I – TẠO TỪ NGỮ MỚI
1. Hãy cho biết trong thời gian gần đây có những từ ngữ nào mới được cấu tạo trên cơ sở các từ sau : điện thoại, kinh tế, di động, sở hữu, tri thức, đặc khu, trí tuệ. Giải thích nghĩa của những từ ngữ mới cấu tạo đó.
Mẫu: điện thoại di động, sở hữu trí tuệ.
2. Trong tiếng Việt có những từ được cấu tạo theo mô hình x+ tặc (như không tặc, hải tặc,...). Hãy tìm những từ ngữ mới xuất hiện cấu tạo theo mô hình đó.
Ghi nhớ Tạo từ ngữ mới để làm cho vốn từ ngữ tăng lên cũng là một cách để phát triển từ vựng tiếng Việt. |
II – MƯỢN TỪ NGỮ CỦA TIẾNG NƯỚC NGOÀI
1. Hãy tìm những từ Hán Việt trong hai đoạn trích sau đây :
a) Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.
Gần xa nô nức yên anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quân như nêm.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
b) Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diêu quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ
(Nguyễn Dữ, Chuyện người con gái Nam Xương)
2. Tiếng Việt dùng những từ nào để chỉ những khái niệm sau :
a) Bệnh mất khả năng miễn dịch, gây tử vong;
b) Nghiên cứu một cách có hệ thống những điều kiện để tiêu thụ hàng hoá, (chẳng hạn nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của khách hàng...).
Những từ này có nguồn gốc từ đâu ?
Ghi nhớ Mượn từ ngữ của tiếng nước ngoài cũng là một cách để phát triển từ vựng tiếng Việt. Bộ phận từ mượn quan trọng nhất trong tiếng Việt là từ mượn tiếng Hán. |
III – LUYỆN TẬP
1. Tìm hai mô hình có khả năng tạo ra những từ ngữ mới như kiểu x + tặc ở trên (mục I.2).
2. Tìm năm từ ngữ mới được dùng phổ biến gần đây và giải thích nghĩa của những từ ngữ đó.
3. Dựa vào những kiến thức đã học ở lớp 6 (bài Từ mượn, trong Ngữ văn 6, tập một, tr. 24) và lớp 7 (bài Từ Hán Việt, trong Ngữ văn 7, tập một, tr. 69 và 81), hãy chỉ rõ trong những từ sau đây, từ nào mượn của tiếng Hán, từ nào mượn của các ngôn ngữ châu Âu : mãng xà, xà phòng, biên phòng, ô tô, tham ô, tô thuế, ra-đi-ô, ô xi, cà phê, phê bình, phê phán, ca nô, ca sĩ, nô lệ.
4. Nêu vắn tắt những cách phát triển từ vựng và thảo luận vấn đề : Từ vựng của một ngôn ngữ có thể không thay đổi được không ?
ĐỌC THÊM
(1) Tiếng ta phải có những đổi mới, đó là điều tất yếu, vì đời sống tư tưởng và tình cảm ngày nay, nhất là trong lĩnh vực khoa học và kĩ thuật có nhiều cái mới. Tiếng ta phải phát triển. Tất cả vấn đề là làm sao đảm bảo sự phát triển này diễn ra một cách vững chắc trên cơ sở vốn cũ của tiếng ta, làm cho tiếng ta ngày thêm giàu, nhưng vẫn giữ được phong cách, bản sắc, tinh hoa của nó. Như vậy tức là giữ gìn sự trong sáng của tiếng ta.
(Theo Phạm Văn Đồng, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt,
trong sách cùng tên, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1977)
(2) Khi bàn về việc mượn tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Hán, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói rõ phạm vi những từ cần mượn. Về điểm này chúng tôi thấy trong những lời dạy của Người có hai ý quan trọng :
Một là, ta chỉ mượn tiếng nước ngoài khi "chữ ta không có sẵn”. Như thế tức là khi có những sự vật, những khái niệm mới cần được gọi tên, được biểu đạt, nhưng trong tiếng Việt còn thiếu những từ cần thiết và thích hợp, thì chúng ta phải mượn tiếng nước ngoài, như một số thuật ngữ khoa học chẳng hạn. Trong bài nói chuyện với các văn nghệ sĩ năm 1960, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói : "Về các môn khoa học khác : khoa học, kĩ thuật, kinh tế học, triết học, thì tiếng ta còn nghèo, phải dùng chữ nước ngoài, nhưng chỉ nên dùng danh từ gì thật cần thiết và tiếng ta không có”.
Hai là, ta chỉ mượn những từ “khó dịch đúng” sang tiếng ta hoặc trong tiếng ta "không có chữ gì dịch". Chúng tôi hiểu những từ "khó dịch đúng" là những từ khi chuyển sang tiếng Việt không giữ được nguyên vẹn ý nghĩa hoặc màu sắc tu từ của chúng.
Căn cứ vào những ý kiến này, chúng tôi cho rằng chúng ta cần mượn và dùng những nhóm từ gốc Hán sau đây:
a) Những từ gốc Hán được mượn bằng cách dịch âm và giữ nguyên ý nghĩa khi trong tiếng Việt chưa có các từ tương ứng với chúng. Ví dụ : độc lập, du kích, đặc biệt, V.V...
b) Những từ gốc Hán có quan hệ đồng nghĩa với từ Việt, nhưng khác với từ Việt về màu sắc biểu cảm hoặc phong cách. Chúng không thể hoàn toàn thay thế nhau được. Ví dụ : chết – hi sinh, tạ thế ; đẻ - sinh ; v.v...
c) Những từ gốc Hán có quan hệ đồng nghĩa với từ Việt, nhưng khác với từ Việt về màu sắc ý nghĩa và cách dùng. Chúng không thể thay thế nhau trong mọi trường hợp. Ví dụ: phi – bay, niệm – đọc, v.v...
Việc mượn và dùng những từ gốc Hán thuộc ba nhóm trên đây đúng mức, đúng chỗ là cần thiết, vì nó làm cho tiếng nói của ta giàu có, tế nhị chứ không đơn điệu, nghèo nàn. Cho nên, chỉ mượn "những chữ ta không có sẵn và khó dịch đúng" là một nguyên tắc chính trong khi vay mượn tiếng nước ngoài.
(Theo Hoàng Văn Hành, Tìm hiểu những ý kiến
của Hồ Chủ tịch về việc mượn và dùng từ gốc Hán,
trong Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, Sđd)