VĂN BẢN
(Tự học có hướng dẫn)
MÃ GIÁM SINH MUA KIỀU
(Trích Truyện Kiều)
Gần miền có một mụ nào,
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh(1).
Hỏi tên, rằng : "Mã Giám Sinh"(2),
Hỏi quê, rằng :"Huyện Lâm Thanh cũng gần".
Quá niên trạc ngoại tứ tuần(3),
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.
Trước thầy sau tớ lao xao,
Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang.
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng,
Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra.
Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng !
Ngại ngùng dợn gió(4) e sương,
Ngừng(5) hoa bóng thẹn trong gương mặt dày.
Mối càng vén tóc bắt tay,
Nét buồn như cúc điệu gầy như mai(6).
Đắn đo cân sắc cân tài,
Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ(7).
Mặn nồng một vẻ một ưa,
Bằng lòng khách mới tuỳ cơ dặt dìu.
Rằng :"Mua ngọc đến Lam Kiều(8),
Sính nghi(9) xin dạy bao nhiêu cho tường?"
Mối rằng : "Giá đáng nghìn vàng,
Dớp nhà(10) nhờ lượng người thương dám nài !"
Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vâng(11) ngoài bốn trăm.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều, Sđd)
Chú thích
Vị trí đoạn trích : Đoạn trích nằm ở đầu phần thứ hai (Gia biến và lưu lạc). Sau khi gia đình Kiều bị vu oan, Kiều quyết định bán mình để lấy tiền cứu cha và gia đình khỏi tai hoạ. Đoạn này nói về việc Mã Giám Sinh đến mua Kiều.
(Lưu ý : Sự việc ở đây xảy ra trước việc Kiều bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, nhưng vì là bài tự học có hướng dẫn nên người biên soạn đặt sau.)
(1) Viễn khách : khách ở xa đến. Vận danh : trong tục lệ hôn nhân ngày xưa, khi hai họ đã ưng thuận thì nhà trai phải tiến hành một loạt nghi lễ cho đến khi làm lễ cưới. Một trong những lễ ấy là vấn danh, tức lễ ăn hỏi (vấn danh là hỏi tên). Trong lễ ăn hỏi, nhà gái phải cho biết rõ tên tuổi người con gái. Đây dùng với nghĩa rộng là hỏi xin cưới.
(2) Mã Giám Sinh : giám sinh họ Mã. Giám sinh là tên gọi học trò ở Quốc tử giám, trường lớn ở kinh đô thời xưa. Giám sinh cũng có khi chỉ chức giám sinh người ta mua của triều đình.
(3) Tứ tuần : bốn mươi tuổi. Ý câu thơ : người đã đứng tuổi, ngoài bốn mươi.
(4) Dợn gió : có cảm giác sợ gió, ngại gió.
(5) Ngừng (tiếng cổ) : nhìn, ngắm.
(6) Hai hình ảnh dùng để tả người phụ nữ đẹp lúc buồn rầu.
(7) Ép cung cầm nguyệt : ép gảy đàn ; thử bài quạt thơ : thử tài làm thơ của Kiều khi yêu cầu nàng đề thơ trên quạt.
(8) Mua ngọc đến Lam Kiều : Lam Kiều là tên một cái cầu ở huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Huyện Lam Điền là nơi sản xuất ngọc quý. Câu này ý nói : đến đây cốt để mua được người đẹp.
(9) Sính nghi : đồ dẫn cưới. Theo tục lệ cũ, nhà gái buộc nhà trai phải đưa nhiều đồ lễ đến mới cho cưới, đồ lễ ấy gọi là đồ dẫn cưới.
(10) Dớp nhà : nhà gặp vận đen, nhà đang mắc gian truân.
(11) Chữ này, Đào Duy Anh trong quyển Từ điển Truyện Kiều (in lần thứ hai năm 1989) ở phần mục từ và phần văn bản đều in là vâng. Phần lớn các bản Kiều Nôm và các bản quốc ngữ cũng chép là vâng. Tuy nhiên, cũng có bản chép là vàng.
ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
1. Phân tích những nét về ngoại hình và tính cách để làm nổi bật bản chất xấu xa của Mã Giám Sinh.
(Gợi ý:
- Về ngoại hình, hành động : cách ăn mặc, cách nói năng, cử chỉ, thái độ,...
- Về bản chất, tính cách : tính chất bất nhân, tính chất con buôn vì tiền, sự giả dối,...)
2. Cảm nhận của em về hình ảnh Thuý Kiều ?
(Gợi ý :
- Tình cảnh tội nghiệp.
- Nỗi đau đớn, tái tê.)
3. Tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du thể hiện qua đoạn trích.
(Gợi ý :
- Nỗi đau đớn, xót xa trước tình cảnh con người bị hạ thấp, bị chà đạp.
- Sự khinh bỉ, căm phẫn sâu sắc bọn buôn người bất nhân, tàn bạo.)
Ghi nhớ Bằng việc miêu tả ngoại hình, cử chỉ và ngôn ngữ đối thoại để khắc hoạ tính cách nhân vật, tác giả đã bóc trần bản chất xấu xa, đê tiện của Mã Giám Sinh, qua đó lên án những thế lực tàn bạo chà đạp lên sắc tài và nhân phẩm của người phụ nữ. |