(Trang 86)
Sau bài học này, em sẽ:
Trình bày được đặc điểm cơ bản, nhận biết được sự phù hợp của bản thân đối với một số ngành nghề phổ biến trong lĩnh vực kĩ thuật điện.
Quan sát Hình 17.1 và cho biết người làm nghề lắp đặt và sửa chữa điện cần có những đặc điểm gì? |
Hình 17.1. Nghề lắp đặt và sửa chữa thiết bị điện
1. Đặc điểm một số ngành nghề phổ biến trong lĩnh vực kĩ thuật điện
Kĩ thuật điện là lĩnh vực rất quan trọng, liên quan đến điện, điện tử đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Những nghề nghiệp trong lĩnh vực kĩ thuật điện thường gắn liền với việc sản xuất, phân phối và sử dụng năng lượng điện.
KHÁM PHÁ
Hãy chỉ ra trong những nghề dưới đây, nghề nào thuộc lĩnh vực kĩ thuật điện?
Kĩ sư môi trường | Thợ lắp đặt và sửa chữa thiết bị điện | Kĩ thuật viên siêu âm |
Thợ kim hoàn | Kiểm soát viên không lưu | Kĩ sư luyện kim |
Kĩ thuật viên kết cấu | Kĩ sư điện | Kĩ thuật viên máy tự động |
Thợ lắp ráp và thợ nối cáp | Kĩ sư máy tính | Kĩ thuật viên kĩ thuật điện |
Ở Việt Nam, lĩnh vực kĩ thuật điện có một số nghề nghiệp phổ biến như kĩ sư điện, kĩ thuật viên kĩ thuật điện, thợ lắp đặt và sửa chữa thiết bị điện,...
(Trang 87)
Bảng 17.1. Giới thiệu khái quát đặc điểm một số ngành nghề phổ biến thuộc lĩnh vực kĩ thuật điện.
STT | Ngành nghề | Đặc điểm ngành nghề |
1 | Kĩ sư điện | Tiến hành nghiên cứu, tư vấn, thiết kế, chỉ đạo xây dựng và vận hành hệ thống điện, linh kiện, động cơ và thiết bị; tư vấn và chỉ đạo vận hành bảo trì và sửa chữa; nghiên cứu và tư vấn về các khía cạnh công nghệ của vật liệu, sản phẩm kĩ thuật điện và các quy trình. Ví dụ về các nghề cụ thể: kĩ sư điện; kĩ sư sản xuất điện; kĩ sư cơ điện. |
2 | Kĩ thuật viên kĩ thuật điện | Thực hiện các nhiệm vụ kĩ thuật để hỗ trợ nghiên cứu kĩ thuật điện và thiết kế, sản xuất, lắp ráp, xây dựng, vận hành, bảo trì và sửa chữa thiết bị điện, cơ sở và hệ thống phân phối. Ví dụ về các nghề cụ thể: kĩ thuật viên kĩ thuật điện; kĩ thuật viên kĩ thuật truyền tải điện. |
3 | Thợ lắp đặt và sửa chữa thiết bị điện | Lắp đặt, bảo trì hệ thống dây điện, máy móc điện, các thiết bị điện, đường dây và dây cáp cung cấp và truyền tải điện. Ví dụ về các nghề cụ thể: thợ lắp ráp điện, thợ sửa chữa điện gia dụng, thợ lắp đặt đường dây điện... |
(Nguồn: Quyết định số 34/2020/QĐ-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam)
KHÁM PHÁ
So sánh sự khác nhau về đặc điểm của một số ngành nghề thuộc lĩnh vực kĩ thuật điện trong Bảng 17.1.
2. Một số yêu cầu đối với người lao động trong lĩnh vực kĩ thuật điện
KHÁM PHÁ
Nêu một số yêu cầu đối với người lao động trong lĩnh vực kĩ thuật điện.
Những người lao động trong ngành nghề thuộc lĩnh vực kĩ thuật điện cần đáp ứng một số yêu cầu về phẩm chất và năng lực như sau:
- Về phẩm chất: cẩn thận, chăm chỉ, trách nhiệm; yêu thích công việc, đam mê kĩ thuật; có tinh thần hợp tác; có ý thức tuân thủ tuyệt đối an toàn lao động,...
- Về năng lực: có kiến thức chuyên môn; có sức khoẻ, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, chịu được áp lực và cường độ làm việc cao; có khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm; có các kĩ năng như: phân tích, tổng hợp, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, tổ chức quản lí công việc;... Mỗi ngành nghề thuộc lĩnh vực kĩ thuật điện sẽ có những yêu cầu riêng về năng lực (Bảng 17.2).
(Trang 88)
Bảng 17.2. Yêu cầu về năng lực đối với một số ngành nghề thuộc lĩnh vực kĩ thuật điện
Ngành nghề | Yêu cầu về năng lực |
Kĩ sư điện | Có trình độ chuyên môn sâu tương ứng với trình độ đại học; có sức khoẻ, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, chịu được áp lực và cường độ làm việc cao; có khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm; có các kĩ năng như: phân tích, tổng hợp, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, tổ chức quản lí công việc... |
Kĩ thuật viên kĩ thuật điện | Có trình độ chuyên môn bậc trung tương ứng với trình độ trung cấp hoặc cao đẳng; có sức khoẻ, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, chịu được áp lực và cường độ làm việc cao; có khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm; có các kĩ năng như: phân tích, tổng hợp, giải quyết vấn đề, tổ chức quản lí công việc... |
Thợ lắp đặt và sửa chữa thiết bị điện | Có trình độ chuyên môn nhất định tương đương sơ cấp; có sức khoẻ, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát; có khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm; có kĩ năng giải quyết vấn đề, tổ chức quản lí công việc,.... |
LUYỆN TẬP
Với mỗi yêu cầu của nghề ở cột bên trái, hãy xác định nội dung mô tả yêu cầu tương ứng ở cột bến phải trong Bằng 17.3.
Bảng 17.3. Mô tả một số yêu cầu đối với người lao động trong lĩnh vực kĩ thuật điện
Tên yêu cầu | Nội dung mô tả yêu cầu |
A. Kiến thức chuyên môn. | 1. Có khả năng tổ chức, quản lí và phân công công việc phù hợp. |
B. Kĩ năng cập nhật kiến thức | 2. Có khả năng linh hoạt, nhạy bén phát hiện và chủ động chuyên môn xử lí, giải quyết vấn đề liên quan đến hệ thống điện, các thiết bị điện. |
C. Kĩ năng phân tích, tổng hợp số liệu | 3. Có thể đưa ra một số giải pháp, đề xuất phương án, sáng tạo đổi mới, nhằm cải thiện hệ thống, quy trình sử dụng điện và các thiết bị điện. |
D. Kĩ năng tư duy sáng tạo | 4. Có thể tiếp thu, cập nhật những kiến thức chuyên môn liên quan để đáp ứng yêu cầu công việc. |
E. Kĩ năng giải quyết vấn đề | 5. Có thể thiết lập, xây dựng, dự trù kế hoạch cải thiện, đổi mới hệ thống điện, thiết bị điện dựa trên việc phân tích và tổng hợp các số liệu liên quan. |
G. Kĩ năng tổ chức quản lí công việc | 6. Có kiến thức chuyên môn liên quan đến kĩ thuật điện, điện tử. |
(Trang 89)
3. Tìm hiểu về sự phù hợp của bản thân với ngành nghề trong lĩnh vực kĩ thuật điện
Căn cứ vào những sở thích và khả năng của mình, mỗi người có thể tìm hiểu về sự phù hợp của bản thân với những ngành nghề trong lĩnh vực kĩ thuật điện.
KHÁM PHÁ
Từ Bảng 17.4, khi xem xét về sự phù hợp của bản thân với những ngành nghề trong lĩnh vực kĩ thuật điện, cần tìm hiểu những sở thích và khả năng gì?
Bảng 17.4. Tìm hiểu về sự phù hợp của bản thân đáp ứng với ngành nghề trong lĩnh vực kĩ thuật điện
Sở thích | Khả năng |
- Về nghề thuộc lĩnh vực kĩ thuật điện: + Có quan tâm và muốn tìm hiểu về nghề nào không? + Có muốn theo đuổi nghề nào không? - Về những nhiệm vụ của những nghề thuộc lĩnh vực kĩ thuật điện: + Có thấy hoạt động nào đáng làm không? + Có thích làm, có hứng thú để làm một hoạt động nào không? + Có thích nghiên cứu, tìm hiểu nhiều hơn về hoạt động nào không?
| - Về khả năng đáp ứng yêu cầu chuyên môn với nghề thuộc lĩnh vực kĩ thuật điện: + Có thể thực hiện tốt hoạt động liên quan đến kĩ thuật điện không? + Có dễ dàng trình bày về các vấn đề liên quan đến kĩ thuật điện không? + Có năng khiếu học tập, tìm hiểu về các nội dung liên quan đến kĩ thuật điện không? - Về những kĩ năng cần thiết đối với nghề thuộc lĩnh vực kĩ thuật điện: + Có kĩ năng phân tích, tổng hợp không? + Có kĩ năng tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề không? + Có kĩ năng tổ chức, quản lí công việc không?
|
LUYỆN TẬP
Dựa vào một số gợi ý trong Bảng 17.5 dưới đây, hãy lập bảng liệt kê những sở thích và khả năng của bản thân có thể phù hợp đối với ngành nghề trong lĩnh vực kĩ thuật điện.
(Trang 90)
Bảng 17.5. Một số gợi ý cụ thể để tìm hiểu về sở thích, khả năng của bản thân phù hợp đối với ngành nghề trong lĩnh vực kĩ thuật điện
Một số sở thích, khả năng phù hợp với ngành nghề trong lĩnh vực kĩ thuật điện | Có | Không | |
Sở thích | Có quan tâm hoặc muốn tìm hiểu về các nghề liên quan đến kĩ thuật điện không? | ? | ? |
Có thích và muốn tương lai sẽ làm một nghề nghiệp cụ thể thuộc lĩnh vực kĩ thuật điện không? | ? | ? | |
Sở thích | Có thích quan sát, tìm hiểu về cách sử dụng và sửa chữa các đồ dùng điện trong gia đình không? | ? | ? |
Có thấy các hoạt động lắp ráp mạch điện điều khiển là hữu ích hay không ? | ? | ? | |
Có hứng thú khi tham gia các hoạt động lắp ráp mạch điện điều khiển không? | ? | ? | |
Có thích tìm tòi, mở rộng các kiến thức liên quan và những ứng dụng của mạch điện, mạch điện điều khiển không? | ? | ? | |
Khả năng | Có sử dụng các đồ dùng điện trong gia đình đúng cách và an toàn không? | ? | ? |
Có hiểu và dễ dàng trình bày về các nội dung liên quan đến mạch điện, mạch điện điều khiển không? | ? | ? | |
Có lắp đặt được các mạch điện điều khiển đúng cách và an toàn không? | ? | ? | |
Có phân tích được mô đun cảm biến và mạch điện điều khiển sử dụng mô đun cảm biến không ? | ? | ? | |
Có đề xuất được phương án mới để ứng dụng cho các mạch điện sử dụng mô đun cảm biến trong gia đình mình không? | ? | ? | |
Có khả năng tổ chức, quản lí và phân công công việc phù hợp trong hoạt động nhóm không? | ? | ? |
VẬN DỤNG
Hãy tìm hiểu về công việc cụ thể của một người làm nghề trong lĩnh vực kĩ thuật điện ở khu vực nơi em sống và phân tích về sự phù hợp của bản thân đối với công việc đó.