trang 113
BÀI 25: KHU BẢO TỒN ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGÔ-RÔNG-GÔ-RÔ
ĐỌC
Kể những việc con người đã làm để bảo vệ động vật hoang dã.
KHU BẢO TỒN ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGÔ-RÔNG-GÔ-RÔ
Khu bảo tồn động vật Ngô-rông-gô-rô có diện tích 8 202 ki-lô-mét
vuông, nằm ở phía đông bắc quốc gia Tan-da-ni-a (Châu Phi). Tên của khu
bảo tồn được đặt theo tên của miệng núi lửa Ngô-rông-gô-rô, một núi lửa
lớn nằm trong vườn quốc gia. Ngô-rông-gô-rô theo tiếng địa phương có
nghĩa là “Quà tặng cuộc sống”. Khu bảo tồn được UNESCO công nhận là
Di sản thế giới.
Nơi đây có khoảng 25 000 loài động vật, trong đó có tê giác đen, trâu
rừng Châu Phi, linh dương đầu bò, ngựa vằn, hà mã, sư tử,… Ở khu bảo tồn,
các loài động vật được sinh sống trong môi trường tự nhiên và không sợ bị
săn bắn. Vì thế sự xuất hiện của con người không làm chúng sợ hãi. Lũ sư
tử nằm nghỉ dưới tán cây, dửng dưng nhìn những chiếc xe du lịch lướt qua
trang 114
Nhiều chú voi lững thững đi qua đường, ngay
trước mũi xe của du khách. Trong công viên
có hàng nghìn con hồng hạc sống quanh các
hồ nước. Mỗi lần cất cánh, chúng tạo nên một
đám mây trắng hồng phủ kín một khu vực của
vùng bình nguyên.
Bạn nghĩ sao về những loài động vật sống
trong khu bảo tồn Ngô-rông-gô-rô?
(Theo Minh Quang)
1. Tên gọi của khu bảo tồn động vật hoang dã có gì đặc biệt?
2. Chi tiết nào thể hiện rõ nhất sự phong phú của các loài động vật sống
trong khu bảo tồn? Tìm câu trả lời đúng.
A. Có hàng nghìn con hồng hạc.
B. Có diện tích 8 202 ki-lô-mét vuông.
C. Có khoảng 25 000 loài động vật.
D. Có nhiều loài thú: tê giác, trâu rừng, hà mã, sư tử,…
3. Những chi tiết nào cho biết các loài động vật ở khu bảo tồn được sinh
sống tự do và không sợ bị săn bắn?
4. Em có suy nghĩ gì về những loài động vật sống trong khu bảo tồn
Ngô-rông-gô-rô?
5. Nêu nội dung chính của bài.
LUYỆN TỪ VÀ CÂU
LỰA CHỌN TỪ NGỮ
1. Xếp các từ có tiếng bình dưới đây vào nhóm thích hợp:
bình an, bình chọn, bình luận, bình yên, thanh bình,
bình phẩm, bình xét, hoà bình
a. Bình có nghĩa là yên ổn; b. Bình có nghĩa là xem xét, xác định.
2. Tìm từ thích hợp ở bài tập 1 thay cho bông hoa.
a. Ai cũng mong ước có một cuộc sống 🌸
b. Chim bồ câu là loài chim tượng trưng cho 🌸
c. Làng quê Việt Nam đẹp và 🌸
trang 115
3. Dựa vào tranh, lựa chọn từ ngữ để hoàn thành câu. Giải thích lí do
lựa chọn.
a. Đàn chim én 🌸 giữa trời xanh.
bay; lượn; chao liệng
b. Ve sầu 🌸 trên những cành phượng vĩ để chào đón
mùa hè.
kêu; ca hát; kêu ran
c. Chú nghé con đang🌸mấy nhánh cỏ non.
nhấm nháp; ăn; gặm
Ghi nhớ
– Để biểu đạt cùng một ý nghĩa, có thể dùng nhiều từ ngữ khác nhau.
– Cần dùng từ ngữ phù hợp với hoàn cảnh sử dụng.
– Việc dùng từ ngữ chính xác hoặc độc đáo làm cho câu văn thêm sinh động
4. Tìm từ phù hợp thay cho ô vuông để câu văn tạo được ấn tượng
với người đọc.
a. Giọt sương ? trên phiến lá.
b. Trăng ? với những vì sao đêm.
c. Nắng ban mai ? lụa tơ vàng óng trên cánh đồng
trang 116
VIẾT
VIẾT ĐOẠN VĂN TƯỞNG TƯỢNG
Chọn 1 trong 3 đề dưới đây:
Đề 1: Đóng vai Sơn Tinh kể lại cuộc chiến đấu với Thuỷ Tinh hoặc đóng vai
Thuỷ Tinh nói chuyện với Sơn Tinh khi mình thua trận (câu chuyện “Sơn Tinh,
Thuỷ Tinh” ).
Đề 2: Đóng vai Mi-lô thuyết phục cha cho mình tham gia lớp học chơi trống
(câu chuyện “Nghệ sĩ trống”).
Đề 3: Đóng vai ông nhạc sĩ nói lên suy nghĩ khi nghe thấy lời thì thầm của
bé Mai (câu chuyện “Ông Bụt đã đến”).
1. Chuẩn bị.
– Chọn câu chuyện và nhân vật để đóng vai.
– Đọc lại hoặc nhớ lại câu chuyện. Lưu ý các nhân vật và chi tiết quan trọng.
2. Viết.
– Lựa chọn cách xưng hô phù hợp (ví dụ: xưng “ta” khi đóng vai Sơn Tinh
để nói chuyện với Thuỷ Tinh; xưng “con” khi đóng vai Mi-lô nói chuyện với
cha; xưng “tôi” khi đóng vai ông nhạc sĩ;…).
– Bổ sung những chi tiết mới (vừa phù hợp với câu chuyện và sự phát triển
tính cách của nhân vật, vừa mang yếu tố bất ngờ).
3. Chỉnh sửa.
Đọc lại đoạn văn, tự sửa các lỗi về nội dung (như gợi ý ở mục 2) và các lỗi về câu, từ,...
Thay lời chú sư tử trong khu bảo tồn động vật hoang dã Ngô-rông-gô-rô,
kể về cuộc sống của mình.