe Những người tham gia và quan tâm đến vấn đề thảo luận. |
- Ở bài này, có thể tổ chức thảo luận theo 2 vòng.
+ Vòng 1: Thảo luận vấn đề trong nhóm.
+ Vòng 2: Thảo luận vấn đề trong phạm vi lớp.
- Để chuẩn bị cho thảo luận ở vòng 1, cần chia lớp thành các nhóm và phân công người chủ trì, thư kí cho mỗi nhóm; đồng thời phân công người chủ trì và thư kí cho thảo luận trong phạm vi lớp ở vòng 2.
- Các nhóm cần thống nhất lựa chọn vấn đề thảo luận dựa trên nội dung những tác phẩm văn học đã học hoặc đã đọc; trước hết là những tác phẩm vừa được học trong bài 5, sau đó có thể mở rộng tìm thêm đề tài từ các tác phẩm ngoài phạm vi bài 5, lựa chọn một vấn đề đời sống được gợi ra từ tác phẩm mà nhiều người quan tâm. Một số đề tài gợi ý:
+ Vẻ đẹp của tình yêu (Rô-mê-ô và Giu-li-ét).
+ Danh dự và bổn phận của mỗi người (Lơ Xít).
+ Cách ứng xử của con người trước những tai hoạ, mất mát, nghịch cảnh (Bí ẩn của làn nước).
+ Mỗi người cần nắm nội dung khái quát và các chi tiết trong tác phẩm có liên quan đến vấn đề được lựa chọn, suy nghĩ về vấn đề và ghi lại ý kiến của mình để chuẩn bị tham gia thảo luận.
2. THẢO LUẬN
- Vòng 1: Thảo luận vấn đề trong nhóm. Mỗi thành viên phát biểu ý kiến theo chỉ định của người chủ trì. Thư kí ghi chép nội dung các ý kiến thảo luận. Sau khi kết thúc thảo luận trong nhóm, mỗi nhóm cử đại diện tham gia thảo luận ở vòng 2.
(Trang 139)
- Vòng 2: Thảo luận vấn đề trong phạm vi lớp.
+ Người chủ trì nêu vấn đề thảo luận đã được thống nhất và giới thiệu trước lớp, đại diện các nhóm tham gia thảo luận.
+ Đại diện mỗi nhóm trình bày ý kiến dựa trên kết quả thảo luận nhóm đã thực hiện ở vòng 1. Khi đại diện của mỗi nhóm phát biểu, các thành viên trong lớp lắng nghe, ghi chép nội dung ý kiến; dự kiến các ý kiến hoặc câu hỏi để tham gia thảo luận.
+ Sau khi đại diện các nhóm phát biểu hết một lượt, dưới sự điều hành của người chủ trì, các thành viên trong lớp nêu ý kiến góp ý hoặc đặt câu hỏi cho bất kì đại diện của nhóm nào; đại diện các nhóm trao đổi, trả lời.
+ Thư kí ghi chép nội dung các ý kiến thảo luận thành biên bản.
+ Kết thúc cuộc thảo luận, người chủ trì tổng kết các nội dung chính đã thảo luận; khẳng định ý nghĩa của việc thảo luận về vấn đề đáng quan tâm trong đời sống được gợi ra từ tác phẩm văn học; cảm ơn sự đóng góp của các thành viên tham gia.
3. ĐÁNH GIÁ
– Đánh giá ý nghĩa của việc thảo luận về vấn đề; chất lượng các ý kiến phát biểu.
– Trao đổi, rút kinh nghiệm về cách sử dụng kết hợp ngôn ngữ nói, ngôn ngữ cơ thể và các phương tiện hỗ trợ; cách tổ chức, điều hành buổi thảo luận.