(Trang 78)
Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (trong đời sống của học sinh hiện nay)
Trong phần Đọc, em đã được học các tác phẩm tiêu biểu của nền văn học trung đại Việt Nam. Ở đó, có những con người đã đối diện với nhiều vấn đề của thân phận, của thời đại một cách thành thực, can đảm; thể hiện những quan niệm nhân sinh sâu sắc. Em hãy lấy nguồn cảm hứng từ những thông điệp có ý nghĩa lâu bền ấy để bày tỏ suy nghĩ, quan điểm về một vấn đề cần phải giải quyết của thế hệ mình trong xã hội hiện đại.
Yêu cầu:
• Giới thiệu được vấn đề nghị luận (một vấn đề cần giải quyết trong đời sống của học sinh hiện nay).
• Trình bày được ý kiến bàn luận về vấn đề với hệ thống luận điểm chặt chẽ, lí lẽ thuyết phục, bằng chứng tiêu biểu và xác thực.
• Nêu được ý kiến trái chiều và phản bác bằng lí lẽ sắc bén.
• Đề xuất được giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề.
Phân tích bài viết tham khảo
Trưởng thành qua nỗi buồn
Giới thiệu vấn đề nghị luận. |
Trái Đất luôn có ngày và đêm, cũng như con người luôn có niềm vui và nỗi buồn song hành trên mỗi bước đường đời. Dù không được ai chào đón, những nỗi buồn vẫn cứ đến và trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Chúng ta không thể chối từ kẻ “không mời mà đến” kia nhưng hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn cách “đón tiếp” nó. Lo lắng, sợ hãi, né tránh hay bình tĩnh, vững vàng, can đảm đối diện với nỗi buồn? Để cho nỗi buồn dẫn dắt, chi phối, vùi lấp chúng ta hay biến nó thành “bài tập” để trưởng thành? Đó là những câu hỏi mỗi chúng ta cần tự trả lời.
Trình bày ý kiến cá nhân về cách giải quyết vấn đề . |
Tôi đã và sẽ luôn chọn cách trưởng thành qua nỗi buồn! Với tôi, trưởng thành qua nỗi buồn không bao giờ là con đường bằng phẳng, dễ dàng. Tất nhiên, có những nỗi buồn trong sáng, man mác như làn gió nhẹ khiến ta nhận ra mình “đang lớn khôn”. Nhưng ở đây, tôi muốn nói đến nỗi buồn nảy sinh từ những thất bại, đổ vỡ, nghịch cảnh, tai hoạ; có thể khiến chúng ta chán nản, thất vọng, đau khổ,
(Trang 79)
day dứt, oán giận,... Để có thể biến những nỗi buồn ấy thành cơ hội trưởng thành, tôi đã học cách “chấp nhận” và can đảm đối diện với nó. Trước đây, tôi thường giấu kín nỗi buồn vì cảm thấy tự ti, sợ hãi và muốn “chạy trốn” nó. Cũng có lúc tôi chán nản, giận dữ với tất cả những ai liên quan đến nỗi buồn khổ của tôi. Tôi quay cuồng trong những câu hỏi: Tại sao điều đó lại xảy ra với mình? Vì sao mình lại phải gánh chịu nỗi buồn khổ này? Sao người ta có thể đối xử như thế với mình? Nhiều khi, tôi tự mắng mỏ, trách móc bản thân. Rốt cuộc, tâm trạng chỉ càng thêm u ám, nặng nề. Nhưng rồi tôi hiểu ra rằng, tôi còn trẻ, tôi có “quyền” được sai lầm, thất bại và những nỗi buồn khổ kia cũng là một phần của cuộc đời tôi đang sống. Và giống như bóng đêm, như ngày mưa phùn gió bấc hay nắng lửa oi nồng, như dông bão, chúng rồi cũng sẽ tan đi, thì tôi không hoảng sợ hay dằn vặt nữa. Chỉ riêng việc “đồng ý” với sự tồn tại của nỗi buồn, tin rằng nó không thể là “mãi mãi” cũng đã giúp tôi bình tĩnh lại và mạnh mẽ hơn.
Đề xuất giải pháp để giải quyết vấn đề. |
Trên hành trình trưởng thành, tôi dần học được cách “bỏ đói” nỗi buồn và nuôi dưỡng niềm vui. Tôi từng có lúc chìm đắm trong nỗi buồn và càng quanh quẩn với nó, tôi càng mệt mỏi, chán nản, không muốn làm gì khác nữa. Giờ thì khác rồi, mặc dù nhiều lần tôi vẫn phải khóc khi nỗi buồn ập đến, nhưng sau đó tôi đã có thể trấn tĩnh để xếp nó vào một góc trong tâm trí, rồi dứt khoát “bỏ đi”, làm việcgì đó mà tôi thích. Tôi chạy bộ, nghe nhạc, xem một bộ phim, đọc một cuốn sách, tán chuyện với bạn bè,... Thói quen buộc mình phải hoàn thành những công việc hằng ngày cũng thường xuyên “cứu” tôi khỏi nỗi buồn: từ việc chăm sóc bản thân, sắp xếp lại góc học tập, dọn căn phòng bừa bộn, cho đến hoàn thành “một lộ” bài tập dang dở, bổ sung phần kiến thức bị “lỗ mỗ” mà tôi vẫn định nhờ bạn giảng lại cho... Nhiều khi, chỉ cần tập trung thời gian và tâm trí vào việc nuôi dưỡng những niềm vui nho nhỏ và hoàn thành công việc mỗi ngày, nỗi buồn bị “đói” sẽ tự bỏ đi thôi!
Nêu và phản bác ý kiến trái chiều. |
Tôi cũng học được cách tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết. Không ít bạn cho rằng, chia sẻ chẳng ích gì, có khi lại càng buồn thêm. Bởi vì, mọi người lại thương hại hoặc xì xào, bàn tán hay phán xét. Ngay cả khi họ có thiện chí, thì cũng không ai hiểu vấn đề bằng chính bản thân mình. Cho nên cứ “giấu kín” nỗi buồn khổ của mình thì sẽ đỡ bị tổn thương và đỡ “mất thời gian”. Đúng là chia sẻ với người khác về những gì khiến mình đang buồn khổ cũng rất khó khăn. Tôi cũng từng có suy nghĩ như vậy. Khi thì tôi xấu hổ vì mình có lỗi, khi thì sợ người mình yêu quý phải lo lắng hay thất vọng về mình. Nhưng rồi tôi nghĩ: mình có gia đình, có bạn bè, thầy cô – đấy là những người gần gũi, Nhưng rồi tôi nghĩ mình có gia đình, có bạn bè, thay cô – đây là những người gần gũi, yêu thương và có trách nhiệm với mình nên chắc chắn sẽ sẵn sàng giúp đỡ khi mình “kêu cứu”. Thế là tôi chia sẻ và luôn nhận được sự trợ giúp. Có chuyện, tôi kể
(Trang 80)
với bố, mẹ hoặc chị gái; có chuyện tôi chỉ nói được với bạn thân, cũng có việc, tôi tâm sự và hỏi ý kiến một thầy giáo, cô giáo mà mình yêu quý, tin tưởng. May mắn chưa gặp phải chuyện buồn nào quả nghiêm trọng, nhưng tôi biết, nếu cần, mình còn có thể tìm sự hỗ trợ từ các bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lí.
Nhấn mạnh cách giải quyết vấn đề. |
Trải nghiệm cũng cho tôi thấy, dù luôn có gia đình, bạn bè, thầy cô bên cạnh, thì “điểm tựa” quan trọng nhất vẫn là chính mình. Vì thế, trưởng thành từ nỗi buồn không thể thiếu đi tình yêu thương, sự tự tin và tự hào về bản thân. Hãy biết ân hận, xấu hổ khi làm điều sai trái nhưng cũng cần biết tin tưởng và tha thứ cho mình. Lúc phải thất vọng về mình, tôi luôn cố gắng nhớ lại những điều đúng đắn đã làm, những thành công, dù bé nhỏ, đã đạt được. Nó cho tôi niềm tin vào chính mình. Thay vì chán ghét bản thân, tôi cho mình cơ hội chuộc lỗi. Mỗi lúc có thêm một cảm xúc, suy nghĩ đúng đắn, làm thêm được một điều tốt đẹp, thì những ân hận, buồn bã, đau khổ trong lòng tôi vơi đi, tan dần. Yêu thương và tự hào về bản thân sẽ là “kháng thể” khiến cho nỗi buồn không bao giờ lấn át hoặc “hạ gục” được chúng ta!
Rút ra ý nghĩa cảu việc bàn luận về vấn đề. |
Với tôi, nỗi buồn không chỉ là “kẻ khó ưa”, “kẻ không mời đáng ghét” mà còn là người thầy có thể dạy cho ta những bài học, dẫu khắc nghiệt nhưng cần thiết cho sự trưởng thành. Trưởng thành qua nỗi buồn quả thực là một hành trình gian khó. Nhưng tôi tin rằng, với lòng can đảm, sự kiên trì cùng niềm tin vào bản thân, vào con người, chắc chắn chúng ta sẽ “chuyển hoá” được mọi nỗi buồn, biến chúng thành cơ hội để biến phát triển và hoàn thiện bản thân.
(Bài làm của học sinh, có chỉnh sửa)
Thực hành viết theo các bước
1. TRƯỚC KHI VIẾT
a) Lựa chọn đề tài
Mục đích viết Thuyết phục người đọc đồng tình với người viết về giải pháp giải quyết một vấn đề trong đời sống của lứa tuổi học sinh; từ đó có nhận thức và hành động đúng. Người đọc Những người quan tâm đến các vấn đề trong đời sống của lứa tuổi học sinh. |
Đề tài cho bài nghị luận về một vấn đề cần giải quyết trong đời sống rất phong phú, đa dạng. Em nên lựa chọn vấn đề mình thực sự quan tâm và có ý nghĩa với nhiều người, đồng thời phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Sau đây là một số đề tài gợi ý để em lựa chọn:
– Tình bạn khác giới ở tuổi học trò.
(Trang 81)
– Cách giải quyết mâu thuẫn, xung đột ở lứa tuổi học trò.
– Cách ứng xử khi xảy ra xung đột giữa các thế hệ trong gia đình.
– Cách sử dụng thời gian rảnh rỗi.
– Cách giải quyết khi bị tổn thương vì những thông tin sai lệch hay bình luận tiêu cực trên mạng xã hội.
b. Tìm ý
Sau khi xác định được đề tài, em hãy tìm ý bằng cách trả lời các câu hỏi sau:
– Vấn đề cần được giải quyết là gì?
Em xác định rõ vấn đề, nêu tầm quan trọng, sự cần thiết của việc giải quyết vấn đề đối với lứa tuổi học sinh hiện nay. Ví dụ, bài viết tham khảo bàn về nỗi buồn – một trạng thái cảm xúc quen thuộc, phổ biến, có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của con người nói chung, lứa tuổi học sinh nói riêng, nhất là trong tình trạng áp lực ngày càng tăng của cuộc sống hiện đại.
– Ý kiến của em về vấn đề như thế nào?
Muốn nêu ý kiến cá nhân, em cần hiểu rõ vấn đề phải giải quyết. Ví dụ, trong bài viết tham khảo, tác giả đã tập trung bàn luận về nỗi buồn nảy sinh từ sai lầm, thất bại, thất vọng,... – những điều dễ khiến con người rơi vào tình trạng chán nản, tuyệt vọng: tuy nhiên, khi vượt qua những thử thách đó, con người sẽ trưởng thành hơn.
– Có thể xuất hiện ý kiến nào trái ngược với quan điểm của người viết? Cần dùng những lí lẽ, bằng chứng nào để phản bác?
Việc dự kiến và đưa ra các ý kiến trái ngược thể hiện cái nhìn đa chiều, toàn diện của người viết về vấn đề đang bàn. Việc phản bác ý kiến trái chiều sẽ có tác dụng củng cố chắc chắn hơn quan điểm của người viết. Ở bài viết tham khảo, tác giả đưa ra các ý kiến trái chiều như: chia sẻ với người khác về nỗi buồn chẳng ích gì, có khi càng buồn hơn; giấu kín nỗi buồn khổ của mình có khi đã bị tổn thương hơn,...
– Cần có giải pháp nào để giải quyết vấn đề?
Vấn đề được bàn luận trong bài viết này đòi hỏi em phải đề xuất giải pháp dựa trên những hiểu biết về đời sống của lứa tuổi học sinh và những trải nghiệm của bản thân. Ví dụ, ở bài viết tham khảo, giải pháp được nêu là: khi con người rơi vào tình trạng buồn bã, đau khổ, cần can đảm đối diện với nó và tìm cách vượt lên, tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống cũng như tự tin vào chính mình, tìm kiếm sự giúp đỡ của những người có kinh nghiệm,...
c. Lập dàn ý
(Trang 82)
Dàn ý
– Mở bài: Giới thiệu vấn đề, nêu sự cần thiết phải bàn luận về vấn đề.
– Thân bài:
+ Triển khai các luận điểm thể hiện quan điểm của người viết xét trên từng khía cạnh của vấn đề.
• Luận điểm 1 (khía cạnh thứ nhất): Nêu lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ.
• Luận điểm 2 (khía cạnh thứ hai): Nêu lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ.
• Luận điểm 3 (khía cạnh thứ ba): Nêu lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ.
• ...
+ Nêu ý kiến trái chiều và phản bác ý kiến đó.
+ Đề xuất giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề.
– Kết bài: Khẳng định tầm quan trọng của việc nhận thức đúng và giải quyết hiệu quả vấn đề nêu ra.
2. VIẾT BÀI
Khi viết bài, em cần chú ý:
– Tạo sự gần gũi giữa người viết và người đọc, coi vấn đề được đặt ra trong bài có thể là vấn đề chung mà cả người viết và người đọc đều cần phải quan tâm giải quyết.
– Hệ thống luận điểm cần chặt chẽ; lí lẽ cần sáng rõ, hợp lí; bằng chứng cần đầy đủ, đa dạng (có sự kết hợp của nhiều loại bằng chứng: trải nghiệm của bản thân, sự thật mà người đọc có thể kiểm chứng, số liệu thống kê, ý kiến của chuyên gia, kết quả nghiên cứu khoa học,...).
– Khi phản bác những ý kiến trái chiều, cần sử dụng lời lẽ và giọng điệu đúng mực.
3. CHỈNH SỬA BÀI VIẾT
Đối chiếu bài viết của em với các yêu cầu của kiểu bài nghị luận về một vấn đề cần giải quyết; từ đó, xác định những nội dung cần chỉnh sửa để hoàn thiện bài viết. Việc chỉnh sửa cần bám sát những tiêu chí cơ bản sau:
– Vấn đề cần giải quyết được nêu một cách rõ ràng, đầy đủ.
– Hệ thống luận điểm chặt chẽ, lí lẽ xác đáng, bằng chứng đầy đủ.
– Giải pháp để giải quyết vấn đề hợp lí, khả thi, có sức thuyết phục.
– Bài viết không mắc lỗi chính tả, diễn đạt, ngữ pháp, liên kết và mạch lạc.