VĂN BẢN
KHÚC HÁT RU NHỮNG EM BÉ
LỚN TRÊN LƯNG MẸ
Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội
Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng
Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời :
– Ngủ ngoan a-kay(1) ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi
Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội
Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần
Mai sau con lớn vung chày lún sân...
Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-lưi(2)
Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ
Em ngủ ngoan em đừng làm mẹ mỏi
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng
- Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi
Mẹ thương a-kay, mẹ thương làng đói
Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều
Mai sau con lớn phát mười Ka-lưi...
Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan, đừng rời lưng mẹ
Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng
Thằng Mĩ đuổi ta phải rời con suối
Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông
Mẹ địu em đi để giành trận cuối
Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường
Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn
– Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi
Mẹ thương a-kay, mẹ thương đất nước
Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ
Mai sau con lớn làm người Tự do...
25 - 3 - 1971
(Nguyễn Khoa Điềm(⁎), Đất và khát vọng,
NXB Văn học, Hà Nội, 1984)
Chú thích
(*) Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943 trong một gia đình trí thức cách mạng, quê ở làng An Cựu, xã Thuỷ An, thành phố Huế. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, Nguyễn Khoa Điềm về quê hương miền Nam tham gia chiến đấu. Ông thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc. Nguyễn Khoa Điềm là Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam khoá V, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khoá IX, Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương. Năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác năm 1971, khi đang công tác ở chiến khu miền tây Thừa Thiên.
(1) A-kay : con (tiếng dân tộc Tà-ôi, một dân tộc thiểu số ở vùng núi tây Thừa Thiên).
(2) Ka-lưi : tên một ngọn núi ở vùng tây Thừa Thiên.
ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
1. Bài thơ là lời hát ru những em bé dân tộc Tà-ôi "lớn trên lưng mẹ" ở vùng chiến khu Trị – Thiên khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra quyết liệt. Lời hát ru có ba khúc, mỗi khúc có hai khổ và đều mở đầu bằng hai câu : "Em cu Tai... đừng rời lưng mẹ" rồi kết thúc bằng lời ru trực tiếp của người mẹ : "Ngủ ngoan a-kay ơi.." (bốn câu). Từng lời ru trực tiếp của người mẹ được ngắt nhịp đều đặn ở giữa dòng thơ. Theo em, cách lặp đi lặp lại, cách ngắt nhịp như thế có tác dụng tạo nhịp điệu như thế nào cho lời ru, có liên quan gì đến nội dung tình cảm của bài thơ ?
2. Phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi trong bài thơ. (Gợi ý : Qua từng đoạn thơ, người mẹ được miêu tả trong những công việc gì, hoàn cảnh nào ? Tìm những chi tiết, hình ảnh thể hiện sự vất vả, gian khổ của người mẹ ở chiến khu.)
3. Em hiểu như thế nào về hai câu thơ : "Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi – Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng" ? Phân tích tình cảm của người mẹ đối với con ở câu thơ thứ hai.
4. Qua các khúc ru, em cảm nhận tình cảm của người mẹ đối với con như thế nào ? Nhận xét về mối liên hệ giữa lời ru trực tiếp của người mẹ với hoàn cảnh, công việc mà mẹ đang làm ở từng đoạn thơ, về sự phát triển của tình cảm và ước vọng của người mẹ qua ba khúc ru.
5. Em thấy tình yêu thương con của người mẹ gắn với những tình cảm gì ? Em hiểu thế nào về những ước mong, ý chí của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ được thể hiện trong các khúc ru ?
Ghi nhớ Trong gian nan, vất vả của cuộc sống ở chiến khu, người mẹ càng dành cho con tình yêu thương thắm thiết, càng ước mong con mau lớn khôn, khoẻ mạnh, trở thành công dân của một đất nước tự do. Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện tình yêu thương con gắn với lòng yêu nước, với tinh thần chiến đấu của người mẹ miền tây Thừa Thiên qua Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ mang giọng điệu ngọt ngào, trìu mến. |
LUYỆN TẬP
Nhận xét về ý nghĩa của yếu tố miêu tả trong bài thơ đối với việc thể hiện cuộc sống của người dân ở chiến khu Trị – Thiên thời chống Mĩ.