(Trang 104)
Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện)
Trong bài 1 và bài 3, em đã được khám phá vẻ đẹp của truyện truyền kì và truyện thơ Nôm. Ở những lớp trước, em cũng đã được học nhiều tác phẩm truyện hiện đại. Phần Viết của bài học này sẽ hướng dẫn em cách viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm truyện, trên cơ sở đó, em được củng cố tri thức về thể loại, đồng thời tiếp tục rèn luyện nhằm nâng cao kĩ năng phân tích tác phẩm văn học.
Yêu cầu:
• Giới thiệu khái quát tác phẩm truyện cần phân tích (nhan đề, tác giả, thể loại), nêu nhận xét chung của người viết về tác phẩm.
• Làm rõ được nội dung chủ đề của tác phẩm.
• Phân tích được những nút đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm truyện (cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật kể chuyện, không gian và thời gian, ngôn ngữ người kể chuyện, ngôn ngữ đối thoại và độc thoại của nhân vật,...); tập trung vào một số yếu tố nghệ thuật nổi bật của tác phẩm.
• Triển khai hệ thống luận điểm chặt chẽ; sử dụng lí lẽ thuyết phục, bằng chứng xác đáng để làm sáng tỏ ý kiến nêu trong bài viết.
• Khẳng định được ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.
Phân tích bài viết tham khảo
Nốt nhạc trầm trên đỉnh non cao
Giới thiệu và nêu nhận xét khái quát về tác phẩm. |
Nguyễn Thành Long (1925 – 1991) là nhà văn có sở trưởng về truyện ngắn và bút kí. Sáng tác của ông ghi được dấu ấn trong lòng người đọc bởi sự nhẹ nhàng, trong trẻo mà sâu lắng, bởi tình yêu và sự gắn bó thiết tha với đất nước, con người. Lặng lẽ Sa Pa - một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của ông - được hoàn thành sau chuyến đi thực tế Lào Cai năm 1970, thuộc mảng đề tài cuộc sống và con người miền Bắc trong công cuộc lao động và dựng xây đất nước. Truyện có sức hấp dẫn bởi tình huống truyện độc đáo, nhân vật được xây dựng bằng bút pháp lí tưởng hoá, không khí truyện thấm đẫm chất thơ, ẩn chứa những thông điệp sâu xa.
(Trang 105)
Phân tích nội dung chủ đề của tác phẩm. |
Sự cống hiến, hi sinh lặng thầm của những con người lao động nhỏ bé, bình dị là chủ đề nổi bật của Lặng lẽ Sa Pa. Chủ đề ấy được thể hiện qua một số nhân vật, trong đó rõ nét nhất là hình tượng anh thanh niên. Đó là một chàng trai 27 tuổi, sống và làm việc trong hoàn cảnh khắc nghiệt: một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2 600 mét, quanh năm chỉ có cây cỏ với mây mù. Không phải công việc, mà chính nỗi cô đơn mới là thử thách khó vượt qua nhất với anh. Chi tiết anh thanh niên lăn cây chặn đường để có thể gặp được bất cứ ai cho vơi bớt nỗi “thèm người” đã gây cho người đọc ấn tượng thật khó quên ngay khi nhân vật mới được giới thiệu.
Bằng việc chọn lựa các chi tiết đắt giá, nhà văn đã làm nổi bật những phẩm chất tốt đẹp nơi anh: tinh thần trách nhiệm, lí tưởng sống cao đẹp và thái độ sống tích cực trước gian khổ, khó khăn. Mưa tuyết dữ dội lúc 1 giờ sáng không làm anh bỏ cuộc. Sự yên lặng đáng sợ của non cao không khuất phục được anh. Đó là bởi anh ý thức sâu sắc ý nghĩa công việc mình làm. Nó giải toả nỗi cô đơn của anh. Nó giúp anh hiểu công việc chính là sợi dây vô hình kết nối giữa anh và đồng đội, khiến anh cảm thấy sống “thật hạnh phúc” bởi được góp sức vào sự nghiệp chung.
Dưới ngòi bút của Nguyễn Thành Long, anh thanh niên còn là người biết tổ chức cuộc sống. “Thế giới” sống của anh gắn với vườn hoa, với một khung cảnh sinh hoạt ngăn nắp, những trang sách như từng ô cửa kết nối anh với thế giới bên ngoài đỉnh Yên Sơn bốn mùa mây phủ. Trong cư xử với mọi người, anh cũng rất ấm áp, chân tình. Từ việc tặng củ tam thất cho vợ bác lái xe, cắt hoa tặng cô kĩ sư, đến việc từ chối khi người hoạ sĩ muốn kí hoạ chân dung của mình,... tất cả cho thấy sự ân cần, chu đáo và khiêm tốn của một chàng trai trẻ.
Có thể nói, những nhân vật như anh thanh niên, ông kĩ sư vườn rau, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét đã giúp Nguyễn Thành Long làm sáng tỏ chủ đề của tác phẩm. Câu chuyện về họ khiến người ta hiểu hơn về cái “lặng lẽ” của Sa Pa. Sa Pa lặng lẽ đâu chỉ bởi “những dinh thự cũ kĩ” mà chỉ nghe tên người ta đã “nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi”. Cái lặng lẽ của Sa Pa là giai âm của những nốt nhạc trầm trên đỉnh non cao, nó hoà vào bài ca lao động dựng xây đất nước trong một giai đoạn đầy khó khăn, thử thách.
Bên cạnh chủ đề về lẽ sống, truyện còn thể hiện những suy ngẫm của nhà văn về giới hạn của nghệ thuật trước cuộc đời. Đứng trước anh thanh niên, người hoạ sĩ cảm thấy rõ “sự bất lực của nghệ thuật”. Những suy tư của ông: Làm thế nào “cho người xem hiểu được anh ta, mà không phải hiểu như một ngôi sao xa? Và làm thế nào đặt được chính tấm lòng của nhà hoạ sĩ vào giữa bức tranh đó?”... chính là những trăn trở về việc làm sao để thể hiện được một cách chân thật nhất vẻ đẹp của những con người
(Trang 106)
bình dị quanh mình, kéo nghệ thuật lại gần hơn với đời sống. Chất liệu của sáng tác đã có, nhưng để “hoàn thành được sáng tác”, người nghệ sĩ còn cần có tài năng và trái tim ấm nóng tình người.
Phân tích những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm. |
Không chỉ mang thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn, Lặng lẽ Sa Pa còn hấp dẫn người đọc bởi nghệ thuật kể chuyện độc đáo. Nhà văn đã sáng tạo được tình huống truyện bất ngờ, ấy là cuộc gặp gỡ ngắn ngủi mà thú vị giữa người hoạ sĩ già, cô kĩ sư trẻ và anh thanh niên trong một chuyến đi qua Sa Pa. Tình huống ấy giống như một lát cắt, một khoảnh khắc đắt giá của đời sống, qua đó chân dung nhân vật được hiện hình sắc nét, tư tưởng của tác phẩm thấm vào người đọc một cách tự nhiên. Nghệ thuật tạo dựng không khí truyện cũng rất đáng chú ý. Tác phẩm được bao bọc trong không gian ngập tràn ánh sáng, đầy chất thơ. Không gian Sa Pa “bắt đầu với những rặng đào”, các đồng cỏ, để rồi mở ra một vùng thiên nhiên “đẹp lạ kì” với những cây thông “rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc”, những ngọn đèo “mạ bạc”, những rừng cây “hừng hực như một bỏ đuốc lớn” dưới mặt trời, những bông hoa muôn hồng ngàn tía “rực rỡ”. Phải là không gian đầy màu sắc và ánh sáng, thanh khiết và trong trẻo ấy mới có thể tương ứng và làm nền cho những con người lặng lẽ toả sáng giữa non cao. Ngôn ngữ tác phẩm cũng nhẹ nhàng, tinh tế, đầy chất trữ tình. Những từ ngữ như “lặng lẽ”, “im lặng”, “lặng yên” được lặp lại nhiều lần là có dụng ý. Chúng vừa thể hiện được không khí lặng lẽ, mơ màng của cảnh vật, vừa diễn tả được những khoảng trầm tư của lòng người và khắc sâu hơn sự hi sinh âm thầm của những con người đang sống và làm việc nơi đây. Không đặt tên cho các nhân vật cũng là một dụng ý nghệ thuật của Nguyễn Thành Long. Dường như với ông, họ là những con người bình dị như bao người giữa cuộc đời này, “Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất Nước” (Nguyễn Khoa Điềm). Nhìn sâu hơn, trong những nhân vật mang tính chất “vô danh” ấy, chỉ có anh thanh niên không được xưng hô bằng những từ ngữ gắn với nghề nghiệp đặc thù. Phải chăng, khi gọi nhân vật là “anh thanh niên”, nhà văn muốn nhấn mạnh hơn, tập trung hơn vào sự cống hiến của thế hệ trẻ, của tuổi trẻ trong sự nghiệp dựng xây đất nước? Điều này giúp tăng tính khái quát cho hình tượng nhân vật.
Khẳng định giá trị và ý nghĩa của tác phẩm. |
Có thể nói, Lặng lẽ Sa Pa là một truyện ngắn tiêu biểu, giàu sức gợi của Nguyễn Thành Long. Tuy đã ra đời cách đây hơn nửa thế kỉ, nhưng tác phẩm vẫn đem đến cho người đọc hôm nay nhiều rung cảm trước một lối văn nhẹ nhàng, trong sáng, thấm đượm chất trữ tình và những bài học, suy ngẫm về lí tưởng, lẽ sống.
(Nhóm biên soạn)
(Trang 107)
Thực hành viết theo các bước
TRƯỚC KHI VIẾT
Mục đích viết Phân tích để làm rõ chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm truyện. Người đọc Những người quan tâm đến thể loại truyện và có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn về tác phẩm được phân tích. |
a. Lựa chọn đề tài
Trong chương trình Ngữ văn cấp Trung học cơ sở, em đã được học nhiều tác phẩm truyện, từ truyện truyền kì, truyện thơ Nôm đến truyện ngắn hiện đại. Hãy lựa chọn một tác phẩm mà mình yêu thích để phân tích. Em có thể phân tích toàn bộ tác phẩm, hoặc chỉ lựa chọn một đoạn trích, một khía cạnh tiêu biểu. Các tác phẩm truyện thơ Nôm thường có dung lượng tương đối dài, bởi vậy em nên lựa chọn trích đoạn biểu đạt một nội dung trọn vẹn, có độ dài vừa phải. Chẳng hạn, với Truyện Kiều, em có thể phân tích đoạn miêu tả vẻ đẹp của chị em Thuý Kiều, đoạn Kiều thề nguyền cùng Kim Trọng, đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích hay đoạn Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều,... Đối với những tác phẩm truyện truyền kì hay truyện ngắn hiện đại có dung lượng vừa phải, em có thể phân tích trọn vẹn tác phẩm hoặc lựa chọn một khía cạnh tiêu biểu để phân tích, chẳng hạn: bi kịch của người phụ nữ trong Chuyện người con gái Nam Xương hoặc hình tượng các cô gái thanh niên xung phong trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi,.
b. Tìm ý
Để tìm ý cho bài văn phân tích một tác phẩm truyện, em cần đặt ra và trả lời các câu hỏi như:
- Nội dung chủ đề của tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) là gì? Có thể phân tích chủ đề ấy như thế nào?
Làm rõ chủ đề là một yêu cầu cơ bản của bài văn phân tích tác phẩm truyện. Theo bài viết tham khảo, chủ đề của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa là sự cống hiến và hi sinh thầm lặng của những con người nhỏ bé, bình dị. Từ đó, bài viết phân tích chủ đề qua hình tượng anh thanh niên – nhân vật chính của tác phẩm. Bài viết tham khảo cũng phân tích một nội dung chủ đề khác của truyện là những trăn trở, suy ngẫm của nhà văn về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời.
- Tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) có những nét đặc sắc gì về nghệ thuật? Những nét đặc sắc đó đem đến hiệu quả thẩm mĩ như thế nào?
Bên cạnh đặc trưng chung của thể loại truyện, mỗi tác phẩm ra đời trong các thời kì khác nhau, thuộc các thể loại truyện khác nhau sẽ có những đặc điểm riêng. Với truyện truyền kì, khi phân tích đặc sắc về hình thức nghệ thuật, em cần chú ý các yếu tố cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, không gian, thời gian nghệ thuật, chi tiết,...
(Trang 108)
đặc biệt là tác dụng của các yếu tố kì ảo. Với truyện thơ Nôm, em cần tập trung làm rõ sự kết hợp giữa yếu tố tự sự với yếu tố trữ tình. Đối với truyện ngắn hiện đại, em cần chú ý đến các vấn đề như ngôi kể, cốt truyện, ngôn ngữ, nghệ thuật kể chuyện mang đặc trưng của thời hiện đại,... Em không nhất thiết phải phân tích tất cả các nét đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm, mà nên đi sâu khai thác những yếu tố tiêu biểu, hơn nữa cần chú ý làm nổi bật những yếu tố thể hiện đặc trưng thể loại. Bài viết tham khảo đã lựa chọn phân tích hiệu quả thẩm mĩ của tình huống truyện, nghệ thuật tạo dựng không khí truyện, ngôn ngữ và nghệ thuật xây dựng nhân vật.
- Tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) có giá trị, ý nghĩa gì?
Sau khi phân tích, em cần nêu được thông điệp mà tác giả gửi gắm và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Bài viết tham khảo đã khái quát giá trị của tác phẩm, từ đó giúp người đọc hiểu hơn về sức hấp dẫn của Lặng lẽ Sa Pa.
c. Lập dàn ý
Em cần sắp xếp các ý đã tìm được thành một dàn ý chặt chẽ, hợp lí. Có thể tổ chức theo nhiều cách khác nhau (phân tách nội dung và nghệ thuật: phân tích nội dung trước, nghệ thuật sau hoặc ngược lại; phân tích theo các vấn đề chính trong tác phẩm truyện. Gợi ý:
Dàn ý
- Mở bài: Giới thiệu tác phẩm truyện và nêu ý kiến khái quát về tác phẩm.
- Thân bài:
+ Phân tích nội dung chủ đề của tác phẩm truyện (phân tích hiện thực đời sống; hình tượng con người; tư tưởng, tình cảm của nhà văn;...), có lí lẽ và bằng chứng.
+ Phân tích những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm (cốt truyện, ngôi kể, tình huống, nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôn ngữ, không gian, thời gian,...) và hiệu quả thẩm mĩ của nó, có lí lẽ và bằng chứng.
- Kết bài: Khẳng định ý nghĩa, giá trị của tác phẩm truyện.
2. VIẾT BÀI
- Triển khai bài viết trên cơ sở dàn ý đã lập. Tuy vậy, nội dung bài viết có thể có thay đổi so với dàn ý nếu cần thiết.
- Chú ý đảm bảo yêu cầu của kiểu bài nghị luận phân tích tác phẩm văn học, bám sát đặc trưng thể loại truyện:
+ Tổ chức hệ thống luận điểm hợp lí, mỗi luận điểm cần được phân tích, chứng minh bằng các lí lẽ và bằng chứng thuyết phục, tránh kể lại văn bản.
+ Tập trung vào những nét nổi bật của tác phẩm, tạo điểm nhấn cho bài viết.
3. CHỈNH SỬA BÀI VIẾT
Đọc lại bài viết, căn cứ vào yêu cầu của bài văn phân tích một tác phẩm truyện và dàn ý đã lập để chỉnh sửa các phần. Việc chỉnh sửa cần chú ý các vấn đề sau:
- Nếu thiếu các thông tin giới thiệu tác giả, tác phẩm (đoạn trích) thì cần bổ sung.
- Nếu việc phân tích nội dung chủ đề và các yếu tố nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm chưa đủ rõ, chưa chính xác thì cần chỉnh sửa.
- Nếu các luận điểm chưa chặt chẽ, lí lẽ và bằng chứng chưa đạt yêu cầu, thiếu sức thuyết phục thì cần chỉnh sửa.
- Điều chỉnh dung lượng các ý để đảm bảo bài viết có bố cục hợp lí.
- Rà soát và chỉnh sửa lỗi chính tả, diễn đạt để đảm bảo chuẩn mực về ngôn ngữ.