(Trang 59)
- Tai nạn điện
- Biện pháp an toàn điện
- Sơ cứu người bị tai nạn điện
(Trang 60)
Sau bài học này, em sẽ:
Nhận biết được một số nguyên nhân gây tai nạn điện.
Tình huống trong Hình 11.1 có thể gây ra nguy hiểm gì với con người? Kể tên một số nguyên nhân gây tai nạn điện mà em biết. |
Hình 11.1. Sự cố đường dây điện
I. Khái quát về tai nạn điện
Điện năng có vai trò rất quan trọng trong đời sống và sản xuất. Tuy nhiên nếu thiếu hiểu biết về an toàn điện, không thực hiện các biện pháp an toàn điện thì có thể gây tai nạn cho con người.
KHÁM PHÁ
Người trong Hình 11.2 chạm vào vỏ máy giặt bị rò điện có bị điện giật không? Tại sao?
Hình 11.2. Tai nạn điện
Tai nạn điện là tai nạn xảy ra do tác động của dòng điện gây nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng của con người.
Khi có dòng điện đi qua cơ thể người sẽ làm cho cơ thể bị tổn thương, ban đầu là bắp thịt, cơ bị co quắp, sau đó có thể gây tê liệt tuần hoàn máu và hô hấp dẫn đến tử vong. Mức độ tác động của dòng điện lên cơ thể người sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như: độ lớn, thời gian tác động và đường đi của dòng điện qua cơ thể người.
(Trang 61)
II. Nguyên nhân gây ra tai nạn điện
KHÁM PHÁ
Quan sát Hình 11.3 và cho biết các nguyên nhân gây ra tai nạn điện.
a) | b) | c) |
Hình 11.3. Một số nguyên nhân gây ra tai nạn điện
Tai nạn điện thường xảy ra do ba nhóm nguyên nhân chính sau:
1. Tiếp xúc trực tiếp vào vật mang điện như dây điện trần, ổ điện, dây dẫn hỏng cách điện, các đồ dùng điện bị rò điện ra vỏ,... Để đảm bảo an toàn, tuyệt đối không chạm tay vào các vật mang điện nêu trên. Khi sửa chữa và thay thế mạng điện, cần ngắt cầu dao điện và sử dụng các dụng cụ an toàn điện.
2. Vi phạm khoảng cách bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Tiếp xúc gần với lưới điện cao áp sẽ xảy ra hiện tượng phóng điện trong không khí gây tai nạn điện cho con người. Để an toàn, không lại gần những nơi có điện áp cao.
3. Đến gần vị trí dây dẫn có điện bị rơi xuống đất. Khi đó, mặc dù không tiếp xúc trực tiếp với dây điện, nhưng vùng đất, nước xung quanh điểm chạm của dây có khả năng gây tai nạn điện cho con người. Để an toàn, tuyệt đối không lại gần các vị trí như trên. Khi cần sửa chữa, ngắt điện và sử dụng các dụng cụ an toàn điện.
(Trang 62)
LUYỆN TẬP
Sắp xếp các nguyên nhân gây tai nạn điện có trong Hình 11.3 vào các nhóm nguyên nhân chính.
Nghị định số 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định về khoảng cách bảo vệ an toàn lưới điện cao áp về chiều rộng và chiều cao (Bảng 11.1).
Bảng 11.1. Khoảng cách bảo vệ an toàn lưới điện cao áp
Điện áp | Đến 22 kV | 35 kV | 110 kV | 220 kV | 500 kV | |||||
Loại dây | Dây bọc | Dây trần | Dây bọc | Dây trần | Dây trần | |||||
Khoảng cách an toàn chiều rộng(m) | 1 | 2 | 1,5 | 3 | 4 | 6 | 7 |
Điện áp | 35 kV | 110 kV | 220 kV | 500 kV |
Khoảng cách an toàn thẳng đứng (m) | 2 | 3 | 4 | 6 |
Một số biển cảnh báo an toàn điện:
CẤM TRÈO ĐIỆN CAO ÁP NGUY HIỂM CHẾT NGƯỜI | CẤM ĐÓNG ĐIỆN CÓ NGƯỜI ĐANG LÀM VIỆC | CHÚ Ý! PHÍA TRÊN CÓ ĐIỆN |
(Nguồn: Thông tư 31/2014/TT-BCT Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về an toàn điện)
VẬN DỤNG
Hãy quan sát và chỉ ra những điểm mất an toàn, có thể là nguyên nhân gây ra tai nạn điện ở nơi em sống.